Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 18/05/2020, 08:56 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng quán triệt quan điểm của Đảng về công tác tôn giáo

Công tác tôn giáo là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhận thức rõ điều đó, Bộ đội Biên phòng đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là Chỉ thị số 36-CT/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác tôn giáo, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lợi dụng những vấn đề khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nhất là biên giới, biển, đảo, các thế lực thù địch, phản động tăng cường hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, lôi kéo, kích động quần chúng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; chia rẽ đồng bào có đạo với đồng bào không có đạo, người Kinh với các dân tộc thiểu số; chia rẽ mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Trên địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và Tây Nam Bộ, các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo câu kết, móc nối với các thế lực bên ngoài tuyên truyền, kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động trái pháp luật của đạo Tin Lành và một số tà đạo; chia tách, nâng cấp, mở rộng, tự lập các giáo xứ, giáo họ; kích động quần chúng khiếu kiện, biểu tình, chống đối, gây mất ổn định an ninh, trật tự, v.v.

Trước tình hình đó, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc các hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia; đồng thời, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tập huấn cho cán bộ Biên phòng các tỉnh, thành phố trực tiếp làm công tác vận động quần chúng. Các đơn vị tổ chức tập huấn cho gần 20.000 lượt cán bộ chính trị, nghiệp vụ về công tác tôn giáo và chỉ đạo biên soạn trên 16.000 tài liệu về công tác này. Để chủ động nắm chắc tình hình liên quan đến công tác tôn giáo ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng đã tăng cường triển khai các đội trinh sát, vận động quần chúng xuống các địa bàn trọng điểm, phức tạp; tổ chức tuyên truyền hơn 91.000 buổi cho trên 03 triệu lượt quần chúng, tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, giúp đồng bào nâng cao cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật.

Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức  Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 36/CT-ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương nay là Quân ủy Trung ương). (Ảnh bienphong.com.vn)

Quán triệt quan điểm “dựa vào dân, lấy dân làm gốc”, Bộ đội Biên phòng đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện đoàn kết lương - giáo, “kính Chúa yêu nước”, tham gia xóa đói, giảm nghèo; tăng cường lực lượng nắm tình hình tại các địa bàn trọng điểm, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng tôn giáo ở khu vực biên giới. Các đơn vị đã tham mưu, phối hợp với địa phương tổ chức 435 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 8.590 lượt chức sắc, chức việc, người có uy tín trong tôn giáo, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tín đồ tôn giáo đối với hệ thống chính quyền các cấp. Tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở: tăng cường 332 cán bộ cho các xã biên giới; giới thiệu 1.560 đảng viên tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, xóm, bản biên giới; phân công gần 10.000 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách gần 43.000 hộ gia đình, kết nạp hơn 17.000 thanh niên vào đảng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho địa phương, nhất là địa bàn tập trung nhiều đồng bào tôn giáo, góp phần xóa 572 thôn, bản “trắng” đảng viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tôn giáo của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới còn một số hạn chế: nắm những hoạt động trái pháp luật có lúc chưa kịp thời; dự báo các tình huống phức tạp còn chậm; công tác tuyên truyền, vận động giáo dân chưa thường xuyên; nội dung, hình thức, phương pháp chưa thật phù hợp với đặc điểm đối tượng và địa bàn. Việc phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng trong thực hiện chính sách tôn giáo cũng như tham mưu cho địa phương trong quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo ở một số đơn vị còn hạn chế. Trình độ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác vận động quần chúng ở địa bàn tôn giáo chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, v.v. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nội dung sau.

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Cùng với việc nắm chắc nội dung Luật, nghị định về tín ngưỡng, tôn giáo, cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 36-CT/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), nhất là Kết luận số 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, về “công tác dân tộc” và “công tác tôn giáo”. Thực tế cho thấy, những hạn chế trong nhận thức của một số cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng về tôn giáo và công tác tôn giáo đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác này ở khu vực biên giới. Do vậy, việc quán triệt cho Bộ đội Biên phòng về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và chính sách tôn giáo là rất cần thiết, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác tôn giáo. Quá trình tiến hành cần nắm vững nguyên tắc: mọi hoạt động về công tác tôn giáo phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chỉ huy đơn vị và của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác tôn giáo cho đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng, nhất là những hiểu biết về giáo lý, giáo luật, lễ nghi, cơ cấu tổ chức tôn giáo; phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, v.v.

Hai là, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào tôn giáo “sống tốt đời đẹp đạo”, “kính Chúa yêu nước”. Do đặc điểm địa bàn là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển, đảo, trình độ dân trí thấp, nên nhận thức của đồng bào về mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo còn nhiều hạn chế. Vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cho tín đồ, chức sắc, chức việc tôn giáo. Quá trình tiến hành, cần căn cứ đặc điểm của từng đối tượng để có nội dung, phương pháp phù hợp; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giúp đồng bào nhận thức đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo. Theo đó, “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”; “Nghiêm cấm việc lợi dụng tôn giáo để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi,…”. Từ đó, động viên, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào tôn giáo vừa tham gia hoạt động tín ngưỡng đúng pháp luật, vừa tích cực góp phần quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Để nâng cao hiệu quả công tác này, Bộ đội Biên phòng cần xây dựng và duy trì mối quan hệ mật thiết với địa phương, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của chức sắc, chức việc và các tín đồ tích cực; đồng thời, coi trọng giáo dục, bồi dưỡng quân nhân là người có đạo, người dân tộc thiểu số trở thành lực lượng ưu tú, làm nòng cốt thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo trên địa bàn.

Ba là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là vùng tôn giáo ở khu vực biên giới, biển, đảo. Quán triệt phương châm chỉ đạo của Đảng trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia: “Dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân và của cả hệ thống chính trị; bảo vệ biên giới quốc gia là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân...”, Bộ đội Biên phòng tiếp tục phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ tăng cường; đảng viên sinh hoạt tại chi bộ các xóm, bản biên giới, phụ trách hộ dân cư; nhân rộng Đề án “Bố trí cán bộ Biên phòng vào cấp ủy các huyện, thành phố biên giới, biển, đảo”. Tham mưu giúp các địa phương vùng tôn giáo xây dựng cơ sở chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và dự bị động viên vững mạnh. Các đơn vị quản lý đất có liên quan đến tôn giáo sử dụng vào mục đích quốc phòng phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Kết hợp quân dân y”, “Nâng bước em đến trường”, v.v. Duy trì và thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào tôn giáo phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, xóa đói giảm nghèo, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tôn giáo ở khu vực biên giới.

Bốn là, thường xuyên nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu xử lý tốt các tình huống phức tạp liên quan đến hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia. Các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn làm tốt công tác nắm tình hình dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, từ đó đề xuất chủ trương, biện pháp đấu tranh có hiệu quả. Khi có vụ việc, tình huống phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo ở địa bàn, phải luôn tuân thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền địa phương; thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng; nắm vững và thực hiện tốt phương châm lấy vận động, thuyết phục là chính; đồng thời, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong dân tộc thiểu số để giải quyết các vụ việc, không để tình huống xấu xảy ra. Cần phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp ngay từ đầu, không để lây lan, kéo dài, tạo sơ hở để chúng lợi dụng kích động, lôi kéo hình thành “điểm nóng”. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, kết hợp vạch trần âm mưu lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Với vai trò là “lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác tôn giáo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá, TS. NGUYỄN XUÂN BẮC, Phó Giám đốc Học viện Biên Phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...