Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:14 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Bộ đội Biên phòng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời là lực lượng quan trọng trong xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Vì thế, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng là nội dung quan trọng, cần tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng luôn xác định đối ngoại biên phòng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thấu suốt điều đó, những năm qua, Bộ đội Biên phòng đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động đối ngoại biên phòng và đạt được kết quả quan trọng.
Quan hệ biên phòng với các nước láng giềng đi vào thực chất, có chiều sâu, hợp tác hiệu quả, nền nếp, chính quy; công tác tổ chức đoàn ra, đoàn vào các cấp trong Bộ đội Biên phòng đạt kết quả tốt. Phối hợp với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng tổ chức tuần tra song phương được hàng trăm lần với hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ1. Qua đó, đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; giải quyết tốt vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực hai bên biên giới Việt Nam - Lào; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên xuất cảnh, nhập cảnh trái phép sang Cam-pu-chia và hoạt động khác của các thế lực thù địch trong khu vực hai bên biên giới.
Bộ đội Biên phòng đã tham mưu và tổ chức tốt các hoạt động, chương trình giao lưu, kết nghĩa hai bên biên giới, như: Chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ Tư” tại tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); Giao lưu “Hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào lần thứ Nhất” cấp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Chương trình sơ kết giao lưu công tác chính trị lần thứ Hai giữa Bộ đội Biên phòng 7 tỉnh biên giới tuyến Việt Nam - Trung Quốc với Công an Biên phòng Trung Quốc. Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới có 137 (cặp)/265 đồn biên phòng tổ chức kết nghĩa với các đồn, đại đội Bộ đội Biên phòng và Công an Biên phòng các nước láng giềng; tổ chức kết nghĩa 151 cụm bản dân cư hai bên biên giới. Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố đã nhận đỡ đầu 2.802 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới, trong đó có 87 học sinh người Lào và 91 học sinh người Cam-pu-chia. Nhiều văn bản, thỏa thuận hợp tác biên phòng được ký, tạo hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động đối ngoại biên phòng.
Cùng với hoạt động song phương, hợp tác quốc tế đa phương trong lĩnh vực biên phòng cũng được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, theo tinh thần: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, từng bước đưa nước ta hội nhập với thế giới, tạo dựng và củng cố môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong hoạt động đối ngoại, Bộ đội Biên phòng luôn tích cực tham gia xây dựng các thể chế, cơ chế hợp tác thuộc lĩnh vực quốc phòng với các nước, như: Liên bang Nga, Ô-xtrây-li-a, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan,... theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Các nội dung hợp tác tập trung vào lĩnh vực phối hợp quản lý, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành, đào tạo tiếng Anh cho cán bộ Bộ đội Biên phòng. Quá trình trao đổi, hợp tác bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sơ hở, lộ lọt thông tin, đặc biệt là các trường hợp đối tác nhạy cảm.
Mặt khác, Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt công tác phối hợp đón, tiễn tàu quân sự nước ngoài đến thăm Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục; đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn và viện trợ, giúp lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân ở khu vực hai bên biên giới, v.v. Thông qua các hoạt động đối ngoại biên phòng, mối quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ biên giới hai bên ngày càng thân thiện, hiểu biết lẫn nhau và tạo được sự đồng thuận trong việc kịp thời giải quyết có hiệu quả các vụ việc xảy ra trên biên giới, góp phần giữ vững ổn định biên giới quốc gia.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là ở cơ sở có thời điểm chưa chặt chẽ, kịp thời; nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ về nhiệm vụ đối ngoại biên phòng còn hạn chế. Năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ đối ngoại có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; hình thức quan hệ đối ngoại, phối hợp chưa phong phú, linh hoạt và phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể trên từng tuyến biên giới, v.v. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực những năm tới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Trên các tuyến biên giới, hải đảo, cùng với các hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt; việc quan hệ đối ngoại với các nước lớn cũng nảy sinh những phức tạp mới. Điều đó đòi hỏi công tác đối ngoại biên phòng phải đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Vì vậy, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ đối ngoại biên phòng. Đây là nhân tố quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị, bảo đảm cho mọi hoạt động đối ngoại biên phòng đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đạt hiệu quả cao. Các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng, trước hết là cấp ủy, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Trên cơ sở đó, cấp ủy, chỉ huy từng cấp cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của cấp mình, bảo đảm chặt chẽ, theo chiều sâu, với nhiều giải pháp đột phá, phù hợp với đặc điểm địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại biên phòng trên từng tuyến biên giới. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan, đơn vị cần nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm đối ngoại của Đảng, Quân ủy Trung ương và các quy định của Bộ Quốc phòng về hoạt động đối ngoại. Đồng thời, quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “...vừa hợp tác, vừa đấu tranh,... nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước,... kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc...”2. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị tiếp tục chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII); Chỉ thị 87-CT/QUTW, ngày 08-7-2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy chế công tác, tạo chuyển biến mạnh mẽ về lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác quan trọng này.
Hai là, chủ động mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế về biên phòng, đưa công tác này đi vào chiều sâu thực chất. Để thực hiện tốt yêu cầu này, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng chủ động nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình trên các tuyến biên giới, nhất là các cơ chế, chính sách đối ngoại của các nước có liên quan,... làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Đối với các nước láng giềng, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả; trong đó, tập trung hợp tác chặt chẽ triển khai thực hiện các hiệp định về quy chế quản lý biên giới; về phân giới cắm mốc và giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh. Đồng thời, mở rộng các hình thức, mô hình hoạt động: diễn tập phòng, chống khủng bố; đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, di dịch cư trái phép qua biên giới, v.v. Đối với các nước trong cộng đồng ASEAN, mở rộng quan hệ, hợp tác trên các mặt, lĩnh vực, nhất là hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, v.v. Đối với các nước bạn bè truyền thống, nước lớn, như: Nga, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Pháp,... Bộ đội Biên phòng tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác toàn diện, trên các lĩnh vực, tập trung vào trao đổi kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh, cung cấp các trang, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho nhiệm vụ kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, tổ chức đoàn ra, đoàn vào, v.v. Quá trình quan hệ, hợp tác phải kiên định về chiến lược, nhưng hết sức linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, bảo đảm thỏa mãn lợi ích của mỗi nước và không làm ảnh hưởng đến nước khác.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, tổ chức thực hiện công tác đối ngoại biên phòng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Tính chất nhiệm vụ đối ngoại biên phòng rất phong phú, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực và liên quan nhiều cấp, ngành, lực lượng và địa phương. Vì thế, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong thực hiện nhiệm vụ này được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hết sức sát sao. Để công tác đối ngoại biên phòng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, Bộ đội Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương, nhân dân hai bên biên giới tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật. Hoạt động đối ngoại biên phòng cần phải phối hợp với các hoạt động tuần tra song phương; đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, thường xuyên trao đổi thông tin, tình hình, quản lý, kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh; duy trì nền nếp các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm, kết nghĩa đồn, trạm biên phòng và cụm, bản dân cư hai bên biên giới. Thực hiện tốt công tác này, góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống và tin cậy lẫn nhau.
Bốn là, không ngừng bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ Biên phòng nói chung, trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Đây là vấn đề có tính then chốt trong nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và đối ngoại biên phòng cả trước mắt và lâu dài. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ làm nhiệm vụ đối ngoại nói riêng cần được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết, tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, chế độ và nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực, trình độ chuyên môn giỏi, đủ khả năng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng vừa là cán bộ Bộ đội Biên phòng mẫu mực, vừa là người quản lý, bảo vệ biên giới, vừa là nhà ngoại giao. Để làm được điều đó, phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, trọng tâm là giáo dục nâng cao trình độ lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những nội dung liên quan đến công tác đối ngoại, quan hệ, hợp tác quốc tế; bản chất, truyền thống văn hóa dân tộc, truyền thống Quân đội, Bộ đội Biên phòng; tinh thần cảnh giác cách mạng, phân biệt rõ đối tượng, đối tác. Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, lòng tự tôn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ.
Thường xuyên huấn luyện trang bị kiến thức quân sự, quốc phòng, ngoại giao, bồi dưỡng năng lực quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các hiệp định, hiệp nghị, công ước và tập quán quốc tế, kiến thức đối ngoại biên phòng; biết tiếng Anh, tiếng dân tộc trên địa bàn; am hiểu nhất định về kiến thức khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Rèn luyện cho cán bộ, nhân viên chuyên môn đối ngoại biên phòng về bản lĩnh nghiệp vụ. Khi thực hiện, cần giữ đúng nguyên tắc, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, luật pháp trong nước, quốc tế liên quan tới nhiệm vụ. Mặt khác, tích cực bồi dưỡng các hoạt động lễ tân đối ngoại cho cán bộ, nhân viên chuyên môn đối ngoại biên phòng; đồng thời, lựa chọn cán bộ, nhân viên lễ tân, phiên dịch, biên dịch gửi Bộ Ngoại giao bồi dưỡng. Vì đây là khâu quan trọng của công tác đối ngoại biên phòng, tạo bầu không khí trọng thị, lịch sự, thân thiện,... góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại biên phòng.
Trung tướng, PGS, TS. HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ________________
1 - Năm 2017, tuần tra song phương: tuyến Việt Nam - Trung Quốc: 90 lần/1.138 cán bộ, chiến sĩ (Việt Nam: 614; Trung Quốc: 524); tuyến Việt Nam - Lào 144 lần/1.460 cán bộ, chiến sĩ (Việt Nam: 978; Lào: 482); tuyến Việt Nam - Cam-pu-chia: 120 lần/1.424 người (Việt Nam: 826 người; Cam-pu-chia: 598 người). Tuần tra đơn phương: tuyến Việt Nam - Trung Quốc: 2.095 lần/10.268 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.482 dân quân; tuyến Việt Nam - Lào: 1.412 lần/6.372 lượt cán bộ, chiến sĩ, 645 dân quân; tuyến Việt Nam - Cam-pu-chia: 2.187 lần/12.156 lượt cán bộ, chiến sĩ, 1.342 dân quân.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 153.
Bộ đội Biên phòng,hợp tác quốc tế,đối ngoại
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học