Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 10/01/2014, 10:12 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng An Giang tích cực tham gia xây dựng mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới”
Bộ đội Biên phòng An Giang giúp người dân biên giới đắp lộ giao thông nông thôn (Nguồn: baovanhoa.vn)

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh về xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”, góp phần làm cho cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng và đồng bào các dân tộc vùng biên giới trên địa bàn ngày thêm khởi sắc.

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) An Giang làm nhiệm vụ quản lý đường biên dài gần 100 km, tiếp giáp 02 tỉnh Takeo và Kandal của Cam-pu-chia. Nơi đây, địa bàn đa dạng, phức tạp; có 18 xã, thị trấn thuộc 05 huyện, thị biên giới (Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, Châu Đốc, Tân Châu); có 04 dân tộc (Kinh, Hoa, Chăm, Khmer) cùng sinh sống; với nhiều tôn giáo hoạt động: Phật giáo, Hồi giáo, Cao đài, Hòa hảo,… Người dân chủ yếu sinh sống bằng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ và làm thuê. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với nỗ lực của các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh, đời sống của đồng bào vùng biên giới An Giang có nhiều khởi sắc: kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng cơ bản; điều kiện về y tế, giáo dục, an sinh xã hội có sự chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được tăng cường. Đặc biệt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu, rộng trong các khóm, ấp, góp phần đưa văn hóa của Đảng đến với đồng bào các dân tộc, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, lành mạnh, bài trừ hủ tục, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, so với yêu cầu chung thì mức sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp; hệ thống thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng còn nghèo nàn; đời sống văn hóa cơ sở còn nhiều thiếu thốn, mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của đồng bào còn thấp,… Thực trạng trên đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra giải pháp cụ thể, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, lực lượng, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

Ngay sau khi có văn bản ký kết phối hợp hoạt động giữa BĐBP An Giang với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh về xây dựng Mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên giới”, Đảng ủy Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của BĐBP. Đảng ủy Biên phòng Tỉnh xác định: trước hết, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Biên phòng phải là những người có văn hóa, đạo đức, lối sống tốt; có trình độ hiểu biết phong tục, tập quán, nhu cầu thưởng thức văn hóa của đồng bào; nói đi đôi với làm; kỷ luật dân vận nghiêm; phong thái chững chạc, sâu sát, gần gũi với nhân dân. Bởi vậy, cùng với việc tham gia xây dựng Mô hình, Đảng ủy yêu cầu phải gắn với thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”; đưa văn hóa vào mọi lĩnh vực hoạt động của bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi để rèn luyện phẩm chất, nhân cách của người quân nhân cách mạng. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI); Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao trách nhiệm” và khắc phục khuyết điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng; tích cực đấu tranh loại trừ những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, quá trình hội nhập, các thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của CB,CS. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận cao giữa đơn vị với địa phương; cùng chung sức thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và tích cực tham gia xây dựng Mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” theo Kế hoạch đã xác định.

Cùng với đó, Đảng ủy Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh tổ chức giao nhiệm vụ, triển khai các nội dung cụ thể cho các đồn Biên phòng; coi đó là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của người chỉ huy và hoạt động của cơ quan chức năng. Từ sự chỉ đạo của trên, cấp ủy, chỉ huy các đồn Biên phòng đã trực tiếp trao đổi, thống nhất với Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã nơi đơn vị đóng quân tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nội dung, chương trình tham gia xây dựng thôn, ấp văn hóa. Đồng thời, quán triệt các tiêu chí về Mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” đã được Ủy ban nhân dân Tỉnh phê chuẩn, làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Theo đó, địa bàn xã, ấp trở thành “Điểm sáng văn hóa biên giới” phải là những nơi có hệ thống chính trị vững mạnh, các cơ quan, đoàn thể hoàn thành tốt nhiệm vụ; đời sống kinh tế - xã hội được cải thiện; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh; cơ sở hạ tầng được xây dựng cơ bản, giao thông thuận tiện, cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp; tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định, không có điểm nóng, các tệ nạn xã hội. Đồng thời, phải đáp ứng các chỉ tiêu cụ thể: gia đình văn hóa đạt 80%; ấp văn hóa 70%; cơ quan, đơn vị văn hóa 70%; xóa đói giảm nghèo hằng năm giảm từ 01% - 03%. Để hình thành các “Điểm sáng văn hóa biên giới”, việc xây dựng các thôn, ấp văn hóa còn phải gắn với đồn Biên phòng mới tạo ra tổng thể không gian văn hóa cộng đồng, có ý nghĩa tích cực trong bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, tình quân - dân cho CB,CS và nhân dân trên vùng biên giới. Do đó, các đồn Biên phòng cũng phải được xây dựng cơ bản để trở thành đơn vị có môi trường văn hóa tốt đẹp cả về hình thức và nội dung; thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa bổ ích của bộ đội và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Nơi đây cũng là địa chỉ tin cậy để cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương gửi gắm tình cảm, chỗ dựa vững chắc trong các hoạt động; ngăn ngừa thói hư, tật xấu, xóa bỏ hủ tục, thói quen sinh hoạt thiếu văn hóa trong cộng đồng.

Xác định việc tham gia xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới” cũng là một nội dung của công tác dân vận, nên CB,CS các đồn Biên phòng đã tích cực làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa - tinh thần trên vùng biên giới; coi đó là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt của địa phương, giải quyết tốt các mối quan hệ trong cộng đồng, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm “tắt lửa, tối đèn có nhau”. Thông qua đó, CB,CS Biên phòng đã động viên đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và Quy chế dân chủ cơ sở; nắm vững các tiêu chí xây dựng “Điểm sáng văn hóa biên giới”; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phòng, chống tệ nạn xã hội; công tác “đền ơn đáp nghĩa”, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; chấp hành nghiêm Quy chế biên giới, bảo đảm an toàn giao thông1,… Đồng thời, luôn tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của nhân dân tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; xây dựng các quy ước, hương ước phù hợp với đặc điểm, điều kiện và phong tục, tập quán địa phương; bình xét hộ nghèo, gia đình văn hóa; xây dựng nông thôn mới,… Ngoài ra, CB,CS các đồn Biên phòng còn đến từng gia đình để tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ tệ nạn xã hội; tích cực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, như: nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, hệ thống truyền thanh, tủ sách,… nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Do trình độ văn hóa của đồng bào còn thấp, việc thực hiện các tiêu chí văn hóa còn khó khăn, nên CB,CS phải hướng dẫn cụ thể từng việc, chỉ rõ những vấn đề nên làm, nên tránh; cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, tạo niềm tin yêu của nhân dân đối với BĐBP. Trên cơ sở đó, động viên họ tích cực tham gia các hoạt động tập thể, gắn bó với địa phương, tạo phong trào quần chúng rộng rãi, cùng nhau xây dựng Mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới”.

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, đến nay, việc xây dựng Mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới” trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt mục đích, yêu cầu đề ra, góp phần xây dựng cộng đồng ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo sự đồng thuận cao, giàu lòng nhân ái, giàu bản sắc dân tộc. Hằng năm, chi bộ các khóm, ấp đều đạt trong sạch, vững mạnh; các tổ chức, đoàn thể luôn được củng cố, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các hoạt động văn hóa, thể thao, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; tình đoàn kết quân - dân ngày thêm gắn bó; những tranh chấp, khiếu kiện, mất đoàn kết trong dân được giải quyết kịp thời. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nâng cấp; vệ sinh môi trường sạch sẽ. Các xã địa bàn biên giới đã phổ cập giáo dục tiểu học (từ năm 2007); 100% trẻ em đến tuổi vào lớp một. Việc chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện; trên 80% hộ gia đình có kinh tế ổn định, không có hộ đói. Nơi ăn, ở, sinh hoạt của người dân hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dùng nước sạch đạt 95%. Chuồng, trại chăn nuôi của đồng bào được quy hoạch cách biệt với nơi sinh hoạt; các cầu tiêu trên sông, rạch, hầm cá được giải tỏa; nhà tiêu đủ tiêu chuẩn đạt 65%. Việc cưới, việc tang được thực hiện theo nếp sống mới, nhưng vẫn phù hợp với phong tục, tập quán, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Các hủ tục được bài trừ; tình trạng nhân dân sang bên kia biên giới đánh bạc, đá gà,… giảm đáng kể. Nhiều ấp có phòng đọc sách, sân khấu ngoài trời, điểm bưu điện văn hóa xã phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Các câu lạc bộ đờn ca tài tử, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền hoạt động thường xuyên. Việc giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao giữa nhân dân địa phương với bộ đội các đồn Biên phòng diễn ra sôi nổi, nhất là trong dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các thiết chế văn hóa cơ sở được sử dụng đúng mục đích. Mối quan hệ giữa nhân dân khu vực biên giới hai nước Việt Nam – Cam-pu-chia trên địa bàn Tỉnh ngày thêm gắn bó, đoàn kết, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị,… Đến nay, địa phương đã công nhận 20 điểm gắn với 11 đồn Biên phòng đạt “Điểm sáng văn hóa biên giới”; 05 xã đạt tiêu chuẩn “Xã văn hóa”; 67 khóm, ấp/73 khóm, ấp đạt tiêu chuẩn “Ấp văn hóa”; 37.392 hộ/45.418 hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”, v.v.

Thời gian tới, CB,CS BĐBP An Giang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia thực hiện tốt Mô hình “Điểm sáng văn hóa biên giới”, thiết thực góp phần xây dựng địa bàn giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, đẹp về cảnh quan, môi trường, thực sự là phên dậu vững chắc trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Đại tá NGUYỄN THƯỜNG LỄ

Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Tỉnh
____________

1 - BĐBP An Giang đã tổ chức tuyên truyền được 415 buổi, với 17.874 lượt người nghe; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phát hành 26.000 tờ bướm, 10.000 áp phích, 08 cụm pa-nô tuyên truyền; cấp 18 bộ máy vi tính nối mạng, khai thác in-tơ-nét ở 18 xã, phường, thị trấn biên giới; tham gia 10.767 ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng và giúp dân phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...