Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 24/04/2023, 07:31 (GMT+7)
Binh chủng Hóa học quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị

Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Là cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí sinh học, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hóa học đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học đã lĩnh hội, tổ chức quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu cùng các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết; đồng thời, xác định những nội dung, biện pháp chủ yếu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai thực hiện. Trong đó, vấn đề “Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học; xử lý chất độc hóa học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất, làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” mà Nghị quyết đề cập được Binh chủng xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quan trọng này sẽ góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, gìn giữ hòa bình, phát triển bền vững, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ những nội dung, giải pháp căn cơ sau:

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học. Trong thực tiễn, các tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học và chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học xảy ra chưa nhiều, nhưng rất nguy hiểm và gây hậu quả khôn lường cho toàn xã hội. Do vậy, các cơ quan, đơn vị cần tập trung đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học làm cho bộ đội nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của bộ đội Hóa học. Nội dung giáo dục tập trung vào xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, kỹ năng trong phòng, chống, xử lý các sự cố hóa, sinh học, phóng xạ và thảm họa môi trường; niềm tin vào vũ khí, trang bị và niềm tin chiến thắng; từ đó, nâng cao quyết tâm, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ. Để đạt hiệu quả, các đơn vị cần tích cực đổi mới công tác giáo dục bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; trong đó, phát huy vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và làm tốt công tác tổng kết, biểu dương điển hình tiên tiến ở từng đơn vị.

Ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học và chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học là nhiệm vụ mới, khó, phức tạp, không chỉ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương trong một quốc gia, mà còn liên quan tới các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, v.v. Điều đó đòi hỏi các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình tác nhân sinh học, kịp thời định hướng dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chống tư tưởng và hành động chủ quan, song cũng không hoang mang, dao động; đồng thời, bóc gỡ, loại bỏ những thông tin xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng sự phức tạp của tình hình để chống phá đất nước, nhất là trên không gian mạng.

Thực hành thu gom hóa chất, chất thải môi trường đưa về nơi xử lý trong diễn tập ứng phó sự cố môi trường (DM20)

Hai là, tiếp tục tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Chính phủ xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học. Đây là nội dung, giải pháp cơ bản, cốt lõi. Bởi, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học còn thiếu, chưa đồng bộ; Nghị quyết số 36 là văn bản đầu tiên của Bộ Chính trị đưa ra định hướng đầy đủ cho việc phát triển công nghệ sinh học phục vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, trong đó có nội dung ứng phó tình huống chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học. Do vậy, cần thể chế hóa hệ thống pháp luật đồng bộ để ứng phó có hiệu quả tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học và chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học. Thực hiện nội dung này, cùng với đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất với Bộ Quốc phòng và Chính phủ các vấn đề liên quan đến thực thi các điều ước quốc tế1, Binh chủng cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hiện hành, xác định những văn bản cần ban hành, cần sửa đổi bổ sung và những nội dung cần thiết để thực thi đồng bộ, thống nhất, hiệu quả. Trong đó, coi trọng việc xây dựng các quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác nhân sinh học và chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học.

Ba là, thường xuyên nghiên cứu, dự báo chính xác tình hình an ninh sinh học trên thế giới, tham mưu, đề xuất với Bộ Quốc phòng các biện pháp ứng phó, xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình phát triển của vũ khí hủy diệt hàng loạt là một trong những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp đối phó cũng như trong xây dựng, phát triển lực lượng, vũ khí, trang bị, huấn luyện, kế hoạch tác chiến của Binh chủng. Theo đó, Binh chủng chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình liên quan đến an ninh sinh học, đặc biệt là tác nhân sinh học và vật liệu liên quan đến vũ khí sinh học; tăng cường cơ chế giám sát, nắm chắc các hoạt động nghiên cứu, phát triển các tác nhân sinh học, sử dụng vũ khí sinh học, v.v. Trên cơ sở đó, chủ động, tích cực tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các giải pháp đề phòng, ứng phó với các tình huống an ninh phi truyền thống do các tác nhân sinh học gây bệnh cho người, gây bệnh trên diện rộng và hoạt động khủng bố, gây bạo loạn có sử dụng tác nhân sinh học, như: tổ chức hệ thống phòng thủ dân sự ứng phó dịch bệnh truyền nhiễm; tổ chức các cuộc diễn tập ở các quy mô khác nhau. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về “lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Binh chủng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, bảo hộ cá nhân, bảo hộ tập thể, các giải pháp phát hiện nhanh chủng vi rút. Phát triển các hệ thống cảnh báo từ sớm, từ xa, cũng như xây dựng các kịch bản ứng phó với việc sử dụng vũ khí sinh học, tác nhân sinh học ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau cả trong và ngoài Quân đội.

Bốn là, chủ động xây dựng lực lượng, trang bị mạnh, bảo đảm sẵn sàng ứng phó việc sử dụng vũ khí sinh học, tác nhân sinh học. Hiện nay lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học và chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học còn mỏng, trang thiết bị ứng phó còn thiếu, trình độ cán bộ chưa đồng đều, v.v. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đặc biệt coi trọng tập trung xây dựng, tổ chức lực lượng hóa học chuyên trách tinh, gọn, mạnh, có khả năng chiến đấu, khả năng cơ động cao đáp ứng yêu cầu chống khủng bố hóa học, sinh học, phóng xạ trong mọi tình huống. Trong đó, ưu tiên xây dựng lực lượng hóa học chuyên trách chống khủng bố phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Binh chủng, bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; được biên chế trang bị phương tiện chuyên dụng thế hệ tiên tiến để trinh sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tình huống hóa học, sinh học, phóng xạ; cơ động nhanh và tham gia chiến đấu giải thoát con tin, vô hiệu hóa bọn khủng bố. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện và đào tạo, làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, sát thực tiễn, bảo đảm đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, phương án, chuẩn bị sẵn các nguồn lực; thường xuyên tổ chức diễn tập phòng, chống việc sử dụng vũ khí sinh học, tác nhân sinh học nhằm nâng cao năng lực chỉ huy, điều hành, kỹ năng thực hành, khả năng phối hợp của các lực lượng và năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm tranh thủ sự giúp đỡ cả về vật chất, trang bị cũng như kinh nghiệm tổ chức chỉ đạo, thực hiện của các nước tiên tiến trên thế giới. Vì vậy, Binh chủng tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến an ninh sinh học nói riêng, ứng phó sự cố hóa chất độc, sinh học, bức xạ, hạt nhân nói chung, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ mạng lưới giám sát an ninh sinh học liên kết toàn cầu, nhất là tăng cường triển khai mạng lưới chuyên gia quân sự ASEAN về hóa học, sinh học, phóng xạ. Trong đó, đẩy mạnh hợp tác về dự báo, cảnh báo, sử dụng trang thiết bị, cơ chế phối hợp hành động; nghiên cứu chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam. Đồng thời, tích cực tham gia các đợt diễn tập, tập huấn về phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học trong khu vực để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ tổ chức, chỉ huy và ứng phó với các tình huống.

Phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, phức tạp và có tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, bộ đội Hóa học luôn phải phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, lực lượng và địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Binh chủng chủ động ký kết các văn bản, xây dựng, triển khai kế hoạch, xử trí các tình huống sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và thảm họa môi trư­ờng xảy ra. Tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhân dân về nguy cơ độc xạ, sự cố hóa chất thời bình; xây dựng lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại chỗ về mặt hóa học, sinh học, phóng xạ và quy trình biện pháp xử trí kịp thời khi có tình huống xảy ra trên địa bàn. Phối hợp với các cơ quan chức năng, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện tổ chức biên chế các cơ quan, đơn vị hóa học trong Quân đội theo quy định của Bộ Tổng Tham mưu làm nhiệm vụ xử lý các sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ và phòng, chống phổ biến vũ khí sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học.

Thiếu tướng HÀ VĂN CỬ, Tư lệnh Binh chủng
___________________

1 - Công ước cấm vũ khí sinh học (BWC) năm 1972 (Việt Nam phê chuẩn tháng 6/1980) và Nghị định thư Giơnevơ năm 1925 về cấm sử dụng trong chiến tranh các khí độc, khí ngạt và các phương pháp chiến tranh vi trùng (Việt Nam phê chuẩn tháng 12/1980).

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...