Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 05/07/2012, 15:44 (GMT+7)
Bắc Ninh quán triệt và thực hiện quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh

Không phải cứ phát triển mạnh kinh tế – xã hội là quốc phòng – an ninh được tăng cường. Nếu nhận thức không đúng, không thấu suốt quan điểm của Đảng về thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược thì sẽ mắc sai lầm, phát triển kinh tế một chiều.

alt
Lực lượng dân quân thành phố Bắc Ninh luyện tập

Ý thức đầy đủ vấn đề đó, tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là quan điểm về kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới và Nghị quyết Đại hội XI. Trong đó, Tỉnh xác định: phát triển KT-XH là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, QP-AN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. 

Trên cơ sở đánh giá đúng thế mạnh về vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lực con người, với tiềm năng của vùng đất văn hiến, có truyền thống cách mạng và nền văn hóa Kinh Bắc giàu bản sắc, sau 15 năm tái lập tỉnh, đến nay Bắc Ninh đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Kinh tế năm 2011 so với năm 2007 tăng gấp 6,6 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm; GDP bình quân đầu người đạt 2.130 USD. Từ một tỉnh chủ yếu là nông nghiệp và thủ công nghiệp truyền thống, đến nay Bắc Ninh đã đứng đầu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đứng trong top 10 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 70,7%; dịch vụ đạt 20,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 8,5%. Hoạt động tài chính – ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, thu ngân sách đạt hơn 7.100 tỷ đồng. Môi trường kinh doanh được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 xếp thứ 2 toàn quốc. Bộ mặt đô thị và nông thôn được đổi mới; dân chủ ở cơ sở được bảo đảm, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và đoàn thể nhân dân được coi trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, sáng tạo; chính sách hậu phương quân đội được triển khai sâu, rộng...

Quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới” và Nghị định số 152/2008/NĐ-CP của Chính phủ “Về xây dựng KVPT”, Tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ trọng yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương. Vì vậy, những năm gần đây, công tác xây dựng KVPT của Tỉnh có bước chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu. Hệ thống công trình quốc phòng được đầu tư xây dựng cơ bản; các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, kỹ thuật được củng cố, hoàn thiện bảo đảm yêu cầu quy định. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện quyết tâm phòng thủ sát với thực tế địa bàn và có sự thống nhất chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, lấy cơ quan quân sự làm trung tâm hiệp đồng. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH, Tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp thẩm định chặt chẽ các dự án kinh tế, nhất là trong quy hoạch xây dựng đô thị, đường giao thông, các khu công nghiệp, làng nghề; thường xuyên bổ sung, kiện toàn các kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh... Đến nay, Tỉnh đã xây dựng kế hoạch định hướng sản xuất hàng quốc phòng trong thời chiến cho 15 khu công nghiệp, 23 cụm công nghiệp, trên 2.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN ở Bắc Ninh còn thể hiện bằng kết quả của công tác giáo dục QP-AN trong việc nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. Nhờ vậy, tiềm lực mọi mặt của KVPT Tỉnh được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng vững chắc gắn với thế trận an ninh nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.

alt
Trao tặng Nhà tình nghĩa cho gia đình thương binh
 

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng của Tỉnh. Sự kết hợp giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN có lĩnh vực chưa thể hiện rõ, còn biểu hiện “nặng” về kinh tế. Sự tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp còn thiếu bền vững, vì chủ yếu dựa vào khu vực đầu tư nước ngoài (năm 2011, khu vực này chiếm 73,4% giá trị sản xuất công nghiệp). Quy hoạch, tổ chức không gian kinh tế còn hạn chế, có trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của QP-AN. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền một số cơ sở chưa cao; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, như: đất đai, xây dựng cơ bản còn hạn chế...

 Quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 18 (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã xác định nhiệm vụ: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang (LLVT)... Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, tăng cường đầu tư, đáp ứng yêu cầu xây dựng KVPT Tỉnh1. Đây là những định hướng lớn trong công tác lãnh đạo về QP-AN ở Bắc Ninh. Theo đó, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục chăm lo xây dựng KVPT vững mạnh toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và QP-AN...

Là một tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trong lịch sử cũng như hiện nay, Bắc Ninh luôn có vị trí chiến lược đối với cả nước. Nhận thức rõ điều đó, trên cơ sở các định hướng lớn của Đảng, Bắc Ninh tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để xây dựng tiềm lực QP,QS, thực hiện mỗi bước phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Tỉnh tập trung quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về QP-AN; đồng thời, bám sát sự phát triển về KT-XH để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường tiềm lực QP-AN. Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, từng mặt công tác đi đôi với thực hiện tốt nhiệm vụ QP-AN; tăng cường sự quản lý của Nhà nước để sẵn sàng chuyển từ tiềm lực quốc phòng thành thực lực quốc phòng khi có tình huống chiến tranh xảy ra.

Trong phát triển KT-XH, Tỉnh tập trung khai thác triệt để các lợi thế so sánh, phát triển công nghiệp và dịch vụ theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển đồng bộ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phấn đấu giá trị sản xuất tăng bình quân 20,5%/ năm, tạo tiền đề để Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Khuyến khích đầu tư các ngành công nghệ cao trong các khu công nghiệp và tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống; phấn đấu 100% số xã có ít nhất một nghề phi nông nghiệp. Tổ chức không gian kinh tế và đô thị, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với không gian truyền thống Bắc Ninh; chú trọng hoàn thiện quy hoạch đô thị, giao thông và các ngành quan trọng khác theo hướng kết nối liên thông kết cấu hạ tầng của Tỉnh với kết cấu hạ tầng quốc gia và các tỉnh trong khu vực, nhằm phục vụ phát triển KT-XH và sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ QP,QS. Đổi mới, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng CNH,HĐH; quy hoạch hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao; phấn đấu đến năm 2015 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Trong phát triển văn hoá, Tỉnh tập trung xây dựng nền văn hoá tiên tiến, mang đậm truyền thống văn hoá Kinh Bắc; trong đó, chú trọng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Dân ca Quan họ, các lễ hội truyền thống. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNH,HĐH và phục vụ sự nghiệp QP-AN, Tỉnh tiếp tục chăm lo phát triển giáo dục - đào tạo, y tế theo hướng mở rộng quy mô, chất lượng, đa dạng về loại hình, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhân dân.

Trong công tác xây dựng Đảng, Tỉnh tập trung quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý, rèn luyện đảng viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm g­ương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác giáo dục QP-AN tập trung nâng cao nhận thức cho nhân dân về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, kết hợp với thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng… tạo sự đồng thuận của toàn xã hội để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. 

Trên cơ sở thành tựu phát triển KT-XH, Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, có trình độ và khả năng chiến đấu cao. Trong đó, chú trọng xây dựng bộ đội thường trực đủ về số lượng theo quy định, có chất lượng cao, làm nòng cốt trong công tác QP,QS địa phương. Xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh; trong đó, chú trọng xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp sát thực tế, bảo đảm tận dụng được thành tựu của quá trình CNH,HĐH trên địa bàn. Trước sự phát triển của các thành phần kinh tế, sự tăng nhanh về số lượng các doanh nghiệp trên địa bàn, Tỉnh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp; đẩy mạnh xây dựng tổ chức đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong các doanh nghiệp (nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước); kết hợp với tăng cường giáo dục QP-AN cho các đối tượng là chủ doanh nghiệp, cán bộ Công đoàn, Đoàn Thanh niên... Mặt khác, Tỉnh tăng cường chỉ đạo việc phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng (bộ đội, dân quân tự vệ và công an) theo tinh thần Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ để thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu về chính trị, quân sự và kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT-XH. 

Tự hào, phát huy truyền thống văn hiến và những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT tỉnh Bắc Ninh tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, quyết tâm xây dựng Tỉnh ổn định về chính trị, xã hội, giàu về kinh tế, vững mạnh về QP-AN, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới.

TRẦN VĂN TUÝ

Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

                  

1 - ĐCSVN, Tỉnh uỷ Bắc Ninh - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ 18, Xưởng in Báo Bắc Ninh,  B. 2010, tr. 33.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...