Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 26/12/2022, 08:14 (GMT+7)
Bác bỏ luận điệu xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại làm ảnh hưởng đến tiềm lực kinh tế của đất nước

Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hiện đại là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là vấn đề khách quan mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải tiến hành và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với mưu đồ chống phá, các thế lực thù địch cho rằng: xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại làm ảnh hưởng đến tiềm lực kinh tế của đất nước. Đây là luận điệu hoàn toàn sai trái, cần đấu tranh bác bỏ.

Trong văn kiện nhiều kỳ đại hội của Đảng, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân luôn được xác định: xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Tới Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”1. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nên chủ trương của Đảng là phải tiến hành từng bước, trong nhiều năm, thậm chí nhiều chục năm, khi điều kiện kinh tế - xã hội cho phép sẽ hiện đại hóa Quân đội và Công an. Đó là vấn đề hết sức bình thường đối với mỗi quốc gia, dân tộc, nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Vậy mà, ngay sau khi Đại hội XIII của Đảng đề cập đến việc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội, Công an tiến tới hiện đại thì xuất hiện luận điệu: xây dựng Quân đội, Công an hiện đại làm ảnh hưởng đến tiềm lực kinh tế của đất nước.

Có thể hiểu quan điểm trên xuất phát từ nhiều trạng thái tư tưởng khác nhau. Cũng có ý kiến như vậy là do băn khoăn, lo lắng chính đáng vì đất nước vừa trải qua đại dịch Covid-19, lại gặp thiên tai, bão lụt triền miên, còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư lớn để hiện đại hóa Quân đội, Công an sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Quan điểm như vậy là bình thường và được giải tỏa ngay nếu có đầy đủ thông tin và có sự nghiên cứu thấu đáo. Vấn đề ở đây là sự không bình thường, là luận điệu sai trái để lôi kéo, kích động, chống lại chủ trương hiện đại hóa Quân đội và Công an - lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song, chúng ta có đủ luận cứ để bác bỏ luận điệu này.

Thứ nhất, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân từng bước hiện đại là chủ trương đúng đắn, nhất quán của Đảng và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta. Đảng ta luôn xác định việc xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh là nội dung trọng yếu của nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đặt nó trong toàn bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là nguyện vọng thiết tha của các tầng lớp nhân dân ta mong muốn xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân nói riêng hiện đại, hùng mạnh, làm nòng cốt cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đủ sức răn đe, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân dựa vào sức mạnh tổng hợp của chế độ ta; xây dựng một cách toàn diện và có trọng điểm các yếu tố, tạo thành sức mạnh chiến đấu tổng lực để bảo vệ Tổ quốc. Và trên thực tế, việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung phát triển năm 2011) là “Xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, được Nhân dân tin yêu”, đã đạt được những thành tựu nổi bật. Sức mạnh tổng hợp, khả năng chiến đấu của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được chú trọng xây dựng và từng bước nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Lực lượng vũ trang đã nâng cao tinh thần chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu; các quân chủng, binh chủng của Quân đội và các lực lượng trọng yếu của Công an đã được củng cố, tăng cường; vũ khí, khí tài được nâng cấp và trang bị tốt hơn; một số quân chủng, binh chủng của Quân đội và một số lực lượng tinh nhuệ của Công an đã phát triển theo hướng chính quy, tinh nhuệ và đi thẳng tới hiện đại. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp của đội quân cách mạng, đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ, gắn bó máu thịt với nhân dân, có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế cao cả, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Có được kết quả như vậy nhưng tiềm lực kinh tế của đất nước không hề bị ảnh hưởng mà còn phát triển vững chắc.

Thứ hai, hiện đại hóa Quân đội và Công an là nhiệm vụ quan trọng và là yêu cầu mới đặt ra trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lịch sử hình thành, tồn tại, phát triển của dân tộc Việt Nam là lịch sử quang vinh của quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là quy luật phát triển của dân tộc, của đất nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau; là hai nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Xây dựng Tổ quốc hùng mạnh là điều kiện cơ bản để bảo vệ Tổ quốc. Đến lượt mình, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được thực hiện trọn vẹn sẽ bảo đảm cho đất nước bình yên, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân yên tâm chung lòng, góp sức xây dựng, phát triển đất nước.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên luôn được thực hiện trong những điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Dự báo, những năm tới, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động rất phức tạp, khó lường. Chạy đua vũ trang, xung đột vũ trang, chiến tranh lạnh kiểu mới, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy gia tăng, trật tự thế giới đang bị xáo trộn phức tạp được thể hiện rất rõ trong cuộc xung đột chưa từng có tại Ukraine. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức cho mọi quốc gia. Tình hình đó đặt ra yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và Công an như một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, qua 36 năm đổi mới, tiềm lực kinh tế đất nước đã tăng lên mạnh mẽ, bảo đảm vững chắc cho việc từng bước xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại. Thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hình thành, phát triển, nâng tầm kinh tế đất nước lên trình độ, tầm cao mới. Năm 2012, GDP của nước ta ở mức 155,8 tỉ USD và con số đó đã gấp đôi lên 362 tỉ USD vào năm 2021. Tỷ trọng của Việt Nam trong GDP khu vực ASEAN cũng tăng lên, tỷ lệ này ở mức 6,5% trong thập kỷ trước thì nay là 10,8%. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2021 đã đạt 3.743 USD, đứng thứ sáu trong Cộng đồng ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đặc biệt, trong 9 tháng của năm 2022, kinh tế Việt Nam có bước phát triển ngoạn mục; tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 9 tháng đạt 8,83%, ước cả năm đạt khoảng 8%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt trên 558 tỉ USD, tăng 15%; dự báo cả năm có thể đạt khoảng 800 tỉ USD. Trên cơ sở đó, những năm qua, chúng ta đã từng bước thực hiện hiện đại hóa lực lượng vũ trang; một số quân chủng, binh chủng của Quân đội, một số đơn vị đặc biệt của Công an đã được hiện đại hóa trong khi nền kinh tế không chỉ đáp ứng cho nhiệm vụ này, mà còn tiếp tục phát triển, tiềm lực nền kinh tế không ngừng tăng lên một cách bền vững. Hơn nữa, khi Quân đội và Công an từng bước hiện đại hóa, phát triển mạnh mẽ, vững chắc, sẽ trở thành động lực bảo đảm cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế đất nước; như Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Đây là điều kiện tiên quyết để phấn đấu năm 2030 chúng ta xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thứ tư, việc hiện đại hóa đối với Quân đội và Công an không chỉ về vũ khí, trang bị, mà còn được tiến hành một cách tổng thể, đồng bộ, thiết thực. Nhìn một cách tổng quát, việc xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hiện đại phải căn cứ vào phương hướng, mục tiêu, nguyên tắc và định hướng chính sách về quốc phòng, an ninh, phát huy truyền thống độc lập, tự chủ, sáng tạo để xác định các chủ trương, biện pháp đúng đắn trong khi thực hiện hiện đại hóa. Hiện đại hóa Quân đội và Công an là việc xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ vững vàng về chính trị, mạnh về bản lĩnh chiến đấu, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, chức trách. Hiện đại hóa còn là hiện đại trong việc tổ chức lực lượng, về xây dựng chính quy; hiện đại về kỹ thuật, chiến thuật tinh thông, sẵn sàng thực hiện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao; hiện đại hóa về trình độ làm chủ khoa học công nghệ; hiện đại hóa trong dự báo chính xác tình hình thời cuộc; phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng hiện đại, v.v. Những nội dung trên cho thấy, việc hiện đại hóa Quân đội nhân dân, Công an nhân dân không ảnh hưởng đến tiềm lực kinh tế đất nước.

Những luận chứng trên khẳng định chủ trương của Đảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân nói riêng tiến lên hiện đại là hết sức đúng đắn, hoàn toàn có thể thực hiện thắng lợi. Bởi, chúng ta có một chế độ chính trị vững mạnh, ưu việt, được nhân dân ủng hộ và đồng lòng chung sức xây dựng; có một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang phát triển mạnh mẽ, đáp ứng điều kiện cần và đủ để xây dựng lực lượng vũ trang của đất nước hùng mạnh, sẵn sàng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

VŨ VĂN
________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157 - 158.

2 - Sđd, tr. 25.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...