Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 24/06/2021, 09:55 (GMT+7)
Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến ở Học viện Lục quân

Xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến là biện pháp tổ chức thi đua quan trọng, góp phần thúc đẩy phong trào Thi đua Quyết thắng phát triển. Do đó, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các giải pháp để thực hiện tốt việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến có ý nghĩa thiết thực.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều sự quan tâm, chăm lo xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình tiên tiến, xem đây là giải pháp hữu hiệu, đòn bẩy để phát huy tinh thần trách nhiệm, tài năng, trí tuệ của quần chúng thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Hồ Chí Minh là người đầu tiên khởi xướng, phát động việc học tập và làm theo các điển hình tiên tiến. Người chỉ rõ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”1 và “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”2. Thấu suốt tư tưởng đó, cùng với quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, kế hoạch, hướng dẫn của Tổng cục Chính trị, trọng tâm là: Chỉ thị số 507-CT/QUTW, ngày 28/7/2014 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và Kế hoạch xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020,… những năm qua, việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong Học viện Lục quân quan tâm đúng mức, có hình thức, bước đi, cách làm phù hợp; thực hiện tốt ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quá trình thực hiện đã kết hợp chặt chẽ với xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Nhờ đó, xuất hiện nhiều mô hình, tấm gương tiêu biểu, điển hình, có cách nghĩ, cách làm hay, sáng tạo, thực sự xứng đáng để thúc đẩy, cổ vũ mọi người học tập, noi theo. Tiêu biểu là: các mô hình “An toàn, thân thiện”, “Hai chủ động, hai tích cực” của Phòng Chính trị; “Giảng viên nòng cốt”, “Bài giảng kiểu mẫu” của các khoa giáo viên; “Năm nhất trong phục vụ diễn tập” của Phòng Đào tạo; “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, “Xây dựng tổ phương pháp” của các hệ quản lý học viên, v.v. Qua đó, đã khơi dậy trong cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ sức sáng tạo, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều thành tích trong công tác giáo dục, đào tạo.

Đại biểu dự Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2014 - 2019

Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này có cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị còn hạn chế; phương pháp, hình thức phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và tuyên truyền, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến có nơi còn cứng nhắc, chưa sáng tạo. Duy trì và giữ vững điển hình tiên tiến toàn diện và từng mặt chưa nhiều; còn biểu hiện hạ thấp tiêu chí, nên điển hình tiên tiến chưa thực sự rõ nét, tính thuyết phục và sự lan tỏa còn hạn chế, v.v.

Để tiếp tục thực hiện Hướng dẫn số 2326/HD-CT, ngày 03/12/2020 của Tổng cục Chính trị về công tác xây dựng điển hình tiên tiến trong Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả ở Học viện, cần nghiên cứu, vận dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó, chú ý một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chủ trì các cấp. Kinh nghiệm đã chỉ ra, việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến chỉ có thể phát triển vững chắc, đem lại hiệu quả thiết thực khi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì và cơ quan chính trị nhận thức đúng, hiểu rõ về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp, các khâu của công tác này và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi đua, khen thưởng. Xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là nội dung hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa động viên tinh thần, cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, mà còn là biện pháp tổ chức thực tiễn khoa học, có sức lan tỏa mạnh mẽ thúc đẩy phong trào. Nếu không thực hiện tốt nội dung này thì phong trào Thi đua Quyết thắng sẽ thiếu động lực tinh thần để mọi người phấn đấu vươn lên, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp trong Học viện cần bám sát nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; phong trào Thi đua Quyết thắng và kế hoạch của trên để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, phù hợp; phân công cấp ủy cụ thể. Trong triển khai, thực hiện tốt “ba trực tiếp”: chỉ đạo xây dựng kế hoạch; tổ chức triển khai kế hoạch; kiểm tra, đánh giá kết quả và sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị được lựa chọn xây dựng điển hình cần thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá kết quả, kịp thời phát hiện, khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chính trị trong tham mưu, đề xuất, hướng dẫn xây dựng các tiêu chí cụ thể để các cơ quan, đơn vị và từng cá nhân làm căn cứ phấn đấu trở thành điển hình tiên tiến; lấy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo điển hình tiên tiến; đôn đốc, kiểm tra tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất, hiệu quả trong Học viện. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng, tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”; kiên quyết khắc phục hạn chế, khuyết đểm trong xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Điển hình tiên tiến không phải là cái gì trừu tượng, khó phấn đấu, noi theo; phong trào thi đua càng phát triển tốt, càng nảy nở nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến. Tuy nhiên, thực tiễn ở Học viện Lục quân những năm qua cho thấy, có cấp ủy, chỉ huy quan niệm về điển hình tiên tiến chưa thực sự đầy đủ, rõ ràng; còn có sự nhầm lẫn giữa điển hình tiên tiến với người có thành tích; đồng nghĩa xây dựng điển hình tiên tiến với xây dựng đơn vị điểm và coi xây dựng điển hình tiên tiến là mục đích của phong trào thi đua,… cho nên xác định nội dung, biện pháp xây dựng điển hình tiên tiến chưa cụ thể, rõ ràng; phương pháp, hình thức tuyên truyền, nhân điển hình tiên tiến chưa sáng tạo, chưa kịp thời. Để khắc phục hạn chế này, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện tiêu chí, mô hình điển hình tiên tiến toàn diện và trên từng mặt. Trong xây dựng cần bám sát yêu cầu chung và tình hình thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của từng cá nhân; đảm bảo tính khái quát cao, dễ nhớ, dễ thực hiện; không đặt ra yêu cầu quá cao, hoặc quá khắt khe trong xác định tiêu chí và lựa chọn điển hình; song, phải khắc phục triệt để tình trạng hạ thấp tiêu chí. Tiến hành khảo sát, thẩm định, lựa chọn những tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu, hướng vào những cơ quan, đơn vị còn nhiều khó khăn để xây dựng điển hình tiên tiến, tránh làm tràn lan, không có trọng tâm, trọng điểm. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị được lựa chọn xây dựng điển hình tiên tiến phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, công phu, nghiêm túc, kiên trì, không nóng vội, chủ quan. Thực hiện bồi dưỡng điển hình tiên tiến bằng nhiều biện pháp, như: giao nhiệm vụ khó, phức tạp, việc khó, việc mới, khâu yếu, mặt yếu,… để họ vươn lên khẳng định mình, trưởng thành trong thực tiễn, kết hợp chặt chẽ với động viên, khích lệ (bằng tinh thần và vật chất). Đồng thời, đặt ra yêu cầu cao theo từng giai đoạn, từng đợt, từng nhiệm vụ cụ thể để điển hình tiên tiến phấn đấu, ngày một hoàn thiện và trở thành mẫu mực. Tránh hiện tượng áp đặt chủ quan, quá cầu toàn trong xây dựng điển hình hoặc quan tâm quá mức, thổi phồng thành tích, thiếu trung thực dẫn tới phản tác dụng. Phát huy sức mạnh của các tổ chức, lực lượng để theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho điển hình tiên tiến phát huy thành tích, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; kịp thời phát hiện những lệch lạc, khó khăn, vướng mắc để có biện pháp uốn nắn, chấn chỉnh.

Ba là, thường xuyên thực hiện tốt việc tuyên truyền, phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Bởi vì, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến không chỉ là hạt nhân của phong trào thi đua mà còn có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Do vậy, cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tôn vinh điển hình tiên tiến để các tập thể, cá nhân trong toàn Học viện học tập, phấn đấu, đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến. Để đạt hiệu quả, cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử và Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật - Chiến dịch của Học viện, truyền thanh nội bộ; qua đó, phổ biến kinh nghiệm hay, sáng tạo, hiệu quả, các giải pháp khắc phục khó khăn của tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến để các tập thể, cá nhân khác học tập, noi theo, v.v. Các cơ quan, đơn vị cần chủ động lập kế hoạch xây dựng, giữ vững điển hình tiên tiến với nội dung cụ thể, phương pháp khoa học, hiệu quả để nhân rộng thêm. Trong từng giai đoạn của phong trào thi đua, nên có sự điều chỉnh chỉ tiêu thi đua, tiêu chí phấn đấu cho điển hình tiên tiến, đảm bảo những điển hình tiên tiến mới có chất lượng cao hơn, toàn diện về mọi mặt. Kết hợp chặt chẽ giữa động viên, khuyến khích với quan tâm đến vật chất, tinh thần, tạo động lực giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò của các điển hình tiên tiến, tạo sức hút cho nhân tố mới phấn đấu vươn lên trở thành điển hình tiên tiến. Các tập thể, cá nhân được tôn vinh, khen thưởng không được thỏa mãn, dừng lại, bằng lòng với thành tích đạt được, mà phải xác định rõ trách nhiệm, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện để trở thành điển hình toàn diện hơn, xứng đáng với sự tôn vinh của tập thể.

Cùng với các giải pháp trên, cần thường xuyên tổ chức làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bảo đảm đúng thực chất, làm rõ ưu điểm, tập thể, cá nhân làm tốt, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm, việc làm chưa tốt, từ đó rút ra kinh nghiệm hay, bài học thiết thực để góp phần thúc đẩy công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn Học viện phát triển.

Đại tá, TS. TRẦN SINH HUY, Học viện Lục quân
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.

2 - Sđd, Tập 15, tr. 672.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.