Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 05/08/2021, 07:59 (GMT+7)
Xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ ở miền Đông Nam Bộ, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ có vai trò quan trọng, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực của từng địa bàn, khu vực, địa phương ngay trong thời bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, sẵn sàng huy động khi có tình huống về quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ này cần được tổ chức thực hiện với chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố - bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu, gồm các hoạt động về chính trị - tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại, v.v. Tiềm lực khu vực phòng thủ là khả năng về nhân lực, vật lực, tinh thần có thể huy động cho hoạt động của khu vực phòng thủ cả trong xây dựng, phát triển và khi có chiến tranh. Với đặc điểm địa hình đa dạng cả rừng núi, đồng bằng và biển, đảo; hệ thống giao thông thuận lợi, nhất là đường bộ kết nối với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ,… Đông Nam Bộ là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đồng thời cũng là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Điều đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ ở miền Đông Nam Bộ cần có những nội dung, giải pháp cụ thể; trong đó, xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng khu vực phòng thủ và phòng thủ quân khu trong xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ đối với địa bàn miền Đông Nam Bộ cần quan tâm đến một số vấn đề chủ yếu sau:

Thứ nhất, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nòng cốt để phát huy tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ. “Thế trận lòng dân” là loại hình thế trận đặc biệt, với nội dung cốt lõi là khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí độc lập dân tộc, tự lực, tự cường; củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương nói riêng, với Đảng, Nhà nước nói chung và là nguồn gốc cốt lõi tạo nên sức mạnh tổng hợp của khu vực phòng thủ. Nội dung này đã được đúc kết trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, trong các cuộc kháng chiến, cứu nước trước đây, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Do vậy, để xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ ở miền Đông Nam Bộ, nội dung này cần được chú trọng và phát huy, phát triển lên tầm cao mới. Với đặc điểm đa dạng về thành phần dân cư, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc đòi hỏi phải tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng làm tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng, nhất là chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, v.v. Xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn, đảm bảo phải thực sự gần dân, hiểu dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết tốt nguyện vọng của nhân dân, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp xã, phường. Tăng cường các hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng, chống và làm thất bại chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, phát huy hiệu quả tiềm lực kinh tế kết hợp xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự, quốc phòng vững chắc. Là trung tâm kinh tế lớn của khu vực phía Nam và cả nước, miền Đông Nam Bộ có tốc độ tăng trưởng nhanh với nhiều lĩnh vực, ngành nghề, đa dạng loại hình sản xuất, nhất là khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu chế xuất, v.v. Quy hoạch các đơn vị hành chính một số cấp ở miền Đông Nam Bộ có sự thay đổi, điều chỉnh, điều đó tạo thuận lợi để phát huy tiềm lực kinh tế, khoa học - công nghệ trong xây dựng khu vực phòng thủ. Song, để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, các cấp, các ngành cần quan tâm tới xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự, quốc phòng vững chắc, vừa bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, bền vững, vừa luôn ở thế chủ động về quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế phải bám sát chỉ tiêu trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng cơ sở hạ tầng để sẵn sàng huy động cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh; dự kiến các tình huống có thể xảy ra cả trong thời bình và thời chiến. Trong phát triển mạng lưới giao thông cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm lưu thông hàng hóa và kết nối các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, khu vực phòng thủ then chốt, nhất là khu vực biên giới và các địa bàn trọng điểm, ven biển. Hiện nay, miền Đông Nam Bộ đang triển khai xây dựng sân bay quốc tế Long Thành với quy mô và khả năng khai thác lớn, để bảo đảm yêu cầu quân sự, quốc phòng, có thế trận khu vực phòng thủ vững chắc, cần tuân thủ các tiêu chí đã xác định, quá trình xây dựng, khai thác kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố, phát huy hiệu quả tiềm lực kinh tế trong xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Thứ ba, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, thực sự làm nòng cốt về tiềm lực quân sự, an ninh trong khu vực phòng thủ. Miền Đông Nam Bộ có những yếu tố mới tác động đến xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đòi hỏi có sự điều chỉnh về tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện, hình thành thế trận vững chắc trong khu vực phòng thủ. Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI; Kết luận số 16-KL/TW, ngày 07/7/2017 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 606-NQ/QUTW, ngày 16/6/2018 của Quân ủy Trung ương về tổ chức lực lượng Quân đội đến năm 2021, các đơn vị trong khu vực cần chú trọng xây dựng lực lượng, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam trong tình hình mới. Cùng với đó, các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương trên địa bàn có bước phối hợp mới, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hình thành thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Công tác giáo dục - đào tạo, huấn luyện các lực lượng cần phải toàn diện, thiết thực, hiệu quả đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng quan trọng, trực tiếp bảo vệ cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, tính mạng, tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân thực hiện các nhiệm vụ trong khu vực phòng thủ và đánh giặc khi chiến tranh xảy ra, nên phải hết sức quan tâm xây dựng vững mạnh về mọi mặt, trong đó chú trọng vững mạnh về chính trị và tổ chức. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tuyên truyền, giáo dục và triển khai thực hiện tốt Luật Dân quân tự vệ năm 2019, tập trung công tác tổ chức, biên chế, đào tạo, huấn luyện các lực lượng, nhất là đội ngũ cán bộ quân sự cơ sở, huấn luyện nghiệp vụ cho các lực lượng dân quân trên địa bàn, bảo đảm cho lực lượng này luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thành thạo chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu; tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời, là lực lượng nòng cốt về công tác quân sự, quốc phòng ở các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy, công, nông, lâm trường, v.v. Mở rộng, nâng cao chất lượng hiệu quả các đề án, mô hình: dân quân thường trực, dân quân cơ động, chốt dân quân biên giới, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, dân quân tự vệ biển, lực lượng chính trị nòng cốt trong cộng đồng tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; địa phương phía sau, sâu trong nội địa hỗ trợ địa phương phía trước, giáp biển trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cả nước.

Thứ tư, phát huy hiệu quả tiềm lực đối ngoại quốc phòng. Thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng sẽ góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, bằng các biện pháp hòa bình. Công tác đối ngoại quốc phòng ở miền Đông Nam Bộ rất đa dạng, nhiều yếu tố tác động, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đô thị trung tâm có sự phát triển mạnh mẽ, với các hoạt động đối ngoại diễn ra thường xuyên, có một phần liên quan đến đối ngoại quốc phòng. Mặt khác, trên địa bàn có biên giới phía Tây Nam, vùng biển phía Nam, vừa là điều kiện thuận lợi để nâng cao hiệu quả tiềm lực đối ngoại trong xây dựng khu vực phòng thủ, đồng thời đòi hỏi có những nội dung, biện pháp hiệu quả để phát huy hiệu lực và giữ vững được tính ổn định, bền vững. Phát huy tiềm lực đối ngoại quốc phòng trong xây dựng khu vực phòng thủ ở miền Đông Nam Bộ, trước hết cần quan tâm công tác giáo dục, định hướng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, các đơn vị kinh tế liên doanh với nước ngoài hiểu rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước về quan hệ quốc tế, nhất là lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Triển khai đồng bộ, toàn diện nội dung, hình thức đa dạng, phương pháp khéo léo trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, vì mục đích hòa bình, ổn định và phát triển. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về đối ngoại có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ giỏi; ứng xử khôn khéo, linh hoạt trên thực địa, trong trao đổi đoàn, hội thảo khoa học, hợp tác trên các lĩnh vực, v.v. Xử trí các tình huống thận trọng, linh hoạt, trong khuôn khổ phạm vi cho phép của từng cấp, từng ngành, không để bị lợi dụng, làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ ở miền Đông Nam Bộ là nhiệm vụ gắn liền với các hoạt động phát triển tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung, biện pháp tiến hành cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa phù hợp với điều kiện của từng địa phương, khu vực, nhằm phát huy tối đa tiềm lực, bảo đảm tính bền vững và phát triển, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ THANH HIỆP, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.