Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:34 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Thế trận thông tin liên lạc trong tác chiến nói chung, tác chiến phòng thủ chiến lược đánh địch chia cắt chiến trường miền Trung, Tây Nguyên nói riêng là một bộ phận quan trọng, nền tảng vật chất quyết định bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh chiến trường lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành tác chiến thắng lợi. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp, cần được tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay từ thời bình.
Miền Trung, Tây Nguyên luôn là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng đất trải dài từ Bắc đến Nam dọc theo bờ biển, dung chứa nhiều tuyến giao thông huyết mạch, nhưng chiều ngang lại hẹp. Vì vậy, nếu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xảy ra, đây sẽ là nơi lý tưởng để kẻ địch và đồng minh tiến hành chia cắt chiến lược. Để thưc hiện ý đồ này, chúng chủ yếu sử dụng lực lượng tác chiến liên hợp, được trang bị vũ khí công nghệ cao, tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử quy mô lớn từ nhiều hướng vào các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế trọng yếu, nhất là các sở chỉ huy, trung tâm thông tin và hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều khiển vũ khí của ta. Trong bối cảnh đó, lực lượng thông tin liên lạc của ta cùng lúc phải bảo đảm cho nhiều thành phần lực lượng, nhiệm vụ, hình thức tác chiến, cả phòng ngự, tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, v.v. Trong khi đó, hoạt động tác chiến phòng thủ chiến lược thường diễn ra ngay từ đầu và suốt quá trình chiến tranh, trên nhiều hướng, nhiều khu vực, diễn biến nhanh, tình huống phức tạp; nhu cầu bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng rất lớn và khẩn trương. Để giữ vững thông tin liên lạc, bảo đảm bí mật, kịp thời, chính xác cho mọi tình huống trong tác chiến phòng thủ chiến lược, đòi hỏi phải tiến hành tổng hợp nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, xây dựng thế trận thông tin liên lạc là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định. Bài viết đề cập một số vấn đề về nội dung quan trọng này để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Một là, xây dựng thế trận thông tin liên lạc phù hợp với ý định tác chiến phòng thủ chiến lược trên địa bàn. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc trong tổ chức, sử dụng thông tin liên lạc; đồng thời, là giải pháp quan trọng hàng đầu bảo đảm tạo lập thế trận thông tin liên lạc vững chắc, thông suốt. Bởi lẽ, ý định tác chiến của người chỉ huy là cơ sở quan trọng hàng đầu để tạo lập thế trận tác chiến nói chung, thế trận thông tin liên lạc nói riêng. Vì vậy, trên cơ sở ý định tác chiến của Bộ Tư lệnh chiến trường, lực lượng thông tin cần xây dựng kế hoạch bố trí, triển khai các thành phần của hệ thống thông tin phù hợp với thế bố trí các lực lượng trên từng khu vực (hướng) tác chiến. Trong đó, chú trọng việc bố trí, triển khai, sử dụng các thành phần hệ thống thông tin nhằm phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời, vững chắc, bí mật cho lãnh đạo, điều hành và hiệp đồng tác chiến. Để đạt hiệu quả cao, thế trận thông tin liên lạc phải được xây dựng từ thời bình và dự kiến các phương án để sẵn sàng điều chỉnh thế bố trí lực lượng, phương tiện thông tin khi có chiến tranh. Trong thời bình, dựa trên cơ sở hệ thống thông tin hiện có, nhất là hệ thống thông tin của Binh chủng Thông tin liên lạc, các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, ngành và khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) trên địa bàn để quy hoạch, xây dựng hệ thống thông tin cố định cho phù hợp. Tập trung xây dựng, điều chỉnh thế bố trí các tổng trạm, trạm thông tin và hệ thống truyền dẫn theo đúng ý định tác chiến trên từng khu vực, hướng chiến trường. Chú trọng đầu tư xây dựng, phát triển mạng cáp quang rộng khắp và ưu tiên triển khai mới các vòng quang trên các địa bàn trọng điểm. Điều chỉnh vị trí và triển khai mới các trạm thông tin trên các trục, tạo thành các “điểm nút” liên kết giữa các tổng trạm, trạm và đường thông tin của các cấp. Đây sẽ là cơ sở cho lực lượng thông tin chiến trường kết nối, bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy, điều hành tác chiến khi chiến tranh xảy ra.
Cùng với đó, trên cơ sở phương án tác chiến phòng thủ của từng khu vực, địa bàn đã được phê duyệt, ngay từ thời bình, lực lượng thông tin cần xác định phương án vòng tránh, ngầm hóa một số đường trục, đường nhánh truyền dẫn trên các địa bàn trọng yếu, nhất là các thành phố, thị xã trọng điểm địch đánh phá bằng hỏa lực và vũ khí công nghệ cao. Đồng thời, chuẩn bị sẵn vị trí trạm thông tin và các tuyến trục dự bị để sẵn sàng di chuyển, kết nối khi có chiến tranh. Bước vào tác chiến, trên cơ sở hệ thống thông tin cố định được triển khai từ thời bình, lực lượng thông tin nhanh chóng triển khai hệ thống thông tin cơ động các cấp để hình thành thế trận thông tin liên lạc hoàn chỉnh, vững chắc trên phạm vi toàn chiến trường, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến.
Hai là, tạo lập thế trận thông tin liên lạc ổn định, vững chắc và linh hoạt. Địa hình miền Trung, Tây Nguyên kéo dài, bề ngang hẹp, phía Đông và Đông Nam tiếp giáp Biển Đông, phía Tây có đường biên giới với Lào và Camphuchia. Khi chiến tranh xảy ra, địch có thể triển khai tiến công từ nhiều hướng nên việc triển khai, bảo đảm thông tin liên lạc sẽ hết sức khó khăn. Để giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống, thế trận thông tin liên lạc phải bảo đảm ổn định, vững chắc trên từng khu vực, nhất là trên các khu vực trọng điểm.
Để làm được điều đó, hệ thống thông tin các cấp trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên phải được triển khai hoàn chỉnh, liên hoàn trên từng khu vực, có thể hoạt động độc lập hoặc sẵn sàng liên kết chặt chẽ để hỗ trợ cho nhau trong quá trình tác chiến. Trước mắt, tập trung xây dựng thế trận thông tin liên lạc của các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, thế bố trí chiến lược của các đơn vị trực thuộc Bộ và các ngành trên các địa bàn. Đồng thời, từng bước điều chỉnh, bố trí lực lượng thông tin cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật hợp lý trên các khu vực, tạo sự ổn định cả trong thời bình và trong thời chiến.
Xuất phát từ đặc điểm của tác chiến phòng thủ chiến lược đánh địch chia cắt chiến lược trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên diễn ra dài ngày, khẩn trương và quyết liệt; địch có thể tập trung lượng bom đạn lớn để tập trung đánh phá, nên đòi hỏi thế trận thông tin liên lạc phải vững chắc trong suốt quá trình tác chiến. Vì vậy, chỉ huy và cơ quan thông tin chiến trường cần nghiên cứu nắm chắc tình hình, bố trí lực lượng, phương tiện thông tin liên lạc phù hợp nhằm phát huy cao nhất sức mạnh, sở trường của từng lực lượng. Kết hợp chặt chẽ giữa bố trí, sử dụng hệ thống thông tin cố định với hệ thống thông tin cơ động; giữa thông tin quân sự và thông tin dân sự. Đồng thời, sử dụng kết hợp các loại phương tiện thông tin hiện đại với thô sơ và giữa các phương tiện thông tin vô tuyến điện với hữu tuyến điện, vệ tinh, viba, quân bưu, tín hiệu. Mặt khác, lực lượng thông tin chiến trường cần khai thác linh hoạt các tính năng của từng phương tiện, sử dụng đúng thời cơ để giữ vững thông tin liên lạc trong suốt quá trình tác chiến.
Với địa hình đa dạng, phức tạp vừa có biển, đồng bằng và rừng núi, nhưng ranh giới giữa các địa bàn này ở chiến trường Miền Trung, Tây Nguyên khá mờ nhạt nên địch có thể triển khai tiến công ta từ nhiều hướng. Song địa hình này cũng tạo thuận lợi cho ta thực hiện các hoạt động tác chiến phòng thủ, phòng ngự, tiến công, phản công rộng khắp,... để nhanh chóng đánh vào bên sườn, phía sau đội hình địch, v.v. Vì vậy, cùng với việc tạo lập thế trận thông tin liên lạc ổn định, vững chắc, cần xây dựng thế trận thông tin liên lạc linh hoạt, sẵn sàng chuyển hóa để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến. Thực hiện vấn đề này, lực lượng thông tin liên lạc của Chiến trường cần thường xuyên nắm chắc tình hình, nắm bắt thời cơ, nhanh chóng chuyển hóa thế trận, khẩn trương triển khai hệ thống thông tin cơ động, tạo ra thế trận thông tin liên lạc mới, đáp ứng những biến chuyển mau lẹ của chiến trường.
Ba là, kết hợp thế bố trí rộng khắp với tập trung có trọng điểm trên các khu vực (hướng) tác chiến. Tác chiến phòng thủ đánh địch chia cắt chiến lược trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên có tính tổng hợp cao, địa bàn rộng, nhiều lực lượng tham gia, vận dụng nhiều phương pháp tác chiến và hình thức chiến thuật. Vì vậy, xây dựng thế trận thông tin liên lạc phải rộng khắp, toàn diện trên các hướng, khu vực tác chiến. Để triển khai thế bố trí toàn diện và rộng khắp, quá trình quy hoạch phát triển mạng lưới thông tin cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh. Trên cơ sở nhu cầu bảo đảm thông tin liên lạc thời chiến để định hướng phát triển mạng lưới thông tin trong thời bình. Trong đó, cần tập trung, xây dựng các các trung tâm thông tin, nhất là các tổng trạm, các trạm thông tin cố định, các đường trục và các mạng thông tin trên các khu vực, hướng tác chiến. Từng bước đầu tư xây dựng mạng lưới thông tin đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, huyện ven biển và trên các tuyến đảo, tạo thành hệ thống thông tin liên hoàn, rộng khắp.
Trong tác chiến phòng thủ chiến lược, các trận đánh, chiến dịch có thể diễn ra đồng thời hoặc lần lượt trên các khu vực, hướng tác chiến và trong các thời điểm nhất định, nhất là ở những đô thị lớn, vùng đồng bằng ven biển và địa bàn Tây Nguyên. Vì vậy, ngoài bảo đảm thông tin liên lạc toàn diện, cần tập trung có trọng điểm để tập trung thế và lực cao nhất, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy, điều hành các lực lượng đánh địch, giữ vững các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế trọng yếu của chiến trường. Trong đó, tập trung bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh chiến trường thực hiện các trận đánh, chiến dịch phòng thủ, phản công, tiến công tiêu diệt, tiêu hao lớn, đánh bại địch trên các hướng quan trọng. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngoài việc tập trung lực lượng thông tin cố định trên các khu vực, hướng tác chiến quan trọng, cần bố trí, sử dụng lực lượng thông tin cơ động, thông tin dự bị phù hợp, sẵn sàng tăng cường chỉ huy cho các khu vực trọng điểm theo yêu cầu tác chiến. Đồng thời, sẵn sàng bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Tư lệnh chiến trường chỉ huy vượt cấp đến các đơn vị trực tiếp đánh địch trong những giai đoạn, thời điểm quyết định.
Cùng với các nội dung giải pháp trên, ngay từ thời bình, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện tổ chức, biên chế các lực lượng thông tin, nhất là lữ đoàn thông tin chiến lược, lữ đoàn thông tin quân khu và thông tin các đơn vị binh chủng, ngành đứng chân trên địa bàn. Trên cơ sở đó, điều chỉnh thế bố trí phù hợp; tăng cường huấn luyện, diễn tập để điều chỉnh, bổ sung các phương án tác chiến. Đầu tư nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tổ chức, bảo đảm thông tin liên lạc phù hợp với tổ chức, biên chế trang bị phương tiện thông tin hiện đại và nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta trong tình hình mới. Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất, mua sắm, đưa vào sử dụng các trang bị thông tin quân sự hiện đại, đa năng; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thông tin, sẵn sàng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá, TS. NGUYỄN TRỌNG VĨNH, Trường Sĩ quan Thông tin
Thông tin liên lạc,xây dựng thế trận,tác chiến phòng thủ chiến lược,miền Trung,Tây Nguyên
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc