Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 20/05/2022, 07:57 (GMT+7)
Xây dựng thế trận phòng thủ quân khu liên hoàn, vững chắc trên từng địa bàn chiến lược và cả nước

Thế trận phòng thủ quân khu là bộ phận hợp thành thế trận quốc phòng toàn dân trên phạm vi cả nước. Đây là nội dung rất quan trọng, bởi nó là một trong những nhân tố chủ yếu, quyết định đến sự ổn định của từng hướng chiến lược trong thế phòng thủ chung của đất nước. Vì thế, vấn đề này cần tiếp tục được quan tâm, nghiên cứu, đề xuất những giải pháp khoa học, thiết thực, góp phần tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, tạo thế phòng thủ liên hoàn, vững chắc trên từng địa bàn chiến lược và cả nước là nội dung quyết định tính vững chắc của thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Những năm qua, thực hiện chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh của Đảng, thế trận phòng thủ quân khu từng bước được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội; hình thành các khu vực, vùng chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, mẫu mực về văn hóa, xã hội. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng khu vực phòng thủ nói chung, thế trận phòng thủ nói riêng toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu độc lập, tự lực, tại chỗ, liên kết với thế trận phòng thủ quân khu; các công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, hệ thống kho tàng,… được xây dựng, từng bước hoàn chỉnh phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, vùng chiến lược và nghệ thuật tác chiến của lực lượng vũ trang. Hiện nay, cả nước đã xây dựng được 28 khu kinh tế - quốc phòng ở các địa bàn chiến lược biên giới đất liền, trên biển, đảo, góp phần tạo thành thế trận phòng thủ đất nước liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng xây dựng khu vực phòng thủ một số tỉnh, thành phố còn hạn chế; cơ chế lãnh đạo xây dựng và hoạt động chậm được tổng kết, phát triển; bảo đảm ngân sách xây dựng công trình quân sự, quốc phòng trong khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, còn mang tính vùng, miền và chưa thống nhất chung trên toàn quốc; phối hợp xử lý các tình huống phức tạp ở cơ sở có nơi còn lúng túng. Chất lượng xây dựng khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn vùng núi, biển, đảo còn hạn chế, v.v.

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, khó dự báo; Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Trong nước, các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá; các vấn đề về an ninh nông thôn, an ninh kinh tế, an ninh mạng,… cùng các thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục gia tăng, v.v.  Vì vậy, để góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng thế trận phòng thủ quân khu.

1. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố có tiềm lực, sức mạnh toàn diện, vững chắc, đáp ứng yêu cầu độc lập, tự lực, tại chỗ, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ quân khu. Khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) là bộ phận hợp thành hệ thống phòng thủ chung của quân khu và cả nước, giữ vị trí chiến lược, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ quân khu cần tiếp tục đổi mới, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng cũng như toàn dân, trọng tâm là đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, huyện, các sở, ngành trong hệ thống chính trị có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động khu vực phòng thủ các cấp. Trong đó, tập trung bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về quân sự, quốc phòng; về xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; phổ biến những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các địa phương để nhân rộng, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, cũng như phát huy “thế trận lòng dân” đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ trên từng địa bàn và cả nước.

Cùng với đó, chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân khu, bí thư các tỉnh, thành phố với vai trò là Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu (chủ trì lãnh đạo) trong xây dựng khu vực phòng thủ; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành thống nhất của chính quyền các cấp; nâng cao năng lực làm tham mưu, hướng dẫn tổ chức thực hiện của cơ quan quân sự, công an, biên phòng,… trong xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ, bảo đảm yêu cầu vững chắc, vừa có khả năng phòng thủ độc lập, tự lực, tại chỗ, bảo vệ an toàn địa bàn, vừa hỗ trợ địa bàn khác và liên hoàn, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ quân khu, thống nhất trong tổng thể quyết tâm tác chiến bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, quy chế nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng, huy động các nguồn lực xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ, trách nhiệm của các lực lượng, nòng cốt là lực lượng vũ trang trong xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn. Củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của ban chỉ đạo phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ và hội đồng cung cấp khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ1 và quan điểm “làng giữ làng, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh”.

2. Tăng cường xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng, nâng cao tính toàn diện, vững chắc của thế trận phòng thủ quân khu và thế trận quốc phòng toàn dân. Đây là giải pháp có tính đột phá, nhằm tạo ra những thành tố hữu hình, vững chắc, mang tính quy hoạch tổng thể của thế trận phòng thủ quân khu. Các cơ quan chức năng quân khu phải bám sát chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, hướng dẫn của Cục Tác chiến, đặc điểm, nhiệm vụ từng tỉnh, thành phố và quân khu, tiếp tục tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các quân khu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch thế trận phòng thủ quân khu trên nền tảng thế trận phòng thủ các tỉnh, thành phố; kết hợp thực hiện các quy hoạch đang triển khai với điều chỉnh, bổ sung quy hoạch theo ý định tác chiến phòng thủ chiến lược chung của đất nước, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, thế bố trí dân cư theo yêu cầu tác chiến tại chỗ và nghệ thuật tác chiến, khả năng, sở trường của lực lượng vũ trang quân khu cũng như phương thức tác chiến mới của đối phương trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Trong đó, chú trọng quy hoạch, xây dựng các công trình quân sự, quốc phòng gắn với quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh, thành phố; gắn xây dựng cơ sở hạ tầng của từng địa phương với xây dựng các công trình của khu vực phòng thủ. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương gắn với xây dựng các chốt chiến dịch, chiến lược, kho hậu cần, kỹ thuật chiến lược và hệ thống đường cơ động,… trong thời bình; đồng thời, có kế hoạch, phương án mở rộng, bổ sung, hoàn thiện khi có chiến tranh. Ưu tiên xây dựng các công trình phòng thủ trên tuyến biên giới, biển, đảo, địa bàn chiến lược trọng điểm (đường Trường Sơn Đông, đường tuần tra biên giới,…). Xây dựng, củng cố hệ thống công trình phòng thủ biển, đảo gắn với xây dựng một số cơ sở dịch vụ khai thác nguồn lợi từ biển trên các đảo xa bờ, nhằm tăng thêm thành phần dân sự, kinh tế và tính pháp lý của chủ quyền quốc gia đối với vùng biển, đảo; chú trọng nâng cao khả năng cơ động, chi viện, liên kết chặt chẽ thế trận bờ - biển - đảo, v.v. Quá trình xây dựng phải chú ý gắn chặt với tổ chức lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện tác chiến mới cả trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng, v.v.

3. Xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng ở địa bàn trọng điểm biên giới, biển, đảo. Các đơn vị kinh tế - quốc phòng thực hiện chức năng đội quân lao động sản xuất cần tập trung điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm khâu trung gian, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, ưu tiên quân số cho các đơn vị, lực lượng trực tiếp lao động sản xuất. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực về quản lý, phát triển kinh tế, kiến thức, kinh nghiệm về kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chuyên môn kỹ thuật, cán bộ là người địa phương và trí thức trẻ tình nguyện. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, công tác vận động quần chúng, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, củng cố “thế trận lòng dân”, thế trận khu vực phòng thủ.

Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu kinh tế - quốc phòng. Tập trung nghiên cứu đổi mới cơ chế thu hút, quản lý đầu tư, phối hợp, điều hành xây dựng khu kinh tế - quốc phòng và cơ chế huy động các nguồn: nhân lực, trí lực, vật lực, tài lực của Nhà nước, doanh nghiệp,… cho các đoàn kinh tế - quốc phòng, trọng tâm là địa bàn trọng điểm biên giới, biển, đảo. Tiếp tục thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân khu, binh đoàn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ chính trị với chức năng sản xuất, kinh doanh của một số doanh nghiệp trong đoàn kinh tế - quốc phòng, làm cơ sở tập trung vào nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể xây dựng, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên hướng biển, đảo xa bờ, nhất là khu vực Trường Sa, Tây Nam Bộ theo Kết luận số 10-KL/TW, ngày 08/7/2021 của Bộ Chính trị về “Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên hướng chiến lược Tây Nam của Tổ quốc”. Chủ động xây dựng quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án, khu kinh tế - quốc phòng, bảo đảm phù hợp với thế trận phòng thủ quân khu trên các hướng chiến lược, khả năng ngân sách, đặc điểm, nhiệm vụ địa bàn; chú trọng đồng bộ hóa, kiên cố hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình lưỡng dụng gắn với bố trí lại dân cư, đất ở, nhà ở bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cán bộ, công nhân viên đơn vị kinh tế - quốc phòng và nhân dân khi mưa lũ, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm định canh, định cư lâu dài trên địa bàn chiến lược biên giới, biển, đảo; góp phần xây dựng thế trận phòng thủ quân khu liên hoàn, vững chắc trên từng địa bàn (hướng) chiến lược và cả nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng ĐÀO TUN ANH, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng
__________________

1 - Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.