Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 20/01/2012, 05:02 (GMT+7)
Xây dựng "thế trận lòng dân" trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết Đại hội X của Đảng khẳng định: “xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”1. Nghị quyết Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh: “xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc”2. Điều đó chứng tỏ, trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” có vai trò đặc biệt quan trọng.

alt
Chung vui cùng bà con trong ngôi nhà đại đoàn kết do BĐBP trao tặng (nguồn: Báo Biên phòng)

Việc tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” là thể hiện sự vận dụng đúng đắn và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử của Đảng ta; đồng thời, là sự kế thừa và nâng lên tầm cao mới truyền thống, kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong điều kiện lịch sử mới. Sự vững mạnh của “thế trận lòng dân” là yếu tố bảo đảm cho sự bền vững của giang sơn, yên bình của “trăm họ”; đồng thời, là nhân tố quan trọng để răn đe, làm nhụt ý chí xâm lược của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Xây dựng “thế trận lòng dân”, về bản chất là xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần, ý chí, quyết tâm, niềm tin vào thắng lợi, mà cốt lõi là lòng yêu nước của nhân dân ta. Mục tiêu xây dựng “thế trận lòng dân” là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, làm cho mọi người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; tham gia tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Thực chất xây dựng “thế trận lòng dân” là quá trình khơi dậy, quy tụ và phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức và lòng tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến lược bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thực tiễn lịch sử cho thấy: vấn đề “lòng dân” luôn có tầm quan trọng hàng đầu trong công cuộc dựng nước, giữ nước và chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Hiện nay, các thế lực thù địch ra sức lợi dụng những sơ hở, yếu kém, khuyết điểm của ta để “đánh vào lòng người” nhằm gây mất ổn định chính trị - xã hội; làm cho dân xa Đảng, đối lập với Đảng… Do vậy, vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” càng đòi hỏi bức thiết hơn bao giờ hết. Yêu cầu cơ bản trong xây dựng “thế trận lòng dân” là làm sao, khi chưa xảy ra chiến tranh thì toàn dân hăng hái lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; khi xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, “quân với dân một ý chí” tạo ra những “bức thành đồng”, “thiên la địa võng” đánh giặc bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng “thế trận lòng dân”. Trong tình hình hiện nay, vấn đề mấu chốt là phải tập trung tuyên truyền, giáo dục những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; tăng cường “tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh, làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới…”3. Đây thực sự là những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần tăng cường bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn trong tiến hành công tác dân vận cho các lực lượng; giải quyết mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa quân với dân, từ đó nâng cao trách nhiệm trong xây dựng “thế trận lòng dân”; coi trọng việc giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao hiểu biết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Đặc biệt, cần tập trung làm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để “đánh vào lòng người”, gây mất ổn định chính trị - xã hội,… chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, giữa quân đội với nhân dân, hòng phá vỡ “thế trận lòng dân”, gây tư tưởng hoang mang, dao động trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các cấp cần tập trung bồi dưỡng và xây dựng phương pháp, tác phong công tác khoa học cho cán bộ, đảng viên, trước hết là những người làm công tác dân vận về tác phong sâu sát thực tế, chân thành, thận trọng, kiên trì, tế nhị, biết nghe dân nói, nói để dân hiểu, hướng dẫn dân làm và làm để dân tin. Chú trọng rèn luyện phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân; kiên quyết khắc phục và chống các biểu hiện quan liêu, hách dịch, xa rời thực tế, thiếu sâu sát với nhân dân.

Hai là, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, phù hợp với sức dân, chăm lo bảo đảm lợi ích vật chất, tinh thần của nhân dân. Một trong những bài học lớn được Đảng ta rút ra từ thực tiễn cách mạng là: “sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ XHCN và của Đảng”4. Thực tế hiện nay, bên cạnh đại bộ phận nhân dân luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, chấp hành nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự quản lý của chính quyền, đã xuất hiện một số người, vì lợi ích cá nhân, cục bộ, cơ hội, nên có những lời nói, hành động thiếu ý thức xây dựng, gây rối, làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở. Có nơi diễn ra khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện tập thể kéo dài trước những sự việc chưa được giải quyết, hoặc giải quyết chưa thấu tình, đạt lý. Một số người bất mãn, quá khích lợi dụng tình hình đó để vu cáo cán bộ, kích động nhân dân, tập hợp phe cánh gây mất đoàn kết, chống đối chính quyền, chống người thi hành công vụ, vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, khi các hiện tượng trên có sự lôi kéo, kích động, chia rẽ… của các thế lực thù địch.

Xét đến cùng, những biểu hiện tiêu cực trong nhân dân và sự yếu kém của chính quyền, đoàn thể cũng là khuyết điểm của Đảng. Bởi vậy, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cả trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân đều phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và khả năng của dân; khơi dậy được sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân. Đảng phải luôn chăm lo lợi ích thiết thực của dân; luôn khắc cốt, ghi tâm quan điểm “dân là gốc”. Đảng phải không ngừng đổi mới tư duy về công tác quần chúng, phải thấy được động lực thúc đẩy phong trào quần chúng là đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân, kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi với nghĩa vụ của nhân dân. Đảng phải lãnh đạo chặt chẽ, xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; mọi chính sách, pháp luật của Nhà nước phải xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời, thực hiện tốt cơ chế nhân dân làm chủ thông qua đại diện là các cơ quan dân cử và các đoàn thể; làm chủ trực tiếp bằng các hình thức nhân dân tự quản, bằng quy ước, hương ước tại cơ sở phù hợp với luật pháp của Nhà nước. Đảng cần tiếp tục tổ chức cho quần chúng tham gia xây dựng Đảng với nhiều hình thức phong phú, như: từ việc phê bình sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, phê bình đảng viên, tham gia ý kiến vào đường lối, chính sách của Đảng... Đi liền với đó, cần kiên quyết đấu tranh có hiệu quả tệ tham nhũng, bệnh quan liêu, chuyên quyền độc đoán, xa rời thực tế, xa rời quần chúng, sách nhiễu, ức hiếp, gây phiền hà cho người dân; khắc phục tình trạng vi phạm dân chủ, dân chủ hình thức; chống dân chủ cực đoan hoặc lợi dụng dân chủ để gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Ba là, chăm lo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, ở nhiều nơi, hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng. Không ít cán bộ chính quyền là đảng viên, cấp ủy viên, nhưng khi tiến hành công việc, giải quyết các kiến nghị của người dân lại “quên” mình đang đại diện cho Đảng phục vụ nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, quan hệ giữa Đảng với nhân dân chủ yếu thông qua Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Do vậy, các cấp ủy đảng phải tôn trọng và phát huy vai trò Mặt trận, đoàn thể, không can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức đó; thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng dân chủ hoá, tăng cường tiếp xúc, đối thoại, tranh luận, lắng nghe ý kiến của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; tôn trọng tính tự chủ của Mặt trận và đoàn thể, chống coi nhẹ hoặc áp đặt một chiều. Tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hoạt động trong Mặt trận và đoàn thể phải nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết của Đảng, quy tắc và chế độ hoạt động của đoàn thể. Phải coi công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng là người lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng, nhưng chính phong trào cách mạng của quần chúng sẽ làm cho Đảng ta mạnh lên.

Bốn là, đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực xã hội, khắc phục hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Muốn ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch thì phải giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội và làm cho đất nước ngày càng vững mạnh về mọi mặt. Quần chúng nhân dân nhìn nhận, đánh giá Đảng thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để khắc phục hiện tượng sa sút, thoái hoá về phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, cần tăng cường công tác giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên; thực hiện có nền nếp chế độ tự phê bình, phê bình trong các tổ chức đảng; mỗi cán bộ, đảng viên phải chịu sự giám sát của quần chúng. Bên cạnh đó, phải củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan kiểm tra đảng, thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân; không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là về quản lý ngân sách, quản lý tài sản công, quản lý đất đai… nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực, tham nhũng, quan liêu, thờ ơ, “vô cảm”, coi khinh quần chúng. Cần phải thực hiện thật nghiêm túc các biện pháp chống suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt những vấn đề này là điều kiện cơ bản để bảo đảm phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Đó cũng là nội dung, biện pháp cơ bản để xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, góp phần xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, vững bước đi lên CNXH.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN TIẾN HẢI

Học viện Chính trị

__________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 109.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

3 - Sđd  tr. 234.

4 - Sđd,  tr. 65.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.