Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 19/02/2024, 08:33 (GMT+7)
Xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới, biển, đảo

Thực tiễn đã minh chứng, “thế trận lòng dân” là yếu tố quan trọng, quyết định đến hình thành sức mạnh chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xây dựng “thế trận” đặc biệt này trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới, biển, đảo là vấn đề cấp thiết hiện nay.

“Lòng dân” và “thế trận lòng dân” là hai chỉnh thể của một vấn đề, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong từng thời kỳ cách mạng, “lòng dân” là vốn có và luôn tồn tại khách quan, nhưng có được quy tụ trở thành sức mạnh tổng hợp hay không, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố; trong đó, nỗ lực chủ quan của cấp ủy, chính quyền các cấp với các chủ trương, giải pháp phù hợp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối là nhân tố rất quan trọng.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, kế thừa bài học “dân là gốc” trong các cuộc kháng chiến, Đảng ta đặc biệt coi trọng yếu tố “lòng dân”, lấy việc xây dựng “thế trận lòng dân” làm động lực, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, ngăn ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”1. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”2.

Bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới, biển, đảo là một bộ phận trọng yếu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Mặc dù vậy, việc thực hiện nhiệm vụ này hiện nay đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền cơ bản hoàn thành, song vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá trên các lĩnh vực, địa bàn, hòng kích động tư tưởng ly khai, tự trị. Tình hình tội phạm, vi phạm chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới, trên biển diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, v.v. Vì thế, để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới, biển, đảo thì việc xây dựng “thế trận lòng dân” càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Bài viết trao đổi một số giải pháp về vấn đề này để cùng nghiên cứu, vận dụng.

Vấn đề cơ bản, xuyên suốt, quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo đối với nhiệm vụ xây dựng “thế trận lòng dân”. Bởi vì, nhận thức là cơ sở của hành động; có nhận thức đúng về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân mới nâng cao được trách nhiệm và có được hành động đúng đắn và ngược lại, nhận thức, ý thức, trách nhiệm không cao sẽ dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sẽ bị xem nhẹ, buông lỏng, “lòng dân” vốn có sẽ không thể quy tụ thành “thế trận lòng dân”. Thực tiễn cho thấy, có nơi, có cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng về xây dựng “thế trận lòng dân”, nặng về các biện pháp hành chính. Điều đó đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp khu vực biên giới, biển, đảo phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của Đảng; nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở nắm chắc nội dung, yêu cầu xây dựng “thế trận lòng dân”, từng địa phương thông qua các hình thức, phương pháp phù hợp với từng đối tượng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về truyền thống văn hóa dân tộc, con người Việt Nam, tinh thần yêu nước, yêu quê hương và chế độ xã hội chủ nghĩa; bồi dưỡng tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, v.v. Qua đó, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội đề cao trách nhiệm trong quy tụ “lòng dân” thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đồng thời, thông qua đó làm cho mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và toàn dân nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; đề cao ý thức cảnh giác cách mạng, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm phạm biên giới quốc gia; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển, đảo.

Xây dựng hệ thống chính trị địa phương khu vực biên giới, biển, đảo vững mạnh là giải pháp quan trọng, quyết định đến xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Bởi cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội là chủ thể trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tuyên truyền, vận động và tham gia hoạt động xây dựng “thế trận lòng dân”. Để thực hiện tốt nội dung này, các địa phương cần thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ở cơ sở; trong đó, thực hiện tốt công tác phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên có cơ cấu về độ tuổi, giới tính hợp lý, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên là người địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số, không để thôn, bản “trắng” đảng viên, tổ chức đảng. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ biên phòng cho các xã biên giới; có quy định cụ thể về cơ cấu và cử cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền cũng như tham gia sinh hoạt tại các tổ chức đảng ở huyện, xã biên giới; đồng thời, giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới, sẵn sàng tăng cường hoặc chuyển cán bộ quân sự, biên phòng làm cán bộ địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở ở khu vực biên giới, biển, đảo tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực sự là của dân, do dân và vì dân. Cùng với đó, cần đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính; làm tốt việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật và năng lực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cho đội ngũ cán bộ các cấp. Đẩy mạnh đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân bảo vệ, dân thụ hưởng”. Có chính sách phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Qua đó, củng cố, tăng cường niềm tin, sự đồng thuận, huy động nguồn lực, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng địa phương khu vực biên giới, biển, đảo vững mạnh, nhất là vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh.

Một vấn đề quan trọng, nhằm tạo động lực trong xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, đó là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của nhân dân khu vực biên giới, vùng biển, đảo. Có như vậy nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo mới tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp - yếu tố không thể thiếu trong quy tụ “lòng dân”. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành tập trung thống nhất của chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo khu vực biên giới, vùng biển, đảo và xác định đó là nguyên tắc đảm bảo cho thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân thực hiện đúng hướng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Để đạt hiệu quả, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh đã xác định, các địa phương tiếp tục có chính sách ưu tiên, đầu tư cho địa bàn biên giới, biển, đảo; trong đó, coi trọng đầu tư ngân sách, nguồn lực, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển. Có chính sách hỗ trợ vốn, phổ biến kiến thức, phương pháp tổ chức sản xuất và kinh doanh phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và phong tục tập quán của đồng bào; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào sản xuất; từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất kinh tế hàng hóa ở khu vực biên giới, vùng biển, đảo. Đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu ở các cửa khẩu, hình thành các trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán nông sản ở địa bàn biên giới, thúc đẩy thương mại ngày càng phát triển. Phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa ở các địa phương. Quan tâm đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao; thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới; bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan trong đời sống nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các đoàn, khu kinh tế - quốc phòng trên khu vực biên giới, biển, đảo, góp phần tổ chức lại dân cư, ổn định cuộc sống, hướng dẫn, giúp nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên là cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; phát huy trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân khu vực biên giới, biển, đảo; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ khu vực biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. TỐNG PHÚ, Phó Giám đốc Học viện Lục quân
__________________
        

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.

2 - Nguyễn Phú Trọng – Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb CTQG, H. 2019, tr. 80.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.