Thứ Năm, 24/04/2025, 11:46 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Biển, đảo Việt Nam là bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là nền tảng rất quan trọng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân trên biển.
Việt Nam là quốc gia biển, có vùng biển rộng trên 1 triệu ki-lô-mét vuông, bờ biển dài 3.260 km, với gần 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ. Cả nước có 28 tỉnh (thành phố) có biển (12 huyện đảo), diện tích chiếm khoảng 17%, dân số gần 30% so với cả nước. Khu vực ven biển, đảo gồm nhiều dân tộc, phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở các trung tâm kinh tế và các thành phố ven biển. Trong đó, ngư dân là lực lượng lao động đông đảo trong các hoạt động kinh tế biển; có khả năng bám biển dài ngày, trên khắp các vùng biển. Đây là lực lượng quan trọng để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc cho thấy, ở các thời đại, ông cha ta đều rất coi trọng việc “an dân, quy tụ lòng dân, dựa vào dân” để bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia. Kế thừa truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhận thấy vai trò to lớn của nhân dân, phát huy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân, của cả dân tộc làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nói đến “lòng dân”, “lòng người”. Người khẳng định “lòng yêu nước của đồng bào, nhập với thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch, nó đã đánh tan cuộc tấn công của thực dân...”1. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”2. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, mà trực tiếp là lực lượng trên biển và ven biển. Trong đó, cần coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển vững chắc, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định trên biển để phát triển kinh tế; đồng thời, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước từ hướng biển. Nhận thức được vị trí, vai trò tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trên biển, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương ven biển đều rất quan tâm chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân” thông qua hoạt động của các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo. Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, các đơn vị đã trực tiếp tham mưu, giúp địa phương phát triển kinh tế biển, chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng cơ sở hạ tầng; xóa đói giảm nghèo; xóa mù chữ; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho ngư dân. Nhằm tạo môi trường thuận lợi để địa phương phát triển, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, đảo đã phối hợp phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi đánh bắt hải sản, thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của ta; đấu tranh kiên quyết với những hành vi gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ven biển, trên biển. Công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần hạn chế được những thiệt hại về người và cơ sở vật chất, giữ vững sự bình yên trên biển. Những việc làm đó đã thiết thực góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ XHCN, động viên mọi người tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số hạn chế, như: việc tham mưu giúp địa phương phát huy thế mạnh của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh trên biển có mặt hiệu quả chưa cao; chưa ngăn chặn kịp thời nạn buôn lậu, ô nhiễm môi trường, tai nạn trên biển… Một trong những nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó là, nhận thức về vị trí, vai trò của biển và những vấn đề liên quan tới biển của một bộ phận nhân dân chưa cao; còn có biểu hiện chỉ quan tâm đến kinh tế đơn thuần, chưa thực sự coi trọng vấn đề quốc phòng - an ninh trên biển. Do đó, để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, các cấp, các ngành, các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm cho nhân dân về vị trí, vai trò của biển, đảo. Đây là giải pháp nhằm xây dựng ý thức trách nhiệm, phát huy sức mạnh của nhân dân trong nâng cao hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Để làm được điều đó, cần tập trung tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tiềm năng của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh của đất nước; làm cho mọi người nhận thức sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; nắm được những nội dung cơ bản của Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam, các văn bản pháp lý mà Việt Nam đã ký kết với các nước; những khó khăn, thách thức đối với vấn đề quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo… Qua đó, phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần được triển khai theo kế hoạch chặt chẽ và tiến hành bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm của từng vùng. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đối với ngư dân - lực lượng đông đảo, thường xuyên làm ăn trên biển. Để công tác tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo có hiệu quả, các cấp, các ngành, các địa phương ven biển cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chuyên trách trên biển cùng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân.
2. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương ven biển trong xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển phải gắn với xây dựng “thế trận lòng dân” của khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh (thành phố) ven biển. Bởi vì, "thế trận lòng dân" của KVPT các tỉnh (thành phố) ven biển là nền tảng, cơ sở của “thế trận lòng dân” trên biển. Xây dựng “thế trận lòng dân” của KVPT tỉnh (thành phố) ven biển phải đặt dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy, điều hành của chính quyền các địa phương. Đây là nhân tố quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng "thế trận lòng dân" của KVPT tỉnh (thành phố) ven biển; đồng thời, quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển. Theo đó, các cấp ủy địa phương phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là hạt nhân lãnh đạo xây dựng "thế trận lòng dân" của KVPT tỉnh (thành phố) ven biển; mọi chủ trương, kế hoạch về xây dựng "thế trận lòng dân" phải được cấp ủy địa phương bàn bạc và có nghị quyết lãnh đạo cụ thể. Cùng với xây dựng cấp ủy, các địa phương cần tập trung xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, có năng lực tổ chức điều hành, trách nhiệm cao, thực sự của dân, do dân, vì dân; quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, là chỗ dựa tin cậy để ngư dân yên tâm làm ăn trên biển. Đồng thời, phải kiên quyết chống nạn quan liêu, tham nhũng ở các cấp; phát động phong trào toàn dân tham gia xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và chính sách hậu phương quân đội, người có công với cách mạng, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng... Đó là những điều kiện để xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
3. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật, chất tinh thần của nhân dân ven biển và trên các đảo. Đây là vấn đề rất quan trọng để huy động sức dân cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, nền tảng vững chắc cho nhiệm vụ xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở bãi ngang ven biển và trên đảo; tập trung vào những nơi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đồng thời, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, các khu bảo đảm hậu cần - kỹ thuật nghề cá, trường học, trạm y tế; có chính sách thỏa đáng để khuyến khích trí thức trẻ về công tác tại các vùng ven biển còn khó khăn; thu hút ngư dân và cán bộ ra làm ăn sinh sống trên các đảo; thực hiện xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng ven biển và trên đảo.
4. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Xây dựng "thế trận lòng dân" là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Bởi vậy, ở các tỉnh (thành phố) ven biển, lực lượng vũ trang địa phương phải làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương; xây dựng KVPT, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên biển; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức quốc phòng - an ninh cho ngư dân và chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương thống nhất kế hoạch thực hiện trong việc xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển. Đồng thời, làm tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh ở các địa phương, củng cố mối quan hệ máu thịt quân - dân; tham gia có hiệu quả vào các chương trình, dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tham gia xây dựng môi trường văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, bài trừ các tệ nạn xã hội, chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, các lực lượng chuyên trách trên biển, như: Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng phải được đầu tư xây dựng đủ mạnh, được trang bị phương tiện ngày càng hiện đại, bảo đảm vừa đủ sức làm lực lượng nòng cốt để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; vừa trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động các lực lượng phát triển kinh tế biển; đồng thời, là chỗ dựa vững chắc, bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân khi họ làm ăn sinh sống trên biển, đảo. Trong quá trình hoạt động, các lực lượng vũ trang trên biển, đảo phải sẵn sàng tham gia bảo đảm hậu cần - kỹ thuật nghề cá cho ngư dân, tiến hành các hoạt động tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; trở thành nhân tố quan trọng nâng cao hiệu quả xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển.
Xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trực tiếp là các tỉnh (thành phố) ven biển, nhằm tạo cơ sở, nền tảng cho sức mạnh quân sự, quốc phòng trên hướng biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đại tá, ThS. LÊ QUỐC DŨNG
Học viện Quốc phòng
____________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 366.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 233.
thế trận toàn dân,biển đông
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay