Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 17/05/2021, 09:37 (GMT+7)
Xây dựng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Xây dựng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao, với những phẩm chất phù hợp yêu cầu bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết, nhằm định hướng quá trình tổ chức, xây dựng lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Thông tin liên lạc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Là một trong các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, những năm qua, nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự thường xuyên được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý và sử dụng có hiệu quả, sát với định hướng xây dựng hệ thống thông tin liên lạc quân sự hiện đại. Nhờ đó, đến nay tuyệt đại đa số cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật thông tin liên lạc được đào tạo cơ bản, rèn luyện, trưởng thành qua thực tiễn công tác, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành khá, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và các nhiệm vụ đột xuất.

Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự còn những hạn chế nhất định. Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp phân đội và nhân viên chuyên môn kỹ thuật chưa đồng đều, còn mất cân đối về số lượng, chất lượng theo vùng (miền) và ngành nghề; cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật giỏi, đầu ngành chưa nhiều. Nội dung, chương trình đào tạo của các học viện, nhà trường về chuyên ngành thông tin liên lạc có mặt chưa theo kịp sự phát triển về tổ chức mạng lưới, trang bị. Đáng chú ý là, một số ngành, lĩnh vực, đơn vị có sự hụt hẫng về đội ngũ kế cận, nhất là nhân lực có kinh nghiệm quản lý, chỉ huy, vận hành, bảo quản, bảo dưỡng, chế thử khí tài, trang bị kỹ thuật thông tin liên lạc; còn hiện tượng dịch chuyển nhân lực chất lượng cao ra ngoài khỏi lực lượng thông tin liên lạc quân sự, v.v.

Cắt băng khánh thành Trung tâm Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ. Ảnh: bqp.vn

Trước bối cảnh cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0, với đặc trưng trí tuệ nhân tạo, hệ thống kết nối thực - ảo, dữ liệu lớn và công nghệ chế tạo hiện đại đang phát triển với tốc độ phi mã, tác động sâu sắc, toàn diện, tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thông tin liên lạc. Để khắc phục những hạn chế, xây dựng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm xây dựng lực lượng thông tin liên lạc “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi cần triển khai kiên quyết, đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

Một làlàm tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Đây là khâu then chốt trong hoạt động quản trị nguồn nhân lực, giúp cấp ủy các cấp xây dựng chính sách, kế hoạch, tạo nguồn lực phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, thợ bậc cao hiệu quả. Thực hiện vấn đề đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là Binh chủng Thông tin liên lạc cần nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, hoàn thiện tiêu chí nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao, làm cơ sở xem xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ một cách chính xác. Các tiêu chí phải cụ thể, coi trọng cả “đức” và “tài”, gắn với nhiệm vụ, vị trí công việc được giao, sát với yêu cầu, đặc điểm của cơ quan, đơn vị. Các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng,… cần tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể chất lượng nguồn nhân lực hiện có, xác định nhu cầu về số lượng, quy mô nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao của đơn vị để đưa vào quy hoạch và có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, huấn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, thợ bậc cao, v.v. Trong quy hoạch tổng thể, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thông tin có số lượng và cơ cấu hợp lý; kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm sự kế thừa, phát triển vững chắc, có nhiều nguồn, nhiều độ tuổi, trong đó thường xuyên có 1/3 cán bộ trẻ, nhất là các đơn vị trên địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo. Quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và phát triển, ưu tiên cho các chuyên ngành, đơn vị hiện còn đang thiếu và yếu. Tiếp tục chuẩn hóa quy trình tạo nguồn phù hợp với từng chuyên ngành, lực lượng; kết hợp tốt công tác tạo nguồn trực tiếp với gọi các sinh viên tốt nghiệp đại học có trình độ, năng lực tốt nhập ngũ để bổ sung cho các ngành, nghề còn thiếu, Quân đội chưa đào tạo được.

Hai làđẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) là cuộc chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử rộng rãi. Lực lượng thông tin liên lạc cùng lúc sẽ phải bảo đảm cho nhiều thành phần lực lượng, nhiều nhiệm vụ, hình thức tác chiến: phòng ngự, phản công, tiến công, đánh địch đổ bộ đường không,… diễn ra đồng thời trên nhiều hướng, nhiều khu vực, nhu cầu bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm rất lớn và khẩn trương. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đòi hỏi lực lượng thông tin liên lạc quân sự phải kiên cường, dũng cảm, có tư duy kỹ thuật, chiến thuật nhạy bén và sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện mục tiêu đó, cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; thực hiện tốt phương châm: “công tác giáo dục, đào tạo phải đi trước một bước”, làm cho mỗi cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thông tin trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định. Theo đó, đối với các nhà trường cần đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo sát với yêu cầu, nhiệm vụ và định hướng phát triển hệ thống thông tin liên lạc trong toàn quân. Trước mắt, thực hiện tốt Đề án đào tạo Sĩ quan Chỉ huy - Tham mưu Thông tin cấp phân đội theo hướng phân chuyên ngành thông tin: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân; Đề án đào tạo nghề và nhân lực chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ thông tin, Sĩ quan Chỉ huy Tham mưu Tác chiến không gian mạng; gắn công tác đào tạo tại trường với thực tế đơn vị, thực hiện nhà trường phải đi trước đơn vị trong nghiên cứu khai thác và bảo đảm kỹ thuật cho trang bị công nghệ cao, v.v. Quá trình triển khai, cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, lấy đào tạo đại học, sau đại học là chủ yếu; gắn đào tạo nhân lực chất lượng cao với hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc quân sự. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để chọn lọc, tiếp thu chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như gửi cán bộ đi đào tạo một số lĩnh vực, ngành đặc thù.

Cùng với đào tạo, các cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức công nghệ mới theo phân cấp và thông qua thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị. Thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập bảo đảm thông tin liên lạc trong các hình thức chiến thuật, loại hình tác chiến chiến dịch, chiến lược trên các địa hình, điều kiện khó khăn, khắc nghiệt, sát thực tế chiến đấu. Đẩy mạnh phong trào tự học tập, rèn luyện; gắn học tập nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn với rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng mềm phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, công nghệ viễn thông quân sự,… tạo môi trường học tập, rèn luyện cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật.

Ba làquản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự hiện có gắn với chính sách lưu giữ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là giải pháp quan trọng không chỉ nhằm duy trì nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý, chỉ huy, vận hành hệ thống thông tin liên lạc hiện tại, mà còn chuẩn bị cho quá trình phát triển khoa học quân sự, cũng như kế hoạch động viên, mở rộng khi có yêu cầu của chiến tranh. Vì vậy, việc quản lý, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực cần phải gắn kết chặt chẽ các loại nguồn, như: lực lượng hiện tại, nguồn kế cận, kế tiếp, nguồn lâu dài. Theo đó, các đơn vị thực hiện tốt việc phân cấp quản lý nguồn nhân lực; thường xuyên rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật theo đúng chuyên nghiệp quân sự; đào tạo lại số nhân viên chuyên môn kỹ thuật ở các ngành nghề dôi dư biên chế. Đẩy mạnh luân chuyển cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật giữa cơ quan, đơn vị, nhà trường để rèn luyện, bồi dưỡng toàn diện ở các cấp. Trong quá trình triển khai, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần gắn công tác quản lý, đánh giá cán bộ với bố trí, điều động, bổ nhiệm, sử dụng, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng nguyên tắc; khắc phục biểu hiện chủ quan, cảm tính, sử dụng không phù hợp chuyên ngành đào tạo và năng lực, trình độ của cán bộ, nhân viên, nhất là đối với lực lượng chuyên sâu, đầu ngành. Định kỳ tổng kết công tác bố trí, sử dụng nguồn nhân lực làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh từng nội dung cụ thể trong các khâu của quá trình xây dựng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự.

Để lưu giữ, thu hút nhân lực chất lượng cao, bên cạnh việc thực hiện các chính sách đã ban hành, cơ quan chức năng cần tiếp tục tham mưu giúp Bộ Quốc phòng đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành chế độ, chính sách đặc thù phù hợp với từng đối tượng, kết hợp chặt chẽ chế độ đãi ngộ vật chất với động viên tinh thần, nhằm tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật yên tâm gắn bó với nghề, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nghiên cứu, đề nghị chuyển dần đãi ngộ theo cấp bậc sang đãi ngộ theo chức vụ, ngạch bậc chuyên môn và bổ sung một số chế độ phụ cấp, hỗ trợ cán bộ, nhân viên thuộc chuyên ngành mũi nhọn. Mặt khác, cơ quan chức năng, trực tiếp là Binh chủng Thông tin liên lạc cần chủ động tham mưu đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều chỉnh tổ chức biên chế lực lượng thông tin toàn quân theo hướng “tinh, gọn, linh hoạt”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, sát với địa bàn và khu vực tác chiến. Đồng thời, có nhiều chủ trương, giải pháp thu hút, trọng dụng nhân tài, như: lựa chọn cán bộ trẻ, có năng lực, trình độ, uy tín bố trí vào các cương vị chủ trì, chủ chốt; nâng độ tuổi công tác, thời gian phục vụ đối với nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, nhà giáo có học vị, chức danh khoa học, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có trình độ, tay nghề cao, v.v.

Xây dựng nguồn nhân lực thông tin liên lạc quân sự chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết quan trọng, đòi hỏi phải có một quá trình dài hơi với lộ trình, bước đi cụ thể, xác thực qua từng giai đoạn. Thực hiện điều đó, đòi hỏi quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các nhà trường, đơn vị thông tin toàn quân trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ thông tin ngay từ thời bình, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. LÊ XUÂN HÙNG, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.