Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 21/09/2023, 09:35 (GMT+7)
Xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không gian mạng ở Bộ Tư lệnh 86

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ với sự đột phá trên nhiều lĩnh vực liên quan đến không gian mạng, tạo ra cả cơ hội, thời cơ và nguy cơ, thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng của toàn quân nói chung, Bộ Tư lệnh 86 nói riêng. Để bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, một trong những đòi hỏi cấp thiết đặt ra đối với Đơn vị là quan tâm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đặc thù của nhiệm vụ tác chiến ở môi trường không gian mạng là đối tượng tác chiến rất phức tạp, cả “hữu hình”“vô hình”. Cán bộ, nhân viên ở các đơn vị tác chiến trên không gian mạng hoạt động mang tính độc lập cao; luôn chịu sự chi phối mạnh mẽ từ những thách thức của chiến tranh không gian mạng, v.v. Điều đó đặt ra yêu cầu rất cao về phẩm chất, năng lực đối với cán bộ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tác chiến trên không gian mạng nói chung, ở Bộ Tư lệnh 86 nói riêng. Phạm vi bài viết tập trung đề xuất một số giải pháp xây dựng nguồn nhân lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không gian mạng. Xuất phát từ đặc thù của lực lượng tác chiến không gian mạng nói chung, Bộ Tư lệnh 86 nói riêng đều được thành lập chưa lâu, nguồn nhân lực còn hết sức khiêm tốn nhưng phải đảm nhiệm tác chiến trong không gian rộng, vô hình, với nhiều khó khăn, thử thách, trong khi phương thức và phương tiện tác chiến trên môi trường mạng chưa thực sự hoàn chỉnh, v.v. Vì thế, việc xây dựng nguồn nhân lực, mà trước hết là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng tham gia xây dựng nguồn nhân lực của Đơn vị là giải pháp quan trọng hàng đầu. Để làm được điều đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng làm cho các tổ chức, lực lượng quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng: “Tập trung xây dựng và đầu tư nâng cao năng lực của Lực lượng Tác chiến không gian mạng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia”1. Từ đó, nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nguồn lực con người, sự cần thiết và những thuận lợi, khó khăn, trở ngại trong xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không gian mạng và bảo đảm công nghệ thông tin. Để đạt hiệu quả, các tổ chức, lực lượng cần đa dạng hóa và kết hợp chặt chẽ các nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng cho các đối tượng. Kết hợp chặt chẽ giữa việc học tập chính trị hằng năm với chủ động, kịp thời định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng về xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân ở từng cơ quan, đơn vị; kiên quyết đấu tranh khắc phục những nhận thức sai lầm, lệch lạc về vị trí, vai trò nguồn lực con người hoặc các biểu hiện thờ ơ, thiếu trách nhiệm, coi việc xây dựng nguồn nhân lực chỉ là trách nhiệm của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp, sự phối hợp nhịp nhàng, thông suốt của các tổ chức, lực lượng trong tiến hành các khâu, các bước, quy trình xây dựng nguồn nhân lực tác chiến trên không gian mạng.

Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp. Cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ chủ trì là chủ thể trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nội dung, hình thức, phương pháp xây dựng nguồn nhân lực. Đây là nhiệm vụ, trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ chủ trì ở các đơn vị nói chung và ở Bộ Tư lệnh 86 nói riêng với vai trò là nòng cốt cho toàn quân. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cấp cần quán triệt, thực hiện nghiêm các nghị quyết của trên về công tác cán bộ. Trong đó, tập trung vào: Nghị quyết số 769-NQ/QUTW, ngày 21/12/2012 của Quân ủy Trung ương về “xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về “xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Điều lệnh Tác chiến không gian mạng. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tham mưu đề xuất với cấp trên về chủ trương, nội dung, biện pháp xây dựng nguồn nhân lực phù hợp với thực tiễn, sát nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Quá trình thực hiện, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần chỉ đạo, giao nhiệm vụ, xác định rõ chỉ tiêu, lộ trình xây dựng nguồn nhân lực để phấn đấu; chú trọng bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý của đội ngũ cán bộ và quân nhân chuyên nghiệp. Trong đó, cần chỉ rõ khâu trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung thực hiện dứt điểm, tránh tình trạng lãnh đạo, chỉ đạo chung chung, không thiết thực, kém hiệu quả. Từng cơ quan, đơn vị cần xây dựng và duy trì chặt chẽ thực hiện nghiêm quy chế về công tác cán bộ; tiến hành tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung phương hướng, giải pháp phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng nguồn nhân lực. Cùng với đó, trên cương vị, chức trách, mỗi cán bộ chủ trì cần nêu cao trách nhiệm cá nhân, chủ động nghiên cứu, trao đổi, thống nhất những vấn đề cần tập trung lãnh đạo; chủ động tiến hành các hình thức giáo dục, rèn luyện bộ đội và quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xây dựng nguồn nhân lực tác chiến trên không gian mạng.

Ba là, xây dựng môi trường làm việc dân chủ và thực hiện tốt các chế độ, chính sách. Cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp thuộc Bộ Tư lệnh cần thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ cơ sở, phát huy trí tuệ tập thể trong xây dựng, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập tác chiến không gian mạng. Kết hợp chặt chẽ các nội dung, biện pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng môi trường văn hóa dân chủ, lành mạnh, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, tích cực, chủ động đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để mọi người, mọi tổ chức đều trưởng thành, phát triển. Cấp ủy, cán bộ chủ trì và cơ quan chức năng cần tăng cường đối thoại với cán bộ, đảng viên và quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của họ, để có chủ trương, biện pháp giải quyết thỏa đáng. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, biểu dương những tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; kiên quyết xử lý, kiểm điểm những cá nhân không tích cực chủ động, tự giác học tập, rèn luyện. Từ đó, xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, tạo bầu không khí công tác, học tập, rèn luyện lành mạnh, công minh trong đơn vị.

Hoạt động của cán bộ, chiến sĩ tác chiến trên không gian mạng luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, cường độ lao động trí tuệ lớn, căng thẳng về tinh thần, tâm lý; thường xuyên tiếp xúc với những tiêu cực của xã hội, sự lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch. Bởi vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nắm vững, thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách theo quy định của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất với trên đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách; nhất là chính sách đãi ngộ, thu hút, trong dụng, khuyến khích, phát triển tài năng, nhằm tăng tính tích cực, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng tác chiến trên không gian mạng. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần căn cứ vào điều kiện cụ thể của đơn vị để xác định chủ trương, biện pháp cụ thể quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc quyền. Nghiên cứu xác lập các chỉ tiêu, tiêu chuẩn trong tổ chức thực hiện chính sách đối với từng đối tượng, nhất là chính sách, cơ chế đặc thù cho lực lượng đặc biệt để thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ, chuyên gia giỏi tham gia xây dựng, tổ chức hoạt động tác chiến không gian mạng.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng với tự đào tạo, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ. Hiện nay, Quân đội chưa có nhà trường đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt cán bộ, nhân viên cho tác chiến trên không gian mạng. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, khả năng của các học viện, nhà trường Quân đội để giao nhiệm vụ phối hợp với một số cơ sở ngoài Quân đội để liên kết đào tạo. Trong đó, coi trọng xây dựng, hoàn thiện chương trình, nội dung, vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp liên kết trong đào tạo; tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ làm chủ khoa học, công nghệ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tác chiến không gian mạng và đảm bảo công nghệ thông tin. Nội dung cần tập trung vào: nghiệp vụ chuyên môn; phân tích mã độc; trinh sát chuyên sâu; các vấn đề lý luận chính trị, pháp luật, v.v. Chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường với bồi dưỡng trong thực tế công tác; giữa huấn luyện chiến đấu với bồi dưỡng, rèn luyện trong hoạt động thực tiễn, nhất là các hình thức, phương pháp diễn tập,... để nâng cao bản lĩnh, trình độ kỹ thuật, chiến thuật cho bộ đội, đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không gian mạng, chiến tranh công nghệ cao trong tình hình mới.

Đối với cán bộ, nhân viên, chiến sĩ tác chiến trên không gian mạng nói chung, ở Bộ Tư lệnh 86 nói riêng, cần đề cao tính tích cực, chủ động trong tự đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực toàn diện, chuyên sâu, đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao. Cần xây dựng kế hoạch tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện; chủ động lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng phù hợp, khả thi, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm; kiên quyết đấu tranh với tình trạng hình thức, đối phó hoặc những biểu hiện lười học tập, ngại rèn luyện, chủ quan, tự mãn, bảo thủ.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hợp lý, đồng bộ, chuyên sâu”, luôn “Trung thành, kỷ luật, trí tuệ, hiệu quả”, là lực lượng nòng cốt sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN MINH THẮNG* - Trung tá NGUYỄN HỮU THẮNG**
_________________

* - Chính ủy Bộ Tư lệnh 86.

** -Trưởng ban Cán bộ, Bộ Tư lệnh 86.

1 - ĐCSVN, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, H. 2018, tr. 03.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.