Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:33 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tiếp theo và hết*
III
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN, TỰ VỆ BIỂN
Dân quân, tự vệ biển (DQ,TVB) là thành phần quan trọng của lực lượng dân quân, tự vệ (DQ,TV); một trong những lực lượng nòng cốt của thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Do đó, việc xây dựng DQ,TVB là nội dung không thể thiếu. Hơn nữa, nước ta là quốc gia có vùng biển rộng, bờ biển dài nên xây dựng DQ,TVB còn là vấn đề cấp thiết, nhằm góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, đảo.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển và các bộ, ngành có lực lượng hoạt động trên biển đã có nhiều cố gắng trong việc tổ chức, xây dựng lực lượng DQ,TVB và đạt được những kết quả nhất định. Nhiều đơn vị DQ,TVB đã thực sự phát huy vai trò, chủ động phối hợp với các lực lượng khác hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điển hình là DQ,TVB ở: Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Trị, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Tổng Công ty Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Tổng Công ty Xăng dầu (Bộ Công thương)... Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và tiềm năng; còn nhiều bất cập về tổ chức xây dựng, bảo đảm chính sách, chế độ và hoạt động sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).
Điều 11 của Nghị định số 58/2010/NĐ-CP, ngày 01-6-2010 của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DQTV” đã quy định: xã ven biển, xã đảo, xã có tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tổ chức từ tiểu đội đến trung đội dân quân biển. Các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tổ chức từ tiểu đội, trung đội, hải đội đến hải đoàn tự vệ biển (TVB). Hợp tác xã có tàu, thuyền, phương tiện hoạt động trên biển tổ chức từ tiểu đội đến trung đội TVB.
Theo thống kê, hiện nay ở 28 tỉnh (thành phố) ven biển có trên 130.000 chiếc tàu, thuyền hoạt động trên biển, nhưng số có tổ chức lực lượng DQ,TVB chỉ chiếm 3,04% với khoảng 2,8% số lao động, hoạt động theo 3 ngành nghề chủ yếu (nuôi, trồng thủy, hải sản; khai thác, đánh bắt hải sản và vận tải biển). Đối với các địa phương, việc tổ chức lực lượng khai thác, sản xuất trên biển còn phân tán, tự phát, chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, lấy hộ gia đình là cơ bản; khi hoạt động trên biển, các hộ thường liên kết tổ chức đội tàu từ 2 đến 4 chiếc để tiện hỗ trợ nhau. Đáng chú ý là hiện tượng mua, bán tàu, đổi chủ diễn ra thường xuyên, nhưng việc theo dõi của cơ quan quân sự trực tiếp quản lý chưa kịp thời. Lực lượng TVB trong các tập đoàn, tổng công ty thuộc các bộ, ngành Trung ương có quy mô tổ chức lớn hơn, chất lượng cao hơn, hoạt động cũng hiệu quả hơn; tổng số tự vệ chiếm 38,15% so với tổng số cán bộ, công nhân viên; đảng viên đạt 21,5%, đoàn viên đạt 31,7%. Tuy nhiên, gần đây, việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa, tái cơ cấu nên có sự biến động mạnh, ảnh hưởng không ít đến công tác xây dựng lực lượng TVB.
Khác với trên đất liền, việc lựa chọn cán bộ, chiến sĩ DQ,TVB ngoài các tiêu chuẩn chung (chính trị, sức khoẻ, tuổi đời, đạo đức...) còn phải gắn với sự ổn định của nghề và quyền sở hữu phương tiện đi biển. Thực tế có không ít số lao động hợp đồng nhưng không đi biển liên tục. Theo chúng tôi, cần lựa chọn lực lượng nòng cốt trong DQ,TVB là những chủ tàu, thuyền; bởi lẽ, đó là đối tượng thường xuyên bám biển, gắn bó lâu dài với biển và sống bằng “nghề biển”. Đối với dân quân biển, tổ chức và quy mô tổ, tiểu đội, cao nhất là trung đội. Đối với TVB, tổ chức ở quy mô lớn hơn, đến hải đội, hải đoàn.
Hiện nay, đảng viên trong DQ,TVB đạt 8,7%, đoàn viên: 42,5% (thấp hơn so với trên đất liền). Do đó, để nâng cao chất lượng DQ,TVB, các địa phương, bộ, ngành có tổ chức DQ,TVB cần đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 41-KL/TW, ngày 31-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQ,TV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng DQ,TVB. Cùng với đó, cần chú trọng gắn xây dựng lực lượng DQ,TVB với xây dựng chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) và đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong các đơn vị DQ,TVB. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chưa có tổ chức đảng thì có thể vận dụng phương thức lấy tổ chức đảng ở địa phương trực tiếp lãnh đạo lực lượng TVB. Thực tế cho thấy, không ít các chủ tàu khi tham gia DQ,TVB còn có suy nghĩ “được, mất”; vì thế, cần tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ tàu và mỗi ngư dân trong việc thực hiện Luật DQTV và ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hiện nay, cùng với việc xây dựng điểm một số đơn vị DQ,TVB để rút kinh nghiệm trên toàn quốc, các bộ, ngành, tập đoàn có lực lượng TVB và các quân khu, tỉnh, huyện ven biển cũng nên chọn một số đơn vị DQ,TVB để tổ chức xây dựng điểm, rút kinh nghiệm và từng bước nhân rộng trong phạm vi quản lý của mình. Đây là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay để đưa Luật DQTV vào thực tiễn.
Trong công tác huấn luyện, SSCĐ, bảo vệ trị an trên biển, các đơn vị DQ,TVB đã thực hiện toàn diện, cả nội dung giáo dục chính trị - pháp luật và huấn luyện quân sự. Tuy nhiên, việc bảo đảm quân số huấn luyện vẫn chưa đạt quy định; khó khăn chung là do thời gian đi biển giữa các tuyến, giữa các chủ hộ có sự khác nhau. Thông thường ngư dân khi đánh bắt ở tuyến bờ, có thời gian hoạt động trên biển từ 1 đến 3 ngày; tuyến lộng từ 15 đến 25 ngày; tuyến khơi thường từ 2 đến 3 tháng mới trở về đất liền. Bên cạnh đó, do đặc điểm hoạt động trên biển nên vật chất bảo đảm huấn luyện phức tạp hơn, kinh phí tốn kém hơn; nhất là những nội dung liên quan đến cơ động tàu, thuyền... Vì thế, cơ quan quân sự phải chủ động xây dựng kế hoạch huấn luyện; tính toán thời điểm phù hợp với mùa vụ đánh bắt hải sản và cách thức tổ chức sản xuất; có thể linh hoạt huấn luyện xen kẽ vào thời điểm tàu, thuyền không ra khơi. Nội dung tập huấn, huấn luyện cần tập trung vào những vấn đề cơ bản về phương pháp đấu tranh quốc phòng, nguyên tắc chỉ huy, xử lý các tình huống xảy ra trên biển; nâng cao hiểu biết về luật pháp, chủ quyền pháp lý đối với biển, đảo, Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; xây dựng niềm tin, trách nhiệm của mỗi người đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, các địa phương nên chủ động liên hệ với các đơn vị Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển đứng chân trên địa bàn giúp đỡ.
DQ,TVB có đặc điểm là công tác SSCĐ luôn gắn với các hoạt động tổ chức sản xuất, khai thác, đánh bắt hải sản. Sự kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh thể hiện rõ trong từng lần ra khơi. Vì thế, cơ quan quân sự cần bám sát các hoạt động kinh tế để chỉ đạo các đơn vị DQ,TVB thực hiện tốt nhiệm vụ gắn sản xuất, khai thác, đánh bắt hải sản với hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, trị an, đấu tranh quốc phòng trên biển... Trong điều kiện tình hình biển, đảo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, công tác tổ chức phối hợp nắm tin, xử lý thông tin giữa DQ,TVB với các lực lượng khác, như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quân... ngày càng quan trọng. Hiện nay, sự phối hợp đã được các cơ quan chức năng coi trọng và ngày càng đạt hiệu quả tốt hơn; tuy nhiên, so với yêu cầu, vẫn còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ phối hợp chưa xác định rõ; trong khi đó, cơ quan quân sự địa phương chưa đủ năng lực quản lý lực lượng này trên biển. Thêm nữa, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu, thuyền của DQ,TVB còn thiếu đồng bộ. Do đó, cơ quan chức năng cần bổ sung, hoàn chỉnh, thống nhất cơ chế chỉ đạo, chỉ huy, mối quan hệ hiệp đồng, phối hợp giữa các lực lượng trên biển; nhất là khi có tình huống về quốc phòng – an ninh. Công tác đào tạo Chỉ huy trưởng xã (phường, thị trấn) và tập huấn cán bộ DQ,TVB cũng cần bổ sung những nội dung đặc thù, sát với đặc điểm chỉ huy, xử lý các vấn đề trên biển. Cùng với đó, cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới, thống nhất việc bảo đảm trang bị cho tàu, thuyền của DQ,TVB; có thể hỗ trợ theo phương thức, nhà nước và nhân dân cùng làm. Theo đó, các tàu, thuyền có tổ chức DQ,TVB được hỗ trợ một phần kinh phí để trang bị phương tiện thông tin theo yêu cầu của nhiệm vụ.
Trong điều kiện chế độ, chính sách, công tác bảo đảm cho DQ,TVB hoạt động lớn, nhiều địa phương không có khả năng bảo đảm, nên ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng này. Vì thế, cần kết hợp kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, địa phương với việc huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hoá; trong đó, chú trọng nghiên cứu các chính sách khuyến khích hỗ trợ, ưu tiên hợp lý đối với các tổ chức, cơ sở có lực lượng DQ,TVB, như: giảm thuế tài nguyên, cho vay vốn để đóng mới, sửa chữa, nâng cấp tàu, thuyền, trang bị thông tin... Bên cạnh việc phát huy vai trò của lực lượng DQ,TVB, cần có chính sách huy động, khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khi tham gia bảo vệ trật tự, trị an, chủ quyền biển đảo. Bởi lẽ, đây là lực lượng đông đảo, cùng hoạt động, gắn bó với DQ,TVB. Ngư dân có thể hỗ trợ DQ,TVB tham gia ngăn cản, xua đuổi thuyền nước ngoài hoạt động trái pháp luật trên các vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta.
Mặt khác, Nhà nước cần cụ thể hoá chính sách đặc thù, ưu đãi đối với người dân làm ăn, sinh sống tại các đảo, nhất là đảo xa bờ, tạo cơ sở vững chắc cho việc thành lập các đơn vị dân quân trên đảo, như Khoản 6, Điều 5 của Luật Biển Việt Nam đã xác định: “Thực hiện các chính sách ưu tiên đối nhân dân sinh sống trên các đảo và quần đảo; chế độ ưu đãi đối với các lực lượng tham gia quản lý và bảo vệ các vùng biển, đảo và quần đảo”. Cùng với đó, cần kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần, kỹ thuật trên đảo, nhất là ở các đảo xa bờ để phục vụ trực tiếp nhu cầu của các lực lượng hoạt động dài ngày trên biển. Việc tổ chức lực lượng dân quân trên đảo không theo tỷ lệ dân số; có thể huy động tối đa lực lượng theo hướng mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ biển, đảo.
Những năm vừa qua, ở các tỉnh ven biển cũng xuất hiện nhiều mô hình gắn kết tàu, thuyền hoạt động trên biển. Tỉnh Phú Yên có mô hình “Tổ tàu, thuyền an toàn”, đến nay đã có trên 100 tổ với hơn 900 phương tiện và gần 8.000 ngư dân tham gia. Tỉnh Bình Thuận thành lập được 623 “Tổ đoàn kết sản xuất trên biển” với hơn 4.000 phương tiện và 25.000 ngư dân tham gia. Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã thành lập 2 “Nghiệp đoàn nghề cá” ở xã An Hải và xã An Vĩnh. Nghiệp đoàn nghề cá là mô hình đang được nhiều địa phương ven biển tổ chức; đến tháng 7-2012 cả nước đã có 22 nghiệp đoàn được thành lập với gần 1.000 tàu, thuyền tham gia. Ngoài ra, còn có mô hình “Tàu mẹ – tàu con” ở Khánh Hoà; tàu mẹ của Công ty Thuỷ sản Hải Vương với 6 ngư đội (30 tàu đánh bắt cá xa bờ) tổ chức thu mua, chế biến hải sản ngay trên biển, giúp bà con ngư dân đánh bắt hải sản hiệu quả hơn, xa hơn (tiết kiệm thời gian, xăng, dầu đi lại...). Trong thực tế, những mô hình trên được thành lập đều xuất phát từ nhu cầu thực tế, với mục tiêu liên kết người lao động trên biển để làm ăn hiệu quả hơn, giúp đỡ nhau bảo đảm an toàn và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Theo chúng tôi, những mô hình trên “rất gần” và thuận lợi cho việc tổ chức, hoạt động của DQ,TVB. Do đó, cơ quan quân sự các địa phương cần bám sát tình hình, nắm bắt nhu cầu của ngư dân để tổ chức lực lượng DQ,TVB trên địa bàn đạt hiệu quả cao hơn.
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo rất nặng nề. Xây dựng lực lượng DQ,TVB là vấn đề quan trọng, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, vừa là vấn đề cấp thiết hiện nay.
MẠNH DŨNG - THÀNH ĐÔ
* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân các số 7, 8/2012.
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc