Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:36 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Những năm qua, công tác xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ trên phạm vi toàn quốc đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước sự phát triển về kinh tế – xã hội và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trong giai đoạn mới, việc xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu, giải quyết cả về lý luận và thực tiễn. Để giúp bạn đọc có thêm cơ sở tham khảo, nghiên cứu về chủ đề trên, Tạp chí Quốc phòng toàn dân (từ số 7-2012) sẽ lần lượt đăng chùm bài của đồng tác giả Mạnh Dũng - Thành Đô. Trong đó, chủ yếu đề cập đến tổ chức xây dựng lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp, lực lượng dân quân thường trực và dân quân, tự vệ biển.
I
XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG TỰ VỆ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP
Trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Đảng ta đã chủ trương xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ (DQ,TV) theo hướng “vững mạnh, rộng khắp”. Nhờ đó, lực lượng DQ,TV đã không ngừng phát triển, trưởng thành và trở thành lực lượng chiến lược cả trong chiến tranh và trong thời bình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, DQ,TV đã thực sự “là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc”, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lực lượng DQ,TV tiếp tục được củng cố xây dựng và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; đặc biệt, trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng và tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở.
Tuy vậy, trước sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, công tác xây dựng lực lượng DQ,TV nói chung và lực lượng tự vệ (LLTV) nói riêng đang đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, ngành nghề, quy mô và hình thức. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 4-2012, cả nước có hơn 647.600 doanh nghiệp1; trong đó, có 191.054 doanh nghiệp có đủ điều kiện2 thành lập đơn vị tự vệ (ĐVTV) theo quy định. Các doanh nghiệp này đang sử dụng một lực lượng lớn lao động trẻ, khoẻ, có trình độ cao, trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQ,TV. Trong khi đó, cả nước chỉ thành lập được 9.047 ĐVTV trong các doanh nghiệp (chiếm 4,74%); song đa số các ĐVTV này thuộc khối doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đã thành lập ĐVTV chỉ đạt khoảng 1,2%. Hơn nữa, trong số các doanh nghiệp đã tổ chức ĐVTV thì hiệu quả hoạt động, biên chế, trang bị, chế độ bảo đảm vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Cũng cần thấy rằng, trong bối cảnh chung đó, công tác xây dựng LLTV ở nhiều doanh nghiệp vẫn đạt kết quả tốt. Điển hình như: Công ty Xi măng Hoàng Thạch, Công ty Xi măng Bỉm Sơn, Công ty liên doanh ChinFon - Hải Phòng, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung, Công ty Hoàng Gia (Quảng Ninh), Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Văn hoá - Thể thao Thành Long (Thành phố Hồ Chí Minh), Công ty Cấp thoát nước Trà Vinh... LLTV trong các doanh nghiệp đó được xây dựng vững mạnh, luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt bảo vệ doanh nghiệp và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn nơi đứng chân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, cứu nạn, cứu hộ,...
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là: nhận thức của chủ doanh nghiệp, hệ thống văn bản luật và sự chủ động của các địa phương trước sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế còn nhiều bất cập. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, với sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, nhất là sự chủ động, tích cực của cấp uỷ, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương.
Sau khi Pháp lệnh DQ,TV và gần đây là Luật DQ,TV (năm 2010) được ban hành, công tác xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp có thuận lợi hơn. Tuy nhiên, do từng luật trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta được xây dựng trong các thời điểm khác nhau nên vẫn tồn tại những điểm chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến việc vận dụng vào tổ chức xây dựng LLTV ở các doanh nghiệp còn lúng túng. Trong thực tế, không ít chủ doanh nghiệp chưa tha thiết với việc tổ chức ĐVTV, vì xét ở góc độ nhất định, nó ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh. Phần lớn các chủ doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngoài Nhà nước) không hoặc chưa thực hiện chủ trương thành lập ĐVTV đều viện dẫn lý do vì Luật Đầu tư và Luật Lao động không quy định. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do nhận thức của một bộ phận cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp chưa đầy đủ nên ý thức trách nhiệm chưa cao. Vì vậy, trước mắt, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền các văn bản pháp luật về DQ,TV để bảo đảm cho công tác xây dựng LLTV được thực hiện thống nhất và đạt hiệu quả cao. Trong đó, cần làm cho mọi người hiểu rõ quy định: công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia DQ,TV; các doanh nghiệp có đủ điều kiện phải tổ chức ĐVTV; trường hợp chưa tổ chức ĐVTV thì chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của chủ doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức cho người lao động của doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ DQ,TV ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt các quy định đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa áp dụng các chế tài quy định trong văn bản pháp luật với tuyên truyền, vận động, thuyết phục cho mọi người, mà trước hết là Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc các doanh nghiệp hiểu rõ mục đích, yêu cầu, nghĩa vụ, trách nhiệm và cả lợi ích của việc thành lập ĐVTV.
DQ,TV là một bộ phận trong lực lượng vũ trang của Đảng. Theo quy định, LLTV trong các doanh nghiệp đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong doanh nghiệp hoặc địa phương và sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự quản lý, chỉ huy của cơ quan quân sự nơi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với LLTV là vấn đề vừa có tính nguyên tắc, vừa là nhân tố quyết định LLTV vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đối với các doanh nghiệp đã tổ chức ĐVTV thì tổ chức đảng trực tiếp lãnh đạo, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 41-KL/TW, ngày 19-3-2009 của Ban Bí thư Trung ương về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQ,TV và lực lượng dự bị động viên trong tình hình mới”.
Một vấn đề lớn mà Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm hiện nay là: trong điều kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, giai cấp công nhân Việt Nam có sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; trong khi đó, công tác xây dựng tổ chức đảng, công đoàn, các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp chưa theo kịp. Thực tiễn vừa qua cho thấy, số lượng các vụ đình công của công nhân trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng gia tăng. Phải chăng điều đó có nguyên nhân hoạt động của việc tổ chức công đoàn và các tổ chức khác chưa được như mong muốn? Vì thế, việc đẩy mạnh xây dựng LLTV còn phải gắn với việc xây dựng tổ chức đảng, công đoàn và tổ chức quần chúng trong các doanh nghiệp. Cấp uỷ, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương cần bám sát sự phát triển của các doanh nghiệp và căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng – an ninh trên địa bàn để xây dựng các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.
Hiện nay, chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế, điều đó tác động mạnh đến các doanh nghiệp. Trong số 647.600 doanh nghiệp đã đăng ký, chỉ có 463.000 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 71,6%); số còn lại đã giải thể hoặc tạm dừng hoạt động. Điều đó ảnh hưởng không ít đến công tác xây dựng LLTV; bởi lẽ, mọi sự thay đổi về quy mô tổ chức, hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều tác động đến LLTV. Do đó, các địa phương cần thường xuyên khảo sát, nắm chắc số lượng, quy mô, sự biến động của từng doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng LLTV, bảo đảm vừa đúng nguyên tắc, vừa đạt hiệu quả cao. Việc tổ chức, biên chế ĐVTV cũng cần khắc phục hiện tượng lấy lực lượng bảo vệ, mà chưa chú trọng việc bố trí phù hợp với quy mô tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tránh hiện tượng “coi tự vệ như bảo vệ”. Chỉ như vậy mới bảo đảm thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức lực lượng vũ trang quần chúng.
Để nâng cao chất lượng LLTV trong các doanh nghiệp, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nên bám sát thực tiễn, tập trung giải quyết những vấn đề tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức chính trị của cán bộ, chiến sĩ tự vệ. Trong đó, chú trọng nâng cao kiến thức pháp luật, niềm tin, trách nhiệm; đồng thời, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Về phương pháp giáo dục chính trị, cần đổi mới theo hướng gắn giáo dục chính trị - pháp luật trong các đợt huấn luyện tập trung với phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp, hướng vào việc xây dựng, rèn luyện bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ tự vệ. Nội dung huấn luyện quân sự cần sát với đặc điểm nhiệm vụ, phương án chiến đấu chống gây rối, bạo loạn để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ địa bàn. Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và phải được cơ quan quân sự cấp huyện (quận) phê chuẩn. Mặt khác, cơ quan quân sự địa phương cần quan tâm chỉ đạo huấn luyện, diễn tập; xây dựng quy chế, quy định các nội dung phối hợp, như: trao đổi thông tin, hiệp đồng xử lý các tình huống bảo vệ an ninh, trật tự trị an giữa lực lượng vũ trang địa phương với LLTV của doanh nghiệp.
Công tác bảo đảm kinh phí cho hoạt động của LLTV được quy định thống nhất theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Luật DQ,TV và các quy định về chế độ, chính sách đối với LLTV tại Nghị định số 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức, huấn luyện và hoạt động của LLTV. Đối với doanh nghiệp chưa đủ điều kiện tổ chức ĐVTV thì chủ doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm thời gian, hỗ trợ kinh phí theo quy định cho người lao động thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân ở địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Thực tế hiện nay, công tác bảo đảm kinh phí cho tổ chức, huấn luyện và hoạt động của LLTV ở các doanh nghiệp rất khác nhau vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Vì thế, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về DQ,TV cần có chế tài buộc doanh nghiệp thực hiện đúng quy định; đi đôi với thực hiện tốt chế độ khen thưởng, xử phạt.
Xây dựng LLTV trong các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới, với không ít khó khăn, thách thức. Để xây dựng LLTV vững mạnh cần sự nỗ lực của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của cấp uỷ, chính quyền địa phương, mà trực tiếp là cơ quan quân sự và các doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng LLTV còn phải gắn với việc tổ chức, xây dựng lực lượng DQ,TV nói chung, nhất là lực lượng dân quân thường trực và DQ,TV biển.
MẠNH DŨNG - THÀNH ĐÔ
(Kỳ sau: II - Xây dựng lực lượng dân quân thường trực).
1 - Báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong phiên họp ngày 04-5-2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (khoá XIII).
2 - Điều kiện: bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền và sự chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương; hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 12 tháng trở lên, có quy mô từ 50 lao động trở lên, người lao động có hợp đồng 6 tháng trở lên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV;…
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc