Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 16/08/2012, 08:49 (GMT+7)
Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ vững mạnh trong tình hình hiện nay (Tiếp theo)

(Tiếp theo)*

II

XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN THƯỜNG TRỰC

alt
Bộ CHQS TP Đà Nẵng kiểm tra lực lượng dân quân xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. (nguồn: qdnd.vn)

Sau chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, để tăng cường lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) ở từng địa phương, cơ sở, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Tây Ninh đã chuyển lực lượng dân quân “chốt” trên tuyến biên giới thành lực lượng dân quân thường trực (DQTT).

Từ mô hình trên, những năm qua, lực lượng DQTT không chỉ được tổ chức ở các xã biên giới, biển đảo, mà còn tổ chức ở xã nội địa theo yêu cầu, nhiệm vụ và khả năng bảo đảm của các địa phương, như ở địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9 và tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, lực lượng này được tổ chức ở ba vùng cơ bản: DQTT biên giới, DQTT ở thành phố, thị xã và DQTT ở nông thôn. Thành phần bộ binh là cơ bản, bên cạnh đó còn có các đơn vị dân quân, tự vệ (DQ,TV) phòng không thường trực nhằm đáp ứng yêu cầu SSCĐ trong mọi tình huống. Các mô hình trên đều có điểm chung là: các tiểu đội (tổ) này trực thuộc trung đội dân quân cơ động, tổ chức huấn luyện chủ yếu ở cấp xã theo chương trình của lực lượng DQTT và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng DQ,TV. Các địa phương tổ chức lực lượng DQTT đều đã thành lập chi bộ (tổ đảng) quân sự cấp xã. Đây là điều kiện thuận lợi để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQ,TV nói chung và DQTT nói riêng. Nhờ đó, công tác phát triển đảng viên cũng được quan tâm hơn, đến nay 100% đơn vị DQTT đều có đảng viên.

Tuy nhiên, do tính chất địa bàn hoạt động và điều kiện kinh tế, nên ở các địa phương có sự khác nhau trong công tác bảo đảm và nhiệm vụ thường trực. Tiểu đội DQTT biên giới được biên chế từ 8 đến 10 người; nhiệm vụ thường xuyên là tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuần tra bảo vệ an ninh biên giới. Trong đó, nổi bật là DQTT của các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Bình Phước, Lạng Sơn, Hà Giang và 7 tiểu đội DQTT biên giới làm điểm ở 7 quân khu theo quyết định của Chính phủ (năm 2011). Với DQTT ở địa bàn thành phố, thị xã, nhiệm vụ thường xuyên là bảo vệ các mục tiêu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và tham gia bảo đảm giao thông. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức lực lượng DQTT ở 100% phường (xã), góp phần quan trọng bảo vệ an toàn các mục tiêu, thực hiện tốt nhiệm vụ SSCĐ và các nhiệm vụ khác. Ở địa bàn nông thôn, nhiệm vụ thường xuyên của DQTT là bảo vệ trụ sở xã (thị trấn) và tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai xây dựng tổ DQTT (1 cán bộ và 2 chiến sĩ) thuộc trung đội dân quân cơ động ở 100% xã (phường, thị trấn).

Trong những năm qua, nhìn chung lực lượng DQTT đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ thường trực SSCĐ, tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; làm công tác dân vận; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn và phòng, chống cháy rừng, bảo vệ môi trường... Kết quả trên đã góp phần lý giải vì sao lực lượng DQTT được cấp uỷ, chính quyền các cấp tin tưởng, đánh giá cao và được nhiều địa phương quan tâm đề nghị tổ chức thêm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc về công tác tổ chức, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm cho lực lượng DQTT. Đó là việc một số địa phương tổ chức các đơn vị DQTT và tự bảo đảm kinh phí (ngoài số đơn vị DQTT được thành lập theo Quyết định của Chính phủ). Phải chăng như vậy là “mạnh ai, nấy làm”? Bên cạnh đó, trong thời gian tham gia DQTT (3 năm), cán bộ, chiến sĩ ở một số cơ sở đã “thoát ly sản xuất”, như vậy có vi phạm nguyên tắc tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV không? Bởi theo Luật DQTV, lực lượng này không “thoát ly sản xuất”, “vừa là dân, vừa là quân”. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng phát triển lực lượng DQTT trên diện rộng là “chuyên nghiệp hóa” lực lượng này và góp phần làm cho số biên chế ở xã, phường tăng thêm...

Trước hết, cần thấy rằng, xây dựng lực lượng DQTV “vững mạnh, rộng khắp” là một chủ trương chiến lược của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, thực tế cũng cho thấy, các đơn vị DQTT được xây dựng là xuất phát từ nhiệm vụ, nhu cầu về quốc phòng - an ninh (QP-AN) của các địa phương, cơ sở. Đặc biệt là ở địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi mà các thế lực thù địch thường lợi dụng đặc điểm về địa lý, dân cư, những khó khăn về kinh tế của đồng bào dân tộc để kích động, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tổ chức gây rối, biểu tình... Điều 6 của Nghị định số 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DQTV” đã quy định tổ chức lực lượng DQTT ở các xã trọng điểm về QP-AN và xác định: “Xã trọng điểm về QP-AN là xã biên giới, xã đảo, xã ven biển; xã có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, QP-AN, hoặc xã có tình hình an ninh, chính trị thường xuyên diễn biến phức tạp”. Đây là cơ sở để cơ quan quân sự các địa phương nghiên cứu, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lực lượng DQTT để Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phê duyệt. Theo đó, để tạo sự thống nhất trong tổ chức các đơn vị DQTT cần có sự chỉ đạo chặt chẽ từ cơ quan chức năng; tránh tình trạng nhiều địa phương, cơ sở thuộc địa bàn khó khăn, như: Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung đang rất cần tổ chức lực lượng DQTT, nhưng vì một số nguyên nhân (nhất là kinh phí bảo đảm) mà chưa thực hiện được. Trong khi đó, một số địa phương chưa thật cần thiết, nhưng do có điều kiện bảo đảm nên thành lập thêm nhiều đơn vị DQTT. Thực tế cho thấy, để tổ chức đơn vị DQTT không khó, nhưng công tác huấn luyện, bảo đảm và duy trì hoạt động để đạt hiệu quả cao là vấn đề mà các địa phương cần tính toán kỹ. Vì thế, để quyết định tổ chức lực lượng DQTT, các địa phương phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN ở từng địa bàn và điều kiện chỉ đạo, quản lý, chỉ huy thực tế. Mặt khác, cần khắc phục triệt để những biểu hiện chạy theo “phong trào”, hoặc ý muốn chủ quan, gây lãng phí tiền của, công sức của nhân dân.

Để tránh hiện tượng cán bộ, chiến sĩ tham gia DQTT trong thời gian 3 năm “thoát ly sản xuất”, theo chúng tôi, các địa phương nên vận dụng phương pháp tổ chức luân phiên “thường trực” và “sản xuất”. Theo đó, trên cơ sở quy định DQTT thuộc trung đội dân quân cơ động nên việc điều động, lựa chọn cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thường trực cần lấy từ biên chế của trung đội dân quân cơ động, với thời gian luân phiên từ 6 tháng đến 1 năm là hợp lý. Cách làm đó giúp cho lực lượng DQTT được tổ chức chặt chẽ, khoa học; vừa có lực lượng cơ động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, vừa có lực lượng thường trực SSCĐ. Mặt khác, các địa phương cần thực hiện tốt quy định: cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ tham gia lực lượng DQTT được hưởng các chế độ, chính sách như quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; đồng thời, là nguồn bổ sung cho lực lượng dự bị động viên ở địa phương, cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, công tác huấn luyện cho các đơn vị DQTT ở các địa phương đều thực hiện theo chương trình của Bộ với thời gian 60 ngày/năm. Tuy nhiên, một số nơi chưa bảo đảm nội dung, thời gian theo quy định. Bên cạnh đó, việc  chủ động nghiên cứu đổi mới phương pháp tập huấn, huấn luyện cũng chưa được coi trọng đúng mức. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng khắc phục tình trạng này. Trên cơ sở chương trình quy định hằng năm, ban chỉ huy quân sự cấp xã phải xây dựng chương trình, kế hoạch huấn luyện cho đơn vị DQTT sát đặc điểm, nhiệm vụ và được cấp huyện phê duyệt. Công tác huấn luyện phải chú trọng một cách toàn diện, cả giáo dục chính trị, pháp luật, huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật; bảo đảm sát với địa bàn, các phương án, tình huống đã xác định. Mặt khác, cơ quan quân sự cấp huyện, thị phải thực hiện tốt chế độ kiểm tra, cả thường xuyên và đột xuất, nhất là trong thời gian huấn luyện.

Về hoạt động của các đơn vị DQTT hiện nay cũng còn những hạn chế, bất cập. Đáng quan tâm là, ở một vài địa phương, cơ sở, việc điều động, sử dụng lực lượng DQ,TV không đúng với chức năng, nhiệm vụ đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới bản chất, truyền thống và mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Để lực lượng DQTT hoạt động thực sự có hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, cấp uỷ, chính quyền địa phương, nhất là cấp xã cần nắm chắc cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành, chỉ huy lực lượng DQTT. Đặc biệt là, cơ quan quân sự, chỉ huy đơn vị DQTT cần tham mưu đúng cho cấp uỷ, chính quyền trong điều động, sử dụng lực lượng DQTT như quy định tại Chương IV, Nghị định số 58/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống gây rối, bạo loạn, phân đội DQTT cần vận dụng tốt các phương án, kế hoạch đã luyện tập và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đấu tranh với những thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân của các thế lực thù địch, cán bộ, chiến sĩ DQTT cần phát huy kiến thức đã được trang bị và thế mạnh về hiểu biết phong tục, tập quán, tiếng nói của dân tộc mình, để tuyên truyền, vận động theo “cách” riêng, đạt hiệu quả cao, như: tuyên truyền từ gia đình đến dòng họ, từ trong xóm đến cả thôn, bản và phát huy vai trò của già làng, trưởng bản đối với công tác này.

Có thể thấy, so với lực lượng DQ,TV nói chung, công tác bảo đảm cho lực lượng DQTT đã được các địa phương thực hiện khá nghiêm túc, hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, vũ khí, trang bị cho DQTT đã lạc hậu, xuống cấp. Theo chúng tôi, cần từng bước tiến hành đổi mới vũ khí, trang bị và các công cụ hỗ trợ cho DQTT, nhằm tạo điều kiện cho lực lượng này hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong công tác bảo đảm chế độ, chính sách, các địa phương đã có nhiều cố gắng bảo đảm cho lực lượng DQTT bằng hoặc cao hơn quy định. Trên cơ sở Luật DQTV, nhiều địa phương có các hình thức sáng tạo trong việc tạo điều kiện để DQTT có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Đặc biệt ở tỉnh Tây Ninh, địa phương đã thực hiện giao đất, giao rừng cho DQTT và khuyến khích cán bộ, chiến sĩ đưa gia đình đến định cư, hình thành các điểm dân cư mới trên tuyến biên giới. Một số đơn vị DQTT ở nông thôn được giao thêm ruộng, ao hồ để sản xuất, chăn nuôi; ở phường giao điểm trông giữ xe để tạo quỹ hoạt động... Tuy nhiên, việc bảo đảm chế độ cho các đơn vị DQTT được thành lập theo nhu cầu của địa phương còn có sự khác nhau. Ở địa bàn khó khăn miền núi, biên giới, nhiệm vụ phức tạp nhưng mức bảo đảm thường thấp hơn và không kịp thời. Hơn nữa, hiện nay ngày công lao động ở vùng nông thôn cũng đã đạt trên 200 ngàn đồng/người; vì thế, cần có sự điều chỉnh một cách hợp lý hơn để bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, chiến sĩ DQTT, giúp họ yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ.

Những năm qua, công tác xây dựng lực lượng DQTT đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở những địa bàn trọng điểm về QP-AN. Tuy nhiên, cần có sự thống nhất cao hơn nữa cả trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cơ quan chức năng các cấp cần tiếp tục nghiên cứu văn bản quy phạm pháp luật để tham mưu, đề xuất biện pháp tổ chức phù hợp, góp phần xây dựng lực lượng DQTT vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là nhiệm vụ tham gia giữ vững chủ quyền biên giới đất liền, biển đảo của Tổ quốc.

MẠNH DŨNG - THÀNH ĐÔ

(Kỳ sau: III - Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển)

                   

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số  7/2012.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.