Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/12/2018, 09:45 (GMT+7)
Xây dựng hậu phương Quân đội - mấy vấn đề đặt ra trong tình hình mới

Thực tiễn cho thấy, xây dựng hậu phương vững mạnh, bảo đảm cho Quân đội trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ là rất quan trọng. Trong giai đoạn hiện nay, việc xây dựng hậu phương Quân đội đặt ra yêu cầu cao, cần được tiến hành với các chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Quán triệt và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh và quân đội, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, trong thời kỳ đất nước đổi mới, cùng với xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, quản lý xây dựng hậu phương Quân đội, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp, ngành về vấn đề này có sự đổi mới cơ bản, từ xây dựng hậu phương bảo đảm toàn diện cho chiến tranh, cho tiền tuyến, trước hết ưu tiên bảo đảm cho Quân đội với phương thức tập trung bao cấp sang xây dựng hậu phương bảo đảm toàn diện cho Quân đội, phù hợp với điều kiện thời bình của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, chuẩn bị những yếu tố cần thiết, sẵn sàng mở rộng khi có chiến tranh. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được bổ sung, hoàn thiện, tạo cơ sở để thống nhất quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nội dung xây dựng hậu phương Quân đội. Các cấp, ngành, nhất là các địa phương luôn gắn các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội với sự chuẩn bị, tích lũy nguồn lực, tiềm lực của hậu phương Quân đội; đã xây dựng và huy động được sức mạnh của nền kinh tế, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực và cả sức mạnh chính trị - tinh thần, truyền thống của dân tộc bảo đảm cho hoạt động xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; quan tâm tốt hơn đời sống của cán bộ, chiến sĩ và gia đình quân nhân. Nhờ đó, góp phần để công tác bảo đảm quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân được triển khai tích cực, sẵn sàng mở rộng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Phong trào “Nuôi heo đất” tiết kiệm giúp phụ nữ khó khăn của Hội Phụ nữ
Cơ quan Tổng cục Chính trị

Tuy vậy, việc xây dựng hậu phương Quân đội cũng còn có hạn chế, như: nhận thức chưa có sự thống nhất cao; chủ trương, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ; việc phân định trách nhiệm, cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa định hình rõ; sức mạnh tổng hợp chưa được phát huy tốt,… làm ảnh hưởng đến kết quả xây dựng, huy động, bảo đảm các nguồn lực, tiềm lực cho Quân đội, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhất là giai đoạn đầu cuộc chiến tranh (nếu xảy ra).

Trong những năm tới, tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó dự báo; “Tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp”1. Đối với nước ta, thế và lực, sức mạnh tổng hợp không ngừng được tăng lên, tuy vậy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Điều đó đã “đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới to lớn, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”2. Vì vậy, Đảng ta xác định: “Tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống”3; trong đó, việc xây dựng hậu phương Quân đội vững chắc về mọi mặt, tạo sức mạnh tổng hợp to lớn hậu thuẫn cho Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó là vấn đề quan trọng, cần được tiến hành với các chủ trương, giải pháp đồng bộ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề xuất mấy vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các tổ chức, lực lượng về xây dựng hậu phương Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng, nhất là trong điều kiện thời bình, thực hiện nền kinh tế thị trường, không ít cá nhân, tổ chức chạy theo kinh tế thuần túy, chủ quan, coi nhẹ việc xây dựng hậu phương Quân đội. Do đó, trên cơ sở tiếp tục tuyên truyền, làm rõ những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho các đối tượng có nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng, mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung xây dựng hậu phương Quân đội trong tình hình mới. Đó là nơi tập trung xây dựng, dự trữ, bảo đảm các nguồn lực, cả cơ sở vật chất và sức mạnh chính trị - tinh thần cho xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đủ sức hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời, bảo đảm tốt hơn đời sống của cán bộ, chiến sĩ và gia đình họ, cả trong thời bình và thời chiến.

Công tác tuyên truyền phải được tiến hành trên tinh thần đổi mới, đa dạng và vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp, bám sát thực tiễn, tích cực tổng kết, nhân rộng những điển hình tốt; kịp thời phát hiện, đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, tiêu cực, biểu hiện né tránh hoặc coi nhẹ nhiệm vụ này. Qua đó, tạo sự đồng thuận, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện, tạo nên chất lượng mới trong xây dựng hậu phương Quân đội.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhằm bảo đảm cho việc xây dựng hậu phương Quân đội đúng định hướng chính trị, pháp luật và phát huy được sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Hiện nay, một số chính sách, pháp luật về nhiệm vụ này còn đan xen với các chủ trương, chính sách khác về quân sự, quốc phòng,… nên chưa tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước cần bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật, quy định rõ nội dung, nguyên tắc quản lý nhà nước; xác định mục tiêu, quan điểm, cơ chế, nhiệm vụ và giải pháp, trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong xây dựng hậu phương Quân đội. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, dự báo những yêu cầu mới trong điều kiện đất nước xảy ra chiến tranh, xung đột vũ trang, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong điều kiện đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao để có chủ trương, biện pháp phù hợp, hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương bổ sung chủ trương, giải pháp về xây dựng hậu phương Quân đội trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm phù hợp với cấp mình; xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ, tiến độ, hình thức, biện pháp; phát huy tốt vai trò của cơ quan quân sự trong tham mưu, phối hợp hiệp đồng tổ chức thực hiện. Từng bước tổng kết chính sách, pháp luật, tiến tới xây dựng luật về hậu phương Quân đội.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển các tiềm lực của hậu phương Quân đội. Đây là nội dung, nhiệm vụ lớn nhất, có vai trò quan trọng trong xây dựng hậu phương Quân đội. Lý luận và thực tiễn đã khẳng định vai trò to lớn của yếu tố chính trị - tinh thần đối với quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu của Quân đội ta, cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, tiềm lực đầu tiên cần được xây dựng là tiềm lực chính trị - tinh thần, làm cơ sở, động lực thúc đẩy việc xây dựng các tiềm lực khác. Về nội dung, các cấp, ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân luôn kiên định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Cùng với đó, cần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh ngang tầm nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là những người “vừa hồng, vừa chuyên”, gắn bó mật thiết với nhân dân. Xây dựng, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường kỷ luật, kỷ cương của xã hội; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, v.v. Qua đó, tạo sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đối với nhiệm vụ quan trọng này. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực: quân sự, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh tế, khoa học - kỹ thuật, văn hóa,… vững mạnh, phát triển. Có như vậy, mới bảo đảm cho việc xây dựng hậu phương Quân đội đạt được mục tiêu đã xác định, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng hậu phương Quân đội. Đây là bài học được thực tiễn khẳng định, chỉ khi nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, thì việc xây dựng hậu phương Quân đội mới đạt chất lượng, hiệu quả. Trước hết, chính quyền các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong tuyên truyền, giáo dục; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương; quan tâm xây dựng các tổ chức, đoàn thể vững mạnh, thực sự là cánh tay nối dài của cấp ủy đảng, chính quyền, v.v. Qua đó, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc chung sức xây dựng, thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng hậu phương Quân đội.

Để thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước; đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội, phát huy vai trò của cơ quan quân sự địa phương trong tham mưu, làm trung tâm phối hợp, hiệp đồng và nòng cốt trong xây dựng hậu phương Quân đội. Một vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan, đơn vị phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội,… góp phần làm đẹp thêm hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ vững niềm tin, tăng cường sự ủng hộ của nhân dân đối với Quân đội và xây dựng hậu phương Quân đội. Đồng thời, nghiên cứu, chọn lọc kinh nghiệm của các nước; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác về quốc phòng, làm cầu nối để tập hợp kiều bào, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.

Xây dựng hậu phương Quân đội là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài, thực chất là xây dựng các tiềm lực của đất nước mạnh lên, đủ sức bảo đảm cho Quân đội trong quá trình xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Các giải pháp trên là vấn đề cơ bản, các cấp, ngành, địa phương có thể vận dụng vào quá trình xây dựng hậu phương Quân đội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN MINH
__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 71.

2, 3 - Sđd, tr. 75, 150.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.