Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 21/09/2011, 23:57 (GMT+7)
Về yêu cầu sử dụng pháo binh chi viện cho quân khu đánh địch, giữ vững khu vực phòng thủ chủ yếu

 Đánh địch, giữ vững khu vực phòng thủ (KVPT) chủ yếu1 là nhiệm vụ quan trọng nhất trong tác chiến phòng thủ quân khu (PTQK). Đây là vấn đề mới, hơn nữa, lại xảy ra ở thời điểm đầu chiến tranh - thời điểm thế và lực của địch còn rất mạnh. Vì vậy, để đánh thắng địch, giữ vững KVPT chủ yếu, rất nhiều vấn đề cần được đặt ra nghiên cứu; trong đó, cần có sự nghiên cứu về yêu cầu sử dụng pháo binh.

     

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hướng phòng thủ chủ yếu của quân khu có thể trùng với hướng phòng thủ chiến lược của cấp chiến lược hoặc nằm trên hướng phối hợp. Sự khác nhau đó tất sẽ dẫn đến yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ KVPT chủ yếu của từng quân khu có khác nhau. Mặt khác, do yêu cầu bảo vệ mục tiêu trọng yếu, cấp chiến lược hoặc quân khu có thể mở chiến dịch phòng ngự tại KVPT chủ yếu ngay từ đầu. Điều đó cho thấy, vấn đề sử dụng pháo binh chi viện cho các lực lượng đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu cũng sẽ xảy ra nhiều trường hợp, gắn với nhiều loại hình chiến dịch, hình thức chiến thuật, và đương nhiên, mỗi trường hợp lại cần phải có nghệ thuật bố trí, sử dụng pháo binh tương ứng. Tuy nhiên, từ nghệ thuật sử dụng pháo binh của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước của dân tộc và trên cơ sở nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, việc sử dụng pháo binh đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu trong tác chiến PTQK cần tập trung vào mấy vấn đề cơ bản sau đây: 

Một là, sử dụng tập trung, trong đó tập trung chiếm ưu thế vào mục tiêu chủ yếu và thời điểm quyết định.

Tập trung là nguyên tắc hàng đầu của nghệ thuật quân sự. Trong tác chiến PTQK nói chung, đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu nói riêng, nguyên tắc tập trung phải được Bộ đội Pháo binh đặt lên hàng đầu. Song vấn đề cần quan tâm ở đây là, khác với trước, trong điều kiện tác chiến hiện đại, địch có thể tiến công vào KVPT chủ yếu từ nhiều hướng, bằng cả đường bộ, đường không trong khoảng thời gian rất ngắn, thậm chí rất ngắn. Trong khi đó, số lượng pháo đạn của ta có hạn, hơn nữa còn phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ hỏa lực. Vì vậy, pháo binh phải vận dụng thật linh hoạt, sáng tạo nguyên tắc tập trung - tập trung từng bước, tập trung có lựa chọn vào mục tiêu quan trọng và thời điểm có lợi nhất. Khi địch tiến công vào KVPT chủ yếu, các mục tiêu quan trọng của pháo binh ta là sở chỉ huy lữ đoàn, tiểu đoàn; trận địa tên lửa, pháo binh, súng cối nguy hại và một số mục tiêu sinh lực. Thời điểm có lợi để pháo binh ta chế áp, tiêu diệt địch tùy thuộc vào thế trận địch – ta; xét trên lý thuyết là lúc chúng bộc lộ ngoài công sự và lúc chúng ít có khả năng yểm trợ cho nhau; trên thực tế, thường là lúc địch cơ động triển khai lực lượng, đột nhập vào KVPT chủ yếu, đổ bộ đường không (lúc chúng tập kết lên máy bay, hoặc lúc chúng mới đổ bộ được một phần lực lượng và chưa kịp triển khai đội hình), v.v. Còn "thời điểm quyết định" có thể gắn với một trận đánh theo ý định và quyết tâm của người chỉ huy nhằm tạo ra đột biến để kết thúc hoặc phát triển chiến đấu, chiến dịch; hoặc thời điểm địch tiến công uy hiếp nghiêm trọng, đe dọa đến sự mất còn của KVPT chủ yếu. Trong các trường hợp này, pháo binh phải tập trung ở mức cao nhất có thể để đảm bảo chi viện mạnh cho các lực lượng đánh địch, giành quyền làm chủ.

Tuy vậy, vấn đề nói trên nhấn mạnh đến việc tập trung hỏa lực là chủ yếu, theo nguyên tắc: hỏa khí phân tán hợp lý, hỏa lực tập trung. Trường hợp buộc phải phân tán, pháo binh phải tăng cường các biện pháp bảo đảm chỉ huy, hiệp đồng trong nội bộ pháo binh, cũng như giữa pháo binh với bộ binh, xe tăng..., để việc phân tán hỏa khí không ảnh hưởng đến yêu cầu tập trung hỏa lực khi cần thiết. Mặt khác, tác chiến phòng thủ, phòng ngự thường kéo dài. Chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (1972) diễn ra 3 đợt, kéo dài gần 178 ngày đêm. Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (1972) diễn ra 3 đợt, kéo dài 5 tháng. Qua nghiên cứu cho thấy, trong tác chiến PTQK, đặc biệt là trong quá trình đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu, ta và địch có thể đối đầu với nhau nhiều trận, nhiều đợt và thời gian cũng có thể kéo dài. Vì vậy, sử dụng pháo binh tập trung ở mỗi trận đều phải được đặt trong mối liên hệ tổng thể; sử dụng tập trung vào thời điểm đầu, song phải đảm bảo tác chiến dài ngày, cũng như phải đảm bảo có hỏa lực chi viện cần thiết cho các lực lượng khác thực hiện cách đánh rộng khắp nhằm tạo điều kiện cho hướng phòng thủ chủ yếu theo đúng ý định của tư lệnh quân khu.

Hai là, tổ chức, bố trí pháo binh linh hoạt, chủ động.

Trong tác chiến PTQK, ý định của ta là kìm chân địch, đánh nhiều trận, đánh rộng khắp, buộc địch phải phân tán, đối phó trên nhiều hướng và tiêu hao lực lượng, phương tiện. Ngược lại, địch sợ đánh kéo dài, sợ sa lầy, thương vong, tổn thất. Vì vậy, chúng thường thực hiện chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh. Do có sức cơ động mạnh và khả năng hỏa lực lớn, trong trường hợp hướng tiến công chủ yếu (vào KVPT chủ yếu của quân khu) gặp khó khăn, địch có thể nhanh chóng thay đổi hướng tiến công, hoặc tiến công vượt điểm (bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu trọng yếu). Vì vậy, tổ chức, bố trí linh hoạt, chủ động là yêu cầu hết sức quan trọng đối với pháo binh trong đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu. Thực hiện yêu cầu này, Bộ đội Pháo binh phải tổ chức, phân chia lực lượng, phương tiện một cách hợp lý, đảm bảo có lực lượng tại chỗ, có lực lượng cơ động và có lực lượng dự bị thích hợp. Trong mỗi lực lượng, tùy khả năng huy động pháo đạn và tình hình cụ thể để xác định quy mô tổ chức, nhưng dù quy mô nào cũng cần có pháo binh chi viện chung, có pháo binh phối thuộc, có pháo binh làm nhiệm vụ độc lập, chuyên trách.

Địch tiến công vào KVPT chủ yếu của quân khu, mặc nhiên, quyền chủ động ban đầu thuộc về chúng. Ta phòng thủ, phòng ngự nên quyền chủ động bị hạn chế và thường chịu rất nhiều áp lực. Đó là yếu tố khách quan giữa hành động tiến công và phòng ngự. Tuy nhiên, ta hoàn toàn có thể chủ động từ trước để tránh rơi vào tình thế bị động, đối phó. Do vậy, tính chủ động, linh hoạt trong sử dụng pháo binh còn thể hiện ở chỗ, pháo binh phải tính toán sao cho khi bố trí, mỗi phân đội có khả năng đồng thời đảm nhiệm được nhiều phương án (nhiều nhiệm vụ hỏa lực), hay có thể thay đổi phương pháp bắn mà không phải cơ động lực lượng, phương tiện. Đây là giải pháp tạo bất ngờ, làm cho địch từ chỗ chủ động lại trở thành bị động. Ngược lại, pháo binh ta vừa hạn chế thời gian cơ động, vừa nâng cao hiệu quả hỏa lực, đảm bảo chi viện hỏa lực kịp thời cho các lực lượng đánh địch, nhất là trường hợp địch chuyển hướng, mũi tiến công.

Ba là, kết hợp chặt chẽ các thành phần pháo binh và các cỡ, loại pháo.

Kết hợp chặt chẽ hỏa lực các cỡ pháo, loại pháo là nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp trong sử dụng pháo binh. Đây không phải là vấn đề mới, song trong điều kiện tác chiến mới, cần chú ý kết hợp chặt chẽ các thành phần pháo binh không chỉ đối với các phân đội có nhiệm vụ đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu, mà còn đối với toàn bộ lực lượng pháo binh trong quân khu. Theo đó, các thành phần, gồm: pháo binh bộ đội chủ lực (của cấp trên tăng cường và của quân khu, pháo binh bộ đội địa phương, pháo binh dân quân tự vệ và pháo binh của Bộ đội Biên phòng, Hải quân) phải được bố trí theo một ý định thống nhất, hình thành thế trận nhiều tầng, nhiều lớp, liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu. Chỉ có thế trận như vậy, các phân đội pháo binh mới có khả năng bổ sung cho nhau về tầm, về hướng và mới đảm bảo đánh địch từ xa, thậm chí có thể chế áp, tiêu diệt trận địa hỏa lực và sinh lực từ căn cứ xuất phát ban đầu của chúng.

Bốn là, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngụy trang, nghi binh và cơ động.

Khác với trước đây, khả năng trinh sát, phát hiện và sử dụng các đòn sát thương của địch hiện nay và trong tương lai đã và sẽ tăng lên rất nhiều. Để hạn chế khả năng đó của địch, chúng ta phải có nhiều cách; trong đó, thực hiện đồng bộ các biện pháp ngụy trang, nghi binh và cơ động vẫn là các biện pháp cơ bản. Để thực hiện tốt các biện pháp này, trước hết, pháo binh phải tận dụng triệt để tính chất che đỡ tự nhiên của địa hình và cải tạo địa hình, kết hợp sử dụng mọi phương tiện để che dấu hành động, nhất là ngụy trang đội hình chiến đấu (đài quan sát, sở chỉ huy, trận địa bắn). Riêng về nghi binh, việc bố trí “bày giả” chủ yếu tập trung vào các loại trận địa pháo, nhưng phải đảm bảo khả năng đánh lừa được các phương tiện trinh sát hiện đại của địch. Cùng với nghi binh về vị trí, Bộ đội Pháo binh còn chú ý nghi binh về hành động để tăng khả năng thu hút hỏa lực của địch, làm giảm áp lực tiến công của chúng đối với các lực lượng phòng thủ, phòng ngự trong KVPT chủ yếu.

Cơ động là vấn đề sống còn trong điều kiện tác chiến hiện đại. Chỉ có cơ động liên tục, pháo binh mới thực hiện được cách đánh, hơn nữa, mới bảo toàn được lực lượng, phương tiện. Đương nhiên, để đáp ứng tốt yêu cầu cơ động, chỉ huy các cấp pháo binh phải chủ động xây dựng kế hoạch cơ động với nhiều phương án; trong đó, khai thác tối đa khả năng cơ động về hỏa lực, cũng như giảm thiểu cơ động về hỏa khí mà vẫn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Các mặt bảo đảm cơ động như đường cơ động, chiếm lĩnh, phương tiện cơ động, công sự trận địa..., phải được chuẩn bị chu đáo, hoặc chuẩn bị trước một bước ngay từ giai đoạn chuẩn bị. Khi cơ động đội hình, pháo binh cần thực hiện phương pháp cơ động từng phần để một mặt duy trì hỏa lực; mặt khác, giảm tối đa tần suất xuất hiện hành động của mình trước các phương tiện trinh sát của địch.

Là hỏa lực mặt đất chủ yếu chi viện cho quân khu đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu, nhiệm vụ của pháo binh rất nặng nề. Cùng với các vấn đề trên, pháo binh phải luôn quán triệt tinh thần đánh gần, đánh cài xen với địch, không cho chúng phân tuyến và quan trọng nhất là để nâng cao hiệu quả bắn, đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào, pháo binh cũng chi viện kịp thời, hiệu quả cho các lực lượng đánh địch, giữ vững KVPT chủ yếu.

 Thượng tá, ThS. VŨ HỒNG HÀ

____________

1 - KVPT chủ yếu của quân khu nằm trên hướng phòng thủ chủ yếu của quân khu (và có thể có một phần trên hướng khác), nơi có các trung tâm chính trị, kinh tế quan trọng, đồng thời là chỗ dựa cơ bản cho hoạt động tác chiến của toàn quân khu. KVPT chủ yếu của quân khu thường gồm: KVPT then chốt của một số tỉnh (thành phố), các trọng điểm phòng ngự, các chốt chiến dịch, các căn cứ chiến đấu và các khu vực địa hình có giá trị về chiến dịch, chiến thuật.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.