Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 11/01/2024, 13:20 (GMT+7)
Về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng trong tình hình mới

Không gian mạng là môi trường chiến lược, “vùng lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc. Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp; trong đó, xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng” vững chắc là nội dung căn cốt, nền tảng.

Thế giới đang trong thời kỳ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển nhảy vọt của công nghệ, hình thành nên kỷ nguyên số; trong đó, mọi yếu tố đều có thể được số hóa, lưu trữ, trao đổi trên môi trường không gian mạng. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, không gian mạng đã trở thành môi trường tác chiến thứ sáu, bên cạnh môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển, trong vũ trụ và trường điện từ; các cuộc tấn công mạng có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô ảnh hưởng, gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho chủ thể bị tấn công.

Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Quảng Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tuổi trẻ khối các cơ quan tỉnh với văn hóa trên không gian mạng”. Ảnh: baoquangnam.vn

Chiến tranh không gian mạng là hoạt động tấn công mạng do một hay một số quốc gia, vùng lãnh thổ tiến hành nhằm vào quốc gia, vùng lãnh thổ khác, gây tổn hại các hệ thống, quy trình và nguồn tài nguyên thông tin cũng như các kết cấu hạ tầng quan trọng khác; phá hoại hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội, tác động đến tâm lý của người dân nhằm tạo lợi thế về quân sự, chính trị, kinh tế, xâm phạm độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Đặc điểm của chiến tranh mạng là không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Các cuộc tấn công mạng có thể được thực hiện từ bất kỳ vùng lãnh thổ nào trên thế giới có kết nối mạng toàn cầu, trong bất kỳ thời gian nào, bất kể ngày hay đêm, gây khó khăn trong việc xác định nguồn gốc của cuộc tấn công và truy cứu trách nhiệm của thủ phạm. Các cuộc tấn công mạng thường được chuẩn bị, thử nghiệm trong môi trường mạng đóng nên hết sức bí mật và khó phát hiện trước; khi phát động tấn công thì bất ngờ, đồng loạt, khiến các mục tiêu bị nhắm đến khó có thể ứng phó kịp thời; bên tấn công thường sử dụng các kỹ thuật tinh vi để ẩn danh và che giấu dấu vết của mình.

Thực tế những năm qua, các cuộc tấn công mạng đã diễn ra với nhiều cấp độ, quy mô, mục đích khác nhau, tần suất ngày một gia tăng và đang hiện hữu, trở thành một mối đe dọa lớn đối với mọi quốc gia. Mặt khác, môi trường tác chiến này cũng được nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển về công nghệ sử dụng để trinh sát, thu thập các thông tin quan trọng về chiến lược kinh tế, quân sự, quốc phòng; chiếm quyền kiểm soát, phá hủy, làm tê liệt hệ thống thông tin, hoạt động kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh; tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội; tác động đến tâm lý, nhận thức của người dân,... nước bị tấn công; đồng thời, hỗ trợ, phối hợp, hiệp đồng với các hoạt động quân sự truyền thống đạt được mục tiêu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Đối với nước ta, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến không gian mạng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc trên tất cả các môi trường, bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia - dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước thì xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng” là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cần được nghiên cứu, triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Có thể hiểu, thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng là thế bố trí lực lượng, vũ khí trang bị tác chiến trên không gian mạng quốc gia Việt Nam; kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, hình thành thế trận quốc phòng - an ninh trên không gian mạng an toàn, vững chắc. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng phải dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại; trong đó, huy động tối đa tiềm lực về khoa học và công nghệ của quốc gia phục vụ cho các hoạt động tác chiến không gian mạng nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Trong thời bình, tác chiến trên không gian mạng có nhiệm vụ bảo vệ an toàn hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, hệ thống thông tin quân sự, quốc phòng và các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia; đấu tranh ngăn chặn các hoạt động sử dụng không gian mạng thực hiện “diễn biến hòa bình”, bạo loạn, lật đổ và sẵn sàng đối phó với các tình huống tấn công mạng. Vì vậy, ngay từ thời bình, cần xây dựng một thế trận, cơ sở hạ tầng vững chắc để tạo thế chủ động trước các cuộc chiến tranh mạng trong tương lai. Cần bố trí lực lượng, thế trận rộng khắp, bao gồm các yếu tố cơ sở hạ tầng, vũ khí mạng, lực lượng chuyên trách, lực lượng “dân quân mạng” rộng khắp, tạo thế chủ động có thể phòng thủ, tấn công mọi lúc, mọi nơi. Tạo những điểm giả (honeypot) thu hút nguồn lực của đối phương để hạn chế tổn hại khi bị tấn công mạng; đồng thời, tạo thế cho lực lượng tác chiến không gian mạng tấn công đối phương trên mọi phương diện. Có kế hoạch phối hợp tác chiến với các lực lượng trên lĩnh vực công nghệ thông tin, lực lượng 47, Ban Chỉ đạo 35 của các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp, công ty công nghệ thông tin, học sinh, sinh viên của các nhà trường, tiềm năng công nghệ,… nhằm tạo thế trận rộng khắp, thu hút, phân tán khả năng tấn công mạng của đối phương vào những mục tiêu cơ sở hạ tầng mạng trọng yếu.

Về trang thiết bị, hạ tầng, cần tập trung xây dựng hệ thống phòng thủ mạng, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống cung cấp điện năng độc lập,… phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến không gian mạng. Tăng cường các giải pháp bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Để thực hiện tốt những mục tiêu, yêu cầu trên, xây “thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng” vững chắc, cần đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ những nội dung, giải pháp cơ bản sau:

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn, an ninh mạng. Đây là nội dung, giải pháp cơ bản, nền tảng, nhằm trang bị cho toàn dân, mọi thành phần, lực lượng có kiến thức và kỹ năng về an toàn, an ninh mạng. Theo đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết số 44/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Luật An ninh mạng; Luật An toàn thông tin mạng; Quyết định số 964/QĐ-TTg, ngày 10/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; trong đó, tầm nhìn đến năm 2030 trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, v.v. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỹ năng an toàn, an ninh mạng của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; tạo sức mạnh tổng hợp, đủ khả năng chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng.

2. Tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Để thực hiện giải pháp này, Bộ Quốc phòng tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan liên quan chủ động, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng. Tổ chức lực lượng bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin của cơ quan Đảng, Nhà nước, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, hệ thống thông tin quân sự. Đồng thời, tham mưu, đề xuất xây dựng các hệ thống kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động của các thế lực thù địch sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Có chế tài, chính sách huy động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân thực thi trách nhiệm và sứ mệnh bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng.

Bộ Công an xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng để quần chúng nhân dân phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” phù hợp với thời đại số; chủ động nghiên cứu, hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm quốc gia để kịp thời phát hiện, điều phối, ứng cứu sự cố an ninh mạng; thu thập, chia sẻ thông tin về an ninh mạng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong nước và ngoài nước; xây dựng, hình thành nền tảng điều hành, giám sát an ninh mạng thống nhất.

Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy phát triển ứng dụng Internet an toàn nhằm bảo vệ người dân trên môi trường mạng; phát triển ứng dụng tuyên truyền (app), nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin cho người sử dụng; phát triển nền tảng hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thay đổi thói quen, hành vi trên môi trường mạng theo các chuẩn mực an toàn.

3. Phát huy sức mạnh của thế trận quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân trong củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên không gian mạng khi có chiến tranh mạng xảy ra. Khi có chiến tranh mạng xảy ra, cùng với lực lượng Quân đội, Công an là nòng cốt, cần huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia về lĩnh vực an toàn thông tin, an ninh mạng bên ngoài nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, huy động các phương tiện vật chất kỹ thuật, năng lực sửa chữa, sản xuất công nghiệp của nền kinh tế quốc dân và lực lượng cán bộ, nhân viên công nghệ thông tin trong diện dự bị động viên để phục vụ cho công tác bảo đảm trang bị, bảo đảm công nghệ thông tin quân sự khi có lệnh động viên của Nhà nước. Quá trình đó, cần triển khai các kế hoạch tác chiến mạng đã được xây dựng từ thời bình, triệt để tận dụng hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị chiến trường đã được chuẩn bị từ trước; trên cơ sở đó, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện tác chiến thực tế. Trong điều kiện chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, việc cơ động triển khai, bố trí lực lượng cần vận dụng các hình thức, biện pháp một cách linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm bí mật, an toàn, hạn chế thấp nhất tổn thất do hỏa lực địch gây ra.

Thực hiện động viên quốc phòng theo thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục; huy động nhân lực bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng theo quy định. Huy động mọi nguồn lực của đất nước hoặc một số địa phương cho nhiệm vụ quốc phòng, tạo sức mạnh tổng hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN MINH THẮNG, Chính ủy Bộ Tư lệnh 86

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.