Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 17/06/2016, 14:10 (GMT+7)
Về xây dựng đội ngũ trí thức trong Quân đội hiện nay

Là một bộ phận của đội ngũ trí thức Việt Nam, đội ngũ trí thức Quân đội đã và đang có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng đội ngũ trí thức Quân đội là nội dung quan trọng, vừa mang tính cấp thiết, vừa cơ bản, lâu dài.

Thực tiễn hoạt động trên 70 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội. Ngày nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao, việc xây dựng đội ngũ trí thức Quân đội có chất lượng cao, đủ tài, đủ đức, đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang càng có ý nghĩa quan trọng.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) khẳng định: “Ðội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”1. Xét về cơ cấu, đội ngũ trí thức Quân đội bao gồm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; cán bộ nghiên cứu, giảng dạy trong các học viện, nhà trường, các trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành của Quân đội,… có trình độ học vấn đại học, sau đại học; có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, trực tiếp tham gia nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự Việt Nam. Với những ưu thế về trình độ học vấn, năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, trình độ quản lý, chỉ huy,… đội ngũ trí thức Quân đội thực sự là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức Quân đội. Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức Quân đội đã có bước phát triển về cả số lượng và chất lượng; số cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư của Quân đội không ngừng tăng. Trong các giai đoạn của cách mạng, đội ngũ trí thức Quân đội luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có xu hướng nghề nghiệp rõ ràng; trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, gắn bó với Quân đội và đơn vị; có ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ theo cương vị, chức trách được giao. Trong giai đoạn mới, đội ngũ trí thức Quân đội đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng những luận cứ khoa học góp phần hoạch định Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, đội ngũ trí thức Quân đội là lực lượng trực tiếp tham gia nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xây dựng, triển khai đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Trong một số nhiệm vụ cụ thể, đội ngũ tri thức Quân đội luôn đi đầu trong nghiên cứu, tiếp thu, phổ biến, ứng dụng và phát triển tri thức quân sự, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đội ngũ trí thức Quân đội đồng thời cũng là lực lượng tiên phong trong đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận; chủ động, tích cực đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; chủ động đập tan âm mưu “phi chính trị hóa Quân đội”, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Vai trò của đội ngũ trí thức Quân đội được thể hiện rõ trong nhiều hoạt động, cả trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự; khoa học xã hội và nhân văn quân sự; khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự và y dược quân sự; cả hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí, xuất bản, v.v.

 Tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tiễn, đội ngũ trí thức Quân đội còn một số hạn chế nhất định. Số lượng, chất lượng trí thức Quân đội chưa tương xứng với yêu cầu xây dựng Quân đội; trình độ ngoại ngữ và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế; bình quân độ tuổi của trí thức Quân đội còn cao so với mặt bằng của đội ngũ trí thức nói chung; cơ cấu có những mặt mất cân đối về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, v.v. Việc khai thác, phát huy tiềm năng sáng tạo của trí thức Quân đội còn hạn chế, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học ở một số cơ quan, học viện, nhà trường chưa thực sự xuất phát từ thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của bộ đội; số lượng chuyên gia đầu ngành chưa nhiều; tính gắn kết giữa khoa học kỹ thuật với ứng dụng thực tiễn chưa cao; một số ít trí thức, kể cả người có trình độ học vấn cao còn thiếu tự tin, “ngại” tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, chưa thường xuyên tìm tòi, học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, v.v.

Để xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ trí thức Quân đội, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện một số nội dung cơ bản sau:

Một là, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Thực tế cho thấy, một nguyên nhân cơ bản hạn chế việc phát huy vai trò của trí thức Quân đội là do nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức. Do vậy, cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các lực lượng, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, Quân đội trong tình hình mới. Đồng thời, thông qua tuyên truyền, giáo dục, làm cho đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đơn vị, Quân đội,… để từ đó đoàn kết phấn đấu, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hai là, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý của cấp ủy và chỉ huy các cấp đối với đội ngũ trí thức. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến hiệu quả công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ trí thức Quân đội trong tình hình mới. Thực tiễn chỉ ra, khi nào và ở đâu cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của trí thức thì đội ngũ trí thức mới thực sự phát huy hết khả năng tư duy, năng lực sáng tạo, đóng góp có hiệu quả vào sự trưởng thành của đơn vị, của Quân đội. Do vậy, ở mỗi cấp, mỗi đơn vị, cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên cần quán triệt sâu sắc quan điểm lãnh đạo của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức gắn với đặc điểm nhiệm vụ cụ thể và chất lượng đội ngũ trí thức của đơn vị. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng chất lượng, số lượng, cơ cấu đội ngũ trí thức và công tác xây dựng đội ngũ trí thức, trong quản lý, sử dụng trí thức cần nghiên cứu, thực hiện các phương thức phù hợp, tránh việc áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức, tạo môi trường thuận lợi giúp trí thức Quân đội rèn luyện, cống hiến, trưởng thành.

Ba là, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng trí thức Quân đội gắn với chính sách trọng dụng, đãi ngộ hợp lý. Đây là hai mặt thống nhất trong tổng thể quá trình xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức Quân đội. Vấn đề này cần được tổ chức thực hiện đồng bộ ở cả tầm vĩ mô và vi mô gắn với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đặc điểm của từng đơn vị cụ thể. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) nhấn mạnh: “Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức… tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức”2. Theo đó, Bộ Quốc phòng cần sớm hoàn thiện chiến lược giáo dục - đào tạo trong Quân đội, tạo bước chuyển căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức Quân đội. Xây dựng quy hoạch đội ngũ trí thức phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện có hiệu quả việc tuyển chọn và đưa cán bộ, trí thức Quân đội đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; trong đó, chú trọng ngay từ khâu tuyển chọn đầu vào đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp giỏi ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài Quân đội; đồng thời, có chính sách giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao vào công tác ở những ngành, lĩnh vực mà Quân đội có nhu cầu.

Đối với các đơn vị trong toàn quân, cần chủ động đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, trí thức; coi trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cho đội ngũ trí thức trẻ. Các học viện, nhà trường Quân đội, căn cứ vào nội dung, yêu cầu, lĩnh vực đào tạo cần tập trung đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, trực tiếp góp phần vào sự phát triển đội ngũ trí thức Quân đội cả về số lượng và chất lượng.

Bốn là, phát huy tinh thần tích cực, sáng tạo, tự phấn đấu, tự rèn luyện của đội ngũ trí thức Quân đội. Đây là vấn đề cốt lõi trong phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Quân đội, giúp mỗi trí thức không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bám sát sự phát triển của đất nước và trên cơ sở ý thức rõ vị trí, vai trò của mình, đội ngũ trí thức Quân đội phải thường xuyên nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tự nghiên cứu, tự học tập để không ngừng tích lũy kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn công tác. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và yêu cầu của nền kinh tế tri thức, đội ngũ trí thức Quân đội hơn lúc nào hết cần đa dạng hóa các phương thức tự học tập, tự nghiên cứu, chủ động tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn cũng như trình độ ngoại ngữ, tin học, v.v. Đồng thời, nêu cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hoàn thiện nhân cách người cán bộ Quân đội trong tình hình mới; bồi đắp, phát huy những phẩm chất tốt đẹp, nhất là lòng yêu nước, tính tích cực xã hội, tính nhân văn, đạo đức, lối sống trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ được giao; tích cực rèn luyện bản lĩnh khoa học, nâng cao tính phát hiện, gắn công tác nghiên cứu với hoạt động thực tiễn, chủ động nghiên cứu, phát hiện, đề xuất những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước cũng như thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu rất cao, đòi hỏi đội ngũ trí thức Quân đội phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cho ra đời những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, nhất là các sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN CHÍNH LÝ và Thượng tá NGUYỄN DUY THẢO
___________________

1- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H.2008, tr. 83.

2- ĐCSVN, Sđd, tr. 93, 95.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.