Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 16/07/2015, 14:19 (GMT+7)
Về xã hội hóa công tác hậu cần quân đội hiện nay

Xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là một chủ trương đúng, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, Quân đội trong thời bình. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có tính đặc thù cao, nên việc thực hiện phải chặt chẽ, thận trọng, với bước đi thích hợp. 

Bếp ăn cơ quan Cục Hậu cần, Quân khu 2 sử dụng
sản phẩm GV-102 (Ảnh: qdnd.vn)

Xã hội hóa là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhằm huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế và toàn xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Những năm gần đây, khái niệm “xã hội hóa” được đề cập trong nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và trên thực tế đã được triển khai thực hiện ở một số lĩnh vực, như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học - công nghệ, đem lại hiệu quả rõ. Từ kết quả đó, xã hội hóa ngày càng được phát triển, mở rộng đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Trong xu thế chung đó, đối với Quân đội ta, xã hội hóa công tác hậu cần là một đòi hỏi khách quan, trước yêu cầu xây dựng, phát triển lớn mạnh.

Xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào các khâu, các mặt công tác hậu cần quân đội. Ở nước ta, trong lịch sử, việc làm này đã được thực hiện, nhưng ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn có khác nhau và có mức độ, phạm vi nhất định. Trên cơ sở thấu suốt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước và nắm vững đặc điểm, nhiệm vụ của Quân đội, từ năm 2008, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo nghiên cứu thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần. Do đây là nội dung phức tạp, nhạy cảm, nên vấn đề này được chỉ đạo tiến hành chặt chẽ, với lộ trình, bước đi thích hợp, trước hết là trong tạo nguồn bảo đảm hậu cần và tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe bộ đội.

Mặc dù thời gian thực hiện chưa dài, nhưng hiệu quả của xã hội hóa ở một số nội dung công tác hậu cần đã được khẳng định. Thông qua thực hiện xã hội hóa, chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần được nâng lên, đời sống bộ đội được giữ vững và có phần cải thiện; các đơn vị giảm quân số biên chế, tận dụng được mặt tích cực của kinh tế thị trường, nguồn lực của xã hội, nâng cao chất lượng bảo đảm; đồng thời, giảm các chi phí: phục vụ, quản lý, bảo quản, dự trữ, vận chuyển hàng hoá…, tiết kiệm đáng kể ngân sách, v.v. Kết quả đó khẳng định chủ trương, hướng đi đúng của Quân đội ta về vấn đề này. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới; hơn thế, tính chất, đặc điểm của công tác hậu cần quân đội trong thời bình và thời chiến có sự khác nhau, lại gồm nhiều ngành chuyên môn nên quá trình thực hiện xã hội hóa cần phải nghiên cứu một cách tổng thể, phù hợp, thận trọng, giải quyết tốt vấn đề nảy sinh, không để xảy ra bị động khi có tình huống.

Để mở rộng và triển khai thực hiện tốt xã hội hóa công tác hậu cần quân đội, chúng ta cần quán triệt, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách xã hội hóa của Đảng, Nhà nước phù hợp với đặc thù lĩnh vực quân sự, quốc phòng; đồng thời, nắm chắc chủ trương, sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn nữa.

Trước hết, cần thống nhất nhận thức về xã hội hóa công tác hậu cần quân đội, tạo sự đồng thuận trong thực hiện. Xét trên nhiều phương diện có thể thấy, thực hiện xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là một đòi hỏi tất yếu, khách quan trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và nhất là những kết quả từ xã hội hóa một số ngành, lĩnh vực thời gian qua, đã tạo ra những điều kiện, tiền đề cần thiết cho thực hiện vấn đề này. Vì vậy, cần phải quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy các cấp thống nhất nhận thức, rằng: xã hội hóa công tác hậu cần là chủ trương đúng, phù hợp xu thế phát triển chung và điều kiện của đất nước, Quân đội. Tuy là vấn đề mới, nhưng về bản chất, nó chính là sự cụ thể hóa, kế tục và phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” của cha ông ta; là việc quán triệt, thực hiện quan điểm “hậu cần toàn dân” của Đảng trong điều kiện mới, v.v. Mặt khác, cũng cần thấy rằng, công tác hậu cần là hoạt động kinh tế trong Quân đội, liên quan chặt chẽ và chịu tác động to lớn từ nền kinh tế đất nước, quy luật thị trường, nhưng mục tiêu xã hội hóa công tác hậu cần không chỉ nhằm tới hiệu quả kinh tế đơn thuần, mà “xã hội hoá một số mặt công tác bảo đảm hậu cần, nhưng phải giữ vững quan điểm lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của quân đội và phục vụ bộ đội là mục tiêu hàng đầu”1. Đây là vấn đề cốt lõi nhất, bao trùm, không được xa rời, đảm bảo cho xã hội hóa công tác hậu cần đạt mục đích đề ra.

Hai là, xã hội hóa công tác hậu cần quân đội phải tiến hành từng bước, có trọng tâm, phù hợp với thể chế kinh tế và yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Công tác hậu cần quân đội bao gồm nhiều mặt, nhiều nội dung, nhiều ngành chuyên môn và mỗi ngành có những yêu cầu riêng. Hoạt động công tác hậu cần liên quan đến nhiều cấp, nhiều đơn vị cả trong và ngoài Quân đội, tiến hành trong môi trường, điều kiện hoạt động quân sự khó khăn, khắc nghiệt, yêu cầu rất khắt khe, không tuân theo những quy luật kinh tế, xã hội thông thường. Thực tiễn xã hội hóa một số nội dung công tác hậu cần trong những năm qua nảy sinh không ít khó khăn, vướng mắc, do đặc thù quân sự, do cơ chế, chính sách và những phát sinh về nhận thức, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, nhân viên trong các ngành, lĩnh vực thực hiện xã hội hóa, v.v. Qua đó có thể thấy, xã hội hóa công tác hậu cần quân đội là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, cần có lộ trình thích hợp, tiến hành từng bước, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, khả năng kinh tế - xã hội, cơ chế và sự vận động của nền kinh tế thị trường, v.v. Đặc biệt, xã hội hóa không được làm ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội. Bởi vậy, cần nghiên cứu, lựa chọn nội dung công tác hậu cần xã hội hóa trong từng giai đoạn cho phù hợp. Trước hết, nên tập trung vào những nội dung, những khâu, công việc có điều kiện phát huy nguồn lực xã hội, nhất là những nội dung đã và đang có sự phối hợp thực hiện giữa hậu cần quân đội với các bộ, ngành nhà nước, hay sự tham gia của nhân dân, như: kết hợp quân - dân y trong chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; công tác sản xuất, tạo nguồn vật chất hậu cần, v.v. Tiếp đến, là xã hội hóa những khâu, công việc, những nội dung ít liên quan, ảnh hưởng đến yêu cầu đặc thù quân sự. Trong đó, ưu tiên thực hiện xã hội hóa hoạt động bảo đảm mang tính lưỡng dụng. Riêng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, các lĩnh vực đặc thù quân sự cần thận trọng; với một số nội dung, hoạt động hậu cần có đặc thù cao thì chưa nên hoặc không thực hiện xã hội hóa.

Ba là, chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động từ chủ trương, chính sách xã hội hóa đến công tác hậu cần, cũng như những hệ quả mà xã hội hóa công tác hậu cần đem lại. Đây là việc làm cần thiết, giúp chủ động nhận diện cả thuận lợi, khó khăn, thách thức để có biện pháp tiến hành xã hội hóa công tác hậu cần phù hợp, hiệu quả. Trước hết, về xây dựng, chuẩn bị lực lượng hậu cần. Xã hội hóa tạo điều kiện để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ ngoài xã hội vào làm công tác hậu cần, nhất là một số chuyên ngành hẹp. Tuy vậy, khi thực hiện xã hội hóa, chúng ta sẽ chuyển toàn bộ hoặc một số khâu, một số nội dung công tác hậu cần do các ngành, đơn vị đảm nhiệm sang cho các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà thầu) có đủ năng lực, điều kiện, được lựa chọn thực hiện. Theo đó, hệ thống tổ chức, biên chế lực lượng hậu cần ở các cấp chịu sự tác động lớn mà trực tiếp là việc tinh giảm biên chế cán bộ, nhân viên hậu cần. Như vậy, hậu cần các cấp có điều kiện chọn lọc, xây dựng hệ thống tổ chức tinh, gọn, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngành Hậu cần chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Nhưng đi liền với đó là áp lực về sắp xếp, bố trí, giải quyết lao động dôi dư. Đây là vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính sách xã hội, trên thực tế không dễ giải quyết trong thời gian ngắn, đòi hỏi cần được xem xét nghiêm túc và có cơ chế, chính sách, biện pháp đồng bộ, lộ trình cụ thể và điều quan trọng hơn là, cần phải tính toán khoa học để có sự chủ động về tổ chức biên chế lực lượng hậu cần trong thời chiến, nhằm đảm bảo cho Quân đội hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Đối với công tác tạo nguồn hậu cần, xã hội hóa sẽ tạo điều kiện để các thành phần kinh tế (nhà thầu) đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tạo nguồn bảo đảm hậu cần cho Quân đội - công việc mà trước đây do các doanh nghiệp Nhà nước, Quân đội nắm giữ. Điều đó sẽ khuyến khích, phát huy thế mạnh của hậu cần tại chỗ, kết hợp với bảo đảm cơ động từ nơi khác đến, tạo nguồn hậu cần vững chắc trên từng khu vực, đáp ứng kịp thời cho hoạt động của các đơn vị, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, địa bàn dễ bị chia cắt. Tuy nhiên, các nhà thầu hoạt động với mục đích kinh doanh, chạy theo lợi nhuận. Bởi vậy, có thể có tình huống nhà thầu không thực hiện đúng hợp đồng, hoặc bất khả kháng trong việc thực hiện do biến động giá, nguồn hàng, do nhu cầu lớn, phải đáp ứng trong thời gian ngắn…, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính kế hoạch, tính ổn định, vững chắc trong bảo đảm, v.v. Từ những vấn đề nêu trên, đòi hỏi cùng với việc thẩm định kỹ các điều kiện của nhà thầu, cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chế tài, phương pháp tổ chức, quản lý, phương án tạo nguồn dự phòng, đổi mới phương thức, phân cấp mạnh mẽ cho cấp dưới khai thác, huy động, tận dụng tối đa khả năng tại chỗ,… để giải quyết tốt những vướng mắc nảy sinh.

Xã hội hóa cũng tác động lớn đến phương thức bảo đảm và công tác quản lý hậu cần. Khi thực hiện xã hội hóa, ta có thể thấy ngay là, đối tượng được phục vụ (bộ đội) không thay đổi, nhưng đối tượng phục vụ có sự thay đổi (các khâu, nội dung công tác hậu cần được xã hội hóa sẽ do nhà thầu đảm nhiệm). Điều đó sẽ làm cho chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hậu cần các cấp, nhất là cấp cơ sở có những thay đổi. Cơ quan hậu cần sẽ chuyển từ trực tiếp tạo nguồn, tổ chức bảo đảm sang quản lý quá trình bảo đảm, với chức năng chủ yếu là kiểm soát, giám sát. Chính vì vậy, xã hội hóa công tác hậu cần đòi hỏi phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ, nhân viên hậu cần, nhất là trình độ quản lý,  năng lực về pháp luật, về các hoạt động kinh tế. Mặt khác, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế, cách thức quản lý hậu cần cho phù hợp với cơ chế, chính sách quản lý kinh tế của Nhà nước. Công tác quản lý sẽ đổi mới theo hướng chuyển từ quản lý theo kiểu mệnh lệnh hành chính, theo đầu việc, sang quản lý theo tiêu chuẩn, chất lượng, kết quả bảo đảm là chủ yếu, vừa đảm bảo giữ vững, phát huy vai trò nòng cốt của ngành Hậu cần trong quản lý; đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hậu cần trong cơ chế thị trường.

Nhận thức đúng về xã hội hóa công tác hậu cần, chủ động lường trước những khó khăn, thách thức, nhất quán về mục tiêu, có quyết tâm cao, chặt chẽ, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện là cơ sở để hiện thực hóa vấn đề này.

Đại tá, PGS,TS. PHẠM ĐỨC DŨNG, Đại tá, TS. NGUYỄN TRẦN ĐÌNH TÁ
__________________

1 - Nghị quyết 623-NQ/QUTW, ngày 29-10-2012 của Quân ủy Trung ương về “Công tác Hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.