Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 13/09/2023, 16:46 (GMT+7)
Về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên địa bàn Quân khu 7

Biển, đảo Việt Nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đồng thời là chiến trường quan trọng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Vì vậy, nghiên cứu về tổ chức, sử dụng lực lượng tác chiến bảo vệ biển, đảo nói chung, đối với lực lượng vũ trang Quân khu 7 nói riêng là vấn đề cấp thiết, nhằm nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng vũ trang Quân khu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nằm án ngữ khu vực Đông Nam Bộ, một phần Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, với 322km bờ biển cùng nhiều đảo lớn có giá trị về quân sự, quốc phòng, kinh tế, như: Phú Quý, Côn Đảo,... Quân khu 7 là địa bàn chiến lược trọng điểm trong thế phòng thủ chung của chiến trường miền Nam và cả nước. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở nắm chắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, những năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu phối hợp chặt chẽ với các quân chủng, binh chủng, lực lượng đứng chân trên địa bàn xây dựng thế trận phòng thủ biển, đảo ngày càng liên hoàn, vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung nghiên cứu, nắm, dự báo đúng tình hình quốc phòng, an ninh trên biển, đảo; âm mưu, thủ đoạn và phương thức tác chiến của đối phương; xây dựng quyết tâm, kế hoạch, phương án tác chiến phòng thủ biển, đảo các cấp; tích cực điều chỉnh lực lượng tinh, gọn, mạnh; tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, động viên quốc phòng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và sẵn sàng huy động khi chiến tranh xảy ra, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, rất khó dự báo; tình hình Biển Đông đang tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, nhất là việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên, ngư trường; an ninh hàng hải,... có thể dẫn đến nguy cơ xung đột cục bộ trong khu vực. Trong khi đó, vùng biển Quân khu đảm nhiệm trải dài từ mũi Kê Gà (Bình Thuận) đến mũi Ô Cấp (Bà Rịa - Vũng Tàu) với nhiều khu vực có thể đổ bộ đường biển quy mô vừa và lớn. Dự kiến, nếu chiến tranh xảy ra, quá trình tiếp cận, triển khai tiến công vào địa bàn Quân khu, địch có thể sử dụng liên binh đoàn tác chiến liên hợp, bao gồm một số sư đoàn lục quân, hải quân đánh bộ, lực lượng phản ứng nhanh, được hỏa lực không quân, hải quân chi viện, tổ chức tiến công hỏa lực, đổ bộ đường biển, đánh chiếm các mục tiêu ven biển, lập bàn đạp đưa các lực lượng phía sau tiến công sâu vào trong đất liền; kết hợp đổ bộ đường biển với tiến công đường bộ, đổ bộ đường không, gây bạo loạn lật đổ bên trong nhằm mục đích đánh chiếm, làm chủ các mục tiêu trên địa bàn Quân khu. Vì vậy, cùng với nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các mặt bảo đảm, Quân khu cần chủ động xây dựng các phương án tác chiến sát thực tiễn, mang tính khả thi cao, nhằm xử lý thắng lợi mọi tình huống xảy ra trên hướng biển. Trong đó, nghiên cứu nắm chắc nguyên tắc tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang một cách hợp lý, khoa học, phát huy sức mạnh tổng hợp các thành phần, lực lượng tham gia đánh địch, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là vấn đề quan trọng, cấp thiết.

Trước hết, đối với lực lượng tại chỗ, bao gồm các đơn vị đang trực tiếp quản lý, bảo vệ đảo, khu vực biển; các đơn vị được bổ sung, tăng cường trong quá trình chuẩn bị tác chiến, chủ yếu là lực lượng trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển (bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, công an, biên phòng,…) và các đơn vị chủ lực của Quân khu đảm nhiệm phòng thủ, phòng ngự, đánh địch, giữ vững khu vực phòng thủ ven biển, các đảo, cụm đảo gần bờ trên hướng chủ yếu, quan trọng. Trong đó, nòng cốt là lực lượng binh chủng hợp thành của Quân khu và lực lượng của các quân chủng, binh chủng, ngành đã bố trí hoặc tăng cường cho các đảo, cụm đảo, v.v. Đây là lực lượng tác chiến nhanh nhất, kịp thời và hiệu quả nhất ngay khi địch có hành động đánh chiếm vùng biển, đảo của Quân khu, Tổ quốc. Vì thế, việc tổ chức, sử dụng lực lượng này phải căn cứ vào tình hình cụ thể, thông thường quy mô lực lượng tại chỗ biên chế cho mỗi đảo, cụm đảo có thể sử dụng lực lượng tương đương đơn vị cấp chiến thuật, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ phòng thủ, địa bàn tác chiến ven biển và phạm vi quản lý địa giới hành chính.

Mặt khác, trong quá trình tiến công đánh chiếm vùng biển, đảo của Quân khu, địch có thể tiến công tuần tự từ ngoài vào trong (đảo xa bờ đến đảo gần bờ) hoặc thọc sâu đổ bộ tiến công trực tiếp vào các đảo, cụm đảo quan trọng gần bờ trên hướng phòng thủ chủ yếu của ta. Do vậy, Quân khu cần nghiên cứu, tổ chức các đơn vị chủ lực có quy mô lực lượng phù hợp, có thể từ cấp tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh, được tăng cường một số đơn vị quân chủng, binh chủng, ngành và được chi viện hỏa lực, bảo đảm tác chiến,… phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong khu vực phòng thủ ven biển kiên quyết ngăn chặn, sát thương, tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ vững các đảo, cụm đảo gần bờ, các khu vực, mục tiêu ven biển quan trọng; tạo thế, lực, thời cơ cho các lực lượng khác của Bộ (chiến trường) đánh địch, bảo vệ biển, đảo.

Đối với lực lượng cơ động của Quân khu - lực lượng chủ yếu, nòng cốt trong đánh địch bảo vệ biển, đảo, căn cứ vào dự kiến quy mô lực lượng địch đánh chiếm khu vực biển, đảo trên địa bàn, nhiệm vụ cấp trên giao, phương án tác chiến, khả năng lực lượng để tổ chức lực lượng này cho phù hợp. Thông thường, Quân khu có thể tổ chức một số đơn vị chiến đấu cấp trung đoàn đến sư đoàn bộ binh; đại đội đến tiểu đoàn binh chủng, khi cần thiết tổ chức đến cấp lữ đoàn; được cấp trên phối thuộc lực lượng và chi viện hỏa lực, tàu thuyền,... bảo đảm đủ sức thực hiện các trận đánh độc lập hoặc trong đội hình cấp trên tiến công tiêu diệt địch, khôi phục các đảo, cụm đảo gần bờ trên địa bàn Quân khu. Khi được Bộ (chiến trường) tăng cường lực lượng Hải quân, Quân khu có thể tổ chức cụm lực lượng hoặc cụm chiến thuật hải quân; nhóm, đội đặc công,… thực hành cơ động đánh địch trong các tình huống.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn và yêu cầu của cấp trên, lực lượng cơ động của Quân khu có thể tham gia cùng lực lượng cơ động của Quân chủng Hải quân và của Bộ (chiến trường) tăng cường sức mạnh tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng đánh địch trên biển, bảo vệ các đảo, quần đảo xa bờ. Vì vậy, tùy tình hình cụ thể, việc tổ chức, sử dụng lực lượng phối thuộc với cấp trên phải hết sức chặt chẽ, linh hoạt từ giao nhiệm vụ, xác định quy mô tổ chức,... đến công tác bảo đảm các mặt để lực lượng này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Lực lượng các quân chủng, binh chủng bao gồm các đơn vị biên chế của Quân khu, các đơn vị đứng chân trên địa bàn và các lực lượng do Bộ (chiến trường) tăng cường (Hải quân, Phòng không - Không quân, Pháo binh, Tên lửa, một số đơn vị binh chủng chiến đấu, bảo đảm) thực hiện nhiệm vụ tác chiến bảo vệ các đảo, quần đảo và các nhiệm vụ khác.

Về lực lượng phòng không, Quân khu có thể phối thuộc một số đơn vị pháo phòng không cho các đơn vị phòng ngự giữ đảo, cụm đảo, đơn vị phòng ngự ven biển trên hướng tác chiến chủ yếu; tổ chức trận địa cấp tiểu đoàn, đại đội phòng không yếu địa bảo vệ mục tiêu hoặc cơ động bảo vệ đội hình chiến đấu. Lực lượng còn lại tổ chức các cụm pháo phòng không chi viện chung, phối hợp với phòng không của Bộ (chiến trường), phòng không nhân dân khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển; bố trí địa hình thuận lợi, tiện cơ động, hình thành mạng lưới phòng không rộng khắp, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh địch từ xa đến gần, tập trung tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, hạn chế hoạt động trên không của địch, bảo vệ an toàn lực lượng chiến đấu, các khu vực, mục tiêu quan trọng, trọng yếu của Quân khu.

Về lực lượng pháo binh, Quân khu có thể phối thuộc một bộ phận cho đơn vị tham gia đánh địch, bảo vệ biển, đảo, tổ chức thành các trận địa cấp tiểu đoàn, đại đội pháo binh độc lập, pháo bắn trong đường hầm, các đội pháo chuyên trách. Bộ phận còn lại, tổ chức lực lượng cụm pháo binh Quân khu để chi viện hỏa lực chung, phối hợp chặt chẽ với hỏa lực của Bộ (chiến trường), pháo binh của lực lượng vũ trang địa phương khu vực phòng thủ, tổ chức kiềm chế, chế áp các tàu hải quân, trận địa hỏa lực nguy hại của địch; chi viện hỏa lực cho lực lượng cơ động của Quân khu, lực lượng hải quân thực hành các trận đánh, chiến dịch tiến công địch trên biển, đảo, cụm đảo. Bố trí pháo binh đúng tính năng kỹ, chiến thuật của từng loại, trong tầm bắn hiệu quả, theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”, ưu tiên nhiệm vụ quan trọng, hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, trận đánh, chiến dịch then chốt quyết định; chi viện hỏa lực kịp thời, hiệu quả cho các lực lượng đánh địch, bảo vệ biển, đảo. Ngoài ra, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng binh chủng bảo đảm, tổ chức, bố trí các đại đội, tiểu đoàn công binh, thông tin, hóa học,… ở nơi bí mật, tiện cơ động, bảo đảm kịp thời cho các lực lượng của Quân khu thực hành tác chiến.

Về lực lượng dự bị, Quân khu có thể tổ chức một số trung đoàn, sư đoàn bộ binh; đại đội, tiểu đoàn, lữ đoàn binh chủng. Trên từng khu vực dự kiến đánh địch, sử dụng lực lượng dự bị từ một số tiểu đoàn đến trung đoàn bộ binh; một số đại đội, tiểu đoàn binh chủng, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra trong quá trình tác chiến. Yêu cầu sử dụng lực lượng dự bị phải tập trung, đúng thời cơ, nhiệm vụ và nhanh chóng tổ chức lực lượng dự bị mới. Bố trí lực lượng dự bị trên 01 hoặc 02 khu vực dự bị của Quân khu, ở bên sườn, phía sau sở chỉ huy, nơi bí mật, bất ngờ, ngụy trang kín đáo, bảo toàn lực lượng và tiện cơ động chi viện các hướng (khu vực) đánh địch, bảo vệ biển, đảo. Cùng với đó, Quân khu tổ chức các căn cứ, phân căn cứ hậu cần, kỹ thuật (có vị trí dự bị), các kho, trạm,… kết hợp với căn cứ hậu cần, kỹ thuật của các tỉnh, thành phố ven biển, bố trí trên các đảo, cụm đảo, hướng (khu vực) tác chiến chủ yếu; bảo đảm đầy đủ, kịp thời vật chất hậu cần, kỹ thuật cho các lực lượng tham gia đánh địch, bảo vệ biển, đảo. Chú trọng phối hợp với địa phương, cấp trên, Hải quân, Cảnh sát biển,… khai thác, huy động nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ bảo đảm cho các lực lượng đánh địch.

Đối với lực lượng sở chỉ huy, ngoài sở chỉ huy cơ bản, Quân khu tổ chức sở chỉ huy phía trước, bố trí ở khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ven biển trên hướng chủ yếu, bảo đảm bí mật, an toàn, tiện cơ động chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chuẩn bị và thực hành tác chiến. Đồng thời, xác định một số khu vực dự bị để sẵn sàng cơ động, di chuyển sở chỉ huy khi có tình huống.

Trên đây là một số nghiên cứu về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo, xin được trao đổi cùng bạn đọc, góp phần phát triển nghệ thuật tác chiến bảo vệ biển, đảo, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN HOÀNG, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.