Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 26/11/2012, 15:25 (GMT+7)
Về tổ chức, bảo đảm quân nhu chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu

Các chiến dịch phòng ngự do ta mở trong các cuộc chiến tranh giải phóng đều rất ác liệt và kéo dài nên công tác bảo đảm, trong đó có bảo đảm quân nhu gặp vô vàn khó khăn. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), các chiến dịch phòng ngự của ta được dự báo còn ác liệt hơn. Vì vậy, tổ chức và bảo đảm quân nhu chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu là một trong những vấn đề cần được nghiên cứu cả về lý luận lẫn thực tiễn.

alt
Kiểm tra bảo quản quân trang SSCĐ tại kho quân nhu Lữ đoàn 293 (Nguồn: qdnd.vn)
 
Chiến dịch phòng ngự (CDPN) là một trong hai loại hình chiến dịch cơ bản trong tác chiến của Quân đội ta. Song, trong chiến tranh giải phóng, xuất phát từ tư tưởng chiến lược tiến công, nên CDPN ít được tổ chức. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta không tổ chức CDPN; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ta chỉ tổ chức hai CDPN, đó là: CDPN Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng (1972 - kéo dài 6 tháng rưỡi) và CDPN Quảng Trị (1972 - kéo dài 5 tháng). Dù chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với các chiến dịch phản công, tiến công, nhưng cả hai CDPN này đều để lại cho chúng ta nhiều vấn đề phải nghiên cứu. Mặt khác, do phòng ngự nên về cơ bản là thế chủ động thuộc về địch; hơn nữa, địch lại chiếm ưu thế về hỏa lực, sức cơ động và khả năng kiểm soát trên không. Trong CDPN Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng, địch 3 lần chuyển hướng tiến công khiến ta và bạn Lào phải tiến hành 3 trận phản đột kích lớn cùng hàng chục trận đánh khác. Trong CDPN Quảng Trị, địch liên tục thay đổi ý định, hướng tiến công và cách đánh; Chiến dịch trải qua 3 đợt mới kết thúc; trong đó, đợt 1 của Chiến dịch, ta phải tiến hành liên tiếp 5 trận phản kích (trung bình ba ngày một trận) và liên tục phải đối phó với các trận tập kích hóa học của địch (riêng 81 ngày đêm ta bảo vệ Thành Cổ thì có tới 55 ngày địch tập kích hóa học). Chính vì những đặc điểm đó, công tác bảo đảm các mặt cho các lực lượng phòng ngự rất khó khăn, thậm chí có lúc bị gián đoạn trong một thời gian dài làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu của bộ đội.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dựa vào thế trận của các khu vực phòng thủ, ta có thể chủ động mở một hay một số CDPN ngay từ đầu để ngăn chặn sức tiến công của địch. Vì thế, ta có nhiều thuận lợi trong việc chuẩn bị chiến trường và bố trí thế trận. Hơn nữa, nằm trong thế trận tác chiến phòng thủ quân khu, CDPN sẽ được sự hiệp đồng, phối hợp của nhiều thành phần, lực lượng. Đó là những điểm khác biệt so với các CDPN trước đây và cũng là những cơ sở rất thuận lợi để chúng ta tổ chức, bảo đảm các mặt, trong đó có nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm quân nhu. Tuy nhiên, CDPN trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra trong điều kiện tác chiến hiện đại. Lực lượng tiến công của địch sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao (VKCNC) tiến công cường độ lớn vào khu vực phòng ngự của ta từ xa, từ nhiều hướng, cả trên không, trên bộ, trên biển. Việc phát hiện, sử dụng các đòn tiến công chính xác và kịp thời của địch sẽ khiến cho nhiệm vụ tổ chức, bảo đảm quân nhu của ta cực kỳ khó khăn. Vì vậy, từ thực tiễn các CDPN trong chiến tranh giải phóng và qua nghiên cứu mấy cuộc chiến tranh gần đây, theo chúng tôi, việc tổ chức và bảo đảm quân nhu CDPN trong tác chiến phòng thủ quân khu cần tập trung vào mấy vấn đề chủ yếu sau đây:

1- Tổ chức, bảo đảm quân nhu phải hết sức linh hoạt và thích ứng với điều kiện tác chiến hiện đại. Yêu cầu hàng đầu của công tác tổ chức, bảo đảm quân nhu là lực lượng quân nhu phải quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm chiến dịch, trực tiếp là nắm chắc ý định tổ chức lực lượng của tư lệnh chiến dịch. Song cũng cần thấy rằng, ý định tổ chức lực lượng của tư lệnh chiến dịch hoàn toàn có thể thay đổi trong trường hợp địch chuyển hướng tiến công, thậm chí tiến công vượt điểm (bỏ qua các mục tiêu vòng ngoài, đánh thẳng vào mục tiêu trọng yếu). Vấn đề đặt ra là, cơ quan hậu cần chiến dịch phải thích ứng với sự thay đổi đó. Muốn vậy, việc tổ chức, bảo đảm quân nhu phải rất linh hoạt, luôn luôn có lực lượng, vật chất tại chỗ; có lực lượng, vật chất cơ động, lực lượng dự bị và vật chất dự trữ thích hợp. Nhiệm vụ của các thành phần cần được xác định rõ, nhưng quá trình chỉ đạo thực hiện lại phải rất linh hoạt để tạo điều kiện cho các thành phần đó hoàn thành nhiệm vụ. Tính linh hoạt còn thể hiện ở chỗ, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, ta cần xây dựng phương án tổ chức, bố trí lực lượng, vật chất quân nhu sao cho cùng lúc có thể bảo đảm cho nhiều lực lượng, trên nhiều hướng. Trên một số hướng dự kiến địch chuyển hướng tiến công, việc bảo đảm quân lương có thể phải được chuẩn bị trước một bước bằng cách cất giấu lương thực, thực phẩm ở càng nhiều vị trí đã xác định càng tốt. Ngoài ra, cơ quan hậu cần chiến dịch phải chủ động kết hợp đồng thời, chặt chẽ cả hai phương thức: tiếp nhận, vận chuyển, cấp phát vật chất có sẵn và triển khai sản xuất tại chỗ, đảm bảo trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải bảo đảm đủ nhu cầu tối thiểu (gạo, nước uống) cho bộ đội.

Khác với chiến dịch phản công, tiến công, trong tác chiến phòng ngự, do diễn biến chiến dịch phụ thuộc nhiều vào hành động của địch, nên ranh giới giữa các giai đoạn của CDPN thường không rõ ràng. Và cũng khác một phần với các CDPN trước đây – phòng ngự trận địa là chính, CDPN trong tác chiến phòng thủ quân khu là phòng ngự khu vực, kết hợp ngăn chặn địch, bảo vệ mục tiêu với cơ động đánh địch và cơ động để tránh các đòn đánh chính xác bằng VKCNC của địch. Do đó, thay vì tổ chức theo giai đoạn, ta nên tổ chức, bảo đảm quân lương theo nhiệm vụ. Phương thức bảo đảm này cụ thể hơn, bám sát diễn biến của chiến dịch hơn, dễ tính toán, dự kiến các mặt hơn. Đương nhiên, trong quá trình bảo đảm, một bộ phận lực lượng hậu cần cũng phải cơ động cùng với lực lượng mà mình có nhiệm vụ bảo đảm. Có như vậy, việc bảo đảm quân nhu mới kịp thời, tạo điều kiện cho các lực lượng ngăn chặn, tiêu hao, tiêu diệt địch.  

2- Tổ chức, bảo đảm quân nhu phải toàn diện, tập trung hợp lý cho khu vực phòng ngự chủ yếu, các trọng điểm phòng ngự và lực lượng cơ động tiến công. Vật chất quân nhu là loại vật chất tiêu thụ đặc biệt. Mức tiêu thụ của nó diễn ra hằng ngày. Do đó, vật chất quân nhu cần và phải được bảo đảm toàn diện cho tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch. Song, do khối lượng bảo đảm lớn, đối tượng bảo đảm nhiều, nên để bảo đảm kịp thời trong trường hợp thời gian gấp rút, việc bảo đảm có thể chia ra nhiều bước. Theo đó, cần chú trọng bảo đảm những mặt thiết yếu trước; ưu tiên cho lực lượng vào chiến đấu trước, lực lượng ở các trọng điểm phòng ngự và lực lượng cơ động tiến công. Các bước tiếp theo, cơ quan hậu cần căn cứ tình hình thực tế chiến dịch để có biện pháp bổ sung số lượng và chất lượng bảo đảm cho phù hợp.

Bố trí quân nhu (bao gồm cả lực lượng, phương tiện và vật chất) phải quán triệt nguyên tắc tập trung. Tuy nhiên, do khả năng tự bảo vệ hạn chế và do tầm quan trọng của vật chất quân lương, các căn cứ, cơ sở hậu cần là những mục tiêu rất dễ bị địch tập trung đánh phá. Vì vậy, việc bảo đảm quân nhu cần được nghiên cứu kỹ cả về tổ chức, bố trí, bảo đảm lực lượng, vật chất theo hướng: tập trung từng bước, tập trung có lựa chọn và chỉ tập trung vào thời điểm quan trọng nhất (thời điểm địch tiến công uy hiếp nghiêm trọng vào khu vực phòng ngự, đe dọa đến sự mất còn của mục tiêu trọng yếu). Trường hợp buộc phải tập trung quân nhu với số lượng lớn, cần tránh tập trung tại một hay một số vị trí, thay vào đó, ta phải bố trí phân tán hợp lý, bố trí đến đâu có biện pháp bảo vệ đến đó, nhất là tổ chức phòng tránh địch tập kích hỏa lực, tập kích hóa học và đầu độc nguồn nước.      

3- Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong tổ chức, bảo đảm quân nhu trong suốt quá trình chiến dịch và thực hiện các biện pháp dự trữ vật chất ngay trong từng giai đoạn của chiến dịch. Trong tác chiến phòng thủ quân khu, ta có nhiều căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần, kỹ thuật của khu vực phòng thủ huyện (quận), tỉnh (thành phố). Để khai thác tối đa mặt thuận lợi này, cơ quan hậu cần chiến dịch cần tham mưu cho bộ tư lệnh chiến dịch xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực bảo đảm hậu cần, quân nhu. Trước hết, cần nâng cao khả năng tự bảo đảm của các đơn vị tham gia chiến dịch; đồng thời, phát huy khả năng bảo đảm, hỗ trợ cả về lực lượng, phương tiện, vật chất của chính quyền và nhân dân trong khu vực phòng thủ trên địa bàn chiến dịch.

Cùng với các vấn đề trên, dự trữ là mặt công tác rất quan trọng của việc tổ chức, bảo đảm quân nhu; bởi CDPN thường ác liệt, kéo dài. Số vật chất do bị hư hỏng, hoặc do bị địch đánh phá có thể còn lớn hơn nhiều so với mức tiêu thụ. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một lượng dự trữ rất lớn trong từng giai đoạn và trong toàn bộ quá trình chiến dịch, chứ không chỉ xác định “lượng phải có (dự trữ) sau chiến dịch” như phần lớn các tài liệu liên quan đang đề cập. Để đáp ứng yêu cầu này, trong giai đoạn chuẩn bị chiến dịch, cơ quan hậu cần các cấp tiến hành dự trữ ngay. Một trong những biện pháp dự trữ giai đoạn này là hậu cần các cấp phải tận dụng tối đa nguồn bảo đảm tại chỗ, thậm chí lấy đó làm nguồn bảo đảm chủ yếu để giữ lại phần lớn nguồn quân nhu trên cấp làm dự trữ cho giai đoạn đó và giai đoạn sau. Trong giai đoạn thực hành chiến dịch, cơ quan hậu cần các cấp cũng cần có cách làm tương tự để đảm bảo lượng dự trữ được “gối” nhau liên tục, làm tăng khả năng bảo đảm trong trường hợp chiến dịch kéo dài ngoài dự kiến. Đương nhiên, cùng với việc huy động lực lượng, vật chất có sẵn, cơ quan hậu cần chiến dịch phải dựa chắc vào hậu cần nhân dân trong khu vực phòng thủ để tổ chức sản xuất, nâng cao khả năng tự bảo đảm một phần của các lực lượng và đề phòng trường hợp nguồn trên cấp chưa kịp bảo đảm.

Có thể nói, cũng giống như nghệ thuật bố trí, sử dụng các lực lượng chiến đấu, tổ chức, bảo đảm quân nhu CDPN trong tác chiến phòng thủ quân khu không có một công thức cố định nào. Chỉ có tổ chức, bảo đảm linh hoạt, đầy đủ, kịp thời; bố trí tập trung hợp lý; huy động sức mạnh tổng hợp các nguồn lực và luôn có mức dự trữ vật chất quân nhu phù hợp mới đảm bảo cho bộ đội duy trì sức mạnh chiến đấu liên tục, dài ngày để hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch.

Thượng tá NGUYỄN CÔNG PHÚC

Học viện Hậu cần

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.