Thứ Năm, 24/04/2025, 02:01 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tác chiến phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được tiến hành khi có thời cơ, nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo thế, thời cơ cho các hoạt động tác chiến chiến lược tiếp theo, đánh bại chiến tranh xâm lược của địch. Để phản công chiến lược thắng lợi, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng; trong đó, nghiên cứu nghệ thuật sử dụng lực lượng pháo binh - tên lửa là nội dung quan trọng cần quan tâm.
Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), tác chiến phản công chiến lược có thể được vận dụng phổ biến trong thời kỳ đầu chiến tranh, nhất là khi tác chiến phòng thủ chiến lược có hiệu quả; ta đã ngăn chặn, sát thương, làm cho địch tổn thất một phần lực lượng, sức mạnh tiến công suy giảm. Đây là loại hình tác chiến được tiến hành bằng tổng hợp các hoạt động đấu tranh trên các lĩnh vực: quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao…; trong đó, đấu tranh quân sự là cốt lõi, có ý nghĩa quyết định. Tác chiến phản công chiến lược do các binh đoàn chủ lực cơ động chiến lược làm nòng cốt, kết hợp với các lực lượng của quân khu, quân chủng, binh chủng, ngành bảo đảm dựa trên tác chiến phòng thủ quân khu và các khu vực phòng thủ. Đối tượng tác chiến là quân địch còn khá mạnh đang ở trạng thái tiến công nên có tính biến động cao, điều kiện tác chiến rất khẩn trương, quyết liệt. Lực lượng pháo binh - tên lửa tham gia tác chiến phản công chiến lược là hỏa lực mặt đất chủ yếu, có vai trò rất quan trọng. Để phát huy cao nhất uy lực, sức mạnh chiến đấu của lực lượng pháo binh - tên lửa, bài viết xin nêu một số nội dung nghệ thuật sử dụng pháo binh - tên lửa trong tác chiến phản công chiến lược để trao đổi và luận bàn.
Một là, tổ chức lực lượng linh hoạt, sử dụng pháo binh - tên lửa tập trung trên hướng, khu vực phản công chủ yếu, thời cơ quan trọng, các chiến dịch, trận đánh then chốt, then chốt quyết định. Đây là nội dung cơ bản trong nghệ thuật tác chiến pháo binh - tên lửa, bởi tác chiến phản công chiến lược vận dụng kết hợp nhiều loại hình chiến dịch, hình thức chiến thuật để đánh địch đang ở trạng thái tiến công. Vì vậy, tổ chức lực lượng pháo binh - tên lửa tác chiến linh hoạt sẽ đáp ứng yêu cầu sử dụng hỏa lực chi viện cho các hình thức chiến thuật, loại hình chiến dịch đa dạng. Không chỉ vậy, tổ chức lực lượng linh hoạt còn là cơ sở để tập trung hỏa lực pháo binh - tên lửa cho hướng, khu vực phản công chủ yếu, thời cơ quan trọng, các chiến dịch - chiến lược, trận đánh then chốt; đồng thời, vẫn bảo đảm hỏa lực chi viện đánh địch rộng khắp. Theo đó, cơ quan, chủ nhiệm pháo binh - tên lửa phải căn cứ quyết tâm tác chiến của người chỉ huy binh chủng hợp thành để quyết định các phương án, quy mô, hình thức tổ chức phù hợp với yêu cầu, điều kiện tác chiến. Trong đó, cấp chiến lược (Bộ hoặc bộ tư lệnh chiến trường) cần tổ chức pháo binh - tên lửa thành các lực lượng: pháo binh - tên lửa chi viện chung, pháo binh chuyên trách và pháo binh - tên lửa dự bị. Lực lượng pháo binh - tên lửa chi viện chung trên từng chiến trường (hướng phản công chiến lược) có quy mô từ một đến một số lữ đoàn. Trong điều kiện tác chiến hiện đại, nên tổ chức các đơn vị pháo binh - tên lửa chiến đấu cấp tiểu đoàn là chủ yếu, trường hợp thuận lợi, khi chiến trường tổ chức chiến dịch - chiến lược phản công quy mô lớn và phòng không bảo đảm tốt có thể tổ chức cụm pháo binh - tên lửa (cấp lữ đoàn thiếu), để tập trung cao độ sức mạnh hoả lực trong những thời điểm nhất định. Lực lượng pháo binh chuyên trách có quy mô khoảng tiểu đoàn hoặc hơn; tổ chức thành một số đội, mỗi đội khoảng một đại đội; cũng có thể sử dụng một số phân đội trong pháo binh - tên lửa chi viện chung kiêm nhiệm. Lực lượng pháo binh - tên lửa dự bị có quy mô tùy thuộc vào đánh giá về địch (khi đánh giá về địch càng rõ thì lực lượng dự bị nhỏ, lực lượng chi viện chung sẽ lớn và ngược lại).
Sử dụng tập trung pháo binh - tên lửa trong tác chiến phản công chiến lược phải thực hiện trong nhiều cấp; chiến trường sử dụng tập trung cho hướng, khu vực phản công chủ yếu, các chiến dịch - chiến lược. Các quân khu, quân đoàn tập trung pháo binh cho các chiến dịch, trận đánh then chốt, then chốt quyết định; cấp chiến dịch, chiến thuật tập trung pháo binh cho các trận đánh, nhiệm vụ quan trọng và trong những thời điểm quyết định, tạo ưu thế sức mạnh hỏa lực để sát thương, tiêu diệt bộ phận quan trọng lực lượng địch trong từng trận đánh của bộ đội binh chủng hợp thành tại các trọng điểm. Để đạt hiệu quả cao, việc tập trung pháo binh - tên lửa phải toàn diện, cả về số lượng, chất lượng, cũng như công tác chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu. Một vấn đề thuộc nghệ thuật sử dụng pháo binh mà người chỉ huy, cơ quan pháo binh - tên lửa các cấp cần đặc biệt quan tâm là nâng cao khả năng cơ động, giải quyết cho được mối quan hệ giữa tập trung và phân tán về hỏa khí, hỏa lực, đáp ứng yêu cầu tác chiến và bảo toàn lực lượng.
Hai là, bố trí pháo binh - tên lửa bí mật, bất ngờ, hình thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, chuyển hóa linh hoạt. Tác chiến phản công chiến lược có tính biến động cao, cả địch và ta đều ở trạng thái “động” nên lực lượng dễ bị bộc lộ, nguy cơ bị sát thương cao. Thực tế các cuộc chiến tranh, xung đột quân sự trên thế giới gần đây cho thấy, các bên tham chiến rất coi trọng việc tìm, diệt trận địa pháo binh - tên lửa, nhất là sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) để trinh sát, tiến công cảm tử. Vì vậy, việc bố trí pháo binh - tên lửa phải nghiên cứu kỹ, bảo đảm hình thành thế trận vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc, bảo đảm bí mật và có khả năng chuyển hóa linh hoạt theo yêu cầu, nhiệm vụ, diễn biến tác chiến phản công chiến lược. Muốn vậy, trên cơ sở phương án dự kiến và ý định sử dụng lực lượng của Bộ, chiến trường, ngay từ thời bình, lực lượng pháo binh - tên lửa phải chủ động xây dựng thế trận, từ khu vực dự kiến bố trí hệ thống đài quan sát, sở chỉ huy, trận địa bắn đến khu hậu cần - kỹ thuật, đường cơ động,... bảo đảm có sự liên kết với nhau và chuẩn bị trước một số công trình chiến đấu. Trong mỗi trận đánh, chiến dịch, các đơn vị pháo binh - tên lửa phải chuẩn bị trận địa chính và nhiều trận địa dự bị để sẵn sàng di chuyển, dịch chuyển trong quá trình chiến đấu. Thực tiễn cuộc xung đột quân sự Nga và Ukraina cho thấy các khẩu đội pháo binh, tên lửa phải chuẩn bị nhiều trận địa, sẵn sàng “bắn và cơ động” để bảo toàn lực lượng, bởi tại một trận địa chỉ cần sau khi bắn từ 3 đến 5 phút sẽ bị tấn công.
Để có thế trận pháo binh - tên lửa tác chiến phản công chiến lược theo những tiêu chí đã nêu, cùng với điều chỉnh một bước vị trí đóng quân các đơn vị pháo binh - tên lửa dự bị chiến lược, Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh cần tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo điều chỉnh bố trí thế đứng chân, phương án sử dụng lực lượng pháo binh - tên lửa mặt đất của các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân; đồng thời, nghiên cứu chuẩn bị chiến trường cho pháo binh - tên lửa, nhất là đo lập, tăng dày mốc khống chế pháo binh, đội hình chiến đấu, mục tiêu bắn dự kiến,... trên các địa bàn, sẵn sàng bảo đảm cho tác chiến. Quá trình tác chiến, để kịp thời chuyển hóa thế trận, lực lượng pháo binh - tên lửa phải triệt để tận dụng hỏa lực của lực lượng tại chỗ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với hỏa lực phòng không, không quân, hải quân, xe tăng, thiết giáp,... tạo ưu thế hơn địch để đánh địch trong mọi tình huống.
Ba là, chỉ huy kiên quyết, bảo đảm toàn diện, kịp thời. Đây là nội dung quan trọng của nghệ thuật sử dụng pháo binh - tên lửa; đặc biệt, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, lực lượng pháo binh được tổ chức biên chế nhiều cấp trong cả ba thứ quân; tác chiến rộng khắp, phải chi viện hỏa lực cho nhiều nhiệm vụ (vừa chi viện hỏa lực cho các lực lượng tác chiến phòng ngự, vừa chi viên hỏa lực cho các lực lượng cơ động tiến công, phản công, đánh địch đổ bộ đường không, đường biển,...) trong điều kiện địch tác chiến điện tử mạnh. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ huy hỏa lực pháo binh - tên lửa tác chiến phản công chiến lược, cần nghiên cứu, tổ chức cơ quan chỉ huy pháo binh - tên lửa lâm thời trên các hướng tác chiến phản công chiến lược, trong các chiến dịch, trận then chốt, then chốt quyết định, bảo đảm việc chỉ huy hỏa lực pháo binh kịp thời, chính xác, đúng ý định của người chỉ huy binh chủng hợp thành. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc trang bị các phương tiện khí tài chỉ huy pháo binh hiện đại; ứng dụng công nghệ tự động hóa chỉ huy và điều khiển hỏa lực cho các hệ thống vũ khí pháo binh - tên lửa, để khi mục tiêu xuất hiện, người chỉ huy sẽ nhanh chóng quyết định đơn vị thực hiện bắn với lượng đạn và phương pháp bắn thích hợp, hiệu quả. Thực hiện điều đó, Binh chủng Pháo binh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và các đơn vị liên quan nghiên cứu tích hợp hệ thống tự động hóa chỉ huy hỏa lực và phát triển các loại phương tiện, trang bị chỉ huy đồng bộ với sự phát triển của lực lượng pháo binh - tên lửa.
Pháo binh - tên lửa là binh chủng chiến đấu, binh chủng kỹ thuật, tác chiến trong không gian rộng, có tầm bắn xa, đòi hỏi tính chính xác, trình độ hiệp đồng cao; là một trong các mục tiêu mà kẻ địch tập trung tìm, diệt. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chi viện hỏa lực tác chiến phản công chiến lược đòi hỏi người chỉ huy, cơ quan, đơn vị pháo binh - tên lửa phải tiến hành công tác bảo đảm toàn diện, đầy đủ, kịp thời, từ trinh sát chỉ thị mục tiêu, xác định phần tử bắn; tổ chức thông tin liên lạc; ngụy trang, nghi trang đến bảo đảm cơ động, hậu cần - kỹ thuật. Để đạt hiệu quả cao, cần phải dự kiến kế hoạch, chuẩn bị trước từ thời bình và nỗ lực bảo đảm khi chuẩn bị trực tiếp cho tác chiến phản công chiến lược; trong đó, cần đặc biệt coi trọng bảo đảm trinh sát, chỉ thị mục tiêu và bảo đảm đạn. Để nâng cao khả năng trinh sát, chỉ thị mục tiêu, cần phát huy cao độ các loại khí tài trang bị trong biên chế với đề nghị cấp trên và đơn vị bạn cung cấp, trao đổi thông tin. Đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo các phương tiện trinh sát, chỉ thị mục tiêu hiện đại, như: UAV, vệ tinh trinh sát,... để trang bị cho bộ đội pháo binh - tên lửa. Đồng thời, cần quan tâm sản xuất pháo, đạn; tổ chức hệ thống kho tàng cất giữ, bảo quản liên hoàn trên từng hướng chiến trường để đề phòng chiến tranh.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ quân sự làm cho phương thức, môi trường tác chiến liên tục phát triển, điều kiện tác chiến ngày càng ác liệt, khó khăn, phức tạp. Do đó, nghiên cứu sử dụng pháo binh - tên lửa tác chiến phản công chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là vấn đề cấp thiết, bảo đảm vừa kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng trước đây, vừa đề xuất lý luận mới. Đồng thời, tích cực tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập sử dụng pháo binh - tên lửa tác chiến phản công chiến lược trên các chiến trường, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.
Đại tá, TS. KIỀU HỮU KIÊN, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh
Sử dụng pháo binh - tên lửa,tác chiến phản công chiến lược,chiến tranh bảo vệ Tổ quốc,sức mạnh tổng hợp
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Về nâng cao hiệu quả bảo đảm kỹ thuật thông tin cho tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 06/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo