Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:15 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tây Nguyên là địa bàn chiến lược và cũng là nơi có nhiều đồng bào dân tộc, tôn giáo cùng chung sống. Các thế lực thù địch luôn coi đây là một trọng điểm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Vì vậy, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, nhất là việc lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số, có đạo để chống phá cách mạng, là nhiệm vụ quan trọng mang tính cấp bách hiện nay.
Tây Nguyên hiện có các tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài với gần 1.800.000 tín đồ, 3.500 chức sắc, nhà tu hành và khoảng 840 cơ sở thờ tự. Những năm gần đây, số lượng tín đồ tôn giáo gia tăng theo tốc độ tăng dân số, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu theo Công giáo và Tin lành. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh ở khu vực này và đã, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần cải thiện, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của đồng bào DTTS và đồng bào có đạo nói riêng. Nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội có sự phát triển, bộ mặt Tây Nguyên ngày càng đổi mới. Đa số đồng bào DTTS, tín đồ tôn giáo là những người lao động, yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và xây dựng địa phương giàu đẹp. Sinh hoạt tôn giáo được tiến hành thường xuyên, cơ sở thờ tự được nâng cấp, một số tổ chức tôn giáo mới, như: Ba hai, Phật giáo Hòa Hảo được cấp phép hoạt động đã tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong đông đảo chức sắc và tín đồ tôn giáo. Các tôn giáo đều tăng cường củng cố tổ chức, đào tạo chức sắc, xây dựng giáo hội cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên khá phức tạp. Đó là các hoạt động trái pháp luật, như: truyền đạo, phát triển tín đồ, hội đoàn; đòi lại đất đai, nơi sinh hoạt tôn giáo, mua thêm đất đai dưới nhiều hình thức; tăng cường sửa chữa, xây mới cơ sở thờ tự; in ấn kinh sách; tổ chức các lễ hội linh đình, đông người để phô trương thanh thế,... Nhiều đồng bào DTTS thiếu thông tin chưa hiểu đúng tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trong đó, có chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo. Một bộ phận chức sắc tôn giáo và giáo dân chưa nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bản chất phản động của FULRO và tổ chức Đề ga, nên bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm tổn hại đến lợi ích dân tộc và cách mạng.
Hiện tượng mê tín dị đoan ở Tây Nguyên hiện nay vẫn diễn ra rất phức tạp, gây lãng phí tiền của, xáo trộn đời sống, hoang mang trong một bộ phận nhân dân. Một số tổ chức bất hợp pháp mới, như: “Hà Mòn”, “Pháp Luân công” lén lút hoạt động ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn. Các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, lợi dụng đồng bào DTTS, đồng bào tôn giáo để tạo thành vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” hòng gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chúng tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, bóp méo, phủ nhận đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; thổi phòng những tồn tại, khiếm khuyết trong quản lý, điều hành của một số địa phương để vu cáo chính quyền lấy đất đai, phân biệt đối xử, đàn áp đồng bào DTTS và đồng bào tôn giáo. Lợi dụng công nghệ thông tin, thông qua sử dụng các phương tiện, như: điện thoại di động, in-tơ-nét, các trang web để chúng liên lạc và truyền bá tư tưởng kỳ thị, chia rẽ khối đoàn kết Kinh - Thượng, đoàn kết lương - giáo, kích động tư tưởng ly khai, rêu rao cái gọi là thành lập “Nhà nước Đề-ga độc lập”. Không những thế, chúng còn tìm cách nuôi dưỡng và liên kết các tổ chức phản động người Việt lưu vong với bọn cơ hội chính trị hiện có mặt ở các tỉnh Tây Nguyên; tích cực hỗ trợ nhóm cầm đầu FULRO ở nước ngoài và Tin lành Đề ga trong nước móc nối tạo dựng lực lượng chống đối, xây dựng khung chính quyền ngầm trên địa bàn. Nguy hiểm hơn, chúng còn ra sức dụ dỗ, lôi kéo đồng bào DTTS vượt biên trái phép sang Cam-pu-chia để tham gia các tổ chức phản động; can thiệp sâu vào vấn đề nhân sự, đường hướng hoạt động của các tôn giáo; kích động người dân tăng cường khiếu kiện, đòi đất đai canh tác, cơ sở thờ tự; xúi giục các phần tử cực đoan trong đồng bào DTTS và tôn giáo gây rối, biểu tình chống chính quyền, tạo ra những “điểm nóng”, xung đột dân tộc, tôn giáo hòng tạo cớ kêu gọi can thiệp từ bên ngoài,… Tình hình trên đã gây nên sự bất ổn về chính trị, xã hội trên địa bàn, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm xói mòn niềm tin của đồng bào DTTS, có đạo đối với Đảng, chế độ và Quân đội. Bởi vậy, đấu tranh làm thất bại mưu đồ đen tối và thủ đoạn thâm độc nói trên của các thế lực thù địch; đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển nhanh và bền vững ở Tây Nguyên là nhiệm vụ cấp thiết, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, có các giải pháp:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) cùng toàn thể nhân dân về quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức luôn là cơ sở của hành động, nhận thức đúng sẽ giúp cho hành động đúng và ngược lại. Thực tế cho thấy, nhận thức của không ít CB,ĐV và các tầng lớp nhân dân vẫn chưa đầy đủ, toàn diện về quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Trong công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện ở một số địa phương có những hạn chế, thiếu sót, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho CB,ĐV và nhân dân về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục giúp CB,ĐV và đồng bào các dân tộc thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nhận rõ bản chất phản động của FULRO và “Tin lành Đề ga” để nâng cao cảnh giác, không bị lợi dụng, không nghe theo kẻ xấu. Kịp thời phát hiện, cô lập những phần tử chống phá và thông tin kịp thời với cơ quan chức năng địa phương để có biện pháp xử lý thích đáng. Các địa phương cần triển khai thực hiện đúng, nhất quán và có hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.
Hai là, tích cực xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh về mọi mặt, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương đối với công tác dân tộc, tôn giáo. Đây là vấn đề cơ bản, xuyên suốt. Trước hết, phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ các cấp, các ban, ngành, đoàn thể; chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ mới. Đồng thời, khắc phục bệnh quan liêu xa rời quần chúng, xa rời cơ sở trong đội ngũ CB,ĐV. Cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện, tỉnh cần dành thời gian thích đáng để tiếp công dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, kịp thời giải quyết nguyện vọng, lợi ích chính đáng của đồng bào, tránh việc đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện kéo dài của người dân. Mặt khác, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; tăng cường CB,ĐV về những nơi khó khăn, phức tạp để nắm tình hình, phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng, kịp thời tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” ngay từ cơ sở. Cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, không né tránh, nhất là khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an nhân dân, bộ đội địa phương thực sự trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác phối hợp hoạt động giữa các lực lượng, góp phần xây dựng địa bàn an toàn, ổn định về mọi mặt.
Ba là, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS, đồng bào theo đạo. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo động lực to lớn cho sự phát triển bền vững, góp phần tăng cường mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết giữa các dân tộc, đoàn kết lương - giáo, tạo cơ sở để huy động mọi nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các ban, ngành tham gia thực hiện tốt các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đỡ và tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các địa phương trên địa bàn cần phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế và các loại hình dịch vụ có lợi thế, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao mạo hiểm,… nhằm thu hút lao động tại chỗ. Đồng thời, tư vấn giúp đồng bào chọn lựa mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiếp cận thông tin thị trường, giá cả; chuyển giao kỹ thuật tiên tiến trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, công nghiệp cho người dân; triển khai thực hiện có hiệu quả công nghệ sau thu hoạch; đa dạng hóa các loại thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các địa phương cần tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội, nhất là đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào; quy hoạch hợp lý các khu vực định canh, định cư, tổ chức giao đất khoán rừng cho người dân; đẩy lùi tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường đất đai, xâm lấn phá hoại rừng, khai thác tài nguyên bất hợp pháp. Trong tình hình hiện nay, các cấp cần huy động các nguồn lực bảo đảm tốt an sinh xã hội, tích cực xóa đói giảm nghèo bền vững, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là đối tượng người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa; tích cực phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí, không để “tái mù” và xảy ra tình trạng “bản trắng” về văn hóa. Đẩy mạnh đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về các tỉnh Tây Nguyên bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức trẻ cống hiến trí tuệ, tâm huyết xây dựng địa bàn giàu đẹp. Chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào DTTS và có đạo. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS, có đạo tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc Tây Nguyên.
Bốn là, phát huy vai trò lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên làm tốt công tác dân vận, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Hiện nay, địa bàn Tây Nguyên có nhiều đơn vị bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương hoạt động. Vì vậy, phát huy vai trò của lực lượng này trong xây dựng địa bàn nói chung, trong công tác dân tộc, tôn giáo nói riêng là vấn đề cấp thiết. Các đơn vị bộ đội chủ lực, cơ quan quân sự địa phương các cấp cần nêu cao trách nhiệm và coi đó là một trong những nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của mình. Đồng thời, chú trọng phát triển đoàn viên, đảng viên đối với quân nhân là người DTTS, người có đạo để bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cho địa phương khi quân nhân xuất ngũ. Để thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các đơn vị cần thường xuyên bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ về kỹ năng, hiểu biết ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo của từng DTTS; phát hành tài liệu tuyên truyền bằng tiếng DTTS với phương châm “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện” cho đồng bào tìm hiểu, nắm vững chủ trương chung để tự giác chấp hành. Cùng với đó, quan tâm xây dựng lực lượng cốt cán trong đồng bào DTTS, tôn giáo; chủ động tham mưu, phối hợp và giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện. Vận dụng linh hoạt các hình thức, như: tổ chức kết nghĩa; hành quân dã ngoại, diễn tập kết hợp với tiến hành công tác dân tộc, tôn giáo; phân công các nhóm, đội tuyên truyền văn hóa, đội công tác về các địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa để tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đồng bào; giúp nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực phát hiện, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng đồng bào DTTS, có đạo để tạo nên vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” chống phá cách mạng. Các đơn vị tham gia có hiệu quả các phong trào, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn; xây dựng “thế trận lòng dân” gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tập trung thực hiện có hiệu quả phong trào “Xóa đói giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”, nhân rộng các mô hình “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, xây dựng “Nhà chính sách”, “Nhà đại đoàn kết”, xóa mù chữ…, góp phần nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện, ngăn ngừa không để xảy ra “điểm nóng” về dân tộc, tôn giáo và nếu có xảy ra “điểm nóng” thì nhanh chóng tìm nguyên nhân, tham mưu xử lý kịp thời.
Nhận diện và tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi mưu đồ đen tối, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng đồng bào DTTS, có đạo tạo nên vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá cách mạng trên địa bàn Tây Nguyên là một quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của Quân đội. Việc đề xuất những giải pháp đúng, khả thi và chủ động tham gia thực hiện hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào bảo vệ địa bàn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững.
Đại tá, TS. NGUYỄN CÔNG SƠN, Phó Chính ủy Sư đoàn 2, Quân khu 5
Tây Nguyên,diễn biến hòa bình
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc