Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:49 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong chiến tranh hiện đại, cùng với các nhân tố khác, cơ động lực lượng là vấn đề rất quan trọng; thậm chí, trong những điều kiện và thời cơ nhất định, có thể làm thay đổi cục diện chiến trường, chiến tranh. Vì thế, nghiên cứu khả năng cơ động lực lượng nói chung, đối với sư đoàn bộ binh nói riêng là vấn đề đặt ra cấp thiết.
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, cơ động lực lượng được hiểu là di chuyển lực lượng có tổ chức trong quá trình tác chiến, nhằm chiếm vị trí có lợi, tạo ưu thế so sánh lực lượng, tăng sức mạnh chiến đấu cho lực lượng chiến đấu hoặc đưa lực lượng ra khỏi khu vực bị uy hiếp. Như vậy, bản chất, mục đích chủ yếu của cơ động lực lượng trong tác chiến là di chuyển các thành phần lực lượng, bao gồm: lực lượng chiến đấu, bảo đảm chiến đấu cùng các phương tiện, vũ khí, trang bị, vật chất kỹ thuật từ hướng (khu vực) này sang hướng (khu vực) khác, tạo ra thế và lực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch sẽ sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao, áp dụng các biện pháp tác chiến phi đối xứng,… thì cơ động lực lượng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đối với sư đoàn bộ binh - đơn vị tác chiến cơ bản của lục quân Việt Nam - nâng cao khả năng cơ động sẽ tạo thuận lợi trong tiến công tiêu diệt các mục tiêu trong chiều sâu đội hình địch, kịp thời đánh địch đổ bộ đường không, đổ bộ đường biển, đánh địch co cụm, phản kích, địch đột nhập vào khu vực phòng thủ, phòng ngự của ta trên từng hướng chiến dịch, v.v. Mặt khác, sư đoàn bộ binh tuy là đơn vị chiến thuật nhưng phải cơ động thực hiện nhiệm vụ cả ở phạm vi chiến dịch và chiến đấu, trong khi khả năng bảo đảm phương tiện, trang bị kỹ thuật cho cơ động của ta còn hạn chế. Vậy, giải quyết vấn đề cơ động lực lượng của sư đoàn bộ binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc như thế nào đang là bài toán cần có đáp án thỏa đáng.
Từ vấn đề nêu trên, những năm qua, các sư đoàn bộ binh của Quân đội ta được đầu tư xây dựng và trang bị theo hướng từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện đất nước, nhiệm vụ thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến khi có chiến tranh. Trong đó, việc huấn luyện, bảo đảm khả năng cơ động cho sư đoàn được lãnh đạo, chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm, với nhiều giải pháp đồng bộ.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thì vấn đề cơ động lực lượng còn một số hạn chế, bất cập, nhất là về nhận thức, tổ chức, phương pháp huấn luyện cơ động. Để tiếp tục nâng cao khả năng cơ động của sư đoàn bộ binh trong điều kiện tác chiến mới, theo chúng tôi, cần giải quyết tốt một số nội dung sau:
Trước hết, tập trung giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vai trò, tầm quan trọng của cơ động lực lượng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, có nhận thức đúng và thống nhất thì hành động mới đúng. Hơn nữa, đối với nghệ thuật quân sự, nhất là hoạt động tác chiến thì “thời gian là lực lượng”, do đó vấn đề cơ động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí trực tiếp quyết định thành bại trong chiến đấu hoặc trong chiến tranh. Vì thế, để giải quyết vấn đề nhận thức, cấp ủy, chỉ huy các sư đoàn bộ binh cần quán triệt cho bộ đội nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ tình hình, nắm vững nhiệm vụ của đơn vị và tầm quan trọng của vấn đề cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ xử lý các tình huống trong thời bình và hoạt động tác chiến khi có chiến tranh. Trong đó, tập trung vào nâng cao khả năng cơ động phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công của địch, cơ động bảo toàn lực lượng, chuyển hóa thế trận, tăng cường sức mạnh chiến đấu của sư đoàn. Đồng thời, quán triệt đầy đủ đặc điểm, yêu cầu cơ động của sư đoàn bộ binh là quân số đông, nhiều loại trang bị, nhưng phải bảo đảm bí mật, bất ngờ, an toàn lực lượng, đúng vị trí, thời gian quy định, v.v.
Vấn đề quan trọng nữa là, công tác giáo dục phải làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy rõ những thuận lợi cơ bản, cùng những khó khăn, thách thức; từ đó, nêu cao quyết tâm, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Quá trình giáo dục có thể vận dụng nhiều hình thức, biện pháp phù hợp với từng đối tượng; trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo nhiệm vụ, giáo dục truyền thống, nhất là truyền thống cơ động lực lượng của các sư đoàn chủ lực trong những cuộc kháng chiến vừa qua. Có kế hoạch lồng ghép nội dung về cơ động hoặc liên quan đến cơ động với phong trào Thi đua Quyết thắng, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng và hành động đối với nhiệm vụ nâng cao khả năng cơ động ở các đơn vị.
Huấn luyện lái xe trên địa hình đồi núi ở Trung đoàn 102, Sư đoàn 308. (Ảnh: qdnd.vn)
Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện cơ động, gắn với khả năng sẵn sàng chiến đấu. Những năm qua, việc đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức huấn luyện cơ động của toàn quân nói chung, đối với sư đoàn bộ binh nói riêng đã đạt được kết quả tích cực, đảm bảo được các tiêu chí về cơ động. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi các sư đoàn bộ binh phải tiếp tục đổi mới hơn nữa. Trên cơ sở bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, các đơn vị bộ đội chủ lực cần chú trọng huấn luyện chiến thuật phân đội nhỏ, để có thể tập trung huấn luyện thuần thục các bước cơ động chiến đấu bằng nhiều hình thức, kết hợp nhiều loại phương tiện trong đội hình binh chủng hợp thành. Trong đó, điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện thuần thục các yếu lĩnh, động tác về kỹ thuật, chiến thuật cơ động, hoàn toàn làm chủ các loại phương tiện và linh hoạt xử trí kịp thời, hiệu quả mọi tình huống trong điều kiện chiến tranh hiện đại. Căn cứ vào tình hình, đặc điểm địa bàn, yêu cầu nhiệm vụ và kế hoạch từng giai đoạn, các đơn vị bộ binh có thể tổ chức huấn luyện cơ động cho phù hợp. Theo đó, việc huấn luyện cơ động của các đơn vị này phải gắn với các hình thức chiến thuật từ thấp lên cao, bảo đảm cơ bản, vững chắc; tăng cường rèn luyện cơ động đêm, cơ động trên địa hình mới, phức tạp, hành quân đường dài,… nhằm nâng cao sức bền, khả năng chịu đựng dẻo dai cho từng bộ phận. Đồng thời, đẩy mạnh việc hợp luyện, diễn tập ở các quy mô, nhằm sát hạch khả năng cơ động của sư đoàn bộ binh sát thực tiễn chiến tranh. Muốn vậy, các đơn vị phải chú trọng xây dựng kế hoạch cơ động trong diễn tập một cách chặt chẽ, bảo đảm độ dài quãng đường cần thiết cùng những chướng ngại phải vượt qua; gắn việc xử trí tình huống với nâng cao trình độ, khả năng cơ động. Bên cạnh đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa nâng cao khả năng cơ động của sư đoàn bộ binh với thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu theo các phương án tác chiến đã được phê duyệt. Trong từng phương án, phải xác định rõ từng chỉ tiêu tăng dần về cường độ cơ động; trong đó, chỉ tiêu về thời gian cần được rút ngắn dần trong các tình huống, theo hướng: càng về sau yêu cầu càng phải cao hơn, đáp ứng yêu cầu cao của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Ba là, thực hiện tốt công tác bảo đảm cho nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu. Xuất phát từ chức năng, sư đoàn bộ binh phải đảm nhiệm nhiệm vụ chiến đấu một cách nhanh chóng, kịp thời trên phạm vi rộng, chiều sâu lớn, với nhiều phương tiện cơ giới, khí tài và trang bị kỹ thuật hiện đại. Vì thế, việc nâng cao khả năng cơ động, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị này phụ thuộc một cách tiên quyết vào chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm các mặt; trong đó, công tác bảo đảm cho phương tiện kỹ thuật và đường cơ động là vấn đề quan trọng nhất. Hiện nay, do sử dụng nhiều năm, phần lớn phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật của các sư đoàn bộ binh đã xuống cấp, thiếu đồng bộ; trong khi đó, trang bị, vật tư, ngân sách quốc phòng dành cho mua sắm, thay thế còn hạn hẹp. Trước thực trạng đó, cùng với duy trì đầy đủ, nghiêm túc các chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật theo quy định, các đơn vị bộ binh cần tập trung nâng cao năng lực bảo dưỡng, sửa chữa, tăng hạn sử dụng cho phương tiện, nhất là nâng cao năng lực của các đội sửa chữa, cứu kéo cơ động, bảo đảm đủ sức khắc phục kịp thời các sự cố trong quá trình cơ động. Tùy tình hình cụ thể của từng đơn vị, có thể phối hợp với các cơ sở trong và ngoài Quân đội đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, nâng cấp từng phần, tiến tới hiện đại hóa đồng bộ phương tiện xe máy; phấn đấu nâng cao năng lực để có thể tự sửa chữa thường xuyên. Mặt khác, cần chủ động nghiên cứu, có kế hoạch đề xuất với cấp trên mua sắm các thiết bị, phương tiện; ưu tiên những trang bị, thiết bị và phương tiện hiện đại, nhất là hệ thống định vị, thiết bị mô phỏng, nhìn đêm,… nâng cao khả năng cơ động của đơn vị.
Đối với bảo đảm đường cơ động, các sư đoàn bộ binh cần triệt để tận dụng mạng đường có sẵn, nhất là hệ thống đường liên thôn, liên xã,… để cơ động lực lượng. Tùy tình hình địa bàn và phương án tác chiến, các đơn vị bộ binh có thể nghiên cứu quy hoạch các tuyến đường mới, xác định các bến vượt sông, vùng sình lầy, các cua, ngầm,… trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch bảo đảm chặt chẽ. Đồng thời, có kế hoạch chủ động phối hợp với ngành Giao thông - Vận tải và các địa phương trên địa bàn trong bảo đảm cơ động. Cùng với đó, cần coi trọng các mặt bảo đảm: ngụy trang, nghi binh giữ bí mật, thông tin liên lạc, phòng không, hậu cần,… góp phần nâng cao khả năng cơ động của sư đoàn bộ binh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cơ động lực lượng trong tác chiến nói chung, của sư đoàn bộ binh nói riêng là vấn đề khó khăn, phức tạp. Trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vấn đề này lại càng khó khăn, phức tạp hơn, đòi hỏi các đơn vị phải tập trung nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trên đây chỉ là những suy nghĩ bước đầu, xin mạnh dạn trao đổi để cùng nghiên cứu, tham khảo, vận dụng.
Đại tá TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308
sư đoàn bộ binh,khả năng cơ động
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc