Thứ Hai, 25/11/2024, 13:13 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Đấu tranh ngăn chặn, triệt phá tội phạm ma túy ở khu vực biên giới là nhiệm vụ chiến đấu của Bộ đội Biên phòng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định chặn nguồn cung cấp, không để ma túy thẩm lậu vào nội địa. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi Bộ đội Biên phòng cần tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, nghiên cứu nâng cao hiệu quả phối hợp với lực lượng Công an là giải pháp quan trọng.
Những năm gần đây, trước tác động của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và khu vực, hoạt động của tội phạm - ma túy trên tuyến biên giới đất liền nước ta gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, tính chất ngày càng manh động, liều lĩnh, nguy hiểm. Các ổ nhóm, đường dây tội phạm ma túy tổ chức ngày càng chặt chẽ, hoạt động xuyên biên giới, mang tính quốc tế. Chúng triệt để sử dụng công nghệ thông tin để giao dịch, mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, quy mô xuyên quốc gia, chủ yếu từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, ngăn chặn, triệt phá. Đặc biệt, hầu hết các toán, nhóm mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới đều có vũ trang, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả đến cùng khi bị phát hiện, truy bắt, v.v. Bên cạnh đó, do địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, đời sống khó khăn, dễ bị lôi kéo, tiếp tay, tham gia vào hoạt động này,... là những khó khăn, thách thức không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới. Tình hình đó, đòi hỏi Bộ đội Biên phòng phải triển khai đồng bộ các biện pháp, nâng cao hiệu quả phòng, chống đối với loại tội phạm nguy hiểm này; trong đó, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, nhân dân ở khu vực biên giới và các lực lượng chức năng là vấn đề rất quan trọng. Bài viết đề cập việc phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với lực lượng Công an trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới để cùng nghiên cứu, trao đổi.
Thực hiện Quy chế phối hợp số 768/QCPH/ CSĐTTPVMT-CPCMT&TP giữa Cục Phòng chống ma túy và tội phạm/Bộ đội Biên phòng và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy/Bộ Công an trong đấu tranh chống tội phạm ma tuý, thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an ở khu vực biên giới đã được triển khai sâu, rộng trên tất cả các lĩnh vực, từ trao đổi thông tin tội phạm, phối hợp triển khai các kế hoạch điều tra cơ bản địa bàn, tuyến trọng điểm, đến phối hợp xác lập các kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án, vụ án đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy, v.v. Chỉ tính riêng năm 2021, hai lực lượng đã phối hợp đấu tranh thành công 23 chuyên án, bắt giữ 311 vụ/441 đối tượng; thu giữ 165kg heroin, 951.062 viên và 677kg ma túy tổng hợp, 17,3kg thuốc phiện, 60kg cần sa, 20 khẩu súng và 338 viên đạn các loại, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự tại các địa bàn biên giới, cửa khẩu.
Tuy nhiên, quá trình phối hợp giữa hai lực lượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, nhất là việc phối hợp trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu ở một số đơn vị chưa kịp thời, nội dung thông tin chưa đầy đủ; phương pháp tổ chức phối hợp chưa đồng bộ, có lúc, có nơi còn nguyên tắc, cứng nhắc, thiếu kịp thời, v.v. Để khắc phục những hạn chế đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả quan hệ phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng và lực lượng Công an trong đấu tranh chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới, chúng tôi đề xuất một số nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, vai trò của công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đây là vấn đề quan trọng, quyết định tới chất lượng, hiệu quả của hoạt động phối hợp, nhất là trong điều kiện hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy rất phức tạp, nguy hiểm, một mất một còn. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị của hai lực lượng cần đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước cùng các quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống ma túy; trọng tâm là Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Qua đó, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, sự cần thiết, tính tất yếu khách quan của công tác phối hợp; thấy rõ công tác phối hợp không những tạo khả năng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ riêng của từng lực lượng mà còn tập trung được lãnh đạo, chỉ huy, lực lượng, phương tiện cho các nhiệm vụ, nhất là các chuyên án trọng điểm về ma tuý cả ở địa bàn nội địa và khu vực biên giới, bảo đảm cho hoàn thành nhiệm vụ của từng lực lượng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, đấu tranh những hiện tượng cục bộ, chỉ đề cao vai trò của cá nhân hoặc của đơn vị mình mà coi nhẹ quan hệ phối hợp.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, toàn diện sự phối hợp giữa hai lực lượng trong đấu tranh chống tội phạm ma túy. Đây vừa là giải pháp, vừa là nguyên tắc bảo đảm cho sự phối hợp giữa hai lực lượng tiến hành đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để trên cơ sở đó, xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch, chương trình phối hợp hành động phòng, chống tội phạm ma tuý. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp rà soát địa bàn, đối tượng, nắm tình hình về tội phạm ma túy ở khu vực biên giới và địa bàn trọng điểm; kế hoạch phòng, chống tội phạm về ma túy thường xuyên với tổ chức các đợt cao điểm, kịp thời tập trung lực lượng, biện pháp nghiệp vụ xác lập chuyên án, đấu tranh bóc gỡ các đường dây, tổ chức tội phạm lớn về ma túy, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia, v.v. Để đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch về công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy ở các cấp; xác định rõ trách nhiệm, phát huy tốt vai trò thường trực, nòng cốt của mình, chủ động phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động, nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp, hoàn thành tốt trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao cho. Đồng thời, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm phối hợp; đánh giá chính xác mạnh, yếu, nguyên nhân và đề ra nội dung, giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong từng nhiệm vụ, địa bàn cụ thể.
Ba là, phối hợp toàn diện giữa hai lực lượng trong công tác điều tra trinh sát và điều tra theo tố tụng, đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm về ma túy trong tình hình mới. Xuất phát từ đặc điểm, tính chất công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, hoạt động điều tra trinh sát được xem là vấn đề then chốt nhất. Điều đó đòi hỏi sự phối hợp giữa các lực lượng trong điều tra trinh sát phải được chú trọng, thực hiện ngay từ đầu, bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau liên tục trong suốt quá trình điều tra, phục vụ có hiệu quả cho yêu cầu mở rộng các chuyên án, đấu tranh, bóc gỡ triệt để các đường dây, tổ chức, băng nhóm tội phạm ma túy. Trong đó, các đơn vị Bộ đội Biên phòng cần chủ động thông báo cho lực lượng Công an thông tin về diễn biến tình hình tội phạm ma tuý ở khu vực biên giới hoặc có liên quan đến địa bàn nội địa, địa bàn ngoại biên và ngược lại, để có kế hoạch phối hợp và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phù hợp, hiệu quả. Để đạt hiệu quả cao, trong quá trình trao đổi thông tin, khi một bên đã có thông báo, trao đổi thì bên kia phải tổ chức triển khai các biện pháp thẩm tra, xác minh, áp dụng các biện pháp điều tra, xử lí và báo trở lại cho bên đã thông báo được biết.
Cùng với đó, hai lực lượng cần nắm vững, thực hiện đúng quy định về vai trò chủ trì của từng lực lượng trên từng địa bàn để đảm bảo có sự phối hợp, phân công chặt chẽ hiệu quả. Theo đó, quá trình tổ chức điều tra hình sự đối với các vụ án tội phạm ma tuý do Bộ đội Biên phòng khởi tố, lực lượng Công an cần cử những điều tra viên có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng trong khởi tố và tiến hành điều tra theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhanh chóng, đồng bộ giữa Bộ đội Biên phòng và cơ quan Công an trong chuyển giao hồ sơ vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, nhằm phát huy năng lực, sở trường của từng lực lượng trong điều tra, thu thập chứng cứ, kiên quyết đấu tranh xử lý các đối tượng phạm tội.
Bốn là, tăng cường lực lượng, phương tiện kỹ thuật, kinh phí đảm bảo quan hệ phối hợp trong đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Trước mắt, các đơn vị của hai lực lượng cần nghiên cứu bố trí, sử dụng lực lượng phù hợp từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đảm bảo liên hoàn khép kín trên khu vực biên giới và địa bàn nội địa có liên quan. Đối với những địa bàn trọng điểm, cần tăng cường lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng và Công an để quản lý địa bàn, nắm chắc đối tượng, kịp thời phát hiện các đầu mối tuyển chọn xây dựng làm lực lượng mật và mở rộng nguồn xác lập chuyên án; ưu tiên tuyển chọn các đồng chí có kinh nghiệm, trình độ năng lực chuyên sâu. Trong bố trí sử dụng, việc luân chuyển lực lượng ở các đơn vị cần có tính kế thừa, vừa bảo đảm yếu tố bí mật, thời gian cần thiết trong bám nắm địa bàn, quản lý đối tượng,... cho cán bộ trinh sát, vừa đáp ứng yêu cầu luân chuyển giữa các đơn vị theo quy định của công tác cán bộ. Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư kinh phí, phương tiện và đảm bảo cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng và Công an các loại phương tiện phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nhất là các phương tiện, trang bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác đấu tranh chống tội phạm ma tuý, như: hệ thống kiểm tra, giám sát điện thoại di động; thiết bị định vị GPS; công nghệ phân tích, xử lý ảnh vệ tinh; thiết bị nhìn ban đêm, các phương tiện kỹ thuật thu, phát vô tuyến ghi âm, ghi hình ngụy trang, v.v.
Đấu tranh chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới là cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và phức tạp. Để làm tốt được điều đó, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả hệ thống chính trị; trong đó, nòng cốt là lực lượng Bộ đội Biên phòng và Công an. Vì vậy, hai lực lượng cần tăng cường phối hợp tạo sức mạnh tổng hợp, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này, giữ vững an ninh, trật tự ở khu vực biên giới và cuộc sống bình yên của nhân dân.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN HÙNG, Học viện Biên phòng
Phối hợp Bộ đội Biên phòng với Công an,đấu tranh phòng,chống tội phạm ma túy,nhiệm vụ chiến đấu,khu vực biên giới
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc