Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 22/01/2015, 10:31 (GMT+7)
Về giải pháp xây dựng lối sống văn hóa cho học viên đào tạo sĩ quan quân đội hiện nay

Xây dựng lối sống văn hóa cho học viên đào tạo sĩ quan trong các nhà trường quân đội hiện nay cần phải được nhận thức và tiến hành đồng bộ bằng nhiều giải pháp. Thực hiện tốt điều đó sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Lối sống là một yếu tố then chốt của văn hóa, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân, gia đình và xã hội. Vì vậy, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn”1. Đây là định hướng lớn về xây dựng lối sống văn hóa của con người Việt Nam, trong đó có học viên đào tạo sĩ quan.

Hiện nay, học viên đào tạo sĩ quan đang được học tập, rèn luyện trong các nhà trường quân đội (NTQĐ) - môi trường giáo dục chính quy, nghiêm khắc, nhân văn, tiến bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng lối sống văn hóa cho học viên, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khi ra trường có đủ phẩm chất, năng lực, tương xứng với cương vị được giao. Đồng thời, thông qua thực hiện chức trách, nhiệm vụ, họ trực tiếp giáo dục, rèn luyện lối sống cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị bằng chính tấm gương, lời nói, hành động của mình để mọi người tin, phục và noi theo, góp phần xây dựng nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Tuy nhiên, do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, họ dễ bị ảnh hưởng bởi những tiêu cực từ môi trường xã hội. Bên cạnh đó, việc chưa coi trọng đúng mức công tác xây dựng lối sống có văn hóa cho học viên ở một số NTQĐ đã vô tình tạo ra những “khoảng trống” cho những tiêu cực, lệch lạc nảy sinh trong lối sống của họ. Đáng chú ý là, những biểu hiện của lối sống thực dụng, hưởng thụ, ngại học tập, rèn luyện và ứng xử không đúng trong quan hệ xã hội vẫn còn. Cá biệt, có học viên còn vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội hoặc sa vào các tệ nạn xã hội phải xử lý kỷ luật, buộc thôi học. Điều đó đặt ra những yêu cầu đối với công tác giáo dục và đào tạo ở các NTQĐ là bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện tác phong quân nhân, phải làm tốt công tác xây dựng lối sống văn hóa cho học viên, góp phần đào tạo ra đội ngũ sĩ quan có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức, lối sống có văn hóa. Theo đó, cần phải thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với xây dựng lối sống văn hóa cho học viên. Trong nhận thức của một số cán bộ, giảng viên ở các NTQĐ hiện nay vẫn còn cho rằng, học viên đào tạo sĩ quan là những người đã trưởng thành nên không cần thiết phải giáo dục về lối sống. Vì vậy, trong quá trình tiến hành các hoạt động giáo dục và đào tạo, các tổ chức, lực lượng chỉ chú ý đến việc truyền đạt kiến thức cho học viên mà vô tình coi nhẹ việc “dạy người”. Trong khi, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng đã chỉ rõ: “... mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”2. Để làm được điều đó, trước hết các cấp ủy đảng, đội ngũ cán bộ, giảng viên, cán bộ quản lý học viên ở các NTQĐ cần phải nhận thức đúng vị trí, vai trò, sự cần thiết phải xây dựng lối sống văn hóa cho học viên trong tình hình hiện nay. Làm tốt nhiệm vụ này chính là nhằm thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ sĩ quan quân đội có đủ “đức” và “tài”, trong đó lấy “đức” là gốc theo tinh thần Nghị quyết 769 của Quân ủy Trung ương Về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo đã xác định. Trên cơ sở đó, các NTQĐ cần gắn kết chặt chẽ giữa công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc xây dựng lối sống văn hóa cho học viên; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với nhiệm vụ này. Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện rập khuôn, máy móc hay sự đơn giản, buông lỏng việc xây dựng lối sống văn hóa cho học viên.

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa cho học viên là biện pháp cơ bản, cốt lõi. Trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội; cùng với những tác động của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay, việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa cho học viên không đơn giản. Bởi khi sự đấu tranh giữa thật và giả, tốt và xấu, thiện và ác trong xã hội còn diễn ra phức tạp và môi trường giáo dục của các NTQĐ vẫn còn có những bất cập nhất định thì việc tiến hành các hoạt động đó nếu không sát thực sẽ rất dễ rơi vào tình trạng giáo điều, hình thức. Điều này đặt ra yêu cầu cho các NTQĐ cần phải tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng, những tri thức khoa học và nghệ thuật quân sự tiên tiến. Bồi dưỡng cho họ lối sống trung thực, thẳng thắn, mình vì mọi người, tránh xa lối sống thực dụng, vô cảm, bệnh thành tích, chỉ biết hưởng thụ mà không biết nỗ lực vươn lên. Chỉ trên một nền tảng lý luận chính trị vững vàng mới giúp cho học viên xác định đúng đắn mục tiêu, lý tưởng sống, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên CNXH của đất nước và có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong nền kinh tế thị trường, những chuẩn mực, giá trị xã hội đang có sự vận động và biến đổi làm cho học viên khó khăn, lúng túng trong xác định giá trị thực của lối sống có văn hóa. Do vậy, các NTQĐ phải hướng vào khơi dậy và phát huy lối sống biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; tiếp tục khẳng định, tôn vinh những giá trị cao thượng, tốt đẹp trong lối sống của dân tộc và con người Việt Nam. Đặc biệt, phải chú trọng xây dựng cho học viên nét đẹp văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất là tinh thần đấu tranh, dám hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, sự đoàn kết gắn bó đồng chí, đồng đội, tình đoàn kết quân - dân, v.v. Đồng thời, phải làm cho những giá trị đó có sức lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động học tập, rèn luyện, sinh hoạt, công tác của học viên ở các NTQĐ. Có như vậy, mới đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục - đào tạo, tạo sức đề kháng để học viên không bị vấp ngã trước những thử thách khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong xây dựng lối sống văn hóa cho học viên. Đội ngũ cán bộ, giảng viên là lực lượng trực tiếp tổ chức các hoạt động giáo dục và đào tạo ở các NTQĐ, có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng lối sống cho học viên. Vì vậy, đội ngũ này phải quán triệt và thực hiện tốt các yêu cầu về “dạy người, dạy chữ và dạy nghề”. Cùng với cung cấp cho người học những kiến thức cơ bản theo mục tiêu yêu cầu đào tạo, cần “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”3. Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ giảng viên cần phải hướng vào lý giải thấu đáo những mâu thuẫn, vướng mắc về lý luận, thực tiễn đang nảy sinh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta, như: bản chất tốt đẹp của CNXH với những tiêu cực, bất công nảy sinh trong xã hội; những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên với tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên..., nhằm xây dựng cho học viên động cơ nghề nghiệp đúng đắn, bản lĩnh vững vàng trong quá trình học tập, rèn luyện.

Cùng với đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên trong các NTQĐ  cũng phải tích cực đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục, rèn luyện lối sống cho học viên sao cho phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của các nhà trường và sát với tâm lý lứa tuổi. Đặc biệt, phải duy trì nền nếp, chế độ, kỷ luật của Quân đội và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí và bồi dưỡng các kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho học viên. Quá trình đó luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giảng viên ở các NTQĐ phải thực sự gương mẫu về mọi mặt, nhất là về lối sống, để không những có sức lôi cuốn, cảm hóa học viên mà còn là những tấm gương sáng cho học viên học tập, noi theo.

Chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện tiêu cực, hạc hậu trong lối sống của học viên. Việc xây dựng lối sống cho học viên chỉ thực sự có hiệu quả khi có sự kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng, xây dựng lối sống tốt đẹp với chống cái sai, lạc hậu và những tác động, ảnh hưởng tiêu cực của môi trường sống. Tuy nhiên, việc tổ chức các hoạt động này ở các NTQĐ còn chưa đủ mạnh nên đã làm cho các sai phạm về lối sống của học viên không những không được khắc phục triệt để mà còn nảy sinh những hiện tượng mới, phức tạp. Do vậy, lãnh đạo, chỉ huy các NTQĐ, một mặt phải xây dựng cho học viên tinh thần chủ động trong khắc phục khó khăn, vướng mắc của bản thân, gia đình, cũng như sự lôi kéo của giá trị vật chất trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Mặt khác, phải triển khai có hiệu quả cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa nhằm xác định rõ cái đúng, cái sai, làm cơ sở cho học viên nhận thức và đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, sai trái đang còn len lỏi trong môi trường sống. Đồng thời, phải làm cho cuộc đấu tranh đó không chỉ dừng lại ở những bài giảng hay những biểu hiện chung chung ngoài xã hội, mà phải đi vào những cái cụ thể trong nhận thức, học tập, rèn luyện, công tác và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của học viên. Có như vậy, việc xây dựng lối sống văn hóa cho học viên mới đạt được hiệu quả thiết thực; các NTQĐ mới xứng đáng là môi trường lý tưởng trong việc đào luyện, nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm và lối sống của con người, đáp ứng tốt yêu cầu về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có đầy đủ đức và tài trong tình hình mới.

Thượng tá, ThS. VŨ ĐÌNH ĐẮC
________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tám BCHTƯ khóa XI, Văn phòng Trương ương Đảng, H. 2014, tr. 50.

2, 3 - Sđd -  tr. 51, 128.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.