Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 11/07/2019, 13:42 (GMT+7)
Về giải pháp phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy giữa Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La với lực lượng An ninh nước bạn Lào

Tỉnh Sơn La là địa bàn trọng điểm về tội phạm ma túy. Thời gian qua, nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển chất ma túy đã bị bóc gỡ, nhưng tình hình còn phức tạp. Đấu tranh ngăn chặn, triệt phá loại tội phạm nguy hiểm này ở khu vực biên giới là trách nhiệm trước hết của Bộ đội Biên phòng. Để đạt hiệu quả, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng Tỉnh với lực lượng An ninh của nước bạn Lào là nội dung, giải pháp quan trọng.

Hiện nay, ma túy đã thực sự trở thành mối hiểm họa đối với con người và xã hội; làm suy thoái giống nòi và băng hoại đạo đức; ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Đối với nước ta, theo thống kê, chỉ 05 tháng đầu năm 2019, số ma túy thu được lên tới 07 tấn. Đây là minh chứng và cũng là cảnh báo về loại tội phạm này đã chuyển sang hình thức hoạt động mới - bất chấp pháp luật, liều lĩnh thực hiện những phi vụ với số lượng ma túy ngày càng lớn. Khu vực biên giới tỉnh Sơn La có địa hình hiểm trở, đường cơ động về thủ đô Hà Nội và các tỉnh nội địa thuận lợi. Lợi dụng chính sách mở cửa của Nhà nước, mối quan hệ thân tộc của đồng bào hai bên biên giới, nhất là các bản giáp biên có đồng bào người H’Mông sinh sống, tội phạm thường cấu kết, móc nối, lôi kéo, mua chuộc các đối tượng trên địa bàn và ngoại biên, hình thành các đường dây xuyên quốc gia, tổ chức mua, bán trái phép các chất ma túy từ vùng “Tam giác vàng”1 và các nơi khác của Lào qua biên giới vào nước ta tiêu thụ hoặc vận chuyển sang các nước thứ ba.

Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động phối hợp có hiệu quả với các lực lượng chức năng, chính quyền và nhân dân địa phương trong phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới. Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh trực tiếp phối hợp với Ty An ninh của hai tỉnh: Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào) thông qua ký kết biên bản ghi nhớ, quy chế, quy định hoạt động, xây dựng, triển khai thực hiện hàng chục kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy, trong đó có kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch đấu tranh phá án, v.v. Nhờ làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng và triển khai kịp thời các biện pháp nghiệp vụ, từ năm 2013 đến tháng 02-2019, Bộ đội Biên phòng Sơn La cùng lực lượng An ninh của Bạn đã đấu tranh thành công 14 chuyên án; bắt giữ 23 đối tượng (quốc tịch Lào), thu 78 bánh và 29 kg bột hê-rô-in, 10,3 kg thuốc phiện, 13 kg hạt thuốc phiện, 16 kg ma túy dạng đá, 94.991 viên ma túy tổng hợp, cùng nhiều tang vật liên quan khác2. Kết quả đạt được rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, qua đánh giá, rút kinh nghiệm cho thấy, công tác phối hợp giữa hai bên bộc lộ một số hạn chế, như: còn biểu hiện nhận thức đơn giản; phương pháp tổ chức phối hợp nhiều khi chưa đồng bộ, có lúc còn máy móc, cứng nhắc, thiếu kịp thời; chất lượng trao đổi thông tin, tình hình hoạt động và kết quả phối hợp của hai lực lượng có lúc chưa cao, v.v. Để khắc phục những hạn chế đó, theo chúng tôi, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Trước hết, làm tốt công tác quán triệt, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Tỉnh, nhất là thành phần trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phối hợp với lực lượng An ninh của Bạn. Hiện nay, tội phạm ma túy được tổ chức hết sức chặt chẽ, tinh vi, với nhiều đường dây xuyên quốc gia; trong khi đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới đất liền mỏng, địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp, v.v. Vì vậy, việc phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của Bạn trong công tác phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này là vấn đề cấp thiết và phải được chú trọng hơn bao giờ hết; coi đây vừa là yêu cầu, vừa là nguyên tắc để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ phức tạp này. Để làm tốt nhiệm vụ này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tầm quan trọng của việc phối hợp hoạt động trên các mặt công tác trong phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn biên giới. Qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc quan điểm, đường lối, chỉ thị,... của Đảng và cấp ủy, chỉ huy các cấp về công tác phòng, chống tội phạm ma túy, trực tiếp là Chỉ thị 1302/CT-BTL, ngày 05-5-2015 và Kế hoạch 2339/KH-BTL, ngày 15-7-2016 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, v.v. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ huy các cấp, nhất là cấp cơ sở cần tập trung quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nắm chắc quy định, quy chế phối hợp đã được ký kết và kế hoạch hoạt động thường xuyên cũng như kế hoạch cụ thể thực hiện các chuyên án giữa hai bên, v.v. Đây là vấn đề cần thiết, trực tiếp nhất để sự phối hợp, hiệp đồng giữa hai bên được nhịp nhàng, ăn khớp, đạt hiệu quả cao. Từ đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, giữ vững định hướng và năng lực thực tiễn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng lòng tin, sự gắn kết và hợp tác tích cực giữa hai bên. Trong quá trình thực hiện, các cấp cần bám sát thực tiễn, đặc điểm nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, vận dụng linh hoạt các biện pháp giáo dục, chú trọng lồng ghép giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo nhiệm vụ,... đảm bảo cho công tác giáo dục tạo thành hệ thống, được tiến hành liên tục, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ giữa ta và Bạn.

Hai là, cùng với lực lượng An ninh của Bạn rà soát, thống nhất bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh các quy chế, kế hoạch phối hợp phù hợp tình hình thực tiễn. Thực hiện tốt giải pháp này, sẽ tạo đầy đủ cơ sở pháp lý trong phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới giữa hai lực lượng chuyên trách. Là những bộ phận, thành phần cùng có nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy, nên Bộ đội Biên phòng Sơn La và các Ty An ninh của Bạn trên địa bàn biên giới đã có mối quan hệ gắn bó lâu dài, nhưng đây là hai lực lượng vũ trang thuộc hai quốc gia khác nhau, mỗi bên có chức năng, phạm vi hoạt động và phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo khác nhau, nhất là nhiệm vụ thường xuyên có sự phát triển. Vì thế, để bảo đảm tính pháp lý trong các hoạt động phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới nói chung, trong phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng, Bộ đội Biên phòng Tỉnh và lực lượng của Bạn cần thống nhất về nguyên tắc, mục đích, nội dung, quy trình phối hợp,... và phải được thể hiện bằng các quy chế, kế hoạch do đại diện hợp pháp của cơ quan chức năng hai bên ký kết theo phân cấp. Để thực hiện, Bộ đội Biên phòng Sơn La và các Ty An ninh của Bạn trên địa bàn hai bên biên giới cần căn cứ vào chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của hai Đảng, hai Nhà nước; các hiệp ước, hiệp định,... mà Chính phủ hai nước đã ký kết. Đồng thời, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của mình để rà soát, bổ sung các loại quy chế, biên bản ghi nhớ, kế hoạch hoạt động, phương án, chuyên án, v.v. Đây là văn bản pháp lý rất cần thiết, là sự thống nhất trong tổ chức, hành động, có sự phối hợp để công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới phù hợp với thực tiễn và đạt hiệu quả cao. Trong đó, nội dung phối hợp phải cụ thể, tỷ mỷ, sâu sát; quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, phương thức, lực lượng, phương tiện,... phối hợp trong các hoạt động thường xuyên cũng như đột xuất, trong mọi điều kiện, thời gian, tình huống, bảo đảm tính khả thi cao.

Ba là, sáng tạo, linh hoạt tổ chức thực hiện công tác phối hợp, kết hợp với Bạn trong phòng, chống tội phạm ma túy. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phức tạp này là vấn đề đặc biệt quan trọng, quyết định đến kết quả các chuyên án, vụ án phòng, chống ma túy. Trong đó, công tác phối hợp, kết hợp giữa lực lượng chuyên trách hai bên biên giới cần có sự vận dụng khéo léo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Theo đó, Bộ đội Biên phòng Sơn La và các Ty An ninh của Bạn cần duy trì thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung phối hợp đã thống nhất, trọng tâm là các hoạt động chuyên môn, như: luân phiên giao ban, cung cấp thông tin thường xuyên và đột xuất; tổ chức canh trực, tuần tra chung; tổ chức luyện tập, diễn tập; thu thập tin tức, điều tra địa bàn, tụ điểm, quản lý nghiệp vụ các đối tượng về ma túy; thực thi các phương án phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm, v.v. Với hình thức trao đổi thông tin, cần cung cấp đầy đủ tình hình, tin tức phục vụ yêu cầu điều tra, xác minh,... một cách cụ thể; từ đó, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra địa bàn, sàng lọc đối tượng, đường dây, ổ, nhóm, thu thập tài liệu về hoạt động của tội phạm ma túy để cùng ngăn chặn hành vi có nguy cơ vi phạm, đồng thời xác lập chuyên án đấu tranh với đối tượng đã vi phạm. Trong đấu tranh với tội phạm, phối hợp xử lý, giải quyết các vụ việc về ma túy, phải tuyệt đối tuân thủ pháp luật của mỗi nước, đảm bảo yêu cầu về chính trị, ngoại giao. Lực lượng mật, trinh sát nội tuyến, ngoại tuyến hai bên cần được xây dựng, sử dụng một cách linh hoạt, phù hợp, chú trọng phối hợp đi sâu vào đối tượng trong từng ổ, nhóm, đường dây, nắm chắc phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng, cùng thống nhất tạo tình huống nghiệp vụ để phá án, v.v.

Cùng các giải pháp trên, Bộ đội Biên phòng Tỉnh cần làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hai bên đẩy mạnh công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân; xây dựng cơ sở chính trị, “thế trận lòng dân”, thế trận biên phòng toàn dân; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào xây dựng thôn, bản không có tội phạm ma túy, chủ động phát hiện và tố giác tội phạm ma túy. Mặt khác, tổ chức các lớp học tiếng của hai nước cho cán bộ, chiến sĩ hai bên, tạo tiện lợi trong phối hợp hoạt động; phối hợp tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết các mặt hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy khu vực biên giới. Qua đó, kịp thời rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phối hợp hiệu quả, góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố niềm tin, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới nói chung và phòng, chống tội phạm ma túy nói riêng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trung tá, ThS. NGUYỄN HUY DU

____________

1 - Khu vực rừng núi hiểm trở, nằm giữa biên giới ba nước: Lào, Thái Lan và My-an-ma, nổi tiếng là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới.

2 - Báo cáo tình hình, kết quả công tác phối hợp phòng, chống ma túy qua biên giới từ năm 2013 đến năm 2019 của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.