Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 17/08/2023, 07:57 (GMT+7)
Về bảo đảm đường cơ động, tác chiến phòng thủ chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Bảo đảm đường cơ động đánh địch tiến công đường bộ trong tác chiến phòng thủ chiến lược là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của bảo đảm công binh, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, đòi hỏi chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng công binh phải nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ, từ đó tổ chức bảo đảm cho phù hợp với từng chiến dịch, trận đánh.

Thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ mở đường, giữ đường, cải tạo, sửa chữa đường phục vụ chiến đấu của quân và dân ta, với lực lượng công binh làm nòng cốt đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đánh địch tiến công đường bộ trong tác chiến phòng thủ chiến lược là hoạt động chiến đấu diễn ra hết sức cam go, ác liệt, trên không gian rộng, với nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Vì vậy, bảo đảm đường cơ động cho các lực lượng đánh địch tiến công đường bộ là một trong những nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chiến đấu.

Hiện nay và trong tương lai, công tác bảo đảm đường cơ động đánh địch tiến công đường bộ có sự khác biệt với công tác bảo đảm đường trong các cuộc kháng chiến trước đây, như: đường cơ động đã được chuẩn bị trong thời bình, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, cũng như kế hoạch, quyết tâm tác chiến khu vực phòng thủ của các quân khu, quân đoàn, các tỉnh, thành phố, v.v. Mặc dù vậy, với tính chất biến động mau lẹ, phức tạp và ác liệt của chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tấn công hỏa lực làm “mềm” chiến trường, cùng với trang bị, khí tài trinh sát hiện đại, việc bảo đảm đường cơ động đặt ra những yêu cầu cao hơn và phải thực hiện liên tục trong quá trình tác chiến; nhiều nhiệm vụ phải hết sức khẩn trương, như: bảo đảm đường cơ động cho các lực lượng phát triển chiến đấu, đánh địch đổ bộ đường không, vu hồi, địch tạm dừng, v.v. Vì vậy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nòng cốt là lực lượng công binh phải nắm chắc yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời đường cơ động cho các lực lượng đánh địch tiến công đường bộ, góp phần giành thắng lợi quyết định trên chiến trường.

Bài viết xin trao đổi mấy vấn đề chủ yếu về bảo đảm đường cơ động đánh địch tiến công đường bộ trong tác chiến phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, phải chuẩn bị sẵn đường cơ động từ thời bình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình chuẩn bị, thực hành tác chiến. Hệ thống đường cơ động đánh địch tiến công đường bộ trong tác chiến phòng thủ chiến lược thường có các loại đường: chính, dự bị, nghi binh, vòng tránh, đường cơ động của lực lượng, phương tiện kỹ thuật, bảo đảm hậu cần chiến lược, v.v. Các loại đường này có thể là đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã, đường nhánh, đường mòn,… có sẵn từ trước hoặc được cải tạo, sửa chữa, làm mới trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến. Tuy nhiên, khi tác chiến phòng thủ chiến lược xảy ra, hệ thống đường, trọng điểm giao thông, các công trình chiến đấu trên hướng chủ yếu, khu vực tập kết lực lượng, phương tiện,… sẽ bị quân địch đánh phá ác liệt, gây nhiều khó khăn cho hoạt động tác chiến.

Để bảo đảm đủ đường cho các lực lượng và phương tiện kỹ thuật cơ động đánh địch, Bộ Tư lệnh và cơ quan chiến trường phải dự tính trước số lượng đường cần bảo đảm trên địa bàn tác chiến, cả trước, trong và sau chiến đấu, ở cả vùng đồng bằng, trung du, miền núi cũng như vùng sông nước. Điều đó đòi hỏi chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhất là lực lượng công binh phải xây dựng kế hoạch bảo đảm đường cơ động khoa học, phù hợp với quyết tâm tác chiến phòng thủ chiến lược ngay từ thời bình, sẵn sàng cải tạo, sửa chữa, làm mới trong quá trình tác chiến. Khi xây dựng, người chỉ huy, chủ nhiệm công binh các cấp phải căn cứ vào nhiệm vụ được giao, khả năng của các cơ quan, đơn vị công binh, lực lượng tăng cường, phối hợp cũng như tính năng kỹ chiến thuật của các loại vũ khí, trang bị; phải nắm chắc hệ thống đường giao thông sẵn có trong khu vực phòng thủ, địa hình tác chiến; dự kiến đường, cầu, cống, bến vượt có thể cải tạo, sửa chữa hoặc làm mới, để từ đó chỉ đạo các lực lượng, nòng cốt là đơn vị công binh thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong và ngoài Quân đội, nhất là ngành giao thông vận tải, xây dựng, kế hoạch đầu tư,… tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cơ quan chiến trường rà soát các dự án đường giao thông phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Đồng thời, phải dự kiến khối lượng nguyên vật liệu, xe máy, phương tiện, vật nổ,… cần thiết phục vụ việc mở đường mới; thường xuyên kiểm tra, thống kê, tổng hợp những thay đổi của hệ thống đường dân sinh, cầu, cống, bến vượt; dự kiến các trọng điểm giao thông địch sẽ đánh phá để có phương án khắc phục.

Hai là, bảo đảm đường cơ động phải phù hợp với quyết tâm tác chiến của người chỉ huy. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc đối với các lực lượng tham gia chiến đấu; là cơ sở pháp lý để giao nhiệm vụ, chỉ thị hiệp đồng, tổ chức bảo đảm. Trong tác chiến phòng thủ chiến lược, nhiệm vụ bảo đảm công binh nói chung, bảo đảm đường cơ động nói riêng thường được tổ chức theo các giai đoạn kết hợp với từng nhiệm vụ chiến đấu. Để triển khai lực lượng, phương tiện đánh địch tiến công đường bộ theo đúng ý định, quyết tâm tác chiến thì các đường cơ động luôn phải thông suốt. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, bởi bên cạnh việc bảo đảm các công trình chiến đấu, phòng tránh, sở chỉ huy các cấp,… lực lượng công binh phải tập trung thông đường cơ động cho các cơ quan, đơn vị làm công tác chuẩn bị, cơ động vào vị trí chiến đấu, vận chuyển vật chất hậu cần, kỹ thuật, điều chỉnh lực lượng, tạo lập, chuyển hóa thế trận, thực hành đánh địch tiến công đường bộ và xử trí một số tình huống. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với chủ nhiệm và các cơ quan, đơn vị công binh phải nắm chắc ý định, quyết tâm tác chiến của người chỉ huy (Tư lệnh chiến trường), tình hình địch, ta, địa hình, thời tiết trong khu vực tác chiến, nhiệm vụ trong từng giai đoạn, thời gian hoàn thành mọi công tác chuẩn bị sẵn sàng đánh địch, để từ đó xây dựng kế hoạch bảo đảm đường cơ động cho phù hợp.

Khi tổ chức bảo đảm đường cơ động, phải hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị tham gia chiến đấu, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương; huy động tối đa lực lượng, phương tiện hiện có của các đơn vị công binh chiến trường cũng như của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong khu vực tác chiến để thực hiện nhiệm vụ, theo một kế hoạch thống nhất; giữ bí mật về lực lượng, phương tiện, tránh bị tổn thất. Quá trình cải tạo, sữa chữa hoặc làm mới đường, cầu, cống, bến vượt, nhất là ở những trọng điểm phải chú trọng ưu tiên lực lượng phòng thủ, phòng ngự, lực lượng cơ động tiến công trên hướng chủ yếu, thứ yếu, hướng vu hồi và đường cơ động cho lực lượng xe tăng, pháo binh thực hiện nhiệm vụ theo ý định, quyết tâm tác chiến.

Ba là, tập trung lực lượng, phương tiện trên hướng chủ yếu, chiến dịch, trận đánh quan trọng, có lực lượng dự bị mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng. Xuất phát từ đặc điểm của tác chiến phòng thủ chiến lược thường diễn ra trên không gian rộng, thời gian tương đối dài, tính chất ác liệt, với nhiều lực lượng tham gia và nhiều đối tượng cần phải bảo đảm. Trong khi đó, lực lượng công binh chiến trường nói chung, lực lượng tham gia bảo đảm nói riêng có hạn, việc bảo đảm đường cơ động lại diễn ra trong thời gian gấp, khối lượng công việc nhiều. Vì vậy, để có đủ đường cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng thủ, phòng ngự, lực lượng cơ động đánh địch, các cơ quan, đơn vị phải huy động được tối đa lực lượng, phương tiện tham gia. Theo đó, chủ nhiệm và các cơ quan, đơn vị công binh phải có kế hoạch sử dụng lực lượng, phương tiện cụ thể, khoa học cho từng giai đoạn, nhiệm vụ, từng hướng; trong đó, chú trọng ưu tiên bảo đảm đường cho hướng chủ yếu, chiến dịch, trận đánh quan trọng. Bên cạnh đó, cần có sự phân công, phân cấp cụ thể giữa các lực lượng: mở đường mới, sửa chữa, cải tạo đường cũ, khôi phục đường bị hư hỏng do địch đánh phá; có phương án dự phòng đối với những bất lợi do địch hoặc thiên tai gây ra; đồng thời, tổ chức, sử dụng lực lượng thi công phù hợp, triển khai đúng tiến độ thời gian và khối lượng công việc; có lực lượng, phương tiện dự bị mạnh để sẵn sàng xử trí các tình huống phát sinh trong chiến đấu.

Do nhiệm vụ bảo đảm đường cơ động hết sức nặng nề, phức tạp, người chỉ huy, chủ nhiệm công binh các cấp cần phải huy động được nhiều lực lượng tham gia, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, phải tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương trong huy động lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cải tạo sửa chữa, làm mới đường cơ động, nhất là cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của các doanh nghiệp xây dựng, giao thông vận tải và lực lượng của Công an, Bộ đội Biên phòng cũng như nhân dân địa phương trong khu vực phòng thủ.

Bốn là, tổ chức chỉ huy thống nhất, linh hoạt, hiệu quả. Trong thời bình, hệ thống đường cơ động phục vụ các lực lượng đánh địch tiến công đường bộ được cải tạo, sửa chữa, làm mới đầy đủ theo kế hoạch, quyết tâm tác chiến phòng thủ của các tỉnh, thành phố, các quân khu, quân đoàn, với chất lượng tốt và có thể sử dụng được ngay khi có lệnh. Tuy nhiên, khi tác chiến xảy ra, tình huống chiến đấu diễn biến mau lẹ, cam go, ác liệt và có thể phát sinh một số nhiệm vụ mới theo yêu cầu của chiến dịch, trận đánh, như: mở thêm một số tuyến đường, làm thêm cầu cống, bến vượt trong thời gian ngắn, yêu cầu cao, khối lượng công việc nhiều, trong khi quân địch thường xuyên trinh sát, đánh phá. Vì vậy, người chỉ huy các cấp cần phải theo dõi, nắm chắc tình hình địa hình, thời tiết khu vực tác chiến, quy luật hoạt động của địch, khả năng của các cơ quan, đơn vị tham gia chiến đấu, nhất là các đơn vị công binh, từ đó tổ chức chỉ huy, chỉ đạo chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất để bảo đảm đường cơ động kịp thời nhất cho tác chiến.

Người chỉ huy các cấp phải linh hoạt, sáng tạo, phải dự kiến và chuẩn bị nhiều phương án, tình huống, nhất là về lực lượng, phương tiện kỹ thuật, để sẵn sàng thay thế, bổ sung, bảo đảm đường cơ động luôn thông suốt. Cùng với đó, chỉ huy lực lượng công binh tích cực, chủ động, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp khắc phục, cải tạo, sửa chữa những cung đường bị địch đánh phá, tận dụng tối đa những thuận lợi của địa hình để làm đường mới nếu những cung đường cũ không thể khắc phục sửa chữa.

Các nội dung nghiên cứu trên là cơ sở bước đầu để người chỉ huy, chủ nhiệm công binh các cấp cũng như lực lượng bảo đảm chiến trường có thể nghiên cứu, vận dụng trong tổ chức bảo đảm đường cơ động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị tham gia chiến đấu, góp phần giành thắng lợi trong đánh địch tiến công đường bộ, tạo thế, tạo thời cơ chuyển sang các hoạt động tác chiến khác, tiến công tiêu diệt địch, kết thúc chiến tranh.

Trung tướng, TS. NGUYỄN ANH TUẤN, PGiám đốc Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.