Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:15 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
V.I. Lê-nin - lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, đã cống hiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nhiều luận điểm có giá trị thời đại sâu sắc. Luận điểm về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc XHCN là một trong số đó.
Trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng Nga, V.I. Lê-nin đánh giá cao vai trò của quần chúng nhân dân. Người thống nhất quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là người làm nên lịch sử. Trên cơ sở nhất quán với luận điểm “khởi nghĩa vũ trang toàn dân”, “chiến tranh nhân dân” và sức mạnh của chiến tranh nhân dân của các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác, V.I. Lê-nin đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) XHCN. Người chỉ ra vai trò to lớn của nhân dân trong chiến tranh hiện đại: “Thời đại mà bọn đánh thuê hay bọn đại biểu các đẳng cấp bán thoát ly khỏi nhân dân, tiến hành chiến tranh, thời đại ấy đã vĩnh viễn qua hẳn rồi. Chiến tranh ngày nay là do nhân dân tiến hành”1 và những tiêu chí cơ bản để phân loại chiến tranh là phản động hay cách mạng: “Chiến tranh có nhiều loại. Cần phải biết rõ những điều kiện lịch sử gây ra chiến tranh, những giai cấp nào tiến hành chiến tranh đó và mục đích mà họ theo đuổi”2. Luận điểm trên của V.I. Lê-nin không chỉ là cơ sở để xem xét, đánh giá tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược, mà còn là cơ sở để phát động toàn dân tham gia chiến tranh BVTQ XHCN. Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh rằng: sự đồng tình, tích cực tham gia của quần chúng nhân dân còn giúp cuộc chiến tranh BVTQ XHCN phát triển nhanh chóng và là nguồn gốc quyết định nhất, khiến mọi cuộc tiến công của các thế lực thù địch chống nhà nước XHCN đi đến thất bại. Sức mạnh to lớn của nhân dân là sức mạnh tổng hợp được tạo bởi nhiều yếu tố, trước hết là tinh thần quyết chiến quyết thắng, dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng. Sức mạnh này là vô địch, không một kẻ thù nào có thể khuất phục được. V.I. Lê-nin khẳng định: “Không bao giờ người ta có thể chiến thắng được một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân đã biết, đã cảm và trông thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của mình, chính quyền Xô viết, chính quyền của những người lao động, rằng họ bảo vệ sự nghiệp mà một khi thắng lợi sẽ bảo đảm cho họ, cũng như con cái họ, có khả năng hưởng thụ mọi thành quả văn hóa, mọi thành quả lao động của con người”3.
Nhất quán quan điểm đó, trong chiến tranh BVTQ, V.I. Lê-nin đã chủ trương vũ trang toàn dân, huấn luyện quân sự một cách toàn diện, có hệ thống cho toàn dân để họ nắm được kiến thức quân sự, kỹ thuật quân sự. Đồng thời, đòi hỏi mọi công dân phải có thái độ nghiêm chỉnh đối với công cuộc phòng thủ đất nước: “… nghĩa vụ tuyệt đối của toàn thể quần chúng lao động là đem hết sức mình ra để khôi phục và tăng cường khả năng quốc phòng của đất nước chúng ta”4. Từ thực tiễn Cách mạng Nga, V.I. Lê-nin còn chỉ ra vai trò của lực lượng vũ trang, quân đội trong chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN: “Có Hồng quân mạnh, chúng ta sẽ vô địch. Không có quân đội mạnh chúng ta sẽ không khỏi làm mồi cho Côn-tsắc, Đê-ni-kin, Tu-đê-ni-tsơ”5.
Như vậy, theo V.I. Lê-nin, đặc trưng cơ bản nhất của chiến tranh BVTQ XHCN là chiến tranh nhân dân do toàn dân tiến hành, vì lợi ích của nhân dân. Để chuẩn bị tốt nhất cho chiến tranh nhân dân, V.I. Lê-nin chỉ ra rằng, phải xây dựng thành công CNXH về mọi mặt nhằm tạo nền tảng vật chất, tinh thần cho công cuộc BVTQ. Đặc biệt, Đảng Cộng sản, Nhà nước Xô viết và nhân dân phải sử dụng các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao; chuẩn bị sẵn sàng về quân sự, xây dựng một quân đội kiểu mới chính qui, hiện đại trên cơ sở vũ trang toàn dân; xây dựng liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân và nông dân; kết hợp đúng đắn nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ quốc tế. Đó là một nội dung cốt lõi trong Học thuyết BVTQ XHCN của V.I. Lê-nin, được chứng minh bằng chiến thắng của nước Nga Xô viết trước những lực lượng phản cách mạng trong nước và sự can thiệp quân sự từ bên ngoài, bảo vệ vững chắc chính quyền Xô viết, thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga, của nhân dân Liên Xô đối với chủ nghĩa phát xít trong chiến tranh thế giới thứ hai, v.v.
Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng của V.I. Lê-nin, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã đề ra đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, với tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của quần chúng tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc và BVTQ XHCN. Hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng phản động quốc tế đang chống phá các nước XHCN, các lực lượng tiến bộ trên thế giới hết sức quyết liệt với những thủ đoạn mới rất tinh vi, thâm độc; trong đó, Việt Nam là một trọng điểm. Vì thế, những luận điểm của V.I. Lê-nin về chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN vẫn còn nguyên giá trị. Bởi, luận điểm đó cho chúng ta những chỉ dẫn quí báu về: xác định mục tiêu, tính chất, lực lượng, phương thức tiến hành chiến tranh BVTQ Việt Nam XHCN trên cơ sở khơi dậy, qui tụ, phát huy vai trò của nhân dân. Theo đó, để vận dụng tư tưởng của V.I. Lê-nin về chiến tranh nhân dân trong sự nghiệp BVTQ Việt Nam XHCN hiện nay, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, BVTQ XHCN. Trước hết, về mặt nhận thức, tư tưởng, cần khẳng định rằng: nếu xảy ra chiến tranh đối với nước ta, thì đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân BVTQ phát triển ở trình độ cao, chống chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN là sức mạnh của toàn dân, do đó phải thu hút được đông đảo lực lượng quần chúng nhân dân tham gia, với tinh thần tích cực, chủ động, tự giác vào quá trình chuẩn bị cũng như tiến hành chiến tranh BVTQ Việt Nam XHCN. Để làm được điều đó, thì ngay trong thời bình, cần phải nâng cao lòng yêu nước, yêu CNXH, củng cố niềm tin, tình cảm gắn bó với chế độ, với Đảng, với Nhà nước; phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người dân thấy tính chính nghĩa, sự cấp thiết, nội dung, biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân để chuẩn bị mọi mặt cho chiến tranh nhân dân BVTQ nếu nó xảy ra và chúng ta buộc phải tiến hành. Từ đó, nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, BVTQ Việt Nam XHCN, sẵn sàng tham gia các phong trào hành động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hai là, tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” - thế trận vững chắc nhất của chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN. Theo V.I. Lê-nin, sức mạnh của chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN là sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc, bao gồm sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần của nhân dân. Để phát huy được sức mạnh đó, cần xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng. Hiện nay, kẻ thù đang đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, đã và đang đe dọa đến sức mạnh của “thế trận lòng dân”. Do đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp BVTQ. Đồng thời, động viên, cổ vũ nhân dân tích cực tham gia công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế; tổ chức, phát triển các phong trào quần chúng sâu rộng, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; phát huy vai trò của hệ thống chính trị, tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để mọi người dân đều được đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc xây dựng và BVTQ. Qua đó, làm cho tinh thần yêu nước, yêu XHCN chuyển hóa sâu sắc thành nhận thức, tình cảm, ý chí và hành động của mọi người, tạo động lực chính trị - tinh thần to lớn của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đảng, Nhà nước cần quan tâm chăm lo, giải quyết thỏa đáng đời sống vật chất, tinh thần đối với mọi tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, kịp thời giải quyết những bức xúc xã hội tích tụ trong dân; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân - dân, thực hiện quân với dân một ý chí,… để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp BVTQ Việt Nam XHCN.
Ba là, tăng cường và phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp BVTQ. Để tiến hành chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN giành thắng lợi, V.I. Lê-nin cho rằng phải sử dụng các biện pháp quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao; trong đó, đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng về quân sự, xây dựng một quân đội kiểu mới chính qui, hiện đại trên cơ sở vũ trang toàn dân. Do vậy, cùng với khơi dậy sức mạnh toàn dân, phải chú trọng tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, trước hết là của Quân đội, để lực lượng này có đủ uy tín, sức mạnh làm nòng cốt trong sự nghiệp BVTQ Việt Nam XHCN. Thực hiện vấn đề này, Quân đội phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng; quán triệt, chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Trong thời gian tới, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tạo bước phát triển mới về chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu; chú trọng xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác, các khâu đột phá, làm chủ và khai thác tốt tính năng vũ khí, trang bị kỹ thuật được biên chế,… nhất là các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đó không chỉ là cơ sở đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; luôn là lực lượng chính trị tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, mà còn là nhân tố quan trọng để Quân đội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, BVTQ trong thời kỳ mới.
Bốn là, phát huy vai trò các thành phần kinh tế trong thực hiện nhiệm vụ củng cố quốc phòng, BVTQ XHCN. Sức mạnh của chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN không chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, mà còn phụ thuộc rất lớn vào chế độ kinh tế, tính chất của quan hệ sản xuất. Do đó, để huy động được lực lượng, sức mạnh của toàn dân tham gia sự nghiệp BVTQ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đòi hỏi phải huy động và sử dụng có hiệu quả các thành phần kinh tế; đồng thời, phải đề cao trách nhiệm của các thành phần này đối với sự nghiệp tăng cường quốc phòng, BVTQ. Mọi quy hoạch, phát triển kinh tế đều phải tính đến yếu tố quốc phòng - an ninh; kiên quyết chống tư tưởng chỉ chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần mà không quan tâm đến phòng thủ của đất nước. Một trong những nội dung cơ bản của vấn đề này là thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế với quốc phòng trong sử dụng, phát triển các thành phần kinh tế. Xây dựng kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân; trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, nắm giữ các cơ sở kinh tế then chốt, là hình mẫu về năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thâm nhập vào các thành phần kinh tế khác để định hướng XHCN. Đồng thời, phải khắc phục có hiệu quả sự tự phát tư bản chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường và tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình ” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực kinh tế.
Năm là, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp BVTQ XHCN. V.I. Lê-nin chỉ ra rằng, các Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN khi tiến hành chiến tranh nhân dân BVTQ phải kết hợp đúng đắn nhiệm vụ dân tộc với nhiệm vụ quốc tế. Đây là một trong những chỉ dẫn quan trọng để thực hiện chủ chương kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tiến hành chiến tranh nhân dân BVTQ Việt Nam XHCN hiện nay. Với vị thế ngày càng lớn trong khu vực và trên trường quốc tế, với mục đích chính nghĩa của sự nghiệp BVTQ và đường lối đối ngoại đúng đắn, Đảng, Nhà nước ta đã và đang tranh thủ được ngoại lực nhằm phát huy cao nhất nội lực, vượt qua những khó khăn, thử thách trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu vừa qua. Theo đó, cùng với phát huy nội lực, chúng ta cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới; xử lý tốt vấn đề đối tác - đối tượng; giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, tạo ra mặt trận đoàn kết, thống nhất rộng lớn, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp để đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và BVTQ Việt Nam XHCN, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những luận điểm của V.I. Lê-nin về chiến tranh nhân dân BVTQ XHCN, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đủ sức ngăn chặn mọi âm mưu, hành động chống phá của kẻ thù trong mọi tình huống.
Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Viện Khoa học XHNVQS - Bộ Quốc phòng ____________________
1 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 9, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 190.
2 - Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, STalin - Bàn về chiến tranh nhân dân, Nxb Sự thật, H. 1969, tr. 246.
3 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 38, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 378.
4 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr.153.
5 - Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin, Stalin - Bàn về chiến tranh nhân dân, Nxb Sự thật, H.1969, tr. 306.
Tư tưởng V.I. Lê-nin,chiến tranh nhân dân
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc