Thứ Sáu, 22/11/2024, 08:11 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nói riêng có bước phát triển rực rỡ, đạt tới những đỉnh cao chưa từng có, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, những nét đặc sắc của nghệ thuật ấy, cần được nghiên cứu, vận dụng vào công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các quân đoàn chủ lực hiện nay.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đảng ta đã vận dụng, phát triển sáng tạo nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân trên một địa bàn và tình huống cụ thể; một trong số đó là nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, chiến tranh nhân dân địa phương với tác chiến bằng các binh đoàn chủ lực và đã giành thắng lợi to lớn. Theo đó, cùng với lực lượng tại chỗ, chúng ta đã sử dụng 05 binh đoàn chủ lực thực hành tiến công trên 05 hướng; hình thành thế kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh bại kẻ thù. Điều đáng nói là, chúng ta đã giải quyết thành công các vấn đề lớn, như: kết hợp giữa chuẩn bị lực lượng với tạo lập thế trận trên phạm vi chiến lược; giữa cơ động với tập trung binh lực, hỏa lực và phát huy sức mạnh tổng hợp trong điều kiện hết sức khẩn trương, v.v. Và thực tiễn đã cho thấy, tuy xuất phát ở các vị trí khác nhau, thậm chí cách xa mục tiêu hàng nghìn ki lô mét, nhưng các quân đoàn vẫn bảo đảm hội quân đúng thời cơ, tạo nên những quả đấm thép, đập tan dinh lũy cuối cùng của địch để giành chiến thắng.
Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay, cần được tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và vận dụng, phát triển trong điều kiện tác chiến mới. (1). Tổ chức hành quân thần tốc từ xa, trên nhiều hướng để tập trung lực lượng trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt. Đây là một trong những nét đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự trong chiến tranh giải phóng khi thời cơ đã chín muồi. Trong bối cảnh trận quyết chiến chiến lược đang đến thật gần; yêu cầu tập trung lực lượng, tạo ưu thế vượt trội để đánh đòn quyết định trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tổ chức những cuộc hành quân thần tốc với đội hình lớn cả về lực lượng và phương tiện để chạy đua với thời gian. Điển hình là cuộc hành quân gấp của Quân đoàn 1 vượt quãng đường 1.700 km từ miền Bắc vào chiến trường miền Đông Nam Bộ trong vòng 12 ngày đêm; Quân đoàn 2 vừa tiến công, vừa cơ động từ duyên hải miền Trung vào cửa ngõ phía Đông, Đông Nam Sài Gòn; Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên cơ động xuống tập kết ở Bắc, Tây Bắc Sài Gòn, v.v. (2). Đánh giá đúng tình hình, tạo lập thế trận tiến công vững chắc, hiểm hóc và toàn diện. Trên cơ sở đánh giá đúng mạnh, yếu của địch, các đơn vị nhanh chóng làm công tác chuẩn bị, xây dựng thế trận tác chiến phù hợp; dựa vào thế trận của lực lượng tại chỗ, củng cố, bổ sung, phát triển vững chắc, hiểm hóc và toàn diện hơn, phù hợp với thế trận hiệp đồng binh chủng. Trong đó, thế trận của các binh đoàn chủ lực được triển khai vững chắc theo 05 hướng, kết hợp với thế trận của dân quân du kích bám trụ, triển khai đánh sâu, đánh hiểm, hình thành thế trận tiến công rộng khắp, nhưng tập trung, có trọng điểm, đột phá, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô, trong đó có cơ quan đầu não của ngụy quân, ngụy quyền. (3). Tập trung lực lượng, phương tiện, kết hợp bao vây, chia cắt với thọc sâu tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, giành thắng lợi quyết định. Dựa vào thế trận vững chắc, trên từng hướng tiến công, các binh đoàn cơ động và các binh đoàn bố trí tại chỗ đã đánh thẳng vào các mục tiêu đô thị, các trung tâm và các căn cứ quân sự lớn của địch. Bằng các hình thức tác chiến bao vây, chia cắt, kết hợp với thọc sâu vào mục tiêu chủ yếu, các binh đoàn đã tiêu diệt và làm tan rã từng mảng lớn sinh lực địch, phá vỡ từng tập đoàn phòng ngự chiến lược của chúng, giành thắng lợi to lớn, kết thúc chiến tranh.
Hiện nay và trong những năm tới, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có biến chuyển nhanh, phức tạp và khó dự báo; các nước lớn tăng cường lôi kéo, tập hợp lực lượng, cạnh tranh quyết liệt; xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, nhất là khu vực Biển Đông còn nhiều phức tạp, khó lường. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, v.v. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đòi hỏi các quân đoàn tiếp tục vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo đảm tính kế thừa, phát huy truyền thống luyện quân đánh giặc của dân tộc và có phát triển mới phù hợp với tình hình hiện nay; trong đó, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc, bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấu triệt các quan điểm, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, các quân đoàn tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng của Tổng Tham mưu trưởng và hướng dẫn của các cơ quan chức năng về nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu năm 2023. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và các đơn vị trong từng quân đoàn phải xác định rõ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trung tâm, thường xuyên, sẵn sàng ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong thời bình và sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu giành thắng lợi trong thời chiến. Chú trọng triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết gắn với công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, nâng cao hiểu biết về những giá trị truyền thống dân tộc, truyền thống Quân đội và truyền thống của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát, xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cụ thể hóa bằng những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể theo tư duy mới về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Đảng và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hai là, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu là quá trình nâng cao tri thức quân sự, kế thừa kinh nghiệm và truyền thống đánh giặc của cha ông vào điều kiện tác chiến mới. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện, duy trì các nội dung, phương pháp, quy mô huấn luyện theo phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến và yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động của đơn vị; phù hợp với tổ chức biên chế, khả năng trang bị hiện có, nghệ thuật quân sự, phương thức tác chiến mới và cách đánh truyền thống của dân tộc.
Trên cơ sở chương trình huấn luyện chung, các đơn vị cần chủ động triển khai lồng ghép nội dung huấn luyện tổng hợp, kết hợp giáo dục chính trị với huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật với chiến thuật, huấn luyện lý thuyết với thực hành, truyền thống với hiện đại; rèn luyện bộ đội toàn diện cả về kỹ năng chiến đấu, thể lực và kỷ luật. Nội dung huấn luyện phải được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với từng đối tượng; trong đó, huấn luyện cán bộ là khâu then chốt, đảm bảo đội ngũ cán bộ các cấp phải giỏi về lý luận, sắc sảo trong quản lý, điều hành ở cấp mình và biết cấp trên; tham mưu trúng, đúng, phù hợp. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần vận dụng kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng dân tộc vào điều kiện tác chiến mới như thế nào cho phù hợp, nhất là đối tượng tác chiến có sự điều chỉnh cơ bản về phương thức tiến hành chiến tranh. Vì vậy, cần chú trọng huấn luyện nắm chắc và vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều” vào các hình thức chiến đấu, các loại hình tác chiến phòng ngự, phản công, tiến công. Đối với các đơn vị, phải lấy tiêu chí giỏi cả kỹ thuật và chiến thuật, giỏi chiến đấu nhỏ lẻ, độc lập và tác chiến trong đội hình cấp trên, hiệp đồng tác chiến với các quân chủng, binh chủng, theo nhiều quy mô, hình thức tác chiến khác nhau; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, huấn luyện theo nhiệm vụ, huấn luyện cơ động bám sát đối tượng, thực tế chiến đấu. Huấn luyện cho đơn vị sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị trong biên chế, từng bước tiếp cận, khai thác, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao; đồng thời, tác chiến giỏi trên các loại địa hình: rừng núi, trung du, đồng bằng, đô thị, ven biển trong thế trận chiến tranh nhân dân; kết hợp tác chiến với lực lượng tại chỗ, khu vực phòng thủ địa phương và các đơn vị bạn theo phương thức tác chiến trên chiến trường cả nước hoặc từng hướng chiến lược và trên biển, đảo.
Về phương pháp, phải tiến hành đúng quy trình huấn luyện; trong đó, cần kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện ở cấp chiến thuật, hợp luyện ở cấp chiến dịch, hiệp đồng tác chiến ở cấp chiến lược. Tăng cường huấn luyện bổ sung những nội dung mới về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trong các loại hình tác chiến chiến lược ở những địa bàn trọng điểm, để từng bước đưa bộ đội vào rèn luyện gần sát với môi trường tác chiến gian khổ, ác liệt. Chú trọng huấn luyện các nội dung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật trong điều kiện không gian rộng, thời gian gấp, dễ bị chia cắt, hình thành thế trận hậu cần, kỹ thuật vững chắc, có chiều sâu bảo đảm kịp thời cho các đơn vị tác chiến dài ngày.
Ba là, nâng cao chất lượng các cuộc diễn tập. Diễn tập là hình thức huấn luyện cao nhất, nhằm tổng hợp kiến thức và kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện của cơ quan và đơn vị. Nội dung, đề mục diễn tập tùy theo kế hoạch huấn luyện từng năm để xác định cho phù hợp. Quy mô diễn tập có thể cấp chiến thuật, chiến dịch hoặc tham gia diễn tập cấp chiến lược. Nội dung, phương pháp diễn tập cần phải đưa người tập vào sát thực tế chiến đấu, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy của cán bộ chỉ huy, cơ quan và hành động của phân đội.
Đối với chỉ huy các cấp, phải nghiên cứu kỹ các khu vực dự kiến tổ chức các tình huống diễn tập, nắm chắc địa hình, địa vật, lựa chọn phương pháp tiến hành; có thể vừa trinh sát, vừa hoàn chỉnh quyết tâm. Trong điều kiện tác chiến mới, quá trình tổ chức, chỉ đạo, điều hành diễn tập có nhiều tình huống diễn ra đột biến, mau lẹ; do vậy, chỉ huy các cấp không chỉ cần có năng lực tổ chức, điều hành, phương pháp tư duy khoa học mà còn phải biết tập hợp trí tuệ của tập thể, tập trung giải quyết những công việc then chốt. Coi trọng phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan, nhất là trong nghiên cứu, tổng hợp, phát hiện kịp thời, đề xuất chính xác quyết tâm, giúp người chỉ huy tổ chức điều hành nhanh chóng, phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kịp thời cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp hạ quyết tâm đánh địch đúng thời cơ, chỉ đạo, điều hành đánh địch một cách hiệu quả nhất.
Đại tá NGUYỄN TRUNG HIẾU, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân đoàn 1
Chiến dịch Hồ Chí Minh,nghệ thuật quân sự,quân đoàn chủ lực,công tác huấn luyện,sẵn sàng chiến đấu
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc