Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 29/06/2015, 16:54 (GMT+7)
Vận dụng kinh nghiệm truyền thống về công tác hậu cần nhân dân vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, cha ông ta đã có nhiều kế sách, chính sách để tổ chức và động viên mọi nguồn hậu cần cung cấp cho quân đội. Trong đó, dựa vào dân “nuôi quân đánh giặc”, hay còn gọi hậu cần nhân dân có ý nghĩa quan trọng và trở thành kinh nghiệm mang tính truyền thống, góp phần vào thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn hẳn.

Thời kỳ Bắc thuộc, từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40), Bà Triệu (248), Triệu Quang Phục (542 - 603), Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766 -791) đến Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 xứ quân, việc ăn ở của nghĩa quân chủ yếu do dân làng, họ hàng và gia đình nghĩa quân lo liệu. Trận Bạch Đằng (938) đã thể hiện rõ khả năng tổ chức, huy động lực lượng và hậu cần tại chỗ từ trong dân, nhất là ở vùng cửa biển Bạch Đằng của Ngô Quyền. Đến thế kỷ thứ XI, để xây dựng nền quốc phòng mạnh, đủ sức đánh bại kẻ thù xâm lược, nhà Lý thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, làm cho “binh”, “nông” đều mạnh. Sang thế kỷ thứ XIII, nhà Trần tiếp tục thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”, “chứa lương không gì tiện bằng sai dân tự chứa, nếu mỗi nhà chứa trữ thì lo gì giặc đến mà không có lương ăn”. Khi quân Nguyên - Mông xâm lược, triều đình đề ra kế sách “vườn không nhà trống” và “nghiêm trị những kẻ bán lương cho giặc”; đồng thời, hướng dẫn nhân dân thực hiện cất giấu lương thảo, quyết không để rơi vào tay giặc. Đến đời nhà Nguyễn, triều đình giao Bộ Hộ phụ trách việc huy động, cung cấp lương thực trong dân cho quân đội. Ở kinh thành và tại các địa phương, triều đình tổ chức các kho với sức chứa hàng vạn tấn lương thực, như: kho Vị Hoàng (Nam Định), kho Kỳ Hòa (Hà Tĩnh)…, để đảm bảo cho quân đội đánh giặc. Đặc biệt, trong cuộc tiến quân thần tốc của Quang Trung đại phá quân Thanh (1788-1789), nhân dân Nghệ An, Thanh Hóa đã kịp thời bổ sung một lượng lớn lương thực, khích lệ quân sĩ hăng hái diệt giặc, v.v.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, điều kiện sản xuất và đời sống của nhân dân ta thấp. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc nuôi dưỡng các đội: Cứu quốc quân, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Du kích Ba Tơ,… chủ yếu dựa vào sự đóng góp của nhân dân (nhất là đồng bào Việt Bắc) và sự ủng hộ của những nhà công thương lớn chuyên buôn bán thóc gạo, vải lụa ở các thành phố. Đồng thời, chúng ta đã xây dựng “làng xã chiến đấu”, “căn cứ kháng chiến” và tổ chức tốt việc huy động tại chỗ, thu mua trong dân, chuẩn bị đầy đủ vật chất hậu cần (chủ yếu là lương thực, thực phẩm) bảo đảm cho các chiến dịch lớn giành thắng lợi.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở cả hai miền Nam - Bắc, nhân dân đã tích cực tham gia công tác bảo đảm hậu cần, trực tiếp nuôi dưỡng bộ đội, bảo vệ, chăm sóc thương binh, bệnh binh; ủng hộ lương thực thực phẩm, đóng góp các loại đảm phụ cho kháng chiến. Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ, ở miền Bắc, nhân dân các địa phương luôn chủ động bảo đảm đủ nhu cầu vật chất, sinh hoạt cho dân quân tự vệ tại cơ sở và hỗ trợ các đơn vị bộ đội tác chiến. Phong trào ủng hộ quỹ nuôi quân, hũ gạo tiết kiệm nuôi quân phát triển mạnh. Nhiều địa phương quy định lượng lương thực, thực phẩm cần dự trữ, lượng gia súc cần chăn nuôi thêm; điều chỉnh, bố trí các kho chứa, cửa hàng lương thực, thực phẩm, bách hóa,… tạo nên mạng lưới dự trữ hậu cần rộng khắp. Đồng thời, thay đổi cách cấp phát, thanh toán phù hợp với yêu cầu cơ động chiến đấu của bộ đội trong tác chiến phòng không. Các đoàn thể quần chúng (hội phụ nữ, phụ lão, hội mẹ chiến sĩ,…) chủ động quyên góp lương thực, thực phẩm, quà bánh,… động viên bộ đội. Nhiều nơi dấy lên phong trào làm vườn rau, ao cá, con gà, bó củi “chống Mỹ”; xây dựng lán trại, giúp đỡ nhà cửa, giường chiếu,… phục vụ bộ đội chiến đấu.

Có thể khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử chống giặc ngoại xâm, “nguồn cung cấp” và “tổ chức cung cấp” vật chất hậu cần bảo đảm cho các thứ quân chiến đấu và chiến thắng đều dựa vào dân. Toàn dân tham gia công tác hậu cần đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta, cần được nghiên cứu vận dụng, phát triển trong điều kiện mới.

Trong tương lai, nếu chiến tranh xảy ra đối với nước ta thì đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược của địch. Trong đó, địch sẽ sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao, có sức hủy diệt lớn, độ chính xác cao, gây cho ta nhiều bất ngờ, khó đoán định về thời gian, quy mô, tốc độ tiến công,… làm cho công tác bảo đảm tác chiến nói chung, bảo đảm hậu cần nói riêng có nhiều khó khăn, phức tạp. Do vậy, để thực hiện tốt công tác hậu cần nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần kế thừa, phát huy những kinh nghiệm truyền thống và quán triệt, thực hiện quan điểm “quốc phòng toàn dân”, “chiến tranh nhân dân” của Đảng. Theo đó, hiện nay, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức về công tác hậu cần nhân dân cho đội ngũ cán bộ các cấp và toàn thể nhân dân. Sự giúp đỡ và trực tiếp tham gia bảo đảm hậu cần của nhân dân trong chiến tranh là hết sức to lớn. Song, tựu chung còn một số tồn tại, như: trình độ của nhân dân về bảo đảm hậu cần còn thấp, không đồng đều; công tác quản lý vật chất hậu cần và kỹ thuật cứu chữa thương binh hạn chế; cách thức tổ chức vận tải hàng hóa, nuôi dưỡng bộ đội chưa khoa học v.v. Mặt khác, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc sẽ rất ác liệt, tỷ lệ thương vong sẽ cao, nhu cầu vật chất hậu cần rất lớn. Do vậy, để sự giúp đỡ của nhân dân đối với lực lượng vũ trang, nhất là quân đội đạt hiệu quả cao thì ngay từ thời bình, cần trang bị kiến thức cho cán bộ các cấp và cho toàn dân về công tác hậu cần để mọi người nắm vững quan điểm, hiểu rõ bản chất, cách thức tiến hành công tác hậu cần nhân dân nhằm đảm bảo khi tổ chức thực hiện không bị lúng túng. Việc giáo dục, bồi dưỡng cần được thực hiện thường xuyên, trọng tâm là các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh ở địa phương, cơ sở.

Thời gian qua, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở các địa phương, cơ sở đã được triển khai đồng bộ; hình thức, phương pháp có nhiều đổi mới, phù hợp với đặc điểm của mỗi địa phương, các đối tượng cán bộ và trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, nội dung về công tác hậu cần trong chương trình còn ít, chưa tương xứng với yêu cầu. Do vậy, thời gian tới, cần tích cực lồng ghép, tích hợp nội dung về công tác hậu cần nhân dân vào chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho phù hợp. Với đối tượng là toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, cần làm rõ những bài học kinh nghiệm về công tác hậu cần nhân dân trong kháng chiến; truyền thống “chung sức đánh giặc” của nhân dân ta. Với đối tượng là cán bộ chủ chốt các cấp, cần trang bị những kiến thức cơ bản về phương pháp, hình thức triển khai công tác hậu cần nhân dân, tổ chức lực lượng hậu cần, như: tổ chức trạm y tế, đội chuyển thương; các tổ, đội vận tải cơ giới, thô sơ; các tổ, trạm sản xuất, sửa chữa vũ khí thô sơ; các tổ nấu ăn, tiếp tế cơm nước, bảo đảm sinh hoạt; các kho dự trữ và cung cấp vật chất; huấn luyện kỹ thuật cấp cứu thương binh v.v. Đặc biệt, cần coi trọng giữa bồi dưỡng kiến thức cơ bản gắn với thực hành huấn luyện, diễn tập các cấp nội dung về chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị thế trận, xây dựng, tạo nguồn dự trữ vật chất hậu cần,… cho đội ngũ cán bộ.

Bên cạnh đó, cần tích cực đẩy mạnh công tác huấn luyện lực lượng dự bị hậu cần theo Nghị định 39/CP ngày 28/4/1997 của Chính phủ. Bởi đây là lực lượng trực tiếp thực hiện vận động, hướng dẫn nhân dân ở cơ sở về phương thức bảo đảm hậu cần nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Để công tác huấn luyện đạt hiệu quả cao, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thành phố) cần lựa chọn, bồi dưỡng giáo viên có đủ trình độ, kinh nghiệm và năng lực sư phạm; đầu tư các trang thiết bị, vật chất huấn luyện; tổ chức tuyển chọn lực lượng dự bị hậu cần là những người có việc làm ổn định tại địa phương, có trình độ, nhận thức và trách nhiệm cao.

Thứ hai, tăng cường xã hội hóa công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội. Hiện nay, công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội được tiến hành trong điều kiện tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh; nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Trong khi đó, công tác bảo đảm hậu cần quân đội bên cạnh mặt tích cực là cơ bản cũng đang bộc lộ những bất cập, như: thiếu tính chủ động, tích cực, nhạy bén, phương thức đảm bảo chậm đổi mới; bộ máy cồng kềnh, chi phí hành chính cao v.v. Vì vậy, xã hội hóa là một chủ trương đúng, khâu mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm hậu cần. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm hậu cần chính là từng bước đưa ngành Hậu cần Quân đội hướng tới thị trường, dựa vào thị trường để đảm bảo. Qua đó, sẽ mang lại hiệu quả kép: vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo đảm hậu cần; vừa kích thích phát triển công nghiệp lưỡng dụng, gắn kết người dân với công tác hậu cần quân sự; đồng thời cũng là sự cụ thể hóa chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng v.v.

Tiến hành xã hội hóa công tác  đảm bảo hậu cần cần được thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp; trong đó, về lâu dài, phải coi trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn. Các địa phương cần quy hoạch, xây dựng các vùng, khu vực trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, sản xuất lương thực, thực phẩm gắn với quy hoạch xây dựng thế trận hậu cần, bảo đảm sự hài hòa yêu cầu về phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng. Coi trọng hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến, sản xuất nguyên liệu,… nhằm vừa phát triển công nghiệp dân sinh, vừa bảo đảm hàng quốc phòng phục vụ lực lượng vũ trang cả trong thời bình và thời chiến. Trên cơ sở đó, hình thành các căn cứ hậu phương, xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông, nâng cấp các tuyến đường, xây dựng cầu, cống phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân và đảm bảo vận tải quân sự, cơ động lực lượng khi có tình huống. Thực hiện xã hội hóa công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội còn là “cầu nối” gắn kết nhân dân với quân đội về kinh tế và tình cảm; đồng thời, cũng là bước huấn luyện “tập dượt” cho nhân dân cách thức bảo đảm hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, tổ chức phân vùng chiến lược và tiến hành xây dựng hậu phương từng vùng chiến lược, từng khu vực chiến trường, nhằm phát huy cao nhất các loại hình bảo đảm hậu cần, trong đó có hậu cần nhân dân. Để giành thắng lợi trong chiến tranh, thì ngay trong thời bình, chúng ta phải dự kiến phân vùng chiến lược, chuẩn bị khu vực chiến trường để trên cơ sở đó tiến hành xây dựng các căn cứ hậu phương vững chắc, bảo đảm cho việc kết hợp các loại hình bảo đảm hậu cần chặt chẽ, hiệu quả.

Để xây dựng hậu phương từng vùng chiến lược, từng khu vực chiến trường đạt hiệu quả, trước hết cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt quan điểm kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó chú trọng phát triển hệ thống đường giao thông đồng bộ, vững chắc, cũng như thiết lập những cơ chế, chính sách để kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh của khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), nhất là ở các vùng, địa bàn trọng điểm, vùng biên giới, hải đảo. Mặt khác, cần phải xây dựng cơ cấu kinh tế, gắn cơ sở kinh tế với cơ sở hậu cần và phương thức bảo đảm hậu cần hợp lý, có tính cơ động cao để có thể chuyển hướng nhanh từ thời bình sang thời chiến và thích ứng trong suốt quá trình chiến tranh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách và biện pháp thích hợp để huy động một phần vốn đầu tư của nước ngoài và trong nước, tích lũy ngân sách để xây dựng, phát triển kinh tế trong các vùng căn cứ hậu phương. Trọng tâm là xây dựng các cơ sở quân - dân y, hình thành các hợp tác xã vận tải; ưu tiên xây dựng các cơ sở kinh tế lưỡng dụng, sản xuất, chế biến tại chỗ gắn với phát triển mạng giao thông trên từng địa bàn; nâng cấp và từng bước trang bị mới các phương tiện cơ giới (đường không, đường bộ, đường thủy) với cơ cấu hợp lý sẵn sàng đảm bảo cho hoạt động của lực lượng vũ trang, các đơn vị bộ đội chủ lực đứng chân trên địa bàn chiến lược. Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác dự trữ quốc gia tại căn cứ hậu phương vùng chiến lược để bảo đảm duy trì đời sống của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân trong suốt quá trình chiến tranh.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản về công tác hậu cần nhân dân. Xin mạnh dạn trao đổi, nhằm góp phần kế thừa và phát huy truyền thống toàn dân làm công tác hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tá NGUYỄN QUỐC HOÀI, Học viện Hậu cần

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.