Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:30 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Công nghệ lưỡng dụng được ứng dụng nhiều trong phát triển công nghiệp, nhất là đối với công nghiệp quốc phòng. Vì vậy, nghiên cứu làm rõ vai trò, tầm quan trọng của công nghệ lưỡng dụng trong phát triển công nghiệp quốc phòng là hết sức cần thiết.
Thuật ngữ “công nghệ lưỡng dụng” (Dual-use technology) theo cách hiểu phổ cập trên thế giới bao gồm các lĩnh vực công nghệ có thể ứng dụng đồng thời cho việc thiết kế, chế tạo các sản phẩm quân sự và các sản phẩm phục vụ cho mục đích dân sự. Nếu như công nghệ chế tạo vũ khí, đạn bộ binh có tính chuyên biệt cao nên rất khó kết hợp sản xuất các sản phẩm tiêu dùng dân sự trên cùng một dây chuyền sản xuất, thì ngược lại, các chủng loại trang thiết bị của các quân chủng, binh chủng, như: xe quân sự, ra-đa, tàu chiến, máy bay,... lại có thể áp dụng công nghệ lưỡng dụng; hoặc có nhiều điểm tương đồng, lưỡng dụng trong công nghệ thiết kế tên lửa đạn đạo vượt đại châu và tên lửa đẩy phục vụ phóng vệ tinh vũ trụ phục vụ các mục đích dân sự, v.v.
Trong chương trình phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP), các quốc gia trên thế giới thường có xu hướng ưu tiên dành những thành tựu khoa học - công nghệ (KH-CN) mới nhất và đỉnh cao của mình để ứng dụng trước hết vào sản xuất quân sự. Đây cũng là những tiềm năng to lớn có thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nếu ngay từ khâu nghiên cứu, phát triển đã trù tính đến các yêu cầu về tính lưỡng dụng. Chính vì vậy, trong pháp luật về CNQP của nhiều nước thường có các quy định cụ thể về thời hiệu giải mật các thành tựu công nghệ quân sự để sử dụng cho các mục tiêu thương mại dân sự. Tính nhạy cảm về lợi ích quân sự cũng là nguyên nhân vì sao trong các chế tài quốc tế đơn phương cũng như đa phương về kiểm soát mua bán vũ khí và chuyển giao công nghệ quân sự luôn có các quy định ngặt nghèo, nhằm cấm vận hoặc hạn chế phạm vi, đối tượng được tiếp cận tới các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng. Đối với các tập đoàn CNQP hàng đầu trên thế giới, thế mạnh về công nghệ lưỡng dụng trong sản xuất quân sự không chỉ giúp phần then chốt trong việc giữ vững ưu thế trong cuộc chạy đua vũ trang mà cũng có thể trở thành những “Át chủ bài” để củng cố năng lực cạnh tranh trên thị trường hàng hóa thương mại dân sự.
Trình độ phát triển công nghệ quân sự càng cao thì khả năng “lưỡng dụng hóa” càng sâu rộng hơn, lợi ích có thể đem lại về giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh càng lớn hơn. Tuy nhiên, làm thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất trong phát huy lợi thế của công nghệ lưỡng dụng lại là vấn đề không đơn giản. Một ví dụ điển hình dễ thấy ở Liên Xô (trước đây) là, mặc dù là một nước có tiềm lực CNQP và công nghệ quân sự hùng mạnh, nhưng nền kinh tế lại luôn ở trong tình trạng khan hiếm, thiếu thốn hàng hóa tiêu dùng, nhất là các sản phẩm có chất lượng và trình độ công nghệ cao (CNC). Đây là bài học kinh nghiệm về việc chậm chuyển đổi, ứng dụng các thành tựu công nghệ quân sự sang phục vụ đời sống dân sinh. Nhiều chuyên gia nghiên cứu trên thế giới hiện nay thường đưa ra so sánh giữa hai phương thức phát triển tiềm lực CNQP: hoặc đầu tư để CNQP có thể chế tạo được ngay nhiều sản phẩm quân sự có thể “dự trữ nóng”, nhằm mục tiêu răn đe và sẵn sàng chiến đấu; hoặc ưu tiên đầu tư cho “dự trữ lạnh” về tiềm lực công nghệ quân sự (trong đó có công nghệ lưỡng dụng) để liên tục phát triển các mẫu vũ khí mới. Chọn cách này hay cách khác (hoặc kết hợp cả hai) còn tùy thuộc vào quan điểm, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, ở mỗi thời kỳ khác nhau. Vũ khí “nóng” rất khó chuyển đổi thành hàng hóa dân sự, còn công nghệ, vật tư, nguyên liệu lưỡng dụng được dự trữ khi cần hoàn toàn có thể trực tiếp phục vụ cho các nhu cầu trong cả thời bình và thời chiến. Vì thế, việc quan tâm tới các giải pháp “dự trữ lạnh” sẽ có thể đem lại hiệu quả lâu dài và tối ưu cho cả quốc phòng lẫn kinh tế.
Đối với Việt Nam, trong quá trình xây dựng và phát triển CNQP, chúng ta luôn đánh giá cao lợi ích và tầm quan trọng của công nghệ lưỡng dụng và khẳng định qua nhiều thời kỳ. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ ông cha chúng ta đã tự làm ra vũ khí để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta rất đỗi tự hào về Tổ tiên của mình đã làm chủ công nghệ tinh luyện đồng và chế tạo Nỏ thần huyền thoại của thành Cổ Loa, đồng thời là những tác giả sáng tạo nên các loại trống đồng và rất nhiều đồ đạc dân dụng, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, phục vụ đời sống xã hội trong thời kỳ đó. Trong thời đại Hồ Chí Minh, ngay từ những ngày đầu tiên gây dựng và hình thành các công binh xưởng quân giới trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù nhu cầu bảo đảm vũ khí cho chiến trường là hết sức cấp bách thì các cơ sở CNQP của ta cũng chưa bao giờ dừng hoàn toàn việc sản xuất, chế tạo các trang thiết bị, sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống của bộ đội và nhân dân trong thời chiến. Truyền thống này đã được ngành CNQP kế thừa, phát triển sau khi đất nước thống nhất và đặc biệt nó được phát huy cao hơn, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn khi Đảng, Nhà nước có những chủ trương, đường lối cụ thể về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước.
Trong giai đoạn phát triển sắp tới của CNQP Việt Nam, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức của tình hình trong nước và quốc tế, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp mới, hiệu quả hơn. Đặc biệt, để thực hiện các mục tiêu, yêu cầu mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển CNQP đến năm 2020 và các năm tiếp theo”, chúng ta cần chú trọng hơn nữa tới việc triển khai thực hiện tốt quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong ngành CNQP. Khi nền kinh tế đất nước đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, cách nghĩ, cách làm trong quá trình hoạch định, phân bổ và sử dụng các nguồn lực quốc gia dành cho đầu tư phát triển CNQP phải có sự thay đổi, thích ứng mạnh mẽ và chủ động hơn. Phải làm sao để mỗi đồng vốn dành cho phát triển CNQP phải đem lại hiệu quả tổng hợp, toàn diện và lâu dài, vừa bảo đảm cho mục tiêu quốc phòng, vừa thúc đẩy sự đóng góp tích cực của CNQP vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và thực hiện các mục tiêu CNH,HĐH đất nước. Như vậy, sự quan tâm thích đáng tới công nghệ lưỡng dụng trong đầu tư phát triển CNQP chính là một hướng đi cơ bản để thực hiện các mục tiêu nêu trên. Chúng ta đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm phát huy hiệu quả hoạt động kinh tế của các dây chuyền sản xuất CNQP. Tuy nhiên, khi mở cửa, hội nhập và cạnh tranh thị trường gay gắt hơn thì hoạt động này không thể tiếp tục mang tính “nghiệp dư” chỉ bằng cách tận dụng, kết hợp năng lực công nghệ có sẵn mà phải hướng tới việc đầu tư, hiện đại hóa các chuyên ngành công nghệ lưỡng dụng trình độ cao.
Vai trò của công nghệ lưỡng dụng càng trở nên cấp bách hơn trước những yêu cầu mới về nâng cao trình độ KH-CN của CNQP nước ta thời gian tới. Việc tiếp cận, làm chủ thiết kế công nghệ chế tạo các chủng loại vũ khí CNC đòi hỏi phải mở rộng phân công chuyên môn hóa sâu rộng hơn trên phạm vi trong nước cũng như quốc tế. Đi kèm với quá trình thu hút và đa dạng hóa các nguồn lực phục vụ cho mục tiêu này, phải tạo ra được những chuyển dịch cơ bản về cơ cấu tiềm lực công nghệ quân sự theo hướng tăng dần tỷ trọng CNC, công nghệ lưỡng dụng. Đặc biệt, trong cấu hình của các loại vũ khí CNC, “hàm lượng” công nghệ lưỡng dụng thường được ứng dụng phổ biến nhất trong quá trình gia công, chế tạo các cụm khối, chi tiết, vật tư, bán thành phẩm, v.v. Vì thế, đây có thể là một trong những hướng ưu tiên trong quá trình “nội địa hóa” năng lực sản xuất vũ khí khi tiếp nhận, chuyển giao công nghệ của nước ngoài.
Tính khả thi của việc triển khai các giải pháp phát triển công nghệ lưỡng dụng trong ngành CNQP trong thời gian tới còn tùy thuộc vào việc chúng ta có sẵn sàng vượt qua những khó khăn, thách thức và tận dụng tốt các cơ hội để quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu lưỡng dụng gắn với các chương trình, dự án đầu tư hay không. Cùng với đó, nội lực KH-CN và công nghiệp của quốc gia sắp tới cần được huy động nhiều hơn nữa vào việc phát triển các chuyên ngành công nghệ cốt lõi cũng như các chuyên ngành công nghệ phụ trợ phục vụ chế tạo, tổng lắp vũ khí. Điều này sẽ cho phép chúng ta chủ động hơn trong việc lồng ghép các tiêu chí lưỡng dụng trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ mới. Vị thế quốc tế của đất nước, mối quan hệ với các đối tác chiến lược, việc từng bước dỡ bỏ các hạn chế, cấm vận của nước ngoài, những kinh nghiệm bước đầu trong quá trình hội nhập thị trường quốc tế về vũ khí và công nghệ quân sự, sự cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan,... là những yếu tố thuận lợi rất cơ bản để chúng ta có thể chủ động hơn trong lựa chọn phương án, thực hiện đấu thầu cạnh tranh trong từng dự án đầu tư phát triển CNQP, bảo đảm đạt được lợi ích cao nhất cho đất nước, kể cả những lợi ích lưỡng dụng mà công nghệ quân sự có thể chuyển đổi phục vụ cho mục tiêu CNH,HĐH.
Xuất phát từ ý nghĩa, tầm quan trọng nêu trên, xin có một số đề xuất, kiến nghị cụ thể, nhằm góp phần thúc đẩy công nghệ lưỡng dụng trong phát triển CNQP Việt Nam thời kỳ mới:
1. Quy hoạch và định hướng lâu dài các sản phẩm lưỡng dụng phù hợp với thế mạnh và khả năng cạnh tranh của CNQP. Điều này trước hết đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy trong các khâu quản lý vĩ mô đối với tiềm lực CNQP của quốc gia; đồng thời, phải có tầm nhìn xa, phải biết kiên định mục tiêu và biết tính toán tối ưu các phương án đem lại hiệu quả cao nhất. Ngay từ khâu nghiên cứu, hoạch định chủ trương phải sớm có quyết tâm lồng ghép các lợi ích lưỡng dụng vào trong từng dự án đầu tư, từng chương trình đề tài nghiên cứu khoa học. Đồng thời, phải kiện toàn đồng bộ các chính sách, giải pháp về: mô hình tổ chức quản lý, văn bản pháp quy, chế độ ưu tiên đãi ngộ, cơ chế cạnh tranh, khuyến khích nguồn lực đầu tư ở cả trong và ngoài nước, v.v.
2. Đầu tư công nghệ lưỡng dụng và thúc đẩy nghiên cứu, phát triển các sản phẩm lưỡng dụng. Không phải bất cứ dây chuyền sản xuất quân sự nào cũng có thể tận dụng để khai thác cho các mục tiêu lưỡng dụng. Đồng thời, việc này luôn đòi hỏi phải có thêm kinh phí đầu tư và còn lệ thuộc vào chính năng lực nghiên cứu, phát triển, làm chủ thiết kế công nghệ. Đầu tư công nghệ lưỡng dụng trong từng doanh nghiệp CNQP cụ thể cần xuất phát từ chính những chuyên ngành công nghệ truyền thống và đi theo một lộ trình hướng tới sự chuyển dịch tối ưu cơ cấu công nghệ, bảo đảm cân đối, đồng bộ giữa công nghệ chuyên dụng và công nghệ lưỡng dụng, giữa “công nghệ lõi”, “công nghệ nền” và “công nghệ phụ trợ”. Việc đầu tư cho nghiên cứu, phát triển công nghệ lưỡng dụng không thể chỉ chú ý tới những lợi ích ngắn hạn trước mắt mà phải đảm bảo cho sự phát triển dài hạn thông qua sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu.
3. Kiện toàn cơ chế quản lý và mô hình tổ chức CNQP theo hướng lưỡng dụng. Quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về CNQP, cần chú ý tới yêu cầu tháo gỡ các rào chắn để khuyến khích và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển công nghệ lưỡng dụng. Trong đó, từng bước cụ thể hóa việc áp dụng trong ngành CNQP các văn bản pháp luật về: sở hữu trí tuệ, thị trường KH-CN, chuyển giao công nghệ, bảo vệ bí mật nhà nước, cạnh tranh, đấu thầu, v.v. Mô hình tổ chức của các đơn vị CNQP cũng cần có sự chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện hoạt động đặc thù của sản xuất quân sự và yêu cầu khắc phục tình trạng khép kín, biệt lập, thúc đẩy năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
4. Xây dựng nguồn nhân lực CNQP theo hướng lưỡng dụng. Trong điều kiện thời bình, đơn đặt hàng quốc phòng thấp, việc làm chủ được công nghệ lưỡng dụng để sản xuất hàng kinh tế sẽ tránh được lãng phí nếu không sử dụng hết công suất của các dây chuyền công nghệ đã được đầu tư. Việc sản xuất sản phẩm lưỡng dụng cũng sẽ hỗ trợ hiệu quả cho việc duy trì và phát triển đội ngũ chuyên môn kỹ thuật nòng cốt trên các dây chuyền quốc phòng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, công tác đào tạo nhân lực cho sự nghiệp quốc phòng - an ninh phải chú ý hơn tới các tiêu chí lưỡng dụng. Điều đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ quân sự ngoài các tiêu chí chung về bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng, chuyên môn quân sự, còn phải am hiểu về pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại, v.v. Cán bộ công tác trong CNQP cũng cần được đào tạo bổ sung, rèn luyện thực tiễn về cạnh tranh thị trường, luật pháp quốc tế về vũ khí, công nghệ quân sự, các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng, kỹ năng làm việc với các đối tác nước ngoài, v.v.
5. Triển khai chính sách thu hút các nguồn lực lưỡng dụng ở trong nước và quốc tế. Trong thời gian tới, lực lượng CNQP nòng cốt cần tập trung nhiều hơn vào những lĩnh vực công nghệ cốt lõi, có tính dẫn hướng tiên phong trong thiết kế, chế tạo vũ khí mới, nhất là các khâu tổng lắp, tích hợp hệ thống, kiểm tra, thử nghiệm vũ khí. Còn các lĩnh vực công nghệ lưỡng dụng và phụ trợ cho sản xuất hàng quân sự nên mở rộng, huy động sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế khác. Để đa dạng hóa nguồn lực cho sự phát triển CNQP nói chung và các nguồn lực cho sự phát triển công nghệ lưỡng dụng nói riêng, cần tham khảo kinh nghiệm của các nước về: thu hút vốn đầu tư; tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; thu hút chuyên gia giỏi; đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển công nghiệp phụ trợ cho CNQP, áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) trong hoạt động CNQP, thành lập các liên doanh với nước ngoài trong phát triển công nghệ chế tạo các chi tiết, bán thành phẩm, các ngành phụ trợ có tính lưỡng dụng cao, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là trong quá trình cổ phần hóa các đơn vị chuyên trách làm kinh tế của CNQP như hiện nay. Trong quan hệ quốc tế, cần tiếp tục xây dựng lòng tin, củng cố quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác truyền thống, khắc phục các rào cản, hạn chế, để tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho việc mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ lưỡng dụng, kể cả ở những lĩnh vực nhạy cảm.
Thiếu tướng, PGS, TS. ĐOÀN HÙNG MINH, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng
Công nghệ lưỡng dụng,
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc