Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Ba, 22/02/2011, 02:27 (GMT+7)
Ứng dụng công nghệ thông tin trong diễn tập chiến dịch ở Binh đoàn Quyết thắng - kết quả và vấn đề đặt ra

 Sự phát triển của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin (CNTT), đã tạo ra bước phát triển mới về khoa học kỹ thuật quân sự; theo đó, nghệ thuật tác chiến cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Trong xu thế đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong các hoạt động của quân đội ta; đặc biệt là trong huấn luyện, diễn tập chiến đấu là vấn đề có nghĩa quan trọng, cấp thiết hiện nay.

 Chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về thí điểm đưa CNTT vào diễn tập, làm cơ sở để rút kinh nghiệm và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong diễn tập ở các cấp, vừa qua, Binh đoàn Quyết Thắng đã ứng dụng CNTT vào nhiều khâu trong tổ chức diễn tập chiến dịch và đã được Bộ Quốc phòng đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nổi bật là, quá trình diễn tập đã vận dụng đúng lý luận, nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật tác chiến chiến dịch; việc ứng dụng CNTT đã đạt hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ đắc lực cho chỉ huy và cơ quan trong nắm bắt, xử lý các tình huống và nâng cao hiệu quả chỉ huy, điều hành tác chiến. Cán bộ các cơ quan, đơn vị bước đầu đã biết sử dụng các thiết bị CNTT vào việc truyền, nhận, phát các tình huống, mệnh lệnh (bằng cả tiếng và hình ảnh) kịp thời, đúng nội dung và địa chỉ truyền nhận; giúp Tư lệnh, cơ quan chiến dịch và các đơn vị thực hiện công tác tham mưu theo phương pháp song song, đảm bảo thời gian nhanh và chính xác. Một số cơ quan, ngành đã kết hợp báo cáo đề đạt bằng lời với tác nghiệp các nội dung trên máy tính; bộ phận bảo đảm CNTT (Phòng Khoa học-công nghệ & Môi trường, Phòng Thông tin và một số ban, bộ phận phục vụ) đã đảm bảo mạng thông suốt, thực hiện tốt việc trình chiếu các nội dung trong tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến dịch; nhất là, việc tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo, của Bộ Tư lệnh đối với các cơ quan và đơn vị bằng hệ thống camera, màn hình của hệ thống mạng máy tính. CNTT còn làm phong phú thêm hình thức thể hiện, thuyết minh, góp phần vào thành công của Hội nghị Đảng uỷ Binh đoàn thông qua Quyết tâm của Tư lệnh chiến dịch; kế hoạch hiệp đồng tác chiến của Tham mưu trưởng và kế hoạch bảo đảm của các ngành, các binh chủng được thông qua chặt chẽ, đúng thời gian, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với Quyết tâm của người chỉ huy...

Kết quả đó thể hiện sự thành công của việc ứng dụng CNTT; đồng thời, phản ánh sự chủ động, tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn, sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các cơ quan, viện thuộc Bộ Quốc phòng và sự nỗ lực cao của các cơ quan, đơn vị, từ công tác chuẩn bị đến thực hành diễn tập.

Trong công tác chuẩn bị. Việc xác định hình thức, quy mô diễn tập được căn cứ vào Chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh đoàn ngay từ đầu năm. Trong đó, Binh đoàn đặc biệt chú trọng bảo đảm các vấn đề có liên quan đến CNTT; bởi lẽ, đây là lần đầu tiên CNTT được ứng dụng rộng rãi ở nhiều khâu trong diễn tập của Binh đoàn. Trong điều kiện trình độ CNTT của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn còn nhiều hạn chế, Binh đoàn đã chủ động phối hợp với Viện Công nghệ thông tin, Trung tâm Tư vấn kỹ thuật công nghệ tin học EIC (thuộc Học viện Kỹ thuật Quân sự), mời giáo viên về mở được 06 lớp bồi dưỡng CNTT cho hơn 200 cán bộ các cấp, từ Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, các cơ quan, đơn vị, nhà trường, đến cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên chuyên môn liên quan. Nội dung tập trung chủ yếu vào cách thức soạn thảo văn kiện và tác nghiệp trên máy vi tính; cách truyền, nhận văn bản; khai thác bản đồ số và sa bàn ảo 3D trên mạng, nghiên cứu địa hình theo bản đồ số 3D, viết vẽ bản đồ trên máy tính; giám sát các sở chỉ huy qua hệ thống camera và máy tính của mạng LAN...

Mặt khác, Binh đoàn đã đầu tư kinh phí mua sắm nhiều loại trang bị, thiết bị CNTT phục vụ cho diễn tập, như: hệ thống máy tính và thiết bị đường truyền để xây dựng trung tâm mạng và mạng LAN nội bộ; hệ thống camera để giám sát tại các trung tâm sở chỉ huy của các cơ quan, đơn vị và toàn cảnh khu vực diễn tập. Trang bị, thiết bị CNTT phục vụ cuộc diễn tập gồm: 05 máy chủ, hơn 100 máy tính các loại; 13 bộ camera quan sát cùng nhiều trang bị phụ kiện kèm theo. Để sát với điều kiện thực tế chiến đấu, Binh đoàn đã nghiên cứu ứng dụng lắp đặt đường truyền bằng dây thông tin dã chiến chứ không sử dụng dây cáp mạng. Thực tiễn cho thấy, mặc dù cự ly xa tới 5 km nhưng chất lượng đường truyền vẫn bảo đảm (cả văn bản và hình ảnh).

Trong thực hành diễn tập. Thông qua hệ thống CNTT việc truyền các mệnh lệnh, chỉ thị, chỉ lệnh, thông báo... từ Bộ Tư lệnh, cơ quan chiến dịch xuống các đơn vị và nhận báo cáo từ các đơn vị gửi về đã được thực hiện tốt; đồng thời, thông qua hệ thống camera từ sở chỉ huy, Tư lệnh và cơ quan Binh đoàn quan sát, kiểm tra hành động của các đơn vị, phát tình huống chỉ đạo để cấp dưới bổ sung, điều chỉnh vào văn kiện và xử lý theo từng giai đoạn chiến dịch.

Thực tế cho thấy, CNTT đã hỗ trợ đắc lực, nâng cao hiệu quả triển khai công tác tham mưu song song. Cụ thể là: trong quá trình Bộ Tư lệnh chiến dịch tiến hành các bước của công tác tổ chức chiến dịch, có thể chuyển ngay từng nội dung xuống các cơ quan, đơn vị qua mạng máy tính. CNTT đã khắc phục được nhược điểm trước đây là: truyền xuống đơn vị mất nhiều thời gian, có trường hợp thiếu sự chính xác. Trong quá trình thực hành diễn tập chiến dịch, Bộ Tư lệnh phát tình huống xuống các cơ quan, đơn vị, yêu cầu xử trí và báo cáo về Bộ Tư lệnh bảo đảm nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Bằng hệ thống camera đã lắp đặt, Bộ Tư lệnh Binh đoàn có thể giám sát được toàn bộ hoạt động tại sở chỉ huy của các cơ quan, đơn vị; từ đó, kịp thời chấn chỉnh và đôn đốc đơn vị thực hiện đúng kế hoạch diễn tập.

Kết quả diễn tập ở Binh đoàn đã khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết, cả trong huấn luyện, học tập, đầu tư trang bị, thiết bị và thực hành ứng dụng CNTT trong quá trình diễn tập. Theo chúng tôi, trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, cần xây dựng kế hoạch tổng thể, triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT trong các đơn vị; đồng thời, đẩy mạnh huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, khả năng ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn. Việc đầu tư trang bị, thiết bị CNTT phải đồng bộ và hiện đại, có thể đầu tư trước hết ở cấp chiến dịch, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập hiện nay. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của các trung tâm, cơ sở CNTT của Bộ Quốc phòng trong nghiên cứu, ứng dụng và hỗ trợ đơn vị về những thành tựu CNTT tiên tiến nhất. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng các phần mềm về công tác tham mưu tác chiến, tham mưu huấn luyện (tạo ngân hàng phần mềm) phục vụ huấn luyện, diễn tập của các đơn vị.

Về lâu dài, Bộ Quốc phòng cần có kế hoạch đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực CNTT có chất lượng cao cho các đơn vị, làm nòng cốt để bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, nhân viên chuyên môn; trước tiên, xây dựng đội ngũ quản trị mạng và vận hành hệ thống mạng máy tính phục vụ diễn tập, góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong huấn luyện, diễn tập và các lĩnh vực hoạt động khác của đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị tập trung tạo bước chuyển biến về chất lượng ứng dụng CNTT trong tổ chức huấn luyện, diễn tập, cả cấp chiến dịch và chiến thuật; thường xuyên duy trì nền nếp luyện tập nhanh trên mạng theo nhóm, theo từng nội dung; nhất là luyện tập ứng dụng giải quyết các vấn đề khi thực hiện phương pháp tham mưu song song.

Đối với đơn vị, cùng với giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội, phải chú trọng nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về những phát triển mới của khoa học quân sự (khoa học kỹ thuật quân sự và nghệ thuật quân sự). Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp huấn luyện; trong đó, cần tăng cường nội dung huấn luyện về CNTT, sát với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Bên cạnh đó, từng đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức học tập bằng nhiều hình thức, biện pháp; kết hợp giữa việc tổ chức thành lớp học theo chương trình cơ bản với động viên cán bộ, nhân viên chuyên môn tự học tập nâng cao trình độ CNTT; phấn đấu 100% cán bộ các cấp sử dụng thành thạo phần mềm công tác tham mưu tác chiến, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua diễn tập, Bộ Tư lệnh cũng chỉ rõ những hạn chế để các đơn vị tập trung khắc phục, như: tác nghiệp trên máy vi tính của một số vị trí chưa theo kịp ý định của người chỉ huy; việc truyền, nhận văn bản, phối hợp, hiệp đồng giữa các bộ phận có lúc chưa chặt chẽ, còn lúng túng; trong hiệp đồng tác chiến chưa phát huy được hiệu quả CNTT, công tác chuẩn bị nội dung kế hoạch chiến đấu cho trình chiếu để tổ chức hiệp đồng còn chậm...

Một vấn đề nữa đặt ra là, với việc ứng dụng CNTT ở nhiều khâu trong tác chiến, người chỉ huy và cơ quan các cấp phải hết sức coi trọng bảo đảm sự đồng bộ, vững chắc của hệ thống mạng. Bởi lẽ, nếu bị “trục trặc” ở một khâu, hoặc chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến sai lầm trong toàn bộ hệ thống, ảnh hưởng đến hiệu quả tác chiến, thậm chí bị tê liệt toàn hệ thống nếu bị “hắc-cơ” xâm nhập. Điều đó đòi hỏi phải làm tốt công tác bảo vệ mạng với các giải pháp tổng hợp từ công nghệ phần mềm đến bảo vệ thiết bị phần cứng; từ khâu nhập máy móc, linh kiện đến công tác quản lý, bảo vệ trạm, mạng... Bên cạnh đó, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) trên đất nước ta sẽ là cuộc chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao; các yếu tố như: tác chiến điện tử, mật độ hỏa lực lớn, độ chính xác cao,... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng CNTT. Vì vậy, các đơn vị cần chú trọng huấn luyện, bồi dưỡng các nội dung về xây dựng hệ thống công sự, trận địa có tính đến các yếu tố bảo đảm vững chắc cho thiết bị CNTT khi triển khai hệ thống mạng; kết hợp với giáo dục, rèn luyện ý thức giữ gìn bí mật cũng như cách phòng, chống các phương tiện tác chiến điện tử của địch trong điều kiện chiến tranh ác liệt. Điều đó cũng đặt ra yêu cầu trong tác chiến, cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT phải chuẩn bị nhiều phương án; sẵn sàng trở lại phương án sử dụng hệ thống thông tin truyền thống trong điều kiện mạng máy tính bị mất tác dụng...

Ứng dụng CNTT là vấn đề quan trọng, thiết thực trong xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Phát huy kết quả cuộc diễn tập chiến dịch có ứng dụng CNTT vừa qua, Binh đoàn Quyết Thắng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, nhất là trình độ sử dụng CNTT của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng PHAN VĂN GIANG

Tư lệnh Binh đoàn

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.