Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Hai, 16/04/2012, 01:38 (GMT+7)
Tư tưởng V.I. Lê-nin về quan hệ kinh tế với quốc phòng và ý nghĩa với nước ta hiện nay


V.I. Lê-nin
 V.I. Lê-nin là lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, đã để lại di sản tư tưởng vô cùng quý báu. Tư tưởng của Người về mối quan hệ kinh tế với quốc phòng không chỉ làm phong phú, hoàn thiện lý luận bảo vệ Tổ quốc, mà còn có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc bảo vệ Tổ quốc Xô viết XHCN. Tư tưởng này của V.I. Lê-nin vẫn còn nguyên ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

 

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nước Nga Xô viết phải tiến hành cuộc chiến tranh chống bọn can thiệp nước ngoài và bọn phản cách mạng trong nước với những điều kiện vô cùng khó khăn. Tình hình đó, đòi hỏi Nhà nước Xô viết phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế và tăng cường quốc phòng. Với tư cách là người đứng đầu Đảng, Nhà nước Xô viết và trên cơ sở kế thừa quan điểm của C. Mác, Ph. Ăng-ghen về mối quan hệ kinh tế với chiến tranh, V.I. Lê-nin đã giải quyết đúng mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng.

Trước hết, trong điều kiện tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, theo V.I. Lê-nin, đất nước phải tập trung cho quốc phòng. Đối với nước Nga Xô viết, sau khi cách mạng vô sản thành công, nhiệm vụ phát triển kinh tế là rất quan trọng. Nhưng trong khi bị CNĐQ tấn công nhằm xóa bỏ chính quyền Xô viết, thì V.I. Lê-nin đã nhìn thấy nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải tập trung bảo vệ thành quả cách mạng, nên đã nhấn mạnh phải ưu tiên cho nhiệm vụ tăng cường quốc phòng. Người nói: “Nhưng vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”1.

Tập trung cho nhiệm vụ quốc phòng lúc này là tư tưởng rất sáng tạo, linh hoạt của V.I. Lê-nin trong giải quyết mối quan hệ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng; bởi chỉ có bảo vệ được thành quả cách mạng, đánh bại ý chí xâm lược của kẻ thù, mới tạo điều kiện hòa bình cho phát triển kinh tế. Tư tưởng này làm cơ sở cho Ban Chấp hành Trung ương các Xô viết toàn Nga thành lập Hội đồng Quốc phòng do chính V.I. Lê-nin làm Chủ tịch - cơ quan đặc biệt của Chính phủ Xô viết được giao toàn quyền trong việc huy động mọi lực lượng và phương tiện của đất nước để phục vụ cho sự nghiệp quốc phòng.

Hai là, phát triển kinh tế làm cơ sở cho tăng cường quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Đặt quốc phòng là nhiệm vụ trung tâm trong giai đoạn đầu của chính quyền Xô viết, song V.I. Lê-nin không coi nhẹ nhiệm vụ kinh tế, mà đặt kinh tế và quốc phòng trong mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại. Trên cơ sở kế thừa quan điểm của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về vai trò của kinh tế đối với chiến tranh và phát triển nguyên lý đó trong điều kiện mới, V.I. Lê-nin nhấn mạnh: “Mối liên hệ giữa tổ chức quân sự của một nước với toàn bộ chế độ kinh tế và văn hóa của nước ấy chưa bao giờ lại hết sức chặt chẽ như ngày nay”2. Từ đó, V.I. Lê-nin phát triển lý luận về vai trò của kinh tế đối với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở những nước kinh tế chậm phát triển: “… không chuẩn bị hết sức đầy đủ về kinh tế, thì việc tiến hành một cuộc chiến tranh hiện đại chống CNĐQ tiên tiến là điều không thể làm được đối với một nước nông nghiệp…”3. Do nhận thức đúng vai trò của kinh tế đối với chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, V.I. Lê-nin đã đề ra chủ trương: “Chúng ta phải dốc hết sức lực ra để lợi dụng thời gian tạm ngừng chiến mà thời cơ đã đưa lại cho chúng ta, để hàn gắn những vết thương cực kỳ trầm trọng do chiến tranh gây ra cho toàn bộ cơ thể xã hội của nước Nga, và để phát triển kinh tế nước nhà, nếu không thì không thể nào nói đến tăng cường khả năng quốc phòng của nước Nga lên một mức tương đối được”4.

Ba là, quan hệ sản xuất (QHSX), chế độ kinh tế - xã hội (KT-XH) có vai trò rất quan trọng đối với huy động kinh tế cho quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Khả năng huy động kinh tế cho quốc phòng ở mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mà còn phụ thuộc vào tính chất QHSX, chế độ KT-XH. Phát triển vấn đề này trong điều kiện mới, V.I. Lê-nin chỉ ra rằng, chế độ Xô viết đã tạo ra một khả năng chưa từng có cho phép động viên được tất cả các nguồn lực kinh tế và tinh thần. Người nói: “Khả năng phòng thủ, sức mạnh quân sự của một nước mà ngân hàng đã được quốc hữu hóa, thì cao hơn khả năng phòng thủ của một nước mà ngân hàng còn ở trong tay tư nhân. Sức mạnh quân sự của một nước nông dân, trong đó ruộng đất ở trong tay ủy ban nông dân, thì cao hơn sức mạnh quân sự của một nước còn chế độ địa chủ chiếm hữu ruộng đất”5. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, để tăng cường cho quốc phòng, V.I. Lê-nin đã chỉ đạo tiến hành quốc hữu hóa nhiều cơ sở kinh tế, trong đó đặc biệt là các ngân hàng. Người ký Sắc lệnh ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ nhằm nhanh chóng thiết lập QHSX mới, xây dựng chế độ KT-XH ưu việt, để tạo ra khả năng to lớn huy động kinh tế cho quốc phòng, bảo đảm giành thắng lợi trong công cuộc bảo vệ nước Nga Xô viết.

Bốn là, quân đội có vai trò quan trọng đối với kinh tế. Khi bàn về vai trò của quân đội đối với kinh tế, C. Mác đã chỉ rõ: “Nói chung, quân đội đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế”6. Phát triển quan điểm này của C. Mác, V.I. Lê-nin cho rằng, quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản có vai trò rất quan trọng đối với nhiệm vụ lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế. Cho nên, ngay từ những năm đầu xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I. Lê-nin đã quan tâm đến sử dụng quân đội vào nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Người chỉ ra rằng: “Cần phải tập trung toàn lực vào nhiệm vụ đó, cần phải tung vào những quỹ đạo mới đó toàn bộ lực lượng quân sự đã biểu lộ rõ tác dụng của mình trong việc xây dựng quân sự. Đó là tình hình đặc thù, là bước quá độ đặc thù khiến chúng ta nghĩ đến việc tổ chức các đội quân lao động…”7. Đặc biệt là, V.I. Lê-nin đề xuất chuyển một số đơn vị chính quy của Hồng quân thành những đội quân lao động sử dụng vào việc xây dựng kinh tế trong tình hình Nhà nước Xô viết đã bước sang thời kỳ ngừng chiến từ đầu năm 1920, nhưng vẫn còn khả năng bọn đế quốc sẽ tái diễn việc vũ trang can thiệp. Mặc dù, việc thành lập những quân đoàn lao động được coi là một biện pháp tạm thời, chỉ cần thiết trong điều kiện cụ thể của thời kỳ tạm ngừng chiến nhằm giải quyết những nhiệm vụ kinh tế theo đường lối “cộng sản thời chiến”, song tư tưởng của V.I. Lê-nin đã sớm đặt nền móng hình thành lý luận về chức năng, nhiệm vụ xây dựng kinh tế của quân đội kiểu mới của nhà nước vô sản.

Những luận điểm của V.I. Lê-nin về mối quan hệ kinh tế với quốc phòng mặc dù được đưa ra cách đây gần một thế kỷ, song vẫn mang tính thời sự nóng hổi trong bối cảnh hiện nay.

Quán triệt tư tưởng của V.I. Lê-nin về quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, ngày nay, chúng ta cần nhận thức sâu sắc và thực hiện thắng lợi quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh: “Phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh (QP-AN). Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển KT-XH và trên từng địa bàn”8. Trong quá trình thực hiện, cần quán triệt phương châm: “Phát triển KT-XH là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển KT-XH”9.

Vận dụng tư tưởng của V.I. Lê-nin về quan hệ kinh tế với quốc phòng, chúng ta cần kiên quyết khắc phục triệt để nhận thức cho rằng, quốc phòng chỉ là gánh nặng của kinh tế. Bởi lẽ, do nhận thức không đúng, nên trong thực tiễn ở một số ngành, địa phương, trong một số trường hợp, ít chú ý đến yêu cầu của quốc phòng, hoặc chú ý chưa đúng mức đến yêu cầu của quốc phòng, trong quá trình phát triển kinh tế; nhất là trong quy hoạch phát triển kinh tế, mở khu công nghiệp, lập các dự án kinh tế… Có trường hợp, còn cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất ở những vị trí trọng yếu về quốc phòng (khu vực biên giới) trong thời gian dài. Tình trạng đó đã và đang tác động xấu đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân của mỗi địa phương cũng như trên phạm vi quốc gia.

Vận dụng tư tưởng của V.I. Lê-nin về vai trò của chế độ kinh tế đối với quốc phòng, chúng ta phải vừa đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất, vừa không ngừng xây dựng QHSX tiến bộ, phù hợp. Trong khi nhất quán thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, phải chăm lo phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, để hai thành phần kinh tế này làm tốt vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc dân, trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đi liền với đó là khắc phục có hiệu quả tính tự phát TBCN của nền kinh tế nhiều thành phần; phòng, chống việc các thế lực thù địch lợi dụng chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế, lái nền kinh tế nước ta theo quỹ đạo TBCN. Đồng thời, cần khai thác, phát huy tối đa khả năng của mọi thành phần kinh tế, kể cả kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cho nhiệm vụ tăng cường quốc phòng.

Trên cơ sở tư tưởng của V.I. Lê-nin về vai trò của quốc phòng đối với kinh tế, chúng ta phải có chủ trương, biện pháp để phát huy vai trò của quốc phòng đối với kinh tế. Quốc phòng phải làm tròn nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động kinh tế ở những địa bàn nhạy cảm, dễ xảy ra tranh chấp, như: biên giới, biển, đảo… Đồng thời, phải triệt để tháo gỡ, hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực, cản trở của quốc phòng đối với kinh tế. Để phát huy vai trò của quốc phòng đối với kinh tế, chúng ta phải nghiên cứu tổ chức, biên chế, sắp xếp lực lượng vũ trang nói chung, quân đội nói riêng một cách hợp lý, hài hòa giữa lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên theo hướng “tinh, gọn, mạnh” một cách vững chắc. Đặc biệt, phải triệt để thực hành tiết kiệm, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong các hoạt động quốc phòng để giảm gánh nặng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Vận dụng tư tưởng của V.I. Lê-nin về vai trò quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản trong xây dựng CNXH, cần triệt để phát huy vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong tham gia xây dựng kinh tế trên các lĩnh vực mà Quân đội có tiềm năng, thế mạnh. Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội ta, nhờ tăng gia sản xuất, tham gia làm kinh tế, bảo đảm hậu cần tại chỗ nên Quân đội đã góp phần to lớn trong giải quyết khó khăn về lương thực, thực phẩm, trang bị chiến đấu, cải thiện đời sống của bộ đội. Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết 71-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội”, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế phù hợp với từng loại hình đơn vị. Các đơn vị quân đội cần phát huy ưu thế về tổ chức, kỷ luật và những lĩnh vực mà mình có thế mạnh; nâng cao hiệu quả tham gia phát triển KT-XH ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo của các đoàn kinh tế - quốc phòng; tích cực tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin, viễn thông, dịch vụ bay phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; tăng cường các hoạt động cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết… để đảm bảo phát triển kinh tế và tăng cường QP-AN trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

Viện KHXHNVQS, Bộ Quốc phòng

                  

1- V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, tr. 481.

2 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 9, Nxb Tiến bộ,  Mát-xcơ-va, 1979, tr. 192.

3 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 35, Nxb Tiến bộ,  Mát-xcơ-va. 1978, tr. 475.

4 - V.I. Lê-nin -  Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ,  Mát-xcơ-va, 1978, tr. 204.

5 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 34, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va. 1976, tr. 261.

6 - C. Mác và Ph. Ăng-ghen - Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, H.1996, tr. 246.

7 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 40, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 122.

 8 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82.

9 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 227-228.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.