Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 13/11/2020, 07:48 (GMT+7)
Tổ chức, sử dụng lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của Đảng, Nhà nước ta. Vì vậy, việc tổ chức, sử dụng lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cần được nghiên cứu, bảo đảm đúng chủ trương, nguyên tắc, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế.

Tổ chức, sử dụng lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là tổng thể các chủ trương, biện pháp của Bộ Chính trị, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc thiết lập hệ thống tổ chức, xác định cơ cấu, thành phần, nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng và tiến hành công tác chuẩn bị, triển khai hoạt động, phù hợp với các quy định của Liên hợp quốc.

Sau gần 07 năm thực hiện Đề án Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, Việt Nam đã cử lực lượng tại hai Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, với hai hình thức: cá nhân và đơn vị, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Với hình thức cá nhân, Việt Nam cử 50 lượt sĩ quan (trong đó có 04 nữ sĩ quan) trên các cương vị sĩ quan: tác chiến, huấn luyện, trang bị, phân tích thông tin tình báo và quan sát viên quân sự. Trong số 30 sĩ quan đã kết thúc nhiệm kỳ, có 10 sĩ quan được Liên hợp quốc đánh giá đặc biệt xuất sắc, đạt tỷ lệ 33,33% (theo quy định của Liên hợp quốc tỷ lệ này chỉ chiếm từ 01% đến 02%). Ngoài việc tham gia trực tiếp tại các phái bộ, Việt Nam còn lựa chọn một số sĩ quan ứng thi vào 03 vị trí: sĩ quan kế hoạch; sĩ quan các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thuộc Cục các hoạt động hòa bình Liên hợp quốc; Phòng Lập kế hoạch quân sự/Cục các hoạt động hòa bình Liên hợp quốc, tại New York, Hoa Kỳ, thời gian 02 năm.

Đối với hình thức đơn vị, tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra 02 Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến cấp 2 và Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Sau 04 năm nỗ lực chuẩn bị, tháng 10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã triển khai thành công, an toàn đến Bentiu, Phái bộ Cộng hòa Nam Sudan, gồm 63 cán bộ, nhân viên. Trong một năm thực hiện nhiệm vụ, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã khám, điều trị cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân, mổ thành công 63 ca, trong đó 21 ca trung và đại phẫu, vận chuyển bằng đường không về tuyến sau 07 bệnh nhân nặng, phẫu thuật an toàn cho 02 quân nhân viêm ruột thừa cấp của Ấn Độ và Mông Cổ1. Tháng 11/2019, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được thay thế bằng Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2, từ đó đến ngày 11/10/2020, Bệnh viện đã khám, điều trị được hơn 1.300 ca, phẫu thuật 26 ca (08 ca phẫu thuật lớn)2. Hiện tại, Bộ Quốc phòng đang tích cực chuẩn bị Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 để thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (dự kiến hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 02/2021). Riêng Đội Công binh gồm 290 người, đang được chuẩn bị tích cực về con người, trang bị để sẵn sàng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2021. Việt Nam là một trong ít nước có nữ quân nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, hiện đã có 04 nữ quân nhân làm sĩ quan tham mưu tác chiến, huấn luyện và quan sát viên quân sự; 20 nữ bác sĩ, y tá trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cấp 2 số 2. Thời gian tới, tỷ lệ này còn tăng, dự kiến cử 38 nữ quân nhân trong đội hình Đội Công binh (như vậy, tỷ lệ nữ chiếm gần 14%, cao hơn mục tiêu của Liên hợp quốc). Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã và tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối, giữ vững niềm tin của Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế,... góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng với nhiều quốc gia, đối tác, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lực lượng quân y Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ tại Nam Sudan. Ảnh: TTXVN

Thời gian tới, để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng: “Việt Nam tiếp tục đóng góp thực chất và mở rộng quy mô, phạm vi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”3, sẵn sàng triển khai một cách độc lập, tự quyết, kịp thời và hiệu quả, trên mọi lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cần triển khai thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau.

Một là, lãnh đạo, chỉ huy lực lượng cần tập trung, thống nhất. Hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc gồm nhiều thành phần, nhiều cấp, từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đến đơn vị cơ sở tại Phái bộ. Nội dung lãnh đạo, chỉ huy liên quan đến hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng; đến Liên hợp quốc và các quốc gia liên quan; đến nhiều lực lượng, lĩnh vực hoạt động của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội. Trong khi đó, yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy lực lượng này phải nhanh chóng ra các quyết định trong điều kiện khẩn trương, phức tạp, với nhiều diễn biến khó đoán định. Do đó, tập trung thống nhất cao về lãnh đạo, chỉ huy là yêu cầu cơ bản, quan trọng nhất đối với lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Để thực hiện được yêu cầu trên, cấp ủy, các cơ quan liên quan, trực tiếp là Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, các đơn vị hoạt động tại Phái bộ, các đơn vị chuẩn bị thay thế cần quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; phối hợp hiệu quả, thống nhất cao theo kế hoạch chung. Đồng thời, cần tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy đồng bộ, vận dụng hình thức, phương thức lãnh đạo, chỉ huy phù hợp, linh hoạt; phát huy cao độ tính độc lập, sáng tạo của cấp dưới trong thực hiện nhiệm vụ.

Hai là, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, cơ quan quản lý, chỉ đạo với các đơn vị ngoài địa bàn. Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Quân đội trong tình hình mới đòi hỏi phải phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, hoạt động trong nước với các lực lượng hoạt động ngoài nước; giữa Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với các cơ quan liên quan trong và ngoài Quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ. Cơ sở để phối hợp, hiệp đồng các lực lượng là công tác lãnh đạo, chỉ huy lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Để thực hiện tốt yêu cầu này, cần quy định rõ thẩm quyền, mối quan hệ giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy lực lượng ở trong nước với các tổ chức, đơn vị liên quan ở các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và cơ quan đại diện của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Ba là, tích cực chuẩn bị lực lượng, đáp ứng yêu cầu của Liên hợp quốc. Việc chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, theo tiêu chuẩn của Liên hợp quốc và phù hợp với điều kiện Việt Nam là tiền đề cơ bản để đóng góp nguồn lực cho sứ mệnh cao cả này. Cùng với chuẩn bị đủ về số lượng, các lực lượng cần chú ý chất lượng theo tiêu chuẩn, nhất là về sức khỏe, kiến thức, kỹ năng quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, ngoại ngữ. Với mỗi vị trí, mỗi loại hình đơn vị, Liên hợp quốc đều có yêu cầu riêng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chỉ huy, tham mưu, kinh nghiệm công tác; vì vậy, phải cụ thể, tỉ mỉ, khoa học. Ngoài chuẩn bị yếu tố con người, cần phải chuẩn bị vũ khí, trang thiết bị, đảm bảo mọi mặt đời sống và thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Liên hợp quốc. Theo đó, cần nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của Liên hợp quốc, nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế, vũ khí, trang thiết bị của các lực lượng để tham mưu triển khai đúng, đủ quân số, vũ khí trang bị. Quá trình chuẩn bị cần tập trung huấn luyện cho đội ngũ này đầy đủ kiến thức, kỹ năng, có trình độ ngoại ngữ tốt, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các phái bộ.

Bốn là, bảo đảm an toàn tuyệt đối, tạo uy tín cao trước bạn bè quốc tế. Xuất phát từ môi trường hoạt động tại các phái bộ rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn do xung đột, thiên tai, bệnh dịch,… nên việc hoàn thành tốt nhiệm vụ, tạo uy tín cao trước bạn bè quốc tế là yêu cầu quan trọng trong việc cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và quảng bá hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra thế giới. Nội dung đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia, gồm: con người, vũ khí, trang bị, thông tin liên lạc, an ninh chính trị nội bộ, v.v. Cán bộ, sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc phải tuyệt đối giữ nghiêm kỷ luật, không theo nước này chống lại nước khác, lợi dụng danh nghĩa tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để liên minh với các quốc gia, tổ chức thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế cũng như các quy định của Liên hợp quốc; thực thi đầy đủ các nhiệm vụ do Liên hợp quốc và Bộ Quốc phòng giao. Nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện tốt công tác đối ngoại, góp phần nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Thực hiện yêu cầu này, các lực lượng phải nắm chắc các kỹ thuật chung (capabilities), nhiệm vụ cụ thể (tasks) được giao hoặc do Việt Nam và Liên hợp quốc thỏa thuận, tránh thực hiện các nhiệm vụ ngoài phạm vi thỏa thuận, ảnh hưởng đến hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, xây dựng và luyện tập các phương án bảo đảm an ninh, an toàn trên các mặt công tác, chú trọng nhiệm vụ huấn luyện, xử trí tình huống, tránh bị động, bất ngờ. Làm tốt công tác hiệp đồng, nắm chắc quy định về đảm bảo an ninh, an toàn tại môi trường hoạt động; thường xuyên cập nhật các quy trình hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ theo thỏa thuận và phạm vi quy định, kiên quyết từ chối các nhiệm vụ nhiều rủi ro, trái với quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoặc là thành viên. Xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền đối ngoại tại địa bàn.

Những vấn đề này tác động trực tiếp đến nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức, sử dụng lực lượng Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đòi hỏi người chỉ huy và các cơ quan tham mưu cần nắm chắc để chuẩn bị tốt mọi mặt nâng cao hiệu quả tổ chức, sử dụng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong tình hình mới.

Đại tá, ThS. NGUYỄN BÁ HƯNG, Phó Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
_________________

1 - Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (2020), Báo cáo số 30/BC-CGGHBVN về kết quả tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Bệnh viện dã chiến 2.1, Hà Nội.

2 - Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (2020), Công văn số 450/CGGHBVN-BVDC2.2, về việc báo cáo ngày 11/10/2020, Bentiu, Nam Sudan.

3 - Bộ Quốc phòng (2019), Quốc phòng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.