Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 11/10/2013, 17:10 (GMT+7)
Tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghĩ về trách nhiệm của chúng ta

Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Đại tướng đầu tiên, Tổng Tư lệnh duy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX, biểu tượng tuyệt vời của trí tuệ, bản lĩnh, khí phách và tâm hồn dân tộc Việt – đã vĩnh biệt dương gian để về với “thế giới người hiền” trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Ảnh minh họa

Những giọt nước mắt của người dân lặng lẽ lăn dài khi nghe tin dữ. Từng dòng người không quản nắng gắt, lặng lẽ xếp hàng, trật tự đợi chờ để được một lần cuối đích thân tiễn biệt Đại tướng tại tư gia, số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội. Nhiều, rất nhiều bài viết, hình ảnh đong đầy xúc động, nghẹn ngào về sự ra đi của Đại tướng phủ kín trên các trang báo trong nước và thế giới. Bao nhiêu ban thờ được lập tại những địa danh gắn liền với cuộc đời giản dị, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng, như Quảng Bình, Tân Trào, Điện Biên Phủ… và các tỉnh, thành khác trong cả nước để vọng bái anh linh của Đại tướng.... Chừng ấy, dường như chưa đủ để minh chứng cho tình yêu, lòng tôn kính của người dân đất Việt dành cho vị Đại tướng đã hy sinh cả đời mình cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc.

Vẫn biết đó là quy luật của tạo hóa. Vẫn biết cuộc sống vốn vô thường. Và, vẫn biết rằng “thác là thể phách, còn là tinh anh”. Trí tuệ ấy, nhân cách ấy, khí phách ấy sẽ trường tồn vĩnh hằng trong ký ức nhân dân… Vậy mà không tránh khỏi nỗi tiếc thương nghẹn đắng, nhói buốt. Cả cuộc đời cống hiến và hy sinh, sự ra đi của Đại tướng thật nhẹ nhàng, thanh thản. Chỉ có chúng ta - những người đang sống – là cảm thấy tiếc nuối, mất mát thật nhiều. Mới hay, thế hệ cha anh đã chấp nhận bao hy sinh, bao máu xương, nước mắt đổ xuống để tự do, độc lập, hòa bình, đủ đầy cho dân tộc mấy chục năm nay. Dẫu rằng, chúng ta cũng đã lập được nhiều thành tích, xây dựng nước nhà ngày càng khang trang, to đẹp hơn; tiếp nối truyền thống ông cha; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Nhưng, khi ta nghiêng mình trước những vĩ nhân của đất nước, những chiến công huyền thoại “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, mới thấy những gì Ta làm được xem ra còn quá bé nhỏ. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn còn biết bao thách thức, khó khăn, chông gai phía trước. Có khó khăn, thách thức đến từ các thế lực bên ngoài. Nhưng đáng quan ngại hơn cả chính là những hạn chế mà mỗi chúng ta không thấy được hoặc không dám nhìn nhận một cách trực diện, thẳng thắn; đó chính là chủ nghĩa cá nhân gắn liền với thói thực dụng… Và tất nhiên, bao nhiêu hệ lụy cũng từ đó mà ra.

Tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân với những nghẹn ngào, tiếc nuối! Cũng là một dịp để mỗi chúng ta nhìn nhận lại chính mình, từ đó xác định trách nhiệm của bản thân để tiếp tục sống, lao động, học tập theo tấm gương của người đã khuất. Và nếu như chưa đủ tài năng, trí tuệ để làm nên những chiến công hiển hách thì xin hãy làm vui lòng Người từ những việc nhỏ thôi, như Đại tướng từng căn dặn: “Không nề hà ý kiến của mình là nhỏ nhặt, là sơ sài…”. Hãy đặt mình vào tập thể, hãy tạo dựng sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của chung của cộng đồng; hãy nhớ đến trước hết trách nhiệm công dân của bản thân với tập thể, xã hội trong mỗi hành vi, cử chỉ, suy nghĩ, lời nói, việc làm trên cương vị, chức trách nhiệm vụ của mỗi chúng ta. Việc nhỏ ấy, nếu chúng ta làm tốt, chắc cũng là một chút “nhỏ nhặt” góp phần thắp sáng niềm tin và bồi đắp truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.

 

MINH ANH

Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.