Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 19/08/2021, 08:42 (GMT+7)
Thực trạng và giải pháp ổn định bền vững lực lượng lao động của Công ty 74

Người lao động là nguồn lực đặc biệt, nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển đối với đơn vị, doanh nghiệp. Ý thức rõ điều đó, Công ty 74, Binh đoàn 15 đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp ổn định lực lượng lao động, bảo đảm quyền lợi, đời sống vật chất, tinh thần, giúp họ yên tâm làm việc, tự nguyện gắn bó lâu dài với đơn vị.

Công ty 74 thực hiện nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn rộng1, chủ yếu thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Song song với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Công ty đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề, bao gồm: trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm mủ cao su, cà phê, sản xuất điện năng, kinh doanh xăng, dầu, chăn nuôi gia súc, sản xuất phân bón hỗn hợp,… với lực lượng lao động chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại chỗ, phần lớn là hợp đồng thời vụ, hộ nhận khoán (chiếm trên 70%).

Từ năm 2013 đến nay, giá mủ cao su bắt đầu xuống thấp, có năm giá bán dưới giá thành sản xuất, kéo theo tiền lương, thu nhập của người lao động giảm. Trong khi đó, công nhân phải thường xuyên làm việc ngoài trời, theo mùa vụ, chịu nhiều tác động của thời tiết, khí hậu. Vì thế, một bộ phận công nhân xin nghỉ việc, trở về quê hoặc đi làm ăn tại nơi khác, nhất là số thợ khai thác mủ cao su có tay nghề cao, còn lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm hơn 70% tổng số thợ khai thác mủ cao su). Tuy chiếm tỷ lệ cao, song trình độ học vấn, nhận thức, tay nghề kỹ thuật của thợ khai thác mủ cao su là người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, tính ràng buộc trong quản lý thấp, nên năng suất lao động không cao. Hơn nữa, họ không muốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chỉ muốn hợp đồng với Công ty theo hình thức “hộ nhận khoán” vườn cây nên khó khăn trong quản lý tay nghề, kỹ thuật. Mặt khác, đồng bào quen lối sống tự do, làm đến đâu hưởng đến đó, không có tích lũy; vẫn chịu ảnh hưởng của một số phong tục tập quán lạc hậu (ma chay, cúng bái, lễ hội kéo dài,…). Thêm vào đó, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp phía Nam về địa phương tuyển dụng lao động, đưa ra chính sách thu hút, như: trả tiền tăng ca, ăn ca, hỗ trợ tiền nhà ở, v.v. Do vậy, một số lao động của Công ty và người dân địa phương lại tiếp tục bỏ việc, chuyển vào làm tại các doanh nghiệp này, dẫn đến cạnh tranh lao động ngay tại địa bàn. Từ đó, làm cho lực lượng lao động của Công ty thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là việc khai thác mủ cao su. Vì vậy, việc sớm ổn định bền vững lực lượng lao động càng trở nên quan trọng, cấp thiết.

Để khắc phục vấn đề này, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty 74 đã và đang đẩy mạnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, động viên người lao động gắn bó với đơn vị, địa bàn. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động, Công ty tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương “vì sự phát triển cây cao su ở Tây Nguyên”, tập trung tuyên tuyền, quán triệt, giáo dục để người lao động nâng cao hiểu biết, thấy được lợi ích to lớn của cây cao su đối với cuộc sống của người dân địa phương và chỉ có họ mới là những người gắn bó lâu dài, “ăn đời, ở kiếp” với Công ty. Đồng thời, tăng cường cử các tổ công tác về tận thôn, làng để tuyên truyền, vận động cho đồng bào các dân tộc nhận thức rõ đây chính là quê hương, nơi sinh sống của dòng họ, gia đình, ghi dấu ấn nền văn hóa và những vườn cây cao su, cà phê, nương rẫy chính là sinh kế phù hợp, lâu dài của họ. Phân tích cho đồng bào thấy rõ thiệt hơn lợi ích của việc phát triển kinh tế tại chỗ, từ bỏ ý định đi làm ăn xa, động viên người thân trở lại gia đình, địa phương và Công ty sẵn sàng tiếp nhận vào làm việc.

Bên cạnh đó, Công ty chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương và phát huy vai trò già làng, trưởng thôn, trưởng dòng họ, người tiêu biểu, có uy tín ở thôn, làng và đội ngũ cán bộ đội sản xuất đẩy mạnh tuyên truyền về lịch sử, phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Tây Nguyên, gương “người tốt, việc tốt”, tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết máu thịt quân - dân. Tích cực giúp đồng bào các dân tộc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh, văn hóa cộng đồng, như: bảo tồn dàn cồng chiêng, nhà Rông, tiếng nói, chữ viết, tượng nhà mồ, v.v. Thuyết phục, vận động đồng bào ăn, ở hợp vệ sinh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức các ngày lễ kỷ niệm, Tết cổ truyền của dân tộc để đồng bào các dân tộc được tiếp cận, hòa chung văn hóa truyền thống của đất nước. Công ty thường xuyên trao đổi, phối hợp với chức sắc, chức việc tôn giáo động viên đồng bào theo đạo tích cực tham gia lao động sản xuất; đề cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, đất đai,… chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dần xóa bỏ các hủ tục, bài trừ mê tín, dị đoan, v.v. Qua đó, giúp đồng bào thêm tin tưởng, phấn khởi, tích cực lao động sản xuất, gắn bó với Công ty, với thôn, làng.

Thực hành khai thác mủ cao su trong Hội thi thợ giỏi

Hai là, từng bước nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động. Đây là yếu tố cơ bản, động lực quan trọng nhất đối với người lao động. Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty chủ trương không ngừng hoàn thiện chính sách tiền lương, điều chỉnh hệ số và đơn giá phù hợp để tăng thêm lợi ích vật chất, thu nhập cho người lao động. Chú trọng ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng định mức phần cạo, cây cạo và thực hiện thanh toán, chi trả tiền lương, tiền công đúng thời gian quy định. Trước đây, lao động là người dân tộc thiểu số chỉ nhận khoán 01 phần cây cạo/người (tương đương 400 cây cao su), làm việc 01 ngày thì nghỉ 02 ngày nên tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động thấp. Đến nay, phần lớn người lao động nhận ít nhất 02 phần cây cạo, thậm chí 03 phần cây cạo/người (hơn 1.500 cây cao su). Với đơn giá bình quân 11.700 đồng/01 kg mủ cao su quy khô (mức cao nhất trên địa bàn) thì tiền lương bình quân của người lao động trên 5,2 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với tăng định mức lao động, Công ty quan tâm nâng cao trình độ, tay nghề kỹ thuật cho lực lượng thợ khai thác mủ cao su. Duy trì thường xuyên phong trào “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” khai thác mủ cao su, mở các lớp đào tạo mới và đào tạo lại cho người lao động, bảo đảm 100% số thợ mới thành thạo tay nghề được thực hành công việc trên vườn cây và giao cho chỉ huy các đội sản xuất thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, kèm cặp những lao động có tay nghề trung bình, yếu. Đồng thời, tổ chức cho công nhân tham quan vườn cây của những lao động có tay nghề xuất sắc trong tháng để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, góp phần tăng tỷ lệ người lao động có tay nghề khá, giỏi, xuất sắc, làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mủ cao su của Công ty cũng như thu nhập, đời sống của công nhân.

Ba là, thường xuyên quan tâm bảo đảm việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Với phương châm “Tất cả vì người lao động”, lấy lợi ích người lao động đặt lên hàng đầu, Công ty nghiên cứu, bố trí công việc hợp lý theo lịch thời vụ, giảm áp lực công việc cho người lao động. Xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp với người lao động, hạn chế tối đa thời gian nhàn rỗi. Công ty thực hiện nhất quán chủ trương ưu tiên tuyển dụng, tạo nhiều việc làm đối với người địa phương, phấn đấu mỗi năm tiếp nhận trên 200 người. Đồng thời, tiếp tục quan tâm phát triển cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số làm cầu nối, trực tiếp đóng góp xây dựng Công ty vững mạnh toàn diện, xây dựng địa bàn an toàn, ngày càng phát triển. Công ty đẩy mạnh triển khai các hoạt động công tác dân vận, thực hiện tốt phương châm “Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản, làng”; tăng cường sự kết nối, gắn kết người lao động, hình thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của Công ty. Chú trọng phát huy hiệu quả mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ gia đình người Kinh gắn kết với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương2 trong tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su, truyền đạt phương thức sản xuất mới, chuyển đổi giống vật nuôi, cây trồng, đẩy mạnh sản xuất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, Công ty duy trì tốt 14 điểm trường, lớp hiện có và tiếp tục phát triển thêm trong các năm tới để nuôi dạy con em người lao động, giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn quan tâm tặng quà cho người lao động, gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết; trợ cấp trong thời gian giáp hạt. Thường xuyên tổ chức khám, điều trị bệnh và cấp thuốc miễn phí, chăm sóc sức khỏe hằng năm và hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.

Tuy nhiên, để ổn định lực lượng lao động của Công ty 74 ngày càng vững chắc, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm hơn nữa, hỗ trợ kinh phí xây dựng, tu sửa nhà chỉ huy, nhà trẻ, nhà tập thể của đơn vị và hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Các bộ, ngành liên quan ưu tiên lồng ghép các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ưu đãi vốn vay cho Công ty và người lao động để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, tạo động lực thúc đẩy người lao động của Công ty 74 yên tâm làm việc, tự nguyện gắn bó lâu dài, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ lao động sản xuất, tăng cường quốc phòng, xứng đáng với truyền thống “Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới”, góp phần ổn định cuộc sống, xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, niềm tin với Đảng, Nhà nước, Quân đội của đồng bào các dân tộc trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tá NGUYỄN HỒNG LAM, Giám đốc Công ty
_____________

1 - Trên 24 thôn, làng của 07 xã, thị trấn thuộc 02 huyện Đức Cơ, Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

2 - Hiện nay, Công ty có 600 cặp hộ gắn kết.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.