Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:15 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ là một trong những vấn đề lớn của công tác chính sách sau chiến tranh, luôn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hết sức quan tâm, nên đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm và quy tập được, đòi hỏi các cấp, các ngành, các lực lượng phải tích cực phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa công tác quan trọng này.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, công tác TKQT hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh (chủ yếu là trong chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược) ở các địa bàn trong và ngoài nước đã đạt được kết quả hết sức to lớn. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, cả nước đã quy tập được trên 910.000 hài cốt liệt sĩ, an táng trong gần 3.000 Nghĩa trang Liệt sĩ. Các Nghĩa trang Liệt sĩ được quy hoạch, đầu tư xây dựng và tôn tạo trở thành những công trình văn hoá - tâm linh thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Đồng thời, hệ thống Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở xã, phường được đầu tư xây dựng; nhiều Đài, Bia tưởng niệm gắn với các khu vực diễn ra các trận đánh lớn, nơi có nhiều liệt sĩ hy sinh được các đơn vị, địa phương xây dựng để vừa tưởng nhớ các liệt sĩ, vừa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ… Những kết quả đó đã phản ánh quan điểm, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta; thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sĩ. Trong thực hiện nhiệm vụ TKQT hài cốt liệt sĩ, các đơn vị quân đội (nhất là các đội công tác chuyên trách), nhiều cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, hiểm nguy (hàng trăm đồng chí bị thương, bị bệnh, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ) để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, được nhân dân ta ghi nhận, đánh giá cao; nhiều tập thể và cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tuy nhiên, công tác TKQT hài cốt liệt sĩ còn gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên kết quả đạt được chưa như mong muốn. Theo số liệu tổng hợp, hiện nay còn khoảng gần 240.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm được để đưa vào các Nghĩa trang; có khoảng trên 300.000 mộ có trong Nghĩa trang, nhưng còn thiếu thông tin. Công tác báo tin mộ liệt sĩ có đủ danh tính trong Nghĩa trang, quản lý và báo tin nơi an táng ban đầu của liệt sĩ chưa được tiến hành kịp thời, chưa sâu rộng và còn thủ công. Thời gian trôi đi, nỗi khát khao cháy bỏng chờ mong được biết thông tin về nơi hy sinh, sự thôi thúc của thân nhân về tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ lớn dần, bức xúc hơn; ngày càng có nhiều gia đình, nhiều thế hệ trong một gia đình dồn nhiều công sức, tiền của tự đi tìm kiếm phần mộ liệt sĩ. Họ dựa vào các tổ chức (chủ yếu là các đơn vị quân đội), vào đồng đội cũ, nhưng gặp không ít khó khăn do thời gian đã lùi xa, địa hình lại có nhiều thay đổi; không ít trường hợp đã tìm đến và tin vào yếu tố tâm linh. Trong khi đó, vấn đề ngoại cảm chưa được đánh giá về mặt khoa học để đưa vào sử dụng một cách chính thức đã làm phức tạp thêm công tác TKQT hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ liệt sĩ trong các Nghĩa trang… Vì vậy, TKQT hài cốt liệt sĩ trở thành vấn đề chính trị - xã hội hiện nay; là sự khát khao của thân nhân các liệt sĩ và là vấn đề tâm linh hết sức phức tạp đòi hỏi phải được giải quyết.
Nhằm hình thành các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì xây dựng Đề án TKQT hài cốt liệt sĩ và giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Theo kế hoạch, trong năm 2011, các đề án trên sẽ được phê duyệt; đồng thời, hình thành hệ thống các văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện để từng bước triển khai sâu rộng ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Để chủ động xây dựng các đề án trên đạt kết quả tốt, đẩy mạnh hơn nữa công tác TKQT hài cốt liệt sĩ, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng và toàn xã hội về công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ; làm tốt công tác tuyên truyền và thực hiện các chính sách đối với thân nhân liệt sĩ. TKQT hài cốt liệt sĩ để đưa vào các Nghĩa trang là chủ trương, yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã, đang giao cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp thực hiện, được cả xã hội đồng tình và phù hợp với nguyện vọng của thân nhân các liệt sĩ. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và theo phân công, phân cấp, cấp uỷ, người chủ trì các đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng có liên quan, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành; đánh giá đúng thực trạng tình hình, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác TKQT hài cốt liệt sĩ; đề xuất mục tiêu, các giải pháp cần tiến hành ở đơn vị, địa phương qua từng giai đoạn và kiến nghị với cấp trên về chủ trương, cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện. Các cấp thường xuyên quan tâm, thực hiện chu đáo các chính sách đối với thân nhân gia đình liệt sĩ; rà soát, bổ sung các quy định, quy chế hỗ trợ kịp thời thân nhân liệt sĩ có nguyện vọng thăm viếng, di chuyển phần mộ liệt sĩ về quê quán, nhất là định hướng tư tưởng, hỗ trợ về thông tin, bảo đảm sinh hoạt và đi lại, chia sẻ những khó khăn đối với thân nhân đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần làm rõ hơn chủ trương của Đảng và Nhà nước ta, trách nhiệm và quyết tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị quân đội đã và đang thực hiện nhiệm vụ TKQT hài cốt liệt sĩ; chia sẻ, phản ánh những nhu cầu thông tin của các gia đình liệt sĩ, góp phần định hướng dư luận xã hội, biểu dương kịp thời những tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện công tác này. Mặt khác, cần tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, quản lý và ứng xử phù hợp những vấn đề nhạy cảm đang có chiều hướng gia tăng trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, lạm dụng yếu tố tâm linh để trục lợi, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội và làm phức tạp thêm tình hình.
Hai là, chủ động khai thác, kết nối và xử lý tốt các nguồn thông tin của các tổ chức, cá nhân (trước hết là thông tin lưu trữ của các cơ quan chức năng) phục vụ cho công tác TKQT hài cốt liệt sĩ, trong đó trọng tâm là hoàn thiện danh sách liệt sĩ có nơi hy sinh và an táng ban đầu, kiện toàn hồ sơ, sơ đồ mộ chí và giải mã ký hiệu, phiên hiệu các đơn vị trong chiến tranh. Đây là nhóm giải pháp trọng tâm, cơ sở trực tiếp, thiết thực cho công tác TKQT hài cốt liệt sĩ cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tập trung bổ sung, hoàn thiện cơ sở dữ liệu liệt sĩ trên cơ sở cập nhật thông tin quản lý, lưu trữ ban đầu của các đơn vị quân đội; tích hợp với hệ dữ liệu về liệt sĩ đang quản lý và thực hiện chính sách, hệ dữ liệu về mộ trong các Nghĩa trang Liệt sĩ. Thông qua đó, tiến hành so sánh, đối chiếu, xác định các trường hợp đã được quy tập, có đầy đủ danh tính, các khu vực còn tập trung nhiều phần mộ liệt sĩ chưa được quy tập; đồng thời, tiếp tục tập hợp, trích lục và bàn giao hồ sơ, sơ đồ mộ chí trong chiến tranh cho các địa phương và tra cứu thông tin ngược, bổ sung cập nhật hài cốt liệt sĩ của đơn vị đã được tiến hành TKQT. Các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Quốc phòng về giải mã ký hiệu, phiên hiệu các đơn vị quân đội; từng bước công bố kết quả giải mã trên các phương tiện truyền thông; đồng thời, cung cấp thông tin cho thân nhân liệt sĩ về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu và kết nối cổng thông tin điện tử phục vụ rộng rãi cho công tác TKQT và gia đình liệt sĩ biết được đơn vị nơi thân nhân của mình đã từng chiến đấu và công tác trước khi hy sinh cũng như vùng địa bàn an táng liệt sĩ. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị căn cứ vào các sử liệu truyền thống, nhật trình tác chiến, hồi ký của lãnh đạo, chỉ huy và ban liên lạc Cựu chiến binh của đơn vị mình qua các thời kỳ chiến tranh để tiếp tục bổ sung danh sách liệt sĩ, giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị, xác lập lại địa bàn, số lượng liệt sĩ hy sinh, nhất là các chiến dịch, các trận đánh lớn, các trạm phẫu, bệnh xá và khu vực chôn cất nhiều liệt sĩ cũng như xác định vị trí an táng của từng liệt sĩ. Các đơn vị, địa phương phát huy vai trò của những người cao tuổi, cựu chiến binh, già làng đã từng sống, chiến đấu, công tác lâu năm trên địa bàn, giúp định hướng các vùng, địa bàn có thể còn hài cốt liệt sĩ cần phải tổ chức khảo sát, tìm kiếm. Đồng thời, chủ động, có kế hoạch khai thác thông tin của những tổ chức, cá nhân đã từng tham gia chế độ cũ, đối phương từng ở bên kia chiến tuyến, nhất là thông tin về các khu vực mộ tập thể; có giải pháp quản lý và sử dụng các nhà ngoại cảm có khả năng thực sự vào một số khâu, ở một số thời điểm phù hợp trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Những nguồn thông tin đã được kiểm chứng, cần tổ chức tiến hành khảo sát, quy tập, an táng kịp thời và tổ chức lưu trữ chặt chẽ; phát huy sâu rộng hơn nữa vai trò của các tổ chức nghiệp vụ, các phương tiện thông tin ở cơ sở trong việc báo tin mộ có danh tính trong Nghĩa trang Liệt sĩ...
Ba là, quy định cụ thể trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương phù hợp với tình hình mới; kết hợp kiện toàn lực lượng chuyên trách với phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ TKQT hài cốt liệt sĩ. Dưới sự quản lý và chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, cần nghiên cứu, đề xuất, phân công rõ hơn trách nhiệm của các bộ, ngành Trung ương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ TKQT hài cốt liệt sĩ và quản lý mộ, Nghĩa trang Liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; thống nhất phân công, phân cấp từ Trung ương đến cơ sở, vừa bảo đảm tập trung, chuyên sâu, vừa tạo ra cơ chế phối hợp tốt trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở các quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp thống nhất chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác TKQT và quản lý mộ, Nghĩa trang Liệt sĩ; xử lý các vướng mắc phát sinh trên địa bàn. Cơ quan chuyên môn các cấp cần chủ động, nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý tình hình có liên quan, đề xuất các giải pháp khả thi, chỉ đạo các hoạt động nghiệp vụ sát thực tiễn, đẩy mạnh công tác TKQT hài cốt liệt sĩ; tiếp tục kiện toàn các đội chuyên trách làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào, Cam-pu-chia phù hợp tình hình mới trên cơ sở tổng kết nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ ở Lào (từ năm 1994) và ở Cam-pu-chia (từ năm 2001). Cùng với đó, cần nghiên cứu đề xuất tổ chức lực lượng chuyên trách ở một số đơn vị, địa phương làm nhiệm vụ TKQT hài cốt liệt sĩ ở trong nước, ở vùng địa bàn dự kiến còn nhiều hài cốt liệt sĩ; tổ chức các bộ phận lâm thời và tăng cường lực lượng cho cơ quan chính sách các cấp trong một số năm tới để tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu, xử lý thông tin, hướng dẫn và làm nòng cốt trong công tác TKQT hài cốt liệt sĩ, trước hết là ở một số đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các đơn vị chủ lực tham gia chiến đấu nhiều năm trên các chiến trường có số lượng lớn liệt sĩ. Các đơn vị tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trách nhiệm chính trị, thái độ ứng xử, tinh thần tận tụy, trung thực, tâm huyết, trình độ nghiệp vụ và kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời, có chính sách đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác TKQT hài cốt liệt sĩ. Cùng với việc các lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, làm tốt công tác tuyên truyền, cần có cơ chế, chính sách phù hợp để động viên Cựu chiến binh và các lực lượng khác trong và ngoài quân đội tham gia cung cấp, xử lý thông tin, phối hợp trong công tác TKQT hài cốt liệt sĩ. Trên cơ sở quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá của dân tộc, thực hiện hợp tác quốc tế, chọn lọc, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước từng trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài trong việc giải quyết hậu chiến, như vấn đề quân nhân mất tích trong chiến tranh, về giải quyết chính sách đối với thân nhân và gia đình họ; những kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình tưởng niệm, các hoạt động tưởng niệm…
Bốn là, tăng cường bảo đảm về trang bị, phương tiện và kinh phí cho công tác TKQT hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Trong thời gian qua (nhất là những năm gần đây), Nhà nước ta luôn ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất và tạo điều kiện mọi mặt cho công tác TKQT hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, tình hình mới đặt ra yêu cầu cao hơn, phải tập trung bảo đảm tốt hơn về trang bị, phương tiện, kinh phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để công tác này có những bước đột phá trong thời gian từ nay đến năm 2015, làm cơ sở thực hiện cho những năm tiếp theo. Theo đó, cần ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và hệ thống dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, từng bước kết nối mạng điện tử phục vụ các gia đình liệt sĩ, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu; bổ sung, sửa đổi các nội dung và định mức chi phục vụ tốt hơn cho công tác sưu tầm, tổ chức hội thảo, thu thập và xử lý các thông tin có liên quan; bổ sung các trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác TKQT; bảo đảm tốt hơn các phương tiện đi lại, sinh hoạt, các thiết bị kỹ thuật mới cho các cơ quan chuyên môn và lực lượng chuyên trách công tác TKQT hài cốt liệt sĩ; nâng mức chi phí cho những người dẫn đường và tham gia thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm; đồng thời, có chính sách hỗ trợ kịp thời, thoả đáng cho thân nhân gia đình liệt sĩ chưa có thông tin khi họ tự tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Gắn với bảo đảm cho công tác TKQT, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư kinh phí phục vụ cho công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, phát triển mạnh các cơ sở và nguồn nhân lực giám định gen; hiện đại hoá công tác quản lý mộ liệt sĩ; tiếp tục tôn tạo hệ thống Nhà bia liệt sĩ và nâng cấp các Nghĩa trang Liệt sĩ. Cùng với chính sách của Nhà nước, cần huy động mọi khả năng ngân sách của các địa phương, động viên mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần các gia đình liệt sĩ và những người có công trên địa bàn.
Đại tá, TS. TRẦN VĂN MINH
Phó Cục trưởng Cục Chính sách
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc