Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 07/02/2013, 10:21 (GMT+7)
Tập đoàn Viễn thông Quân đội với Đề án tái cơ cấu đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020
Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) đã xác định: tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong quá trình tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế nước ta. Để góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã hoàn thànhĐề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. 
 
 
Tháng 12 năm 2009, Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) trên cơ sở tổ chức lại Tổng công ty Viễn thông Quân đội. Qua hơn 20 năm xây dựng, Tổng công ty Viễn thông Quân đội, nay là Viettel đã có những bước phát triển vượt bậc trên hầu hết các lĩnh vực, trở thành doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng; giữ vai trò dẫn dắt, kích thích thị trường; đi đầu về trình độ công nghệ, quản lý doanh nghiệp; tiên phong trong hội nhập quốc tế và trong nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao. Với tốc độ tăng trưởng gấp 5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP (chủ trương của Đảng đặt ra là 2 lần), Viettel đã góp phần tạo nên hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam đạt mức cao nhất so với các nước đang phát triển và tiệm cận với nhóm các nước phát triển. Trong hơn 10 năm qua, Viettel luôn giữ được mức doanh thu và lợi nhuận cao, đặc biệt trong 4 năm (2004 - 2008), tốc độ tăng trưởng của Tập đoàn năm sau cao gấp đôi năm trước. Kể từ khi chính thức tham gia thị trường viễn thông (năm 2000) đến hết quý 3-2012, vốn điều lệ của Tập đoàn tăng từ 2,3 tỷ đồng lên 54.000 tỷ đồng (tăng 22 nghìn lần); doanh thu tăng từ 53 tỷ đồng lên 140.000 tỷ đồng (tăng 2,6 nghìn lần) và lợi nhuận tăng từ 1 tỷ đồng lên 24.000 tỷ đồng (tăng 24 nghìn lần). Những năm gần đây, năng suất lao động bình quân của Viettel tăng trung bình không dưới 20%/năm, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn duy trì trên 40% (cao hơn rất nhiều so với các công ty viễn thông tư nhân hay nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam). Với các bước phát triển mạnh mẽ đó, so với các công ty quốc tế, Viettel đứng thứ 80 về doanh thu nhưng đứng thứ 30 về lợi nhuận, trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông phát triển nhanh nhất thế giới.
Ảnh minh họa

Là một doanh nghiệp quân đội, Viettel luôn quán triệt sâu sắc quan điểm kinh tế kết hợp với quốc phòng, an ninh của Đảng vào hoạt động thực tiễn của mình. Bên cạnh việc phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, mạng viễn thông của Viettel còn là mạng dự phòng của Quân đội. Cùng với đó, Viettel còn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nghiên cứu, sản xuất các thiết bị quân sự phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Những sản phẩm do Viettel nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất đã được Bộ Quốc phòng đánh giá cao, đã qua kiểm nghiệm thực tiễn và được đưa vào trang bị cho nhiều đơn vị trong toàn quân.

Với triết lý “Cho trước nhận sau” và nhận thức “Nền tảng cho một doanh nghiệp phát triển là xã hội”, Viettel luôn gắn chiến lược kinh doanh với bảo đảm an sinh xã hội, gắn sản xuất, kinh doanh (SX,KD) với phát triển kinh tế biển, xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển đi đôi với việc chủ động xây dựng ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, CNTT và hội nhập quốc tế. Nói cách khác, việc giải quyết tốt các mối quan hệ này là nguyên nhân giúp cho Viettel phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, DNNN nói chung, Viettel nói riêng đang đứng trước những khó khăn và thách thức hết sức gay gắt. Vì vậy, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng trên đây, song chưa bao giờ Viettel chủ quan, bằng lòng với mình. Quan điểm xuyên suốt của Viettel là chủ động thay đổi trước khi phải thay đổi. Trên thực tế, Viettel thường xuyên, liên tục tái điều chỉnh chiến lược, mô hình tổ chức để phát triển và thích ứng với yêu cầu mới. Sau khi có Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 17-01-2012 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, Đảng ủy và Ban Giám đốc Tập đoàn đã khẩn trương xây dựng “Đề án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020”. Đến nay, Đề án đã được xây dựng hoàn chỉnh với quan điểm tổng quát, tiếp tục khẳng định Viettel là bộ phận của kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vai trò chủ đạo đó phải được thể hiện trên các mặt: đi đầu trong thực hiện chủ trương của Đảng; thực hiện vai trò dẫn dắt, kích thích thị trường; tiên phong trong hội nhập quốc tế; đi đầu về trình độ công nghệ, quản trị doanh nghiệp; tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển, thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ cao; khắc phục các khiếm khuyết của thị trường; giữ vững tốc độ, năng suất, hiệu quả; kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh. Về SX,KD, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển ngành nghề kinh doanh chính, xác định thị trường trong nước là cốt lõi để mở rộng hoạt động ra toàn cầu; đồng thời, mở rộng, phát triển các ngành kinh doanh có liên quan (nhưng đảm bảo cơ cấu ngành và cơ cấu vốn không vượt quá 30% so với ngành kinh doanh chính) nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển ngành nghề mới và hỗ trợ cho ngành kinh doanh chính. Về tổ chức doanh nghiệp, Viettel tiếp tục áp dụng mô hình, cơ cấu tổ chức quản lý gồm Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc, không có hội đồng thành viên hay chủ tịch công ty; đồng thời, khẳng định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt hoạt động của Tập đoàn. Trong quá trình hoạt động, Công ty mẹ (Tập đoàn) trực tiếp thực hiện hoạt động SX,KD nhưng đồng thời thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng và kiểm soát chặt chẽ các đơn vị thành viên thông qua chiến lược, tài chính, nhân sự cấp cao, đầu tư, mua sắm, khoa học - công nghệ và định hướng đào tạo. Để thực hiện vai trò đó, Tập đoàn hình thành các tổ chức trực thuộc Công ty mẹ trực tiếp điều hành kinh doanh và phát triển hạ tầng mạng lưới trên toàn cầu. Về phương thức điều hành, Viettel sử dụng mô hình trực tuyến - ma trận, tổ chức bộ máy điều hành kinh doanh và kỹ thuật trên toàn cầu. Các công ty, đơn vị của Tập đoàn được tổ chức tinh gọn và có sự liên kết chặt chẽ để cùng tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm.

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn và dự báo các khả năng, trong Đề án, Tập đoàn đề ra định hướng, chỉ tiêu phát triển đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đối với hai nhiệm vụ chủ yếu, đó là nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ SX,KD. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của Tập đoàn), Tập đoàn tiếp tục xác định hạ tầng mạng lưới của Viettel vừa là mạng viễn thông quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa là mạng thông tin quân sự vu hồi trong cả thời chiến và thời bình; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất và sửa chữa các trang bị, khí tài thông tin quân sự. Đối với nhiệm vụ SX,KD, Tập đoàn sẽ phát triển viễn thông trong nước và nước ngoài, sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông... và đầu tư bất động sản. Trong các ngành nghề đó, hai ngành nghề SX,KD chính là viễn thông (bao gồm cả viễn thông trong nước và nước ngoài) và sản xuất thiết bị điện tử viễn thông chiếm không dưới 70% tổng vốn đầu tư. Và để phát triển SX,KD, Tập đoàn sẽ mở rộng khái niệm viễn thông sang các lĩnh vực: nội dung số, ứng dụng CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, kết hợp cung cấp dịch vụ với thiết bị đầu cuối... Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015 được Tập đoàn xác định cụ thể, trong đó, vốn điều lệ là: 100.000 - 120.000 tỷ đồng; tổng doanh thu: 200.000 - 240.000 tỷ đồng; nộp ngân sách: 18.000 - 20.000 tỷ đồng; năng suất lao động: 5-6 tỷ đồng/người/năm và thu nhập bình quân là 18 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh phát triển SX,KD và thực hiện các mục tiêu chiến lược vừa phục vụ phát triển kinh tế đất nước, vừa thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, Viettel đề nghị Chính phủ điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 50.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.

Về mô hình tổ chức của Tập đoàn đến năm 2015 gồm có: Ban Tổng giám đốc và các phòng, ban chức năng - Khối các đơn vị hạch toán phụ thuộc - Khối các công ty con1 và Khối công ty liên kết2.

Về chủ trương cổ phần hóa, hiện tại, Viettel đã thực hiện cổ phần hóa Tổng Công ty cổ phần Bưu chính, Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế, Công ty cổ phần Công trình và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế. Sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế, Tập đoàn sẽ tiếp tục cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Dịch vụ Viettel.

Ngoài ra, Tập đoàn thực hiện chấm dứt tư cách pháp nhân đối với Công ty Thông tin viễn thông điện lực và dự kiến đến năm 2015, thoái vốn khỏi các công ty liên kết (thoái vốn khỏi 5 doanh nghiệp).

Để hiện thực hóa Đề án nói trên, Viettel đã kiến nghị, đề xuất với Chính phủ một số vấn đề:

Một là, tiếp tục cho Viettel thực hiện thí điểm cơ cấu tổ chức quản lý gồm Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc như hiện nay. Vì tổ chức như vậy sẽ vừa đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp quân đội. Đó là sự khác biệt so với các DNNN khác, nhưng nó đã và sẽ tiếp tục mang lại thành công cho Viettel.

Hai là, Chính phủ cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, rõ ràng để quản lý, theo dõi đánh giá, cảnh báo hiệu quả SX,KD của các DNNN, đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt cho các doanh nghiệp. Cùng với bộ tiêu chí này, Chính phủ cũng cần xây dựng cơ chế chính sách, quy trình, quy chế cụ thể, minh bạch về tuyển chọn, đào tạo, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ba là, Chính phủ tiếp tục định hướng cho các DNNN kinh doanh những lĩnh vực chính, bên cạnh đó cho phép các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh sang ngành kinh doanh liên quan, nhưng phải đảm bảo tỷ trọng về cơ cấu ngành nghề cũng như cơ cấu vốn đầu tư trong và ngoài ngành kinh doanh chính không thấp hơn tỷ lệ 70/30.

Bốn là, Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài và đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Năm là, cho Viettel thí điểm đổi tên 2 công ty hạch toán phụ thuộc thành 2 tổng công ty hạch toán phụ thuộc Tập đoàn để việc quản trị, hạch toán tài chính tập trung, tránh thất thoát và để tăng cường kiểm soát dòng tiền; đồng thời, phân cấp việc điều hành toàn cầu, trực tiếp điều hành hoạt động SX,KD và phát triển hạ tầng mạng lưới viễn thông cả ở trong nước và ở nước ngoài.

Sáu là, cho phép doanh nghiệp được chi trả lương theo cơ chế thị trường trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu chủ yếu theo quy định (lợi nhuận, tốc độ tăng năng suất lao động, tốc độ tăng tiền lương…) để khuyến khích người lao động và nâng cao kết quả, hiệu quả SX,KD của doanh nghiệp.

Từ thực tiễn trên con đường phát triển của mình, Viettel đã rút ra được nhiều bài học bổ ích. Đó là các bài học: tổ chức quản lý, ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác quản lý, điều hành, giám sát; đảm bảo ổn định trong thay đổi và thích ứng nhanh; công tác cán bộ; đồng thuận, đoàn kết, nhất trí; điều hành nhanh, triệt để; và quan tâm đến người lao động với quan điểm con người là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Những bài học này sẽ được Tập đoàn vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới, thử thách mới và chúng sẽ là cơ sở quan trọng để Viettel thực hiện thành công Đề án trên trong tương lai.
 
ĐỨC LÊ
 
                  
1 - Gồm 5 doanh nghiệp do Viettel sở hữu 100% vốn điều lệ và 4 doanh nghiệp do Viettel sở hữu trên 50% vốn điều lệ.
2 - Do Viettel sở hữu dưới 50% vốn điều lệ.
 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.