Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 28/12/2023, 08:09 (GMT+7)
Tăng cường phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quan trong kiểm soát tại cửa khẩu, cảng biển

Bộ đội Biên phòng và Hải quan là lực lượng quản lý nhà nước chuyên ngành tại các cửa khẩu, thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, phương tiện, hàng hóa, vật phẩm xuất, nhập qua cửa khẩu. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu, rộng hiện nay, việc tăng cường phối hợp công tác giữa hai lực lượng, nhất là tại các cửa khẩu, cảng biển càng trở nên cấp thiết.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tại các cửa khẩu, cảng biển, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu chủ trì, phối hợp với Hải quan thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; lực lượng Hải quan chủ trì, phối hợp với Biên phòng cửa khẩu thực hiện thủ tục, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp, nhiều áp lực, thường xuyên phải đối mặt với các thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội, gian lận thương mại qua biên giới, đòi hỏi sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ của hai lực lượng quan trọng này.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, hai bên đã phối hợp nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác biên phòng, hải quan1. Tích cực trao đổi thông tin, tài liệu về thực hiện công tác biên phòng, hải quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất, nhập cảnh và xuất, nhập khẩu,... ở các cửa khẩu, cảng biển; góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện công tác đối ngoại ở cửa khẩu, cảng biển. Đặc biệt, hai lực lượng đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, tạo thuận lợi để đất nước tiếp tục hội nhập quốc tế sâu, rộng, thúc đẩy mở rộng giao thương, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nổi lên là: công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác biên phòng, hải quan có mặt hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp theo sát tình hình thực tiễn; công tác chỉ huy, chỉ đạo, trao đổi thông tin, tình hình chưa thường xuyên, kịp thời, có nội dung chưa chặt chẽ, thống nhất. Khi tổ chức triển khai hoạt động chung, việc phân công nhiệm vụ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp có nội dung chưa cụ thể, rõ ràng, còn chồng chéo; công tác phối hợp triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN có nội dung còn chậm, v.v. Những hạn chế nêu trên nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây cản trở lớn đến công tác kiểm soát, thông quan qua biên giới, thậm chí để sót, lọt tội phạm, hành vi gian lận thương mại,... tại các cửa khẩu, cảng biển, tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước. Vì vậy, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường phối hợp giữa các lực lượng nói chung, giữa Bộ đội Biên phòng với Hải quan trong kiểm soát, thông quan tại các cửa khẩu, cảng biển nói riêng là vấn đề đặt ra cấp thiết. Phạm vi bài viết đề cập một số giải pháp cơ bản về vấn đề này để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Một là, nâng cao chất lượng nghiên cứu tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về biên phòng, hải quan. Theo đó, hai bên tiếp tục thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện và định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết các chuyên đề, kế hoạch công tác lớn của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính về công tác biên phòng, hải quan. Khi phát hiện những bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về biên phòng, hải quan, cần chủ động trao đổi trực tiếp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản; từ đó, thống nhất tham mưu với bộ chủ quản bổ sung, điều chỉnh kịp thời. Nếu vấn đề liên quan đến thực hiện chức năng quản lý nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương có cửa khẩu, cảng biển thì hai bên bàn bạc, thống nhất trước. Sau đó, vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của bên nào thì bên đó chủ trì tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết. Trước mắt, hai lực lượng phối hợp rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy chế số 3929/QC-BĐBP-TCHQ, ngày 04/9/2019 về phối hợp hoạt động giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan, phù hợp với Luật Biên phòng Việt Nam, các nghị định của Chính phủ mới ban hành (Nghị định số 106/2021/NĐ-CP, ngày 06/12/2021 Quy định chi tiết một số điều Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định số 02/2021/NĐ-CP, ngày 02/12/2021 Quy định quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của Bộ đội Biên phòng) và những cơ chế, chính sách mới của Nhà nước về công tác biên phòng, hải quan.

Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh ký kết Kế hoạch phối hợp hoạt động giữa hai đơn vị. Ảnh: baoquangngai.vn

Hai là, nâng cao hiệu quả phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu gắn với thực hiện thống nhất cơ chế chỉ huy, chỉ đạo. Trên cơ sở quy chế phối hợp đã ký kết, hai lực lượng tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nếu bên nào nhận được thông tin, tài liệu về tội phạm, vi phạm pháp luật, vụ việc có liên quan đến địa bàn, chức năng, nhiệm vụ thì phải kịp thời thông báo cho nhau để bên có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Trường hợp đột xuất hoặc khi tình hình phức tạp, cấp bách, hai bên chủ động thông báo ngay bằng hình thức thích hợp để phối hợp xử lý. Các thông tin, tài liệu trao đổi phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, yêu cầu phối hợp và quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước cũng như công tác bảo mật của từng lực lượng.

Để xử lý kịp thời, hiệu quả thông tin, tài liệu được trao đổi, hai bên cần thực hiện thống nhất cơ chế chỉ huy, chỉ đạo tương ứng của từng lực lượng. Theo đó, ở cấp Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tổng cục Hải quan thống nhất đầu mối thường trực là Cục Cửa khẩu và Cục Điều tra chống buôn lậu; ở cấp tỉnh là bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố) và cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở cấp cơ sở là các đồn Biên phòng, ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng biển, chi cục Hải quan, đội kiểm soát Hải quan và tương đương. Việc phối hợp chỉ huy, chỉ đạo được thực hiện thống nhất từ khâu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện nhiệm vụ đến sơ kết, tổng kết, báo cáo đánh giá kết quả.

Ba là, tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định. Việc phối hợp tuần tra, kiểm soát phải theo kế hoạch, lực lượng chủ trì soạn thảo gửi cho bên phối hợp tham gia ý kiến, hoàn chỉnh và trình cấp có thẩm quyền hai bên phê duyệt; kết quả tuần tra, kiểm soát phải được thống nhất báo cáo lãnh đạo cấp trên của hai bên. Đối với vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cả hai bên về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trong địa bàn kiểm soát hải quan thì cơ quan Hải quan chủ trì chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan hàng hóa, phương tiện, chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép. Khi tình huống khẩn cấp, truy đuổi, dừng tàu, thuyền, đối tượng bỏ trốn, tiêu hủy tang vật hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng,... cần sự phối hợp kịp thời ngăn chặn thì người chỉ huy bên chủ trì điều tra, xử lý vụ việc có thể trao đổi trực tiếp hoặc qua thông tin liên lạc nhanh nhất, đề nghị người chỉ huy bên phối hợp khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện, biện pháp phối hợp, sau đó gửi bổ sung văn bản đề nghị. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng thống nhất, quyết định phối hợp với cơ quan Hải quan đồng cấp trong tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật có tính chất đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương, có yếu tố nước ngoài, các chuyên án, chuyên đề lớn, v.v.

Bốn là, phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN gắn với chuyển đối số quốc gia. Lực lượng Biên phòng và Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg, ngày 26/9/2018 của Chính phủ “Về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018 - 2020”. Trong đó, chú trọng thực hiện đầy đủ các danh mục thủ tục hành chính của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh (12 thủ tục biên phòng điện tử tại cửa khẩu cảng), xuất khẩu, nhập khẩu được triển khai thông qua Cơ chế một cửa quốc gia nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người, phương tiện xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Để thực hiện tốt mục tiêu của “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ, các lực lượng cần đẩy mạnh ứng dụng dữ liệu dân cư, thực hiện tự động hóa, số hóa trong kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, xuất khẩu, nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển.

Năm là, xây dựng lực lượng kiểm soát cửa khẩu tinh, gọn, mạnh, chính quy, hiện đại, liêm chính, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Để nâng cao hiệu quả phối hợp thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần xây dựng các đơn vị Biên phòng cửa khẩu “tinh, gọn, mạnh”, cơ quan Hải quan “chính quy, hiện đại, liêm chính”. Muốn vậy, cùng với quán triệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của trên về xây dựng lực lượng, hai bên tiếp tục phối hợp trong công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thông qua các hình thức, như: tổ chức tập huấn, cử cán bộ tham gia đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ; cung cấp tài liệu, giáo trình, hỗ trợ các trang thiết bị, phương tiện cho giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm thông báo kịp thời cho nhau về dấu hiệu, hành vi tiêu cực, làm ngơ, bao che, tiếp tay hoặc có hành vi trực tiếp vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, chiến sĩ để có biện pháp giáo dục, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng và Hải quan tại các cửa khẩu, cảng biển có ý nghĩa quan trọng, thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại tá, TS. TRẦN VĂN HIẾU
_______________

1 - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Quyết định số 255/QĐ-TTg, ngày 04/02/2016 phê duyệt cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 49/2017/TT-BQP, ngày 08/3/2017 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 10/2016/QĐ-TTg, ngày 03/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử cảng biển, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.