Thứ Năm, 24/04/2025, 22:53 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn là chủ trương lớn, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, không ít vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Khu vực biên giới nước ta có 1.077 xã, phường, thuộc 228 huyện, thị xã, với dân số trên 08 triệu người. Đây là địa bàn “phên giậu” Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh. Nhận thức rõ điều đó, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, quan tâm đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Song, do đặc điểm địa lý và tính chất đặc thù, nên địa bàn này còn nhiều khó khăn; kinh tế, xã hội chậm phát triển, hệ thống chính trị ở cơ sở mỏng, yếu; tỉ lệ hộ đói nghèo cao, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào còn thấp. Không những thế, đây là trọng điểm mà các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng hoạt động, chống phá, tiềm ẩn yếu tố phức tạp, gây mất ổn định an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, v.v.
Trước thực tế đó, tháng 8-1998, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thống nhất với tỉnh ủy (thành ủy) 32 tỉnh (thành phố) biên giới về chủ trương tăng cường cán bộ Bộ đội Biên phòng (sau đây gọi tắt là cán bộ Biên phòng) cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn. Theo đó, mỗi xã biên giới thuộc diện này được tăng cường một cán bộ Biên phòng trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn; đồng thời, tạo cơ sở cho quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là chủ trương thể hiện sự sáng tạo, đột phá của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong việc cụ thể hóa thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg, ngày 28-3-1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh các xã, phường biên giới, hải đảo”, Nghị quyết 150/ĐU-QSTW, ngày 01-8-1998 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Quân đội tham gia lao động phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn chiến lược, biên giới, hải đảo”.
Để việc triển khai đạt hiệu quả, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các cấp phối hợp với các địa phương biên giới tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân các xã biên giới, cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng về chủ trương này, tạo sự thống nhất về quan điểm, đồng thuận trong thực hiện. Mặt khác, chủ động xây dựng kế hoạch, lựa chọn cán bộ và triển khai xây dựng các quy chế, quy định để tổ chức thực hiện. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo nghiên cứu, nắm tình hình từng tuyến biên giới, từng địa bàn, để sắp xếp cán bộ tăng cường cho phù hợp; đồng thời, phối hợp với các địa phương tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, rút kinh nghiệm, giải quyết những vướng mắc trong thực hiện ở các cấp, v.v.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, qua 15 năm thực hiện, Bộ Tư lệnh đã lựa chọn, tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ cho các xã biên giới thuộc 32 tỉnh (thành phố). Từ thực tiễn hoạt động, nhiều cán bộ Biên phòng tăng cường đã được địa phương tín nhiệm bố trí hoặc chỉ định giữ các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền cấp xã, như: phó bí thư đảng ủy, bí thư đảng ủy; phó chủ tịch, chủ tịch ủy ban nhân dân xã…, mở ra một hướng phát triển mới trong thực hiện chủ trương này. Riêng năm 2014, có 337 cán bộ Biên phòng tăng cường cho 323 xã biên giới đặc biệt khó khăn; trong đó, có 247 đồng chí giữ 296 chức danh trong cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiêu biểu có: 11 đồng chí là huyện ủy viên; 12 đồng chí là bí thư, 208 đồng chí là phó bí thư đảng ủy xã; 06 đồng chí là chủ tịch và 05 đồng chí là phó chủ tịch ủy ban nhân dân xã.
Trước nhiệm vụ mới, mặc dù còn không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhưng đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường đã phát huy tốt vai trò, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu và trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng địa bàn vững mạnh, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực ở địa bàn khu vực biên giới; qua đó, được cấp ủy, chính quyền tín nhiệm, nhân dân tin yêu. Hệ thống chính trị ở các xã biên giới có cán bộ Biên phòng tăng cường được củng cố, kiện toàn một bước, chất lượng hoạt động được nâng lên1. Qua tham mưu, đề xuất của cán bộ Biên phòng tăng cường, các địa phương đã phát triển được 17.228 đảng viên, trong đó có hàng trăm đảng viên là người dân tộc thiểu số; xóa 572 thôn, bản “trắng” tổ chức đảng, đảng viên; củng cố 5.955 lượt tổ chức quần chúng; phát hiện, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng 2.975 lượt cán bộ cấp xã và 5.124 lượt cán bộ cấp thôn, bản, v.v. Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường cũng chủ động tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền các xã biên giới và các đồn Biên phòng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục, xây dựng các mô hình giúp dân xóa đói, giảm nghèo, v.v. Đồng thời, có nhiều chủ trương, biện pháp củng cố thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào: quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh, trật tự thôn, bản; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới2. Qua đó, góp phần xây dựng khu vực biên giới ổn định về chính trị, kinh tế có bước phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, đưa 101 xã từ mức yếu, kém lên trung bình và 192 xã từ trung bình lên mức khá về kinh tế - xã hội, v.v.
Từ kết quả trên có thể khẳng định, việc tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã biên giới là chủ trương đúng, phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Một mặt, kịp thời giúp giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xây dựng địa phương biên giới vững mạnh toàn diện, đặc biệt là ở những địa bàn khó khăn, phức tạp; mặt khác, là biện pháp quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện còn không ít tồn tại, khó khăn, vướng mắc và vấn đề nảy sinh cần giải quyết, đó là: việc triển khai thực hiện chủ trương này ở một số nơi còn lúng túng; một số địa phương chưa tạo được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền, nhất là khi cán bộ Biên phòng tăng cường về giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở; chưa có sự thống nhất trong thực hiện chế độ sinh hoạt đảng, chính quyền, về quản lý hành chính, đánh giá, nhận xét cán bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ Biên phòng tăng cường; việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ tăng cường có nơi chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự ổn định lâu dài (đây là vấn đề cần coi trọng để hạn chế xáo trộn khi cán bộ tăng cường giữ chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền), chất lượng có mặt còn hạn chế, cá biệt còn biểu hiện coi đây là nơi để giải quyết quân số dôi dư, v.v. Nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nêu trên là do chúng ta chưa có cơ chế, quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể, thống nhất từ Trung ương đến địa phương về thực hiện chủ trương này. Thời gian qua, việc thực hiện mới dựa trên những thống nhất giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với các tỉnh ủy (thành ủy) và giữa đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố), cấp ủy đồn Biên phòng với huyện ủy, đảng ủy xã biên giới theo phân cấp. Bên cạnh đó, có một thực tế nữa là, nhu cầu cán bộ Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới hằng năm khá lớn (trung bình những năm qua khoảng 390 lượt cán bộ/năm), nhưng đối tượng làm nhiệm vụ này được điều động, rút ra từ tổ chức biên chế của các cơ quan, đơn vị (Bộ đội Biên phòng không được bổ sung biên chế) và họ chưa được đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về các lĩnh vực hoạt động của địa phương. Do vậy, một mặt, các cơ quan, đơn vị Bộ đội Biên phòng gặp khó khăn trong việc cân đối quân số, lựa chọn cán bộ có chất lượng, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường cho địa phương, vừa phải đảm bảo không ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm; mặt khác, hiệu quả công tác của cán bộ Biên phòng tăng cường có mặt hạn chế, nhất là khi được giao chức vụ chủ trì ở địa phương, v.v. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần sớm xây dựng, ban hành đồng bộ các quy chế,
quy định, cơ chế, chính sách đối với cán bộ Biên phòng tăng cường, nhất là quy định quản lý về đảng, chính quyền, quy định tiêu chuẩn cán bộ tăng cường, cơ chế đánh giá chất lượng cán bộ hằng năm, quy định về chính sách, cơ chế hỗ trợ cán bộ Biên phòng tăng cường; quy định về vai trò, trách nhiệm của Biên phòng các cấp, của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở, v.v. Cùng với đó, có thể nghiên cứu bổ sung biên chế cho các đồn Biên phòng để thực hiện nhiệm vụ này, cũng như xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tập trung cho số cán bộ Biên phòng tăng cường. Đồng thời, cũng cần giải quyết tốt vấn đề về mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng và cán bộ Biên phòng tăng cường khi họ đảm nhiệm chức danh chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền xã biên giới. Về nguyên tắc, cán bộ Biên phòng tăng cường chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chỉ huy đồn Biên phòng, là cầu nối giữa địa phương và đồn Biên phòng. Tuy nhiên, khi cán bộ tăng cường được cơ cấu giữ chức danh chủ trì trong cấp ủy, chính quyền xã thì mối quan hệ công tác này có sự thay đổi; trong đó, bao hàm cả quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, chịu sự lãnh đạo, chỉ huy và quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác. Đây là vấn đề khó, nảy sinh từ thực tiễn nên cần có văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện và tạo thuận lợi cho cán bộ tăng cường phát huy hết vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tăng thêm sự gắn kết giữa Bộ đội Biên phòng và địa phương, cơ sở.
Xây dựng địa bàn khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa chiến lược, vừa mang tính cấp thiết, vừa lâu dài. Vì thế, việc thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng cho xã biên giới là rất quan trọng; trong đó, cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết thấu đáo những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
NGUYỄN MẠNH TUẤN ____________
1 - Năm 2014, 70% đảng ủy xã biên giới hoàn thành tốt nhiệm vụ; 83% chi bộ ở khu vực biên giới đạt trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2 - Đến nay, 17/25 tỉnh biên giới đất liền đã tổ chức kết nghĩa được 117 cặp cụm dân cư hai bên biên giới.
Tăng cường cán bộ,các xã biên giới
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay 24/04/2025
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo 16/04/2025
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1 14/04/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm 26/03/2025
Bàn về tạo, lập thế trận quân sự trong tác chiến phòng thủ quân khu 20/03/2025
Về tổ chức, sử dụng lực lượng đánh trận then chốt, chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 17/03/2025
Mấy vấn đề về “xây dựng điểm” công tác kỹ thuật toàn quân 13/03/2025
Một số vấn đề về công tác tuyên truyền đặc biệt của Quân đội hiện nay 10/03/2025
Mấy vấn đề về nâng cao hiệu quả đấu tranh của lực lượng tác chiến thông tin, Bộ Tư lệnh 86 28/02/2025
Giải pháp nâng cao chất lượng phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở trong nhà trường Quân đội hiện nay 20/02/2025
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự, bảo vệ Tổ quốc - mấy vấn đề cần quan tâm
Một số vấn đề về đổi mới phương pháp dạy, học của Trường Sĩ quan Lục quân 1
Bàn về sử dụng đặc công nước trong tác chiến bảo vệ biển, đảo
Mấy vấn đề về xây dựng ý chí quyết tâm cho học viên các trường sĩ quan Quân đội hiện nay