Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:32 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), chiến dịch phản công (CDPC) có vai trò hết sức quan trọng, cùng với chiến dịch tiến công quyết định thắng lợi trên chiến trường. Để CDPC giành thắng lợi, một trong những nội dung hết sức quan trọng là phải lập được thế trận chiến dịch có lợi.
Thế trận CDPC được cấu thành bởi tổng thể các yếu tố; trong đó, cốt lõi là bố trí, triển khai lực lượng, thiết bị chiến trường theo kế hoạch, ý định chiến dịch, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, đánh bại quân địch tiến công. Trong CDPC, lập thế trận có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chiến dịch. Đặc điểm của tổ chức thế trận CDPC là thực hiện trong điều kiện địch ở trạng thái tiến công, tình huống biến động nhanh, tác chiến diễn ra khẩn trương, ác liệt; trong quá trình tác chiến, địch sử dụng hỏa lực không quân, pháo binh, tên lửa ngăn chặn, sát thương, tiêu hao lực lượng của ta, kết hợp với đột phá mạnh, đổ bộ đường không (ĐBĐK), vu hồi, tiến công vượt điểm…
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, quân đội ta đã tổ chức nhiều CDPC (chiếm 11% tổng số các loại hình chiến dịch), trong đó có nhiều chiến dịch giành thắng lợi với hiệu quả cao. Điển hình là CDPC Việt Bắc Thu-Đông 1947; CDPC đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti (1967); CDPC Đường 9-Nam Lào (1971)… Trong các chiến dịch đó, đều hình thành hai giai đoạn cơ bản: giai đoạn đầu, địch chủ động tổ chức tiến công; ta tổ chức theo dõi, nghiên cứu địch, xây dựng ý định từng bước tổ chức thế trận phản công; giai đoạn hai, địch đánh chiếm được một số mục tiêu, nhưng lực lượng bị tổn thất buộc phải dừng lại để củng cố; ta đã tạo lập được thế trận mới, triển khai lực lượng giành lại thế chủ động tiến công địch. Nghệ thuật lập thế trận trong các chiến dịch đó thể hiện rõ trong việc ta đã tận dụng địa hình có lợi, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, bí mật triển khai, cơ động lực lượng, hình thành thế trận xen kẽ.
Chiến tranh BVTQ (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của CDPC có vũ khí, trang bị hiện đại, ở trạng thái tiến công, tính biến động cao; quá trình tiến công (bằng đường bộ hoặc ĐBĐK) bị lực lượng vũ trang của ta ngăn chặn, chia cắt, có bộ phận tạm dừng, có bộ phận đang tiến công… Trong khi đó, việc lập thế trận của ta có những khó khăn là: địa bàn rộng, công tác chuẩn bị khẩn trương, điều kiện bảo đảm cơ động lực lượng hạn chế, phải triển khai lượng vật chất kỹ thuật lớn... Vì vậy, việc lập thế trận diễn ra hết sức khẩn trương, phức tạp, từ thế bị động ban đầu ta phải nhanh chóng giành lại thế chủ động, tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ, làm cho địch chuyển thành bị động, lúng túng. Đó vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là yếu tố quan trọng để lập thế trận của CDPC.
Yêu cầu đặt ra đối với thế trận của CDPC là phải dựa vào khu vực phòng thủ (KVPT) địa phương, xây dựng vững chắc, bất ngờ, hiểm hóc và linh hoạt. Bởi lẽ, CDPC diễn ra trong thế tác chiến phòng thủ quân khu hoặc tác chiến chiến lược mà nền tảng là các KVPT thủ tỉnh (thành phố). Trong thời bình, ta có điều kiện chuẩn bị trước một bước cơ bản về thiết bị chiến trường, dự kiến quyết tâm và kế hoạch tác chiến…; trong chiến tranh, có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để lập thế trận phản công. Yêu cầu có tính nguyên tắc của tổ chức thế trận là phải bảo đảm tính vững chắc, liên hoàn, hiểm hóc; thể hiện ở sự liên kết giữa các khu vực, các vị trí, các lực lượng trong KVPT. Muốn thế, phải tận dụng tốt các yếu tố có lợi, nhất là địa hình để xây dựng hệ thống công trình, bố trí lực lượng cài xen với địch và thực hiện đánh sâu, hiểm, rộng khắp. Mặt khác, thế trận đó phải linh hoạt, sẵn sàng chuyển hoá khi tình hình có sự biến đổi. Điều đó sẽ bảo đảm cho các lực lượng vừa đánh địch trước mắt, vừa tạo ra điều kiện thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo hoặc các tình huống đột xuất nảy sinh trong quá trình chiến dịch.
Yêu cầu nữa là việc lập thế trận phải vừa thuận lợi trong triển khai, bố trí lực lượng của ta, vừa lừa địch, dụ địch, đưa được địch vào khu vực dự kiến, hình thành thế trận phản công có lợi nhất. Trong điều kiện mới, mặc dù lực lượng, trang bị, nghệ thuật tác chiến có sự phát triển, nhưng việc tạo lập thế trận vẫn phải quán triệt quan điểm “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”…; thế trận đó được tạo lập theo yêu cầu tập trung lực lượng vào hướng, khu vực, mục tiêu chủ yếu, thời cơ quyết định, tiêu diệt từng bộ phận quan trọng của địch. Đó vừa là nguyên tắc, vừa là quy luật để giành thắng lợi trong tác chiến chiến dịch, nhất là thực hành trận then chốt trong CDPC; đồng thời, cũng là nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Cùng với đó, thế trận chiến dịch phải tận dụng được giá trị của địa hình có lợi, phù hợp với thời tiết và phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia; trong đó, phải đặc biệt chú trọng khai thác, tận dụng những vị trí địa hình thiên hiểm, như: hang động, điểm cao khống chế, đầu mối giao thông… Trên cơ sở đó, tính toán, dự kiến trước các tình huống xảy ra; đồng thời, dựa vào thế trận KVPT được xây dựng trong thời bình (các KVPT then chốt, căn cứ chiến đấu, làng xã chiến đấu…) để xây dựng thế chia cắt, thế bao vây, thế kìm hãm quân địch tiến công hoặc ĐBĐK.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia chiến dịch, thế trận đó phải bảo đảm rộng khắp trên toàn địa bàn chiến dịch; vừa phát huy tốt vai trò của lực lượng tại chỗ trong KVPT để ngăn chặn, sát thương, tiêu hao địch bằng các loại vũ khí, trang bị hiện có, vừa phát huy tốt vai trò của bộ đội chủ lực (tận dụng kết quả, nhanh chóng cơ động vào triển khai đội hình, hình thành thế trận tiến công bất ngờ, hiểm hóc). Hành động tiến công phải kiên quyết, liên tục theo phương châm đánh nhanh, giải quyết nhanh, không cho địch có thời gian xây dựng, củng cố công sự, từng bước giành quyền chủ động trong tác chiến, thực hiện những trận đánh quan trọng, tiêu diệt lớn quân địch để giành thắng lợi quyết định. Mặt khác, trong quá trình chiến dịch, cần kết hợp chặt chẽ các hình thức chiến thuật, như: tập kích, vận động tiến công, phục kích…; kết hợp giữa quân sự với chính trị và các mặt đấu tranh khác tạo ra sức mạnh tổng hợp tiến công địch.
Bên cạnh đó, thế trận của CDPC còn phải bảo đảm yêu cầu triển khai lực lượng đánh vào toàn bộ các khu vực, mục tiêu trong đội hình tiến công của địch, tạo ra thế cài xen, buộc địch phải phân tán đối phó, không ứng cứu chi viện được cho nhau và không phát huy được hoả lực. Đồng thời, phải có thế trận mạnh ở khu vực trọng điểm, trận then chốt; khi tạo được thế trận có lợi trên khu vực chủ yếu đó, phải nhanh chóng tập trung mọi lực lượng thực hiện đòn đánh quyết định.
Xây dựng thế trận của CDPC gồm nhiều nội dung; trong đó, trước hết phải lập thế trận nghi binh, lừa địch, nhằm che dấu lực lượng của ta, đánh lừa địch, làm cho chúng không phán đoán được ý đồ, hành động chuẩn bị của ta; thế trận đó thường bao gồm các hoạt động, như: xây dựng trận địa giả, làm đường giả,…Tiếp đó, phải xây dựng thế trận ngăn chặn, bao vây địch tiến công; bao gồm các điểm tựa, cụm điểm tựa được xây dựng vững chắc, liên hoàn, có chiều sâu để ngăn chặn địch tiến công trên các hướng. Thế trận phòng thủ, phòng ngự được xây dựng trên các địa hình có lợi, được dự kiến trước trong kế hoạch của KVPT; khi CDPC diễn ra ở địa bàn nào thì hiệp đồng với các lực lượng ở đó để tăng cường lực lượng, phương tiện, tạo thế, tạo lực cho chiến dịch.
Thế trận của lực lượng tiến công là thế trận quan trọng nhất, phải được xây dựng vững chắc, vừa có tính độc lập cao, vừa phát huy được khả năng của các lực lượng tham gia để có thể đồng thời tiến công địch từ nhiều hướng, mũi, ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến dịch. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng lập thế trận trên khu vực tác chiến chủ yếu, bảo đảm đủ điều kiện triển khai lực lượng, phương tiện (chú trọng vị trí triển khai xe tăng, xe thiết giáp), để thực hiện thắng lợi trận then chốt quyết định. Để thế trận đó diễn ra đúng với phương án, kế hoạch dự kiến, đòi hỏi nghệ thuật, mưu lược, tài dụ địch, dẫn dắt địch của người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch. Muốn thế, cần tận dụng công sự, trận địa có sẵn trong KVPT, tích cực cải tạo và xây dựng kiên cố khi có điều kiện. Trong trường hợp trận then chốt diễn ra ngoài khu vực dự kiến, cần nhanh chóng tận dụng thời cơ, thời gian, địa hình có lợi, tích cực cải tạo, bí mật triển khai lực lượng tiến công địch. Thế trận ở vị trí xuất phát xung phong cũng phải bảo đảm hình thành thế tiến công từ nhiều hướng, nhiều mũi; trong đó, có hướng, mũi tiến công vào mục tiêu chủ yếu và có hướng, mũi tiến công bên sườn, phía sau. Cùng với đó, còn phải dự kiến các khu vực địch ĐBĐK, co cụm hoặc rút chạy để từ đó xây dựng thế trận ngăn chặn, chia cắt địch, bố trí lực lượng phục kích, đón lõng và lực lượng bắn máy bay...; khi có tình huống xảy ra tạo thế bao vây, khống chế, giam chân địch và nhanh chóng cơ động, triển khai lực lượng tiến công trên nhiều hướng, nhiều mũi, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Việc xây dựng thế trận hoả lực phải bảo đảm kết hợp chặt chẽ các loại vũ khí, phương tiện, tạo thành hệ thống hoả lực vững chắc, nhiều tầng, nhiều lớp, đánh xa, đánh gần và đánh ở các độ cao khác nhau. Trong đó, các đơn vị pháo binh phải xây dựng các loại trận địa: chính thức, lâm thời, dự bị và giả; đồng thời, sẵn sàng các phương án cơ động, chuyển hoá.
Thiết bị chiến trường trong thời bình cần tập trung làm đường cơ động phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, đồng thời sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tác chiến khi có chiến tranh. Hệ thống đường cơ động trong chiến dịch, gồm: đường hành quân vào khu vực tạm dừng, đường cơ động vào vị trí triển khai xuất phát tiến công và đường bảo đảm cho phát triển chiến đấu; có đường trục dọc, trục ngang, có đường chính, đường phụ và có thể có đường nghi binh (trong đó cần chú trọng bảo đảm đường cơ động của các phương tiện cơ giới). Cùng với đó, cần tận dụng hệ thống vật cản, gồm: vật cản tự nhiên (đồi núi, sông, suối…) và vật cản nhân tạo (bãi mìn, hàng rào, chông, cạm bẫy…). Xây dựng hệ thống sở chỉ huy (SCH) các cấp phải vững chắc, có SCH cơ bản, dự bị và phía sau. Vị trí đặt SCH phải thuận lợi cho việc chỉ huy các lực lượng của chiến dịch, được ngụy trang kín đáo, sẵn sàng di chuyển theo yêu cầu, nhiệm vụ. Việc xây dựng thế trận thông tin phải bảo đảm thông tin chỉ huy, hiệp đồng vững chắc, kịp thời, giữ được bí mật… Tổ chức xây dựng thế trận hậu cần-kỹ thuật của CDPC phải tận dụng căn cứ hậu cần-kỹ thuật của KVPT, kết hợp chặt chẽ giữa hậu cần của đơn vị và khai thác hậu cần tại chỗ. Trên khu vực dễ bị chia cắt, có thể tổ chức các kho, trạm lót sẵn, có kế hoạch khai thác, sử dụng nhân lực, vật lực tại chỗ trong quá trình chiến dịch. Thế trận hậu cần-kỹ thuật cho CDPC bảo đảm có lượng dự trữ, kịp thời, đầy đủ, có chiều sâu; tập trung cho khu vực, hướng chủ yếu, trận then chốt; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng tham gia.
Để lập thế trận trong CDPC đạt hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh BVTQ trong tình hình mới, trên cơ sở hệ thống quan điểm, đường lối quân sự của Đảng và nghệ thuật quân sự Việt Nam, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghệ thuật lập thế trận của CDPC, tăng cường đưa vào đào tạo, huấn luyện, diễn tập. Trong đó, cần chú trọng nâng cao khả năng dự báo về địch tiến công trong tác chiến phòng thủ chiến lược, làm cơ sở dự kiến về hướng, lực lượng địch tiến công. Trong công tác huấn luyện, diễn tập, phải chú trọng bồi dưỡng lý luận về nghệ thuật lập thế trận cho đội ngũ cán bộ các cấp; tập trung nâng cao năng lực tư duy của người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch. Trong huấn luyện phân đội, phải coi trọng huấn luyện các nội dung về lập thế trận sát với thực tế, đối tượng tác chiến, yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn và nghệ thuật tác chiến CDPC; trong đó, chú trọng rèn luyện, nâng cao khả năng cơ động triển khai lực lượng của đơn vị, tổ chức diễn tập ở nhiều quy mô khác nhau, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trong chiến tranh, công tác trinh sát, nắm địch phải tiến hành liên tục, kết hợp nhiều biện pháp, nhiều nguồn tin, để xác định đầy đủ theo yêu cầu tác chiến. Để tạo ra thế trận có lợi, người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến dịch còn phải chỉ đạo chặt chẽ từng lực lượng, chủ động chuyển hoá thế trận, kết hợp chặt chẽ giữa thế trận của KVPT với sự cơ động linh hoạt của các lực lượng tham gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp, ưu thế hơn hẳn địch trên từng hướng, khu vực, giành thế chủ động đánh bại từng bộ phận, tiến tới đánh bại hoàn toàn địch tiến công.
Đại tá, TS. NGUYỄN HỮU PHÒNG
Học viện Quốc phòng
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc