Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:49 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm này, lực lượng Công an nhân dân đã có nhiều chủ trương, biện pháp xây dựng phong trào và đạt được hiệu quả tích cực. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, việc tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng này trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là hết sức cần thiết.
Nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ khi mới ra đời, lực lượng Công an nhân dân đã xác định luôn gắn bó với quần chúng nhân dân, dựa vào dân tạo thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng để bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp có các phong trào: “Ba không”, “Ngũ liên gia bảo”, “Thập gia liên báo”, v.v. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có phong trào: “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”, “Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn”, v.v. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, trước yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao và nặng nề của công tác bảo vệ an ninh, trật tự, ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg về ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngày 12/12/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Lệnh số 30/2005/L-CTN công bố Luật Công an nhân dân, tại Điều 11 quy định: “Ngày 19 tháng 8 hằng năm là Ngày truyền thống của Công an nhân dân và là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Triển khai Quyết định số 521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an ban hành Văn bản số 72/HD-BCA(V11), ngày 01/8/2005 hướng dẫn các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện; đồng thời, xây dựng Kế hoạch số 110/KH-BCA(X11), ngày 16/12/2005 chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngay trong năm 2005, Bộ Công an phát động và triển khai sâu rộng phong trào “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” trong toàn lực lượng; tích cực tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về “Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Từ đó đến nay, lực lượng Công an nhân dân tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động ban hành nhiều trương trình, kế hoạch, hướng dẫn xây dựng phong trào một cách toàn diện; đồng thời, khen thưởng, tổng kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cho tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích trong thực hiện nhiệm vụ này. Cùng với đó, Bộ đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng làm công tác phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là lực lượng Công an cơ sở. Đến nay, lực lượng chuyên trách làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được xây dựng, củng cố, tổ chức một cách chặt chẽ, hệ thống từ cấp Bộ đến cấp cơ sở. Quán triệt Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an ký kết nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự, như: Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTQ, ngày 01/8/2013 giữa Bộ Công an với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, xây dựng các nghị quyết liên tịch: với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về “Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên”; với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam về “Phối hợp xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc” và “Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước trong tình hình hiện nay”; với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về “Giáo dục công nhân viên chức không phạm tội và tệ nạn xã hội”; với Hội Nông dân Việt Nam về “Vận động nông dân tham gia phòng, chống tội phạm”, v.v.
Trong quá trình công tác, giữ gìn an ninh, trật tự, cán bộ, chiến sĩ Công an kiên trì bám sát cơ sở, quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm “dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực bám dân, bám cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn; chủ động, kịp thời nắm tâm tư, tình cảm và giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân; tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh, trật tự. Do đó, hiệu quả phát huy vai trò của quần chúng trong thực hiện phong trào không ngừng được nâng cao; người dân đã cung cấp “hàng chục triệu nguồn tin có liên quan đến công tác an ninh, trật tự, trong đó có 60% đến 70% tin có giá trị giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ phạm tội”1.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vẫn còn một số hạn chế, như: còn một số cán bộ, chiến sĩ Công an, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chưa chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, tổ chức xây dựng phong trào. Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về quyền và nghĩa vụ của họ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự chưa được tiến hành thường xuyên; nội dung, hình thức xây dựng, tổ chức phong trào có nơi, có lúc còn đơn điệu, chưa có sức lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia. Lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh, trật tự nhất là lực lượng ở cấp cơ sở chưa đủ mạnh; công tác phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các lực lượng trong hệ thống chính trị chưa thường xuyên; điều kiện đảm bảo cho công tác xây dựng phong trào có mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Trong thời gian tới, tình hình quốc tế, trong nước có nhiều nhân tố tác động, ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của Công an nhân dân trong xây dựng, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang với âm mưu, phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, song một số hạn chế vẫn tồn tại, nhất là tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là những nhân tố tác động đến việc phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Để khắc phục điều đó, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nội dung sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân về vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xác định việc thực hiện xây dựng phong trào là trách nhiệm của toàn lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, phải có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện công tác này đối với từng lĩnh vực, loại đối tượng, địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phải nhận thức rõ đây là một công việc quan trọng, một tiêu chí đánh giá cán bộ và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Hai là, tiếp tục xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với nhân dân. Trước mắt, phải sắp xếp bộ máy tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm tốt công tác bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, pháp luật, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ làm công tác giữ gìn an ninh, trật tự, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ, phá hoại mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Công an với nhân dân, Công an nhân dân với Quân đội nhân dân của các thế lực thù địch. Lãnh đạo, chỉ huy Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên giáo dục và quản lý cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm điều lệnh, quy tắc ứng xử khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân; tôn trọng và bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.
Ba là, tăng cường phối hợp với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương và các bộ, ngành, địa phương trong vận động, tổ chức, tập hợp quần chúng nhân dân tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tập trung nghiên cứu, ban hành, bổ sung các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên Ban Chỉ đạo; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sơ kết, tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Bốn là, tích cực, chủ động tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật và có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời quần chúng tích cực tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo ban hành các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở; quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Năm là, có chủ trương, biện pháp phù hợp, đổi mới nội dung, hình thức xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa bàn, lĩnh vực hoạt động. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân ý thức, trách nhiệm về quyền, nghĩa vụ tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nâng cao hiệu quả công tác dân vận; phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc tôn giáo trong xây dựng phong trào tại các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo. Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với phong trào Thi đua Yêu nước do Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát động.
NGUYỄN VIỆT HÙNG, Học viện An ninh nhân dân ________________
1 - Bộ Công an - Báo cáo tổng kết 30 năm xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Hà Nội. 2016.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc,Công an nhân dân
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc