Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:11 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Cơ quan chính trị các cấp là một thành phần quan trọng trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, nhằm củng cố, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, trước hết là vững mạnh về chính trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, cần phát huy vai trò cơ quan chính trị các cấp trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị bằng tổng thể nội dung, giải pháp.
Thực tiễn tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội hơn 75 năm qua cho thấy, cơ quan chính trị các cấp luôn là một thành phần quan trọng cấu thành cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội. Việc vận hành cơ chế, phát huy vai trò, hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị đều phụ thuộc trực tiếp, có ý nghĩa quyết định bởi vai trò và chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội, có những đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cơ quan chính trị các cấp đã nghiên cứu, đề xuất với cấp ủy, cán bộ chủ trì cùng cấp và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tiến hành công tác giáo dục chính trị, công tác tư tưởng; kết hợp giáo dục chính trị với giáo dục truyền thống và giáo dục pháp luật. Qua đó, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa ý thức hệ của giai cấp công nhân giữ vai trò chủ đạo trong đời sống chính trị - tinh thần trong Quân đội. Đồng thời, tiến hành đồng bộ công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách và cán bộ; xây dựng Đảng bộ Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ và trước những vấn đề mới đặt ra đối với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, một số cơ quan chính trị chất lượng, hiệu quả hoạt động có nhiệm vụ, có thời điểm có mặt còn hạn chế. Tính chủ động, nhạy bén, năng lực tham mưu đề xuất, tiến hành các mặt hoạt động có lúc chưa cao. Nội dung, hình thức hoạt động chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo. Việc tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ của một số cán bộ, trợ lý cơ quan chính trị còn thiếu tích cực, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị có mặt chưa ngang tầm nhiệm vụ, v.v.
Những năm tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư phát triển mạnh mẽ, tạo thời cơ và đột phá trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Các yếu tố an ninh phi truyền thống tiếp diễn phức tạp; xuất hiện một số hình thái chiến tranh mới, làm thay đổi môi trường chính trị, tác động sâu sắc tới mọi quốc gia, dân tộc. Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam ngày càng công khai, trực diện hơn, đặc biệt là chúng thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội. Trong khi Quân đội đặt ra mục tiêu: “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”1. Để thực hiện mục tiêu này phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp; trong đó, “xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu, Quân đội vững mạnh về chính trị, cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nắm vững chức trách, nhiệm vụ, tinh thông nghiệp vụ, đạo đức cách mạng trong sáng, giữ vững và phát huy bản chất cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”2 là vấn đề đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cần phát huy vai trò của cơ quan chính trị các cấp bằng tổng thể nội dung, giải pháp, nổi lên là:
Một là, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp về vị trí, vai trò của cơ quan chính trị các cấp. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhất là yêu cầu giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội hiện nay, đòi hỏi cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò của cơ quan chính trị các cấp - cơ quan lãnh đạo, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Trên cơ sở nhận thức đúng, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp phải xem việc xây dựng cơ quan chính trị vững mạnh toàn diện và phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất tiến hành công tác đảng, công tác chính trị là trách nhiệm của mình; coi đó là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Thường xuyên có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có kế hoạch, chương trình, xác định rõ mục tiêu, phương hướng, biện pháp xây dựng cơ quan chính trị các cấp vững mạnh về mọi mặt; phát huy vai trò tham mưu, đề xuất về những nội dung, biện pháp xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần hết sức coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tạo điều kiện giúp đỡ để cơ quan chính trị các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hai là, coi trọng xây dựng hệ thống cơ quan chính trị các cấp vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu về mọi mặt, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế và cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ của từng chức danh cán bộ, nhân viên cơ quan chính trị theo Quy định số 61-QĐ/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư (khóa XII) về cơ quan chính trị các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam và các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương. Việc kiện toàn biên chế, tổ chức cơ quan chính trị các cấp phải quán triệt phương châm tinh, gọn, mạnh, phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục cụ thể hóa, xác định rõ từng chức danh cán bộ, trợ lý, nhân viên trong cơ quan và quy định rõ chức trách, nhiệm vụ cho từng chức danh đó. Khắc phục tình trạng đem một mô hình chung về biên chế, tổ chức cơ quan chính trị áp dụng cho mọi cơ quan, đơn vị và thiếu cụ thể trong quy định chức trách, nhiệm vụ của một số chức danh cán bộ, trợ lý ngành nghiệp vụ ở cơ quan chính trị. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt và trợ lý đầu ngành có số lượng đủ, chất lượng cao, tinh thông chuyên môn, nghiệp vụ, có kỹ năng, kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, tư duy lãnh đạo và sắc sảo trong tham mưu, đề xuất đối với lĩnh vực được đảm nhiệm, có đủ tâm, tầm, trí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Riêng đối với đội ngũ cán bộ chủ trì, ngoài tiêu chí trên phải có đủ năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành mọi hoạt động của cơ quan, có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, đề xuất. Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, tuyển chọn đội ngũ vào cơ quan chính trị các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp, tác phong công tác, thực hiện tốt chế độ làm việc của cơ quan chính trị các cấp. Thực tiễn cho thấy, phương pháp, tác phong công tác, phong cách làm việc của một số cơ quan chính trị bên cạnh mặt mạnh vẫn còn có hạn chế nhất định, tính kế hoạch chưa cao, chưa bám sát thực tiễn, v.v. Vì vậy, phải đổi mới toàn diện phương pháp, tác phong, phong cách làm việc của cơ quan trong tham mưu, đề xuất, chỉ đạo công tác đảng, công tác chính trị, theo hướng: cụ thể, tỉ mỉ, bám sát chỉ thị, nghị quyết của trên và sâu sát thực tiễn. Trước hết, cần tập trung đổi mới phương pháp, tác phong trong nghiên cứu, quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; liên hệ với thực tiễn để phát hiện, đề xuất xử lý những vấn đề nổi cộm, khó khăn, vướng mắc cần tập trung tháo gỡ. Đặc biệt, coi trọng đổi mới nắm tình hình tư tưởng, tổ chức của các đơn vị thuộc quyền; tăng cường đi cơ sở, sâu sát cơ sở, xuất phát từ thực tiễn cơ sở để tham mưu, đề xuất việc xây dựng kế hoạch và hướng dẫn thực hiện kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị; lấy chất lượng, hiệu quả công tác được giao để đánh giá, nhận xét, cất nhắc, đề bạt cán bộ.
Bốn là, đề cao vai trò của cơ quan chính trị các cấp trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị tất yếu phải đi đôi với phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội và các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bởi “Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nền văn hóa; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới và lợi ích quốc gia, dân tộc”3. Vì vậy, cần có biện pháp đấu tranh hiệu quả với quan điểm sai trái, thù địch để tránh nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội. Cơ quan chính trị các cấp cần phát huy tốt vai trò trong đấu tranh về tư tưởng, lý luận, tập trung làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, đòi “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Trước hết, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tăng cường đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Chỉ thị số 47-CT/CT, ngày 08/01/2016 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả.
Thực hiện đồng bộ các nội dung trên, sẽ phát huy được vai trò cơ quan chính trị các cấp, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Đại tá, TS. TRẦN NGỌC HỒI, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng __________________
1 - Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Dùng cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội), Nxb QĐND, H. 2020, tr. 45 - 46.
2 - Sđd, tr. 46 - 47.
3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 117.
cơ quan chính trị,xây dựng Quân đội vững mạnh
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc