Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:40 (GMT+7)
Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi
Cùng với sức mạnh quân sự và thế vững mạnh của nền kinh tế thì “sức mạnh mềm” là một trong những yếu tố cơ bản, góp phần quan trọng tạo thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, sẵn sàng để chiến thắng mọi mưu đồ của các thế lực xâm lược, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Vì vậy, phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia trong sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu, yếu tố rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Những năm gần đây, khái niệm “sức mạnh mềm” thường xuyên được đề cập và trong thực tế nó đã trở thành nguồn “tài nguyên quyền lực” mới của mỗi quốc gia, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quan hệ quốc tế. Trong một thế giới đang thay đổi, đầy biến động, khó dự báo, thì việc các quốc gia, dân tộc luôn coi trọng sử dụng “sức mạnh mềm” và xác định nó như một trụ cột quốc gia đã, đang là xu hướng chung của cộng đồng quốc tế. Cùng với các sức mạnh khác, “sức mạnh mềm” góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ chính trị, bảo vệ nhân dân và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Theo giáo sư Joseph Nye1, “sức mạnh mềm” là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách, phù hợp với điều mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế, quân sự. Như vậy, có thể hiểu, “sức mạnh mềm” là tất cả các khả năng mà con người, cộng đồng người hay một quốc gia có thể tạo ra, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút, thuyết phục người khác, quốc gia khác tự nguyện làm theo mà không cần thông qua sức mạnh kinh tế, quân sự. Bản chất cốt lõi của “sức mạnh mềm” chính là tính hấp dẫn, các khả năng tạo ra sức mạnh của một quốc gia có sức hấp dẫn đến mức các quốc gia khác tự nguyện làm theo, tự nguyện thay đổi hành vi, chính sách của mình với tinh thần hợp tác, không cần dựa vào sự áp đặt, cưỡng bức.
Khác với “sức mạnh mềm”, “sức mạnh cứng” của một quốc gia được nhận diện bởi sức mạnh quân sự (quy mô tổ chức quân đội; sự hiện đại của vũ khí, trang bị; khả năng cơ động; trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm; lý luận quân sự, nhất là lý luận về nghệ thuật quân sự cùng các yếu tố khác hợp thành) và thế mạnh về kinh tế của một quốc gia (quy mô, trình độ của nền kinh tế; cơ cấu kinh tế; khả năng hội nhập, năng lực cạnh tranh kinh tế quốc tế; khả năng kinh tế huy động cho quốc phòng, an ninh). Bản chất của “sức mạnh cứng” là sự áp đặt, cưỡng bức người khác, quốc gia khác phải làm theo ý muốn của mình, trong khi “sức mạnh mềm” tôn trọng sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục, thu hút để người khác, quốc gia khác tự nguyện làm theo. “Sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” có mối quan hệ chặt chẽ, củng cố, bổ sung và tăng cường sức mạnh cho nhau, khi được kết hợp có hiệu quả thì tạo thành sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Nội dung của “sức mạnh mềm” khá toàn diện, là tất cả các khả năng mà một quốc gia có thể tạo ra; có ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự, như: văn hóa quân sự, văn hóa giữ nước, bản sắc dân tộc, hợp tác quốc tế về kinh tế, v.v. Đặc biệt, “sức mạnh mềm” được thể hiện rõ nét ở các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của một dân tộc, các giá trị từ nền chính trị cũng như các chính sách đối ngoại của một quốc gia. Ngày nay, các quốc gia đều coi trọng, sử dụng “sức mạnh mềm” trong cả đối nội và đối ngoại, nhằm xây dựng sức mạnh tổng hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; trong đó phải kể đến Trung Quốc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Singapore, v.v.
Trung Quốc là một quốc gia điển hình về sử dụng “sức mạnh mềm”, nhất là trên lĩnh vực văn hóa; Ðại hội XVII Ðảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên khẳng định, “sức mạnh mềm” là bộ phận cấu thành quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia cũng như sức cạnh tranh quốc tế của đất nước. Đối với Mỹ, bên cạnh thúc đẩy phát triển sức mạnh quân sự và kinh tế, cũng rất coi trọng tuyên truyền, tạo sự lan tỏa các giá trị Mỹ, trong đó có vấn đề “tự do”, “dân chủ”, nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mà trọng tâm là các nhà khoa học lớn của thế giới đến làm việc, học tập và sinh sống tại Mỹ. Về phía Nga đã vận dụng, sử dụng “sức mạnh mềm” - ngoại giao thân thiện, gắn với lợi ích chính trị và kinh tế, tạo ra ảnh hưởng nhất định trong quan hệ với nhiều nước, trở thành quốc gia có khả năng dàn xếp, tháo gỡ “nút thắt” cho các vấn đề khu vực và quốc tế, được các quốc gia ghi nhận và đánh giá cao. Không chỉ các nước lớn, ngay cả nước nhỏ, đất không rộng, người không đông, nhưng biết sử dụng “sức mạnh mềm” hợp lý, vẫn có thể tạo được ảnh hưởng lớn đối với thế giới. Tiêu biểu như Hàn Quốc đã sớm có chiến lược phát triển “sức mạnh mềm” dựa trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực; trong đó, hết sức coi trọng phát triển và phổ quát văn hóa quốc gia. Ðáng chú ý, nước này đã phát triển văn hóa thành nền công nghiệp gắn với các mục tiêu khác, nhờ vậy mà văn hóa, hình ảnh đất nước Hàn Quốc được lan tỏa ra khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Với một phương thức khác, nhờ cách tổ chức và quản trị xã hội khoa học, có môi trường hòa bình, ổn định, các chính sách xã hội hợp lý, cùng với khả năng thu hút, sử dụng, trọng dụng nhân tài, Singapore đã có sức hấp dẫn, lan tỏa, thu hút nhiều nhà khoa học lớn, vốn đầu tư và hoạt động kinh doanh của các nước, trở thành một trong những trung tâm thương mại hàng đầu thế giới, đất nước đáng sống và làm việc.
Với Việt Nam, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, “sức mạnh mềm” luôn là bộ phận không thể thiếu, hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia. Thời nhà Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ “sức mạnh mềm” ở chủ trương “Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” và chiến lược “Ngã mưu phạt nhi công tâm, bất chiến tự khuất” - kế đánh vào lòng người, không xông trận mà vẫn khuất phục được đối phương. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển “sức mạnh mềm” Việt Nam lên tầm cao mới, với các quan điểm, tư tưởng: dĩ bất biến, ứng vạn biến; nước lấy dân làm gốc; lấy sức dân làm lợi cho dân; văn hóa soi đường cho quốc dân đi; đại đoàn kết dân tộc và các chủ trương về trồng người, về giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, v.v. Ngày nay, “sức mạnh mềm” được phát huy cao độ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (tháng 8/2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: thực lực và vị thế ở đây không chỉ thể hiện trong sức mạnh vật chất mà cả trong “sức mạnh mềm”. Việt Nam có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ phát huy cao độ “sức mạnh mềm” cùng với các sức mạnh khác của đất nước.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, “sức mạnh mềm” đã, đang có vị trí, vai trò rất quan trọng, cùng với “sức mạnh cứng” hợp thành sức mạnh tổng hợp của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, cùng với xây dựng các nội dung cơ bản của nền quốc phòng toàn dân, cần coi trọng nghiên cứu, phát triển “sức mạnh mềm” của quốc gia trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược quan trọng này.
Trước hết, cần tiếp tục phát huy “sức mạnh mềm” văn hóa trong sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam là quốc gia có kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, sự sáng tạo, phong phú về đời sống tinh thần, cách thức độc đáo về tổ chức cộng đồng, trong đó không thể không nhắc tới các giá trị văn hóa phản ánh sự nghiệp đấu tranh kiên cường, bất khuất của cộng đồng người Việt chống lại sự đồng hóa của ngoại bang và sự nghiệp đấu tranh vũ trang kiên cường, bất khuất chống lại nhiều đội quân xâm lược hùng mạnh - văn hóa quân sự. Văn hóa là nền tảng tinh thần của một dân tộc, “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy các giá trị văn hóa vật chất (vật thể), tinh thần (phi vật thể) của dân tộc đối với sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, giá trị văn hóa tinh thần được thể hiện rất phong phú và đa dạng, như: lòng yêu nước, yêu quê hương xứ sở, sự cố kết cộng đồng, ý chí kiên cường, bất khuất, sự đùm bọc, sẻ chia, yêu chuộng hòa bình, lòng nhân nghĩa, nhân ái, nhân văn, hòa hiếu, khoan dung, độ lượng, v.v. Còn giá trị văn hóa vật thể cùng với văn hóa phi vật thể phản ánh những nét độc đáo về giá trị tinh thần của người Việt Nam qua các thời đại. Với bề dày lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt, Việt Nam có nhiều công trình lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo, tạo nên một nước Việt Nam có nền văn hóa đa đạng, giàu bản sắc. Giá trị văn hóa tinh thần và giá trị văn hóa vật chất hợp thành giá trị văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Ðây là “sức mạnh mềm”, động lực cơ bản trong huy động sức người, sức của cho sự nghiệp quốc phòng bảo vệ Tổ quốc; kết hợp với việc lan tỏa các giá trị văn hóa ấy trong các quốc gia, cộng đồng quốc tế để thu hút, cảm hóa mọi người, tạo ra mối quan hệ thân thiện, gần gũi, từ đó không ngừng nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam. Vì vậy, người Việt Nam ở nước ngoài cần lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế; đồng thời, quảng bá rộng rãi, sâu sắc các giá trị văn hóa Việt Nam nhằm thu hút các cá nhân, tổ chức nước ngoài đến học tập, công tác, kinh doanh, du lịch, định cư tại Việt Nam và làm cho các giá trị văn hóa Việt Nam ngày càng được phổ biến, lan tỏa trong cộng đồng quốc tế. Ðây là một trong những cơ sở quan trọng để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa các nguy cơ có thể gây mất ổn định, xung đột hay chiến tranh.
Tăng cường, phát huy “sức mạnh mềm” quốc gia từ các giá trị chính trị của đất nước. Trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn gắn với một chế độ chính trị nhất định. Sau khi giành được độc lập, Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị của dân tộc. Đây là chế độ chính trị mà tính ưu việt, đã được minh chứng trên thực tiễn; là cơ sở chủ yếu, động lực cơ bản để huy động sức người, sức của tiến hành thắng lợi các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc trước đây. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, chủ nghĩa xã hội đang tiếp tục được nghiên cứu, phát triển cho phù hợp với những đặc điểm của đất nước và xu hướng vận động phát triển của xã hội loài người, nhằm ngày càng nâng cao khả năng hòa nhập quốc tế của đất nước. Xét về “sức mạnh mềm” từ các giá trị chính trị của đất nước, phải kể đến sự ổn định chính trị và các chính sách an sinh xã hội từ nền chính trị ấy. Trong khi nhiều nước trên thế giới thường xuyên xảy ra bất ổn về chính trị do nhiều lý do khác nhau, thì Việt Nam rất ổn định về chính trị. Một môi trường hòa bình, ổn định là lợi thế lớn - “sức mạnh mềm” cực kỳ quan trọng, có sức lan tỏa rộng rãi, lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ bạn bè quốc tế đến với Việt Nam. Khi đến với Việt Nam, họ cảm thấy yên tâm, tin tưởng, an toàn cả về con người và tài sản, lợi ích của họ cũng được bảo đảm. Cùng với sự ổn định về chính trị, các chính sách xã hội của Việt Nam cũng có sức thuyết phục lớn bạn bè quốc tế. Ở Việt Nam, người dân được làm chủ vận mệnh của mình; được sống, được mưu cầu hạnh phúc, được làm chủ xã hội; cuộc sống vật chất, tinh thần luôn được bảo đảm ở mức tốt nhất có thể, được tự do làm ăn, sinh sống trong hòa bình. Ðây là nguồn “sức mạnh mềm” quan trọng từ các giá trị của nền chính trị Việt Nam, cần được phát triển theo chiều sâu, vững chắc, tạo niềm tin, thuyết phục bạn bè quốc tế đến với chúng ta và hết lòng ủng hộ Việt Nam, làm tăng khả năng quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy “sức mạnh mềm” Việt Nam từ các giá trị của các chính sách đối ngoại của quốc gia. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, tổ tiên ta rất coi trọng kết hợp hoạt động quân sự với đấu tranh ngoại giao. Thời đại Hồ Chí Minh, “vừa đánh, vừa đàm” là một trong những phương châm cơ bản, chỉ đạo đường lối chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, với đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, “thêm bạn, bớt thù” và các chính sách ngoại giao: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia - dân tộc; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; khép lại quá khứ hướng tới tương lai; mở rộng hợp tác quốc tế,… cùng phương pháp ngoại giao thân thiện, khôn khéo, mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên quyết của một dân tộc được hình thành từ nền văn minh lúa nước đã tạo nguồn “sức mạnh mềm” rất quan trọng, có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút, lôi cuốn, thuyết phục mạnh mẽ bạn bè quốc tế. Ðây cũng là nguồn sức mạnh không ngừng gia tăng vị thế, uy tín và năng lực cạnh tranh quốc tế của Việt Nam cần tiếp tục được phát huy, phát triển, tạo cơ sở quan trọng cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Có thể thấy, nhờ vào “sức mạnh mềm” đối ngoại cùng với các hoạt động khác, đến nay Việt Nam đã đặt quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới (bao gồm 191/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc), xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với 12 nước, quan hệ đối tác chiến lược với 18 nước, trong đó có 05 nước thành viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam cũng giải quyết hợp lý các vấn đề biên giới với các nước láng giềng, từng bước giải quyết các vấn đề phức tạp trên Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Ðặc biệt, Việt Nam luôn nêu cao chính nghĩa; đại đoàn kết dân tộc; độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên trì nguyên tắc chiến lược, linh hoạt mềm dẻo trong sách lược; tuân thủ tư tưởng: “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ðó là một trong những nguồn “sức mạnh mềm” cơ bản, cùng với các sức mạnh khác hình thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH ________________
1 - Nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy, Đại học Harvard; nguyên Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
“sức mạnh mềm” quốc gia,sức mạnh tổng hợp,sự nghiệp quốc phòng,bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 18/11/2024
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 11/11/2024
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 30/10/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” 28/10/2024
Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 21/10/2024
Về nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập chiến thuật tác chiến không gian mạng trong tình hình mới 14/10/2024
Nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế của đội ngũ cán bộ các nhà trường Quân đội hiện nay 23/09/2024
Một số vấn đề về mở chiến dịch phòng ngự trong tác chiến phòng thủ quân khu 16/09/2024
Bàn về tổ chức, sử dụng lực lượng vũ trang quân khu ứng phó với dịch bệnh 09/09/2024
Giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các đơn vị chiến đấu ở Quân khu 5 26/08/2024
Một số vấn đề về giáo dục, rèn luyện bộ đội theo phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Một số vấn đề về đánh địch đổ bộ đường biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
Về phát triển nguồn nhân lực ngành Xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Một số vấn đề về động viên quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc