Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 17/02/2012, 15:41 (GMT+7)
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Người, trong các giai đoạn cách mạng trước đây cũng như hiện nay, Đảng ta luôn coi trọng và hết sức chăm lo tăng cường đại đoàn kết dân tộc.

alt

Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh và Liên Việt - biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (ảnh tư liệu)

Hồ Chí Minh đã chỉ ra những luận điểm có tính chân lý cho mọi thời kỳ cách mạng: Đoàn kết làm ra sức mạnh; đoàn kết là thắng lợi; đoàn kết là then chốt của thành công. Người khái quát:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”.

Thực hiện đại đoàn kết dân tộc (ĐĐKDT) là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng nước ta. Hồ Chí Minh yêu cầu mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phản ánh được nguyện vọng, quyền lợi của đại đa số dân chúng để có thể tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng cho cách mạng. Thực hiện ĐĐKDT đồng thời cũng là một nhu cầu, một đòi hỏi khách quan của bản thân quần chúng trong sự nghiệp đấu tranh tự giải phóng và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, thực hiện ĐĐKDT phải là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Đảng, Nhà nước phải thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn, chuyển những đòi hỏi khách quan, tự thân của quần chúng thành nhu cầu tự giác, có tổ chức, thành sức mạnh vô địch của dân tộc để đạt đến mục tiêu của cách mạng: độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đại hội XI của Đảng đã khẳng định “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”1.

ĐĐKDT là đại đoàn kết toàn dân. “Dân” theo quan niệm của Hồ Chí Minh là đồng bào, là anh em một nhà; là không phân biệt già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, quý, tiện. “Dân” là toàn dân, toàn dân tộc Việt Nam; bao gồm dân tộc đa số, thiểu số cùng sống trên một dải đất Việt Nam. Như vậy, “dân” vừa được hiểu là mỗi cá nhân, vừa là toàn thể đồng bào. Nắm vững quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, Hồ Chí Minh đã chỉ ra giai cấp công, nông là lực lượng đông đảo nhất, bị áp bức nặng nề nhất, có tinh thần cách mạng triệt để nhất.

Sức mạnh ĐĐKDT trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sức mạnh được tổ chức, lãnh đạo và xây dựng trên một cơ sở lý luận khoa học nhằm hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Lực lượng đó là lực lượng toàn dân, được tập hợp trong Mặt trận Dân tộc thống nhất, để vừa đông về số lượng và nâng cao về chất lượng. Ngay sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh đã quan tâm tới vấn đề tổ chức lực lượng phù hợp với giai cấp, tầng lớp, ngành nghề, lứa tuổi; phù hợp với từng bước phát triển của cách mạng. Hồ Chí Minh nhận thức rõ ràng về vai trò của dân. Dân là gốc rễ, là nền tảng của nước. Dân là người chủ của nước và là chủ thể ĐĐKDT; là lực lượng quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Vì dân không phải là một khối thuần nhất nên muốn đại đoàn kết phải hiểu dân, tin dân, dựa vào dân. Muốn ĐĐKDT, phải khai thác được những yếu tố tương đồng, hạn chế những điểm khác biệt trong các mối quan hệ phức tạp, như: cá nhân - tập thể; gia đình - xã hội; bộ phận - toàn cục; giai cấp - dân tộc. Vì dân không phải là một khối đồng nhất, nên phải xác định rõ vai trò, vị trí của các giai tầng xã hội. Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải đoàn kết đa số nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết, trong đó nòng cốt là liên minh công, nông, trí thức.

Từ khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh tập trung xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để quy tụ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tùy từng giai đoạn cách mạng, Đảng đã xây dựng các tổ chức: Hội Phản đế đồng minh (1930); Mặt trận Dân chủ (1936); Mặt trận Nhân dân phản đế (1939); Mặt trận Việt Minh (1941);… Đảng Cộng sản là thành viên của Mặt trận nhưng là thành viên lãnh đạo Mặt trận. Vì vậy, Đảng là linh hồn của khối ĐĐKDT. Cho nên Đảng phải “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”; phải là “một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất”2. Đảng phải có chính sách đúng đắn và có năng lực lãnh đạo thì mới giành được địa vị lãnh đạo Mặt trận. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng việc xác định chính sách Mặt trận đúng đắn. Đảng cần tuyên truyền, giáo dục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, cảm hóa, khêu gợi tinh thần tự giác, tự nguyện, tôn trọng các tổ chức, lắng nghe ý kiến người ngoài Đảng… Đảng phải thực sự đoàn kết nhất trí, bởi sức mạnh của Đảng là ở sự đoàn kết nhất trí.

Theo Hồ Chí Minh, thắng đế quốc, phong kiến là nhiệm vụ không dễ, nhưng thắng bần cùng lạc hậu còn khó khăn hơn. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đánh đổ giai cấp địch đã khó, đấu tranh xây dựng CNXH còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều”3. Để hoàn thành một nhiệm vụ “khó khăn hơn nhiều” so với trước, tất yếu phải có sức mạnh lớn hơn trước, nghĩa là sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay khó khăn hơn trước bội phần và đòi hỏi phải phát huy tối đa sức mạnh ĐĐKDT.

ĐĐKDT là một truyền thống quý báu, có sức mạnh vĩ đại, đã được thử thách trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Hồ Chí Minh và Đảng ta đã kế thừa, không ngừng phát huy sức mạnh đó, nâng lên ở tầm cao mới, mở ra những nội dung mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, ĐĐKDT không phải là “nhất thành bất biến”. Ở mỗi thời kỳ phát triển của lịch sử đều xuất hiện những nhân tố có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến khối ĐĐKDT. Nhận thức và xử lý đúng đắn những nhân tố này là điều kiện cơ bản để không ngừng củng cố và tăng cường khối ĐĐKDT.

Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chống ngoại xâm thì “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là giá trị cao nhất; là mục tiêu chung tạo nên cơ sở khách quan thuận lợi cho đại đoàn kết, nhờ đó mà toàn thể dân tộc Việt Nam sẵn sàng thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”4. Và để chiến thắng, để “Kháng chiến lâu dài đi đến thắng lợi cuối cùng, cần phải động viên hết thảy mọi lực lượng”5. Sau khi đã đuổi được ngoại xâm, sức mạnh của ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do được chuyển thành sức mạnh của ý chí xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới, thì vấn đề ĐĐKDT lại phải tìm ra được mục tiêu mới, nội dung mới và động lực mới làm nền tảng chung để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc.

Mục tiêu chung của đại đoàn kết hiện nay là: “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”5. Mục tiêu đó phản ánh lợi ích, nguyện vọng chung của toàn thể dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện sự thừa nhận và tôn trọng mục tiêu riêng, lợi ích riêng của các giai cấp, các tầng lớp, các thành phần kinh tế và nói chung là của mọi người dân. Mục tiêu chung là phải làm cho nước mạnh lên, và muốn nước mạnh thì phải làm cho dân giàu, nghĩa là ai cũng có quyền được làm giàu một cách chính đáng bằng trí tuệ và năng lực của mình; đó là mục tiêu riêng. Nhưng làm giàu cho đất nước và làm giàu cho bản thân và gia đình mình không phải lúc nào cũng tương hợp với nhau, vả lại, giàu có không thể thực hiện đồng đều ngay một lúc. Bởi những người có khả năng, điều kiện sẽ giàu lên trước. Cho nên, “Kết hợp hài hòa các lợi ích” là một điều kiện để phát huy sức mạnh ĐĐKDT trong tình hình mới.

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là sự nghiệp của toàn dân. Chỉ có phát huy được vai trò to lớn của toàn dân thì mới có thể làm tốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết bài học kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 76 năm và đặc biệt trong 20 năm đổi mới và đề ra đường lối xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, Đại hội X của Đảng khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6. Đại hội XI tiếp tục nhấn mạnh: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, thương yêu, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”7.

Để tăng cường, củng cố và phát huy vai trò của khối ĐĐKDT cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, chúng ta cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của khối ĐĐKDT; đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, mọi chính sách phát triển phải lấy con người là mục tiêu, tạo mọi điều kiện để con người phát huy tốt nhất những năng lực bản chất của mình; phải coi trọng việc tăng cường, củng cố khối liên minh công - nông - trí trong điều kiện mới…

Sức mạnh dân tộc bắt nguồn từ công cuộc lao động, chiến đấu của mọi thành viên trong cộng đồng 54 dân tộc, của các thành phần kinh tế, mọi khả năng và mọi lực lượng vật chất, tinh thần, trí tuệ của người dân Việt Nam ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Để xây dựng đất nước giàu mạnh trong bối cảnh thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, Đảng ta chủ trương phải không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nhanh và hài hoà các thành phần kinh tế. Trong đó, phải tăng cường tiềm lực và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, bảo đảm cho kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng; khuyết khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp mà chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần. Phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, khuyến khích kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài… Đây chính là đường lối phát triển kinh tế đúng đắn, phù hợp, động viên được mọi khả năng, nguồn lực của cả dân tộc. Dưới một góc độ khác, đó cũng chính là một trong những chính sách ĐĐKDT theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Hơn lúc nào hết, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế ngày nay, chúng ta luôn ghi nhớ bài học mà Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do”8.

Xây dựng và củng cố khối ĐĐKDT vì một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và XHCN là một cống hiến về lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày nay, trong xu thế hội nhập quốc tế, tư tưởng ĐĐKDT của Hồ Chí Minh càng tỏa sáng. Tiếp tục phát huy sức mạnh ĐĐKDT để xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là sự kế tục và phát triển sáng tạo tư tưởng ĐĐKDT của Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Nó mãi mãi là kinh nghiệm quý báu để bảo vệ và chấn hưng đất nước trước mọi thử thách của thời cuộc.

Thượng tá NGÔ QUC HI và NGUYN BÌNH MINH

______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 48.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 139.

3 - Sđd - Tập 9, tr. 279.

4 - Sđd - Tập 3, tr. 557.

5 - Sđd - Tập 4, tr. 84.

6 - ĐCSVN - Văn kin Đi hi đi biu toàn quc ln th X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 116.

7 - ĐCSVN - Văn kin Đại hi đại biu toàn quc ln th XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 244.

8 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 217.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.